Nguyễn Trọng Nghĩa
Ngày 19/12/1953, ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước VNDCCH ký chính thức ban hành Bộ Luật Cải cách ruộng đất.
Trong tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 509, tại kỳ họp thứ
3 Quốc hội khoá 1, ông Hồ đã giải thích phương châm “Phóng tay phát
động quần chúng trong cải cách ruộng đất“. Theo ông Nguyễn Minh Cần khi
đó là phó chủ tịch Uỷ ban hành chính Hà Nội thì ông Hồ đã dùng hình ảnh
để giải thích phương châm đó như sau: ”Khi uốn 1 thanh tre cong cho nó thẳng ra thì phải uốn quá đi một tí và giữ lâu 1 chút rồi mới thả tay ra thì nó mới thẳng được“.
Trong tác phẩm “Từ thực dân đến cộng sản“, chương 12, trang 90, ông Hoàng Văn Chí viết: ”Để
đả thông tư tưởng cho các Đoàn, các Đội CCRĐ, ông Hồ Chí Minh đã ví đế
quốc là con hổ, địa chủ là bụi rậm cho con hổ núp. Muốn đuổi hổ thì phải
phá cho kỳ hết bụi rậm“.
Trong tập tài liệu “Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất“ đăng
trên báo Nhân dân ngày 21/7/1953, tác giả C.B đã có bài viết: ”Địa chủ
ác ghê“. Theo bài này thì “Mụ địa chủ Cát-hanh-Long (tức Cát Thanh
Long hay Nguyễn Thị Năm) cùng 2 đứa con và mấy tên lâu la đã trực tiếp
và gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!“ (ai đọc cũng phát khiếp đến
mức không thể tin rằng có thật) . Theo nhà báo Thành Tín tức Bùi Tín thì
C.B là bút hiệu của ông Hồ Chí Minh vì chỉ riêng trong tập 6 của bộ
sách Hồ Chí Minh toàn tập, từ tháng 1/1951 đến tháng 7/1954, do NXB Sự
Thật Hà Nội in năm 1989, đã đếm được 15 bài viết của ông Hồ Chí Minh ký
bút hiệu là C.B.
Trong các đợt tiến hành CCRĐ, tất cả các gia đình trong các xã được phân loại thành 1 trong 5 thành phần sau:
1- Địa chủ ; 2- Phú nông ; 3- Trung nông gồm 3 loại là:
a- Trung nông cứng (sở hữu 1 con bò+ 1 con lợn +1 đàn gà) , b- Trung
nông vừa (có 1 con lợn + 1 đàn gà) , c- Trung nông yếu (có 1 đàn gà hoặc
không có gì cả) ;
4- Bần nông ; 5- Cố nông.
Tỉ lệ địa chủ được Uỷ ban CCRĐ trung ương quy định trước là 5,65 % so
với dân số nông thôn. Từ đó, các Đoàn, Đội CCRĐ đều tìm cách truy bức,
gọi là “kích thành phần“ để đôn tỷ lệ địa chủ lên tới 5% cho đạt chỉ
tiêu bắt buộc.
Khi sửa sai, theo thống kê chính thức, số liệu đăng trên tạp chí Lịch sử kinh tế Việt Nam tập 2 như sau:
Bị quy địa chủ cường hào gian ác là 26.453 người (đối tượng có thể bị
xử chết) thì số bị oan là 20.493 người, chiếm 77,4%. Địa chủ thường
82.777 người thì 51.480 người bị oan, chiếm 62%. Địa chủ kháng chiến 586
người thì 290 người bị oan, chiếm 49%. Phú nông 62.192 người thì 51.003
người bị oan, chiếm 82%. Tổng cộng bị quy địa chủ và phú nông gồm
172.008 người thì 123.266 người bị quy oan, chiếm 71,66%.
Số người bị xử chết không công bố. Theo ước tính, có 3.315 xã được
cải cách ruộng đất, nếu tính với số thấp nhất, bình quân mỗi xã có từ 1
đến 2 người bị xử chết thì tổng số người bị xử chết dao động trong
khoảng từ 3.315 người đến 6.630 người, trong đó đã có nhiều cán bộ, đảng
viên bị quy oan là phản động và bị xử tử. Theo tạp chí Time thì số bị
xử chết là nhiều hơn, vào khoảng 15.000 người vì cho rằng số người bị
quy địa chủ cường hào gian ác thuộc đối tượng có thể bị xử chết đã là
26.453 người.
