Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Hậu Obama-Sang: Bao lâu cho lộ trình TPP?

Phạm Chí Dũng
VOA Việt Ngữ
TPP chỉ có thể sinh ra từ lòng thành chính trị, tương ứng với các điều kiện về dân chủ và nhân quyền. Bài toán gần như rõ ràng: đáp số của nó sẽ được đáp ứng khi và chỉ khi Nhà nước Việt Nam tự cam kết về thế ưu tiên trong mối tương quan “đi dây” – chọn Trung Quốc hay Mỹ.
Triển vọng lạc quan?
Trước và trong cuộc hội kiến Obama-Trương Tấn Sang ở Washington, theo quán tính chỉ đạo của Ban tuyên giáo trung ương, một số tờ báo đảng đã ồn ã trong “chiến dịch” cổ xúy cho điều được xem là “triển vọng lạc quan” của TPP, tức Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam trông ngóng bấy lâu nay.
Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TPP - những tờ báo này “dự báo”. Một lần nữa sau sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2007, giới quan chức ngoại giao và thương mại Việt Nam lại vẽ ra một bức tranh khá xán lạn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu – những đối tượng đã bị biến thành một loại “con tin” của các nhóm lợi ích đầu cơ trong suốt gần ba năm suy thoái đến mức trầm uất khó tin từ đầu 2011 đến nay.

Nhưng nếu suy xét một cách tỉnh táo, giới quan sát độc lập có thể trông đợi gì về TPP cùng ánh hồng lạc quan của nó?
Giám đốc xin giấu tên của một doanh nghiệp thủy sản ở Sài Gòn không quá che đậy cảm nghĩ của bà: “Từ hồi gia nhập WTO đến giờ, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tôi cũng chẳng tăng được bao nhiêu. Không hẳn là thị trường Mỹ tăng sức ép cạnh tranh và làm khó doanh nghiệp Việt bằng các vụ kiện cáo bán phá giá, mà từ bộ ngành đến các cơ quan của chính quyền địa phương đều quá quan liêu trong việc hỗ trợ và bảo vệ cho doanh nghiệp, thua xa nhà nước Thái Lan. Cứ cái cung cách này mà có “tiến ra biển lớn” theo TPP thì cũng không có mấy hy vọng quen được với sóng nước. Không cẩn thận có khi còn lật thuyền cũng nên”.
Thực tế 6 năm dầm sương dãi nắng trên bàn tiệc WTO đã trở thành một trải nghiệm đắt giá cho các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý kinh tế Việt Nam nếu muốn ăn chắc mặc bền với TPP. Năng lực điều hành yếu kém, công tác dự báo hoàn toàn chưa ngang tầm với một quốc gia tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương, quá nhiều vấn đề còn tồn tại trong hoạt động quản trị vi mô tại các doanh nghiệp…đã khiến cho lượng hàng hóa và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước trong khu vực và trên thế giới không mấy khả quan, dù đã được dán cái mác “WTO”.
Cho tới nay, cá basa và tôm vẫn là những khúc mắc luôn bị kiện cáo và tranh chấp giữa các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam. Hiện trạng này cũng đóng góp cho thực trạng còn xa mới được xem là tốt của doanh nghiệp Việt khi chuẩn bị để tham gia thị trường quốc tế, trong đó không thể không nhấn nhá đến thực tế thiếu am hiểu về luật pháp quốc tế.
Phép thử bình đẳng
Lịch sử và các vận hội thương mại đã chứng minh hùng hồn là cùng với nhiều tham vọng thiếu chân đứng của Việt Nam, không phải những gì mong đợi đều có thể xảy đến một cách trọn vẹn. Khác với thái độ “ưu ái” của cơ chế WTO cách đây 6 năm, nhiều rào cản đã được thiết lập đối với lộ trình tham gia vào TPP. Kể cả nếu Việt Nam có được chấp nhận tham gia vào hiệp định này, vẫn còn nhiều rào cản khác xuất hiện.
Một trong những rào cản sâu kín nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là vấn đề xuất xứ của hàng hóa.
Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Ngay lập tức, giới chuyên gia trong nước nhận ra rằng đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước bên ngoài TPP để gia công hàng xuất khẩu. Hiển nhiên, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.
Nhưng làm thế nào để chuyển đổi vùng nguyên liệu, một khi phần lớn nguyên phụ liệu lại được Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Nam Hải chứ chẳng phải từ địa chỉ nào khác?
Chưa hết, một số chuyên gia cũng đánh giá rằng hàng Việt Nam còn có thể phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều hơn nếu tăng được kim ngạch xuất khẩu vào các nước TPP. Bởi không giống như các hiệp định khác, TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển nên không có chính sách ưu tiên như khi Việt Nam đàm pháp gia nhập WTO...
Hệ quả của quá khứ lại là tiền đề cho tương lai. Sau WTO, nền kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị đối diện với một phép thử mới là TPP. Nhưng liệu các doanh nghiệp Việt Nam có rút ra được bài học nào sắc nét để cải thiện tình thế quẫn bách của họ hay không?
Phép thử này, tất nhiên, không thể không liên quan đến cuộc gặp ở Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào những ngày cuối tháng 7/2013.
Chỉ có điều, sau gần hai năm sốt ruột, tất cả chỉ mới bắt đầu đối với người Việt.
Hai năm?
Trong các chuyến làm việc trước đây với những người chủ trì TPP, giới chức lãnh đạo Việt Nam từng tha thiết đề nghị rút ngắn lộ trình tham gia hiệp định này vào tháng 10/2013. Trương Tấn Sang là người nằm trong số đó.
Nhưng cho đến nay và sau đến 18 vòng đàm phán TPP, xem ra mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Vẫn không có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy những quốc gia chủ chốt của TPP, đặc biệt là Nhà trắng, sẽ động não xem xét việc kết nạp Việt Nam vào hiệp định này.
