Jonathan London
Tình hình chính trị ở Việt Nam hiện
nay đang biến động rất nhanh. Và chẳng ai có thể dự đoán được quá trình
diễn biến sẽ ra sao, kể cả giới lãnh đạo trong bộ máy. Liệu Việt Nam
đã bước vào một thời khắc hệ trọng là chưa rõ.
Để xem xét những khả năng có thể
xảy ra trong thời gian tới, ta nên nhắc lại một số điểm nhấn quan trọng
trong bốn tuần vừa qua vì chúng thể hiện những căng thẳng và mâu thuẫn
trong nền chính trị Việt Nam – vốn rất khó đánh giá – sẽ được hóa giải
như thế nào, trong ngắn hạn hay dài hạn.
Trước tiên, ta sẽ cố gắng hiểu Việt
Nam đang ở vị trí nào và trở lại câu hỏi về tương lai ở cuối bài này và
trong các thảo luận tiếp theo.
Cách đây chưa đầy một tháng, sau
khi CTN Trương Tấn Sang hội đàm với Barack Obama tại Nhà Trắng, tôi đã
viết một bài hơi lạc quan về ý nghĩa của cuộc gặp này (Dù tôi không dự
buổi nào trong chuyến đi của CTN Sang, một số người bạn của tôi đã có
mặt và thấy ấn tượng với sự lưu tâm của Ông). Về cơ bản, việc tôi ủng hộ
“quan hệ toàn diện” là chủ yếu liên quan đến khả năng một mối quan hệ
sâu sắc hơn giữa hai nhà nước sẽ mang lại kết quả thực tiễn cho người
dân Việt Nam.
Cảm giác lạc quan của tôi đã ở lại
không lâu vì trong hai tuần sau cuộc gặp lịch sử này, Việt Nam lại có
hành vi đàn áp như trước. Khi mới biết về Nghị Định 72 do chính Nguyễn
Tấn Dũng ký, tôi đã muốn ói (Nhưng ý nghĩa của Nghị Định 72 – mà sẽ có
hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 – chưa rõ. Nó là công cụ để đàn áp hoặc là
bước để tuân theo những điều kiện của TPP hay cả hai?). Thế nhưng chỉ
trong vòng một tuần tình hình ở Việt Nam đã thay đổi rất nhanh.
Những ai biết lịch sử đều hiểu
những cải cách sâu trong bất cứ nền chính trị-kinh tế nào không bao giờ
xảy ra chỉ hay chủ yếu từ trên xuống mà là sản phẩm của những áp lực từ
dưới lên, trong nội bộ và tình hình quốc tế.
Về bối cảnh chung tình hình vẫn
thế. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn mà hiện nay đã rơi vào một cuộc
khủng hoảng lãnh đạo và những thể chế chính trị, kinh tế và xã hội phải
được cải cách một cách sâu rộng nếu Việt Nam muốn thoát khỏi tình hình
này.
Thế nhưng, trong những tuần vừa qua đã có một số phát triển hệ trọng.
Hãy điểm lại những sự kiện dưới đây:
- Trong hai tuần lễ vừa qua, nhóm blogger chống lại Điều 258 đã hoạt động rất mạnh và dũng cảm để đòi hỏi Nhà nước Việt Nam bỏ điều này. Dù chưa có kết quả nhưng những người này hoạt động một cách hoàn toàn tự nhiên và cởi mở. Điều này là vô cùng quan trọng trong diễn biến chính trị của đất nước.
- Một đảng mới, là Đảng Dân Chủ Xã Hội gần như đã được thành lập với sự tham gia của những người đã từng là đảng viên ĐCSVN. Mặc dù chưa chắc đảng này sẽ có ảnh hưởng gì, việc những người có danh tiếng đã hành động một cách quyết liệt là quan trọng (Chúng ta sẽ tìm hiểu về chủ nghĩa dân chủ xã hội trong những bài tiếp theo).
- Một nhóm thanh niên mà trước đây đã bày tỏ sự bất bình đối với hành vi hung hăng mang tính đế quốc của Hoa Lục đã bị bắt giữ bất hợp pháp trong khi đang học tiếng Anh. Nhóm này được biết đến như một tập hợp những người trẻ yêu nước và muốn Việt Nam có một tương lai tốt đẹp hơn (Nếu Phan Chu Trinh còn sống, ông sẽ nghĩ thế nào về việc bắt giữ những người trẻ yêu nước đấu tranh vì những quyền tự do cơ bản này?). Nhóm này hoàn toàn ôn hòa và nên được tôn trọng chứ không phải chịu những hành vi bạo lực, hăm dọa v.v.
