Tưởng Năng Tiến
“Mỗi công dân Việt Nam, nếu cố gắng vượt qua sự sợ hãi và vô cảm thì chắc chắn sẽ chấn hưng được dân khí. Dân khí mạnh buộc kẻ ác phải chùn tay và phải cư xử đúng mực.” - Võ Thị Hảo
Chinh nhân, lữ khách, người viễn xứ, kẻ tha hương, và những buổi
sáng biệt ly “tiếng còi tàu như xé đôi lòng,” với những buổi chiều
“không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà,” cùng vô số những con thuyền không
bến (đỗ) đều là những hình ảnh rất thường thấy trong thơ nhạc Việt Nam.
Óc tưởng tượng của người mình quả là phong phú, sự phong phú quá cỡ
này hoàn toàn tương phản với nếp sống tẻ nhạt (và ru rú như gián ngày)
của phần lớn chúng ta. Phải đợi đến 1891 người Pháp mới tìm giùm ra Đà
Lạt, và qua năm 2009 người Anh mới khám phá ra Hang Sơn Đoòng thuộc quần
thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình.
Tuy chả dám đi đến đâu nhưng khi đã lỡ phải bước ra khỏi nhà là người mình lại hay than thở, cứ như là sắp chết đến nơi vậy:
“Cố hương” ở tận mãi chân trời hay góc biển nào mà xa tới “muôn trùng,” nghe dữ dằn quá vậy?
Trong cuốn Một mảnh tình riêng, do nhà Văn Nghệ (VN) xuất bản năm 2000, Sơn Nam tâm sự:“Mẹ
tôi đi làm dâu nơi xa nhà hàng năm mươi cây số đường giao thông hồi đầu
thế kỷ khó khăn, vượt rừng qua hai con sông đầy sóng gió… Lâu năm lắm
mẹ tôi với về quê thăm xứ một lần, tình trạng này tôi thử hư cấu, qua
truyện ngắn ‘Gả thiếp về rừng’…
Khoảng cách “năm mươi cây số” này đủ làm cho không ít cô dâu kêu gào thảm thiết:
Má ơi đừng gả con xa.
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
Đàn bà, con gái đa cảm – đã đành. Đàn ông Việt Nam cũng vậy. Nhà văn Bình Nguyên Lộc chớ ai:
Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,
Quán bên hè, uống tách cà-phê.
Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.
Quán bên hè, uống tách cà-phê.
Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.
Mà quê ông Bình Nguyên Lộc ở tận đâu lận? Chốn “muôn trùng” nào vậy
cà? Thưa Tân Uyên, Bình Dương chớ đâu, cách cái quán cà phê mà ổng đang
ngồi (bỗng chạnh tình quê) ở Sài Gòn cỡ chừng… ba mươi cây số!
Năm 1986 tôi có gặp lại tác giả Đò dọc
(đôi lần) nơi một thành phố nhỏ, phía cực Bắc của tiểu bang California.
Lần nào chúng tôi cũng ra ngồi ở cái quán tầu của người Hồ Nam, có tên
là Hunan Restaurant chỉ vì “họ có bán cơm” – theo như nhà văn giới
thiệu.
Trông ông buồn hiu và hơi lạc lõng khiến tôi thốt nhớ đến cái câu thơ cũ nhưng chỉ dám đọc thầm:
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.
Ông qua đời vào năm sau, năm 1987. Ông sống hết nổi (chắc) tại quá buồn!
Người di tản nào cũng buồn nhưng không mấy ai buồn tới chết (luôn)
như vậy. Phần lớn, với thời gian rồi ai cũng nguôi ngoai, quên hết những
chuyện phũ phàng nơi chốn cũ để lật đật hội nhập vào đời sống mới –
theo ghi nhận của Người Buôn Gió:
“Hóa ra mấy triệu người Việt ở hải ngoại, không phải tất cả là
những người quan tâm đến đất nước như ta gọi tế nhị là ‘lề trái’. Cũng
như ở Việt Nam, nhiều người trong số họ sống hưởng thụ, ăn chơi, kiếm
tiền gửi về cho người thân, thỉnh thoảng tham gia vài chương trình do sứ
quán kêu gọi để lấy quan hệ thân thiện…
Y hệt trong nước, những người có tiền được khuyến khích từ đại
sứ là thôi giờ đất nước đã ổn định rồi, có lòng với quê hương thì đóng
góp từ thiện, quan tâm ba cái chuyện chính trị làm gì. Đại khái là đừng
tham gia những chuyện mà chính quyền Việt Nam không ưa, cứ kiếm tiền rồi
về Việt Nam tiêu, gửi về cho người thân, đóng góp từ thiện là cách hay
nhất, an toàn nhất.
Số người Việt ở Châu Âu đa phần theo xu hướng sống này, nó cũng
là bản chất chung của người Việt mấy chục năm gần đây ở trong nước… Dân
Vệ chỉ thế thôi, đi đâu cũng vẫn thế.”
Ở Mỹ cũng thế sao?
