Nguyễn Quang Duy
Ông bà ta dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, lần này Tổng Thống Hoa Kỳ Obama ở nhà lại học được một sàng khôn.
Bài học đầu tiên là tác phong thực dụng của ông Trương Tấn Sang Chủ tịch
nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Không như các chính trị gia
khác, ông Sang không cần quan tâm đến kiểu đón tiếp ngọai giao, không
cần đại bác, không cần cờ xí thảm đỏ, không cần những buổi tiếp tân do
Tòa Bạch Ốc chiêu đãi. Cái ông Sang cần là kết quả, là sự hiểu biết khác
biệt, là Việt Mỹ tiến đến hợp tác tòan diện, là hòa hợp với người Mỹ
gốc Việt, là công khai trao phong bì tận tay Tổng Thống Mỹ.
Kết quả cụ thể đã được nêu rõ trong Bản Thông Báo Chung: nâng cấp quan
hệ giữa hai nước Việt Mỹ lên một tầm mức mới. Quan hệ mới này dựa trên
các nguyên tắc "tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế,
hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Cũng chỉ vì thiếu tác phong thực dụng và phân tích thực tiễn, 67 năm qua
chưa ai làm được điều này.
Vấn đề nhân quyền là vấn đề được phía Mỹ đưa ra và thường dẫn đến chỗ bế
tắc. Lần này đã được ông Sang thẳng thắn trao đổi với ông Obama. Kết
qủa là cả hai bên “tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên hợp
quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”.
Về phía Việt Nam việc quảng bá Hiến Chương và Tuyên Ngôn cần được định
hướng, không thể tùy tiện phổ biến trong “các cuộc dã ngọai nhân quyền”,
gây rối công cộng, vi phạm luật pháp Việt Nam. In ấn các tài liệu cũng
cần có giấy phép. Không để các “thế lực thù địch” lợi dụng quyền công
dân ảnh hưởng đến “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt
Nam.
Ông Sang còn khẳng định “Vấn đề nhân quyền vẫn còn nhiều khác biệt”. Ở
Hoa Kỳ, Tổng Thống lúc nào cũng có quyền ký đơn ân xá. Còn ở Việt Nam,
để được khoan hồng tù nhân phải biết hối cãi nhận tội, rồi phải biết xin
khoan hồng để được Bộ Chính Trị quan tâm cứu xét.
Blogger Điều Cày Nguyễn văn Hải vẫn ngoan cố, thà tuyệt thực đến chết
không ký đơn nhận tội. Theo Hiến Pháp 1992 và theo quyết định của Bộ
Chính Trị, Chủ Tịch nước như ông Sang không thể ký quyết định ân xá.
Trong cuộc họp ông Sang mời ông Obama sang thăm Việt Nam để tận mắt
chứng kiến, nhà nước Việt Nam là nhà nước của nhân dân. Khách của chủ
tịch nhà nước sẽ không bao giờ phải gặp thiểu số chống đối. Ông Sang cho
biết hai triệu người Mỹ gốc Việt thành công về cả kinh tế lẫn chính trị
“vẫn duy trì quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam”. Có người còn công khai
tuyên bố nhờ có “Đảng” mới được thành người Mỹ gốc Việt. Ngòai kia chỉ
ít người “còn chút hận thù” hay “muốn kiếm thêm chút tiền tiêu vặt”. Họ
là thiểu số việc gì Tổng Thống phải bận tâm.
Làm Tổng Thống phải mạnh mẽ, phải cương quyết và phải nhanh chóng thì
mới làm nên đại sự. Việc thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP) có gì khó khăn mà Tổng Thống phải lập đi lập lại hai chữ
tham vọng, nào là “nỗ lực vô cùng tham vọng” rồi “mục tiêu tham vọng”.
Tháng trước ông Sang ký một lượt 10 văn kiện giữa 2 đảng Cộng sản Việt
Hoa. Ký không cần đọc, ký trước tính sau, ký sai thì sửa.
Lãnh đạo là người phải uyển chuyển và chủ động. Theo lịch trình tháng 9
mới thăm Hoa Kỳ, nhưng trong tháng 7 nếu thấy cần là thu xếp sang ngay.