Trong đợt thí điểm CCRĐ tại 6 xã tỉnh Thái Nguyên thuộc vùng căn cứ
kháng chiến, bà Nguyễn Thị Năm tức chủ Hãng Cát Thanh Long ở Hànội, còn
gọi là Cát hanh Long, tản cư từ Hànội lên mua ruộng đất ở Thái Nguyên
phát canh thu tô, là người đầu tiên bị quy là địa chủ và bị xử tội chết.
Trước ngày tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, nhà bà Năm là cơ sở của Cách
mạng. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN đã được bà Năm che dấu và nuôi
ăn uống, trong đó có ông Trường Chinh (Tổng bí thư ĐLĐVN khi CCRĐ là
Trưởng ban CCRĐ trung ương), Hoàng Quốc Việt (uỷ viên Bộ chính trị ĐLĐVN
trưởng ban chỉ đạo đợt CCRĐ thí điểm), Phạm Văn Đồng (Thủ tướng), Lê
Thanh Nghị (Phó thủ tướng), Lê Giản (đặc trách an ninh). Bà đã hiến 100
lượng vàng cho Chính phủ VNDCCH mới thành lập và có 2 người con trai
tham gia Việt Minh. Trong thời gian CCRĐ, người con lớn Nguyễn Công là
Trung đoàn trưởng Vệ quốc quân. Người con thứ hai Nguyễn Hanh là Đại đội
phó bộ đội thông tin. Theo ông Đoàn Duy Thành, Phó thủ tướng thì bà Năm
vừa là địa chủ kháng chiến, vừa là địa chủ kiêm công thương, vừa là địa
chủ đã hiến ruộng cho Chính phủ, thuộc diện chính sách được chiếu cố
trong CCRĐ. Nhưng Cố vấn Trung quốc phán “Hổ đực hay hổ cái đều có thể ăn thịt người“
nên không thể tha và bà Năm được chọn để xử tử thí điểm lấy khí thế
phát động quần chúng. Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thông qua kế
hoạch đợt CCRĐ thí điểm và quyết định xử tử hình bà Năm. Ông Hồ Chí Minh
là người có quyền lực cao nhất có biết nhưng không can thiệp. Ông nói “Tôi thấy việc xử tử bà Năm là không phải nhưng tôi theo quyết định của đa số“.
Vì vậy ông Vũ Đình Huỳnh cho rằng người chịu trách nhiệm chính về sai
lầm trong CCRĐ là ông Hồ chứ không phải ông Trường Chinh. Ông Nguyễn
Minh Cần (về sau đã cư trú chính trị ở Liên Xô) cho rằng “phát súng
đầu tiên của chiến dịch CCRĐ nổ vào đầu một phụ nữ yêu nước là bà Nguyễn
Thị Năm tự nó nói lên nhiều điều. Nó báo trước những tai hoạ khôn lường
do Ban lãnh đạo Đảng sẽ gây ra cho toàn dân tộc“.
Sau chiến dịch CCRĐ, quyền tư hữu ruộng đất của nông dân miền Bắc
cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Sang năm 1959, Hiến pháp
VNDCCH sửa đổi đã xoá bỏ quyền sở hữu ruộng đất của tư nhân, thay vào đó
là quyền sở hữu tập thể. Từ đó, ruộng đất dần dần tập trung vào tay Nhà
nước thông qua các Hợp tác xã do Chính phủ quản lý. Đến năm 1970 thì
95,5% nông dân miền Bắc đã phải vào Hợp tác xã. Nhà nước thông qua các
Hợp tác xã chi phối từng chiếc dạ dày của nông dân và nông dân lại dần
dần trở thành nghèo đói.
Nguồn tư liệu: “Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam“ tại Bách khoa toàn thư tiếng Việt (http://vi.wikipedia.org/).
Nguyễn Trọng Nghĩa