Thì cũng gần như thế thôi, chứ biết làm thế nào hơn được. Xin xem
qua bản tin (“Việt – Phi biểu tình chống Trung Quốc & CSVN”) của ký
giả Thanh Hà, trên tuần báo Việt Tribune, số phát hành hôm 26 tháng 7 năm 2013:
“Nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa các cộng đồng người
Việt với nhau, và nhất là với cộng đồng người Phi Luật Tân, một cuộc
biểu tình có tính cách lịch sử đã diễn ra rầm rộ tại trước hai sứ quán
Trung Cộng và Việt Nam vào trưa ngày thứ Tư, 24 tháng 7, 2013 vừa qua…
Riêng tại California, rất nhiều hội đoàn, tổ chức cộng đồng xã hội
nhiều thành phần từ khắp nơi đã đáp lại lời kêu gọi của ông Nguyễn Phú,
Chủ tịch Hội HO San Franciso tổ chức phối hợp với cộng đồng người Phi.
Tuy cuộc biểu tình do cộng đồng người Phi đứng ra kêu gọi, nhưng sự
hưởng ứng tích cực và đông đảo đồng bào người Việt tham dự đã đem lại
niềm phấn khởi và ý nghĩa đặc biệt cho cuộc biểu tình nầy.
Vùng Bắc Cali có các phái đoàn đồng bào quân dân đến từ Sacramento,
San Rafael, Fresno, v.v… San Jose có phái đoàn hùng hậu trên 50 người do
ông Trương Thành Minh, chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia, hướng
dẫn, gồm nhiều đồng bào, hội đoàn quân dân, và cả người hùng Lý Tống.
Lại thêm có phái đoàn cũng khá đông đảo cùng đi với các ông Nguyễn Ngọc
Tiên và Phan Quang Nghiệp tham dự với cờ xí biểu ngữ đủ loại.
Ảnh: Khoảng 200 người, một số từ Quận Cam và San Diego đi xe đò qua đêm lên San Francisco tham gia biểu tình. Ảnh: Bùi Văn Phú
Đặc biệt phải nói đến hai phái đoàn từ Nam Cali: Một từ Quận Cam gồm
ông Phan Kỳ Nhơn cùng liên ủy ban chống CS và tay sai, và cô Phương Nam
với 5 hội đoàn trẻ, lái xe từ 4 giờ sáng. Và phái đoàn từ San Diego do
ông Bùi Sơn đã khởi hành từ 2 giờ sáng để lên SFO cho kịp giờ biểu tình
vào buổi trưa. Sự đông đảo bất ngờ nói lên tinh thần đoàn kết cao độ của
cộng đồng người Việt khắp nơi, cùng sung công góp sức đấu tranh cho một
mục tiêu chung nhằm yểm trợ cho các tiếng nói đấu tranh trong nước để
đem lại tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.”
Theo blogger Bùi Văn Phú
(người mà tôi đã có dịp bắt tay trong cuộc biểu tình “có tính cách lịch
sử” và “rầm rộ”này) thì khoảng 500 người Việt và Philippines trưa ngày
24-7-2013 đã tụ họp… trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco
để phản đối chính quyền Bắc Kinh lấn chiếm vùng biển Đông nam Á.”
Con số (hơi) hào phóng vừa nêu, xem ra, không chỉ khiêm tốn mà còn
có vẻ tương phản với số lượng hàng trăm “hội đoàn quân dân” ở tiểu bang
California – nơi mà người Việt tị nạn cộng sản quần tụ đông đúc nhất
trên thế giới.
Nói cách khác, và nói nào ngay “tinh thần đoàn kết cao độ của cộng
đồng người Việt khắp nơi, cùng sung công góp sức đấu tranh cho một mục
tiêu chung nhằm yểm trợ cho các tiếng nói đấu tranh trong nước để đem
lại tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam” – ngó bộ – cũng không cao
gì mấy. Chắc cũng không hơn bên Đông Âu nhiều lắm đâu (vẫn) theo như
nhận xét của Người Buôn Gió:
“Tóm lại thì chuyện đấu tranh, dân chủ thì bên ngoài hải ngoại,
chẳng phải ai cũng quan tâm đến. Phần lớn cũng muốn an phận, giữ hòa khí
với chính quyền, thậm chí nhiều người dù ở bên ngoài vẫn còn sợ chính
quyền Việt Nam…”
Về nỗi sợ hãi này, cách đây khá lâu, bà Lê Thị Công Nhân đã có lần phải năn nỉ: “Tôi e rằng chúng ta đã sợ quá mức cần thiết.” Tuần rồi, tôi lại nghe môt vị anh thư khác, nhà văn Võ Thị Hảo van nài:
“Mỗi công dân Việt Nam, nếu cố gắng vượt qua sự sợ hãi và vô cảm
thì chắc chắn sẽ chấn hưng được dân khí. Dân khí mạnh buộc kẻ ác phải
chùn tay và phải cư xử đúng mực.”
Kẻ ác, bọn giặc ngoại lẫn nội xâm – rõ ràng – có đủ lý do để không “chùn tay” cũng như không “cư xử đúng mực” với… người mình!
© 2013 Tưởng Năng Tiến & pro&contra