Cuộc hội kiến Obama – Sang vào cuối tháng 7/2013 lại càng trở nên mù mờ khi cảm giác nào cũng có mà thực chất lại chẳng có xúc giác nào được chứng thực. Phía sau bản tuyên bố chung Việt – Mỹ người ta không nhận ra bóng dáng một thỏa thuận chi tiết nào về TPP.
“Sẽ thông qua sớm nhất vào cuối năm 2013” – như một hứa hẹn của Tổng thống Obama cho viễn cảnh Việt Nam tham dự vào buổi tiệc đứng TPP.
Còn Ernest Z. Bower, cố vấn cao cấp và cũng là giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ, lại ám chỉ rằng lộ trình thủ tục TPP dành cho Việt Nam còn phải phụ thuộc vào Quốc hội Hoa Kỳ - cơ quan có vai trò thông qua vấn đề này vào năm 2014, và nếu mọi chuyện không có gì trắc trở, phải sau hai năm nữa tính từ thời điểm này, giới chính trị gia Việt Nam mới có thể được thỏa mãn tham vọng trở thành đối tác xuyên Thái Bình Dương của họ.
“Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm với nhau” - đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nêu ra quan điểm xuyên suốt như thế sau cuộc gặp với ông Trương Tấn Sang vào cuối tháng 7/2013.
Quãng đường vẫn còn dài, thậm chí rất dài.
Nhưng Việt Nam liệu có chờ đợi được hai năm nữa, khi bóng dáng một cuộc khủng hoảng kinh tế đang lộ diện?
Trong trường hợp xảy ra suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới vào những năm tới, những lô cốt cuối cùng của nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể bị tàn phá kiệt quệ cùng nhiều hệ lụy không còn là gián tiếp. Vốn đang nằm trong xu thế không chỉ suy thoái gần như toàn diện nội lực mà còn quá kém hiệu quả trong cơ chế xuất khẩu và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng thoái vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ nhanh chóng rơi vào tình thế bĩ cực không lối thoát. Một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với nền kinh tế Việt Nam cũng từ đó rất có thể khởi phát.
Cuộc khủng hoảng có thể như thế còn cần được tính thêm một yếu tố cộng hưởng rất “láng giềng”: Trung Quốc.
Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kỳ vọng được bắt nguồn từ nguồn cơn suy thoái nặng nề và khủng hoảng của nền kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải chịu hiệu ứng kép: một do suy thoái kinh tế giai đoạn cuối, nặng nề hơn nhiều so với giai đoạn suy thoái kinh tế gần ba năm qua; và một do ảnh hưởng từ bầu không khí hỗn loạn và có thể cả động loạn xã hội ở Trung Quốc.
Lòng thành chính trị?
Muốn vượt qua cơn khủng hoảng trầm kha rất có thể diễn ra trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam cần có tiền và thị trường xuất khẩu. Những nguồn vốn mới và thị trường mới sẽ giúp đất nước này hồi phục phần nào năng lực sản xuất và do đó sẽ kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp cùng nhiều hệ quả xã hội.
TPP là một trong rất ít lối thoát có thể có cho Việt Nam.
Nhưng với thái độ không cần che giấu của người Mỹ, TPP lại chỉ có thể sinh ra từ lòng thành chính trị, tương ứng với các điều kiện về dân chủ và nhân quyền. Bài toán gần như rõ ràng: đáp số của nó sẽ được đáp ứng khi và chỉ khi Nhà nước Việt Nam tự cam kết về thế ưu tiên trong mối tương quan “đi dây” – chọn Trung Quốc hay Mỹ.
Về mặt lý thuyết, cơ hội để “thoát Trung” cùng vô số nguy cơ từ an ninh biển Đông có thể được giải thoát bởi người Mỹ. Nếu tận dụng cơ hội này, với điều kiện phải thể hiện được bản lĩnh của mình trong mối giao hòa với tâm cảm của đại đa số người dân trong nước và mục tiêu chiến lược địa - chính trị của phương Tây, chính đảng cầm quyền ở Hà Nội mới có được cơ may tránh thoát một phần ảnh hưởng của Bắc Kinh. Cũng khi đó, Hà Nội sẽ nhận được sự hậu thuẫn của Washington và những thủ phủ chính của Cộng đồng châu Âu về TPP. Cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng ở Việt Nam cũng do đó có thể sẽ được khuôn hẹp với những hậu quả không quá lớn.
Trong trường hợp đó, chính đảng cầm quyền ở Việt Nam dù có phải “trả giá” bằng một cơ chế cởi mở hơn về dân chủ nhân quyền và chấp nhận sự tồn tại của một hình ảnh mang tính trang trí về một xã hội dân sự manh nha, kể cả phải thỏa hiệp với sự hình thành và vận hành của một lực lượng phản biện đối lập nào đó tại đất nước này …, họ vẫn có thể duy trì kinh tế tạm ổn định, để logic tiếp theo là vẫn tiếp tục bám giữ quyền lực một đảng chi phối và quyền lợi của giới lãnh đạo trong một thời gian nào đó.
Có lẽ, đã có những con người lãnh đạo trong chính đảng cầm quyền ở Việt Nam tâm tưởng về những kết quả kỳ lạ mà Thein Sein và Myanmar đã làm được và nhận được từ ba năm qua, về một lối thoát khả dĩ cho những chính khách khôn ngoan, biết thời thế và không cam nhận sống lưu vong hoặc mất trắng.
Mắt xích còn lại là giới lãnh đạo mang xu hướng và cả xu thời cải cách ở Việt Nam có biết biến tâm tưởng thành hành động hay không mà thôi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"