Mạnh Hải
“Em muốn được phẫu thuật rồi cho em sống một giờ thôi em cũng chịu. Chỉ cần chết trong thân xác của một người phụ nữ”.
Đây là tâm sự của một người chuyển giới từ nam sang nữ. Một người sinh
ra với cơ thể hoàn thiện là nam giới, nhưng luôn nghĩ và khát khao trở
thành một người phụ nữ. Chính vì nghĩ mình là nữ nên họ ăn mặc đồ nữ,
độn ngực, để tóc dài, và có cử chỉ điệu bộ như một người nữ. Có người
tiến hành tiêm hóc môn và phẫu thuật, để có thân hình trùng khớp với tâm
hồn phụ nữ của mình.
Ảnh: người chuyển giới chỉ mong được quyền là chính mình, như những người khác
Khát khao được sống là chính mình của người chuyển giới rất mạnh mẽ.
Mặc những định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí là bạo lực trong
xã hội, người chuyển giới vẫn sống thật là chính mình. Nhiều người bị
bạn bè bắt nạt, khinh bỉ thậm chí cô lập ở trường học, phải bỏ học. Họ
đánh mất ước mơ trở thành kỹ sư, bác sĩ, hay luật sư khi còn rất trẻ.
Nhiều người bị đánh đập, xích, nhốt bởi chính cha mẹ và gia đình, dẫn
đến việc bỏ nhà đi bụi như một giải pháp giải thoát, trở thành trẻ em
đường phố. Nhiều người không chịu được bạo lực, kỳ thị phải quyên sinh.
Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tự tử trong cộng đồng người chuyển giới
rất cao, thậm chí cả chục lần so với tỉ lệ tự tử trung bình của dân số.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến sự kỳ thị với người
chuyển giới. Có lẽ, đầu tiên là do người Việt Nam quá tuân thủ những giá
trị gọi là nam tính, nữ tính. Xã hội nho giáo mong đợi “nam phải ra
nam, nữ phải ra nữ”, có nghĩa người đàn ông phải thể hiện được sự mạnh
mẽ, ga lăng và xốc vác của giới nam; người phụ nữ phải thể hiện được sự
dịu dàng, thu vén, và khéo léo của phái nữ. Chính vì vậy, khi người
chuyển giới đi ngược lại khuôn mẫu giới này, họ vấp phải sự phản đối
mạnh mẽ của gia đình, xã hội và nhà trường.
Bên cạnh đó, nhiều người không hiểu, cho rằng chuyển giới là trào
lưu, đua đòi và tập nhiễm của giới trẻ. Họ cổ vũ cho sự cấm đoán, ngăn
cản và điều chỉnh buộc trẻ thể hiện đúng với giới tính sinh học của
mình. Điều này thật ngây thơ vì không ai lại chịu đau đớn về thể xác do
phải tiêm hóc môn và phẫu thuật, buồn tủi về tâm hồn do sự dè bỉu của xã
hội, chỉ để theo phòng trào “chuyển giới hóa”. Hãy thử tưởng tượng phải
tự chặt một ngón tay để theo phòng trào “tay thiếu ngón” thì có mấy
người dám làm?
Tại sao, một người chỉ vì muốn sống là chính mình lại bị đối xử tàn
tệ như vậy? Họ không làm hại ai, không trộm cắp của ai, và không đe dọa
sự phát triển của ai, mà sao bị hắt hủi và xa lánh? Phải chăng, sống
thật là mình trở nên khó được chấp nhận trong xã hội Việt Nam đến vậy?
Tại sao những quan chức tham nhũng, lợi dụng chức quyền, và sơ hở của
pháp luật để thu vén quyền lợi riêng tư, không bị xã hội, gia đình và
trường học kỳ thị hoặc lên án? Họ dùng thu nhập bất chính sống phè phỡn
trong nhà cao cửa rộng, đi xe sang và gửi con đi du học nhưng vẫn được
kính trọng. Phải chăng, việc thể hiện giới không theo chuẩn mực gây hại
cho những người xung quanh, cho gia đình và xã hội hơn những kẽ tham
nhũng, đục khoét của công?
Tại sao những người bán thực phẩm bẩn, ngâm hóa chất gây ung thư và
bệnh tật cho nhân dân không bị kỳ thị hoặc lên án? Họ đầu độc khách
hàng, những người nuôi sống gia đình mình, mà vẫn sống nhởn nhơ. Phải
chăng hành vi độn ngực, để tóc dài của người chuyển giới nguy hại hơn sự
hủy hoại nòi giống dân tộc của những kẻ vì lợi ích riêng và hy sinh sức
khỏe của cộng đồng?
Dường như xã hội đang có sự đảo ngược về giá trị. Những người chuyển
giới chỉ muốn sống thật với con người mình thì bị kỳ thị và phân biệt
đối xử. Những kẻ lừa dối, đục khoét và gây hại cho cộng đồng thì vẫn
sống nhởn nhơ, thậm chí được đối xử thành kính. Đã đến lúc chúng ta cần
lấy giá trị nhân bản, nhân quyền và công lý để bày tỏ thái độ của mình.
Đừng chỉ vì khác biệt với khuôn mẫu định sẵn mà đối xử bất công với
người chuyển giới.