- Và mới nhất là hai sinh viên Uyên và Kha đã bất ngờ “được” trả tự do nhờ những quyết định trong nội bộ (rất có thể là từ Bộ Chính Trị). Trong phiên tòa, Uyên tuyên bố mạnh mẽ với những câu nói đáng nhớ. Sau khi được trả tự do, hàng trăm người ủng hộ hai sinh viên này đã bày tỏ sự phấn khởi trong thị xã Long An, một trong những địa phương bảo thủ nhất cả nước.
(Không rõ giới bảo thủ đã ủng hộ
việc kết án phi lý của hai thanh niên này cách đây mấy tháng hiện giờ
đang nghĩ gì, nhưng rất có thể một tỷ lệ của nhóm này đang xem xét lại
những chính kiến của họ trong một bối cảnh khác.)
Chúng ta (từ mọi phía) nên đánh giá những diễn biến trên như thế nào? Ở đây, tôi xin chia sẽ ba ý tưởng.
Thứ nhất, chúng ta phải khẳng định
vai trò thiết yếu của những người trong và ngoài bộ máy đã và đang đấu
tranh vì những quyền chính trị và nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta phải
nhìn rõ, chuyện TQ và phản đối TQ, dù là hai vấn đề rất lớn, không phải ở
trung tâm của những diễn biến ở Việt Nam hiện nay. Từ nhóm 72 và 258
đến Uyên-Kha, từ một nhóm thanh niên ở Hà Nội đến những người trong Đảng
muốn cải cách, những đấu tranh ở Việt Nam chủ yếu xoay quanh thể chế xã
hội và chính trị. Trước đây nhiều người nói về TQ vì đây là chủ đề
tương đối an toàn. Nhưng, ngày nay những người có đầu óc cải cách càng
ngày càng nói thẳng vào vấn đề.
Thứ hai, chúng ta có thể giả định
cuộc gặp gỡ này cùng với sự phát triển trong nền chính trị của Việt Nam
đã ép giới lãnh đạo ở đỉnh cao quyền lực phải suy nghĩ lại và lèo lái
cái “Tàu Nhà Nước” về một hướng khác (chưa biết là đi đâu, chưa rõ là
một ngã rẽ tạm thời hay là một quyết định chắc chắn). Rất có thể chúng
ta phải chờ mấy thập kỷ nữa trước khi biết cuộc gặp gỡ Việt – Mỹ vào
tháng 7 năm 2013 có vai trò như thế nào.
Cuối cùng, chúng ta phải đề cập đến
một yếu tố khó đánh giá nhất, là “hộp đen” gọi là chính trị nội bộ
trong ĐCSVN. Về vấn đề này tôi cảm thấy sự hiểu biết của chính tôi là
quá hạn chế, cũng như 99,99 phần trăm của dân số Việt Nam.
Phải chăng đang có một số thay đổi
quan trọng trong định hướng chính trị của Việt Nam? Có phải sự ảnh hưởng
của bộ phận ‘an ninh’ trong bộ máy đang giảm đi? Phải chăng việc Ngân
và Nhân vào Bộ Chính Trị cùng với một số chuyện khác đang mang lại một
số thay đổi trong quá trình dư luận của Bộ Chính Trị?
Rất có thể chúng ta sẽ không biết
những câu trả lời cho đến lúc chế độ của Việt Nam trở thành một chế độ
minh bạch và cởi mở. Thế nhưng, chúng ta không nên quyết định về tương
lai trước khi nó xảy ra. Không nên quyết định về những khả năng trong
một bối cảnh. Đã đến lúc chúng ta nên từ bỏ quan điểm số phận.
Con đường cải cách của Việt Nam đã
kéo dài quá lâu. Có thể nói là Việt Nam đã phải chờ gần 100 năm, dù độc
lập là cực kỳ quan trọng nhưng độc lập sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người
dân không được hưởng những quyền tự do cơ bản.
Tôi biết một Ông nổi tiếng nào đó
có viết những câu như này. Thế nhưng, tương lai của Việt Nam không phải
là về Ông ta mà là về nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và những quyết
định, ứng xử của chính họ ra trong thời gian tới. Tốt nhất là ĐCS Việt
Nam không nên chống lại cải cách mà phải có một số quyết định lịch sử để
bắt đầu một quá trình hòa giải, một quá trình cải cách có sự tham gia
của toàn dân.
Chẳng ai muốn Việt Nam có một quá
trình cải cách mất trật tự. Phải là diễn biến hòa bình. Diễn biến hòa
bình không phải là âm mưu của các thế lực thù địch mà là sản phẩm của
chính người dân Việt Nam muốn đất nước bước vào một thời kỳ mới.
JL, Hồng Kông