Nếu ông Obama thấy cần thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
thì cứ mang bản nháp ra ông Sang đã sẵn sàng để ký. Ký rồi thực thi là
chuyện của phía thừa hành. Làm lãnh đạo phải mạnh mẽ, cương quyết và
nhanh chóng như vậy mới được việc.
Lãnh đạo gặp nhau phải có chút quà cáp qua lại, thể hiện văn hóa phong
bì. 67 năm về trước chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi phong bì cho Tổng Thống
Harry S. Truman nhưng vì không được trao tận tay, nên đã không được trả
lời.
Phong bì là món quà đột xuất tạo sự ngạc nhiên cho Tổng Thống Obama nên
không cần đưa vào chương trình nghị sự. Quyết định gởi quà là quyết định
của Bộ Chính Trị nhằm giáo dục ông Obama và phân hóa thế lực thù địch.
Còn quyết định tạo bất ngờ không đưa vào chương trình nghị sự chính là
của ông Sang. Mười phút trao quà là chuyện nhỏ. Lãnh đạo chỉ nên nghĩ về
chuyện lớn.
Nhờ món quà, Tổng Thống Obama mới biết “Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng
nhờ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, và những lời nói của Thomas
Jefferson. Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ.” Điều này rõ
ràng nhóm cực hữu không biết hay không muốn biết.
Những người cộng sản Việt Nam luôn muốn hợp tác tòan diện với Hoa Kỳ. 67
năm đã trôi qua và nếu cần thêm 67 năm nữa người cộng sản như ông Sang
vẫn sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi phía Hoa Kỳ. Phía Việt Nam thời giờ không
phải là vấn đề quan trọng và cấp bách. Dân Việt Nam nhẫn nhục quen rồi.
Bài học học khác là 1 giờ Mỹ bằng 2 giờ Việt. Như vậy 45 phút giờ Hoa Kỳ
cho buổi gặp gỡ bằng 1 tiếng rưỡi giờ Việt Nam. Cũng như vấn đề nhân
quyền giữa 2 nước Việt Mỹ vẫn còn nhiều khác biệt. Tổng Thống Obama cần
tôn trọng giờ Việt Nam. Nếu ông Obama cần gặp giới lãnh đạo Việt Nam ông
Sang sẽ gởi tặng một đồng hồ “made in Vietnam”.
Bài học này quan trọng vì lãnh đạo Việt Nam đều từ tốn và vô tư. Có biết
thế Tổng Thống Obama mới không xúc phạm đến chủ tịch nước Cộng Hòa Xã
Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Có biết thế, trước ống kính báo chí ông Obama
mới kiên nhẫn không ngồi nghĩ hay làm chuyện khác, mới không đưa đồng hồ
nhắc nhở đến giờ phải “go home”. Trước ống kính truyền hình làm vậy đã
sức mẻ phần nào tư cách của người lãnh đạo Hoa Kỳ.
Bài học về thông dịch cũng là bài học đáng chú ý. Ông Sang cho biết Tổng
Thống Obama đã “nhận lời mời thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ này”. Lạ một
điều khi thông dịch viên dịch ra tiếng Mỹ cho ông Tổng Thống Obama nghe,
người thông dịch tỏ ra khá lúng túng, dịch sai, chính thức xin lỗi, rồi
dịch lại. Lời tiếng Mỹ khi được dịch lại tiếng Việt lại nghĩa là Tổng
Thống Obama hứa sẽ “…cố gắng thăm Việt Nam trước khi hết nhiệm kỳ”. Cách
trả lời như vậy ngụ ý ông Obama chưa có ý định, chưa có nhu cầu thực tế
để thăm và làm việc với phía Việt Nam.
Nhìn chung chỉ chưa đầy 1 tiếng rưỡi gặp gỡ, Tổng Thống Obama đã học
được rất nhiều điều để có thể hiểu mà “Đối Tác Tòan Diện” với phía Việt
Nam.
Nhưng bài học lớn nhất mà Tổng Thống Obama học được là chớ có dại mà mời lãnh đạo cộng sản Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
1/8/2013