Kami
Theo RFA Blog
Những ngày cuối tháng 7, vấn đề chính trị ở Campuchia được những
người quan tâm nhắc tới nhiều. Hình như đang có hai luồng ý kiến, một
bên cho rằng Campuchia là một quốc gia đa đảng, có một nền dân chủ phôi
thai đã thành hình, đáng là tấm gương cho Việt nam học tập; nhưng một
luồng ý kiến khác thì cho răng dân chủ ở Campuchia là giả hiệu được cai
trị với bàn tay sắt của ông Hunsen, một nhà quản trị độc tài người đã
liên tục nắm ghế thủ tướng từ năm 1993 đến nay.
Đã lâu không đến Campuchia, chỉ nắm bắt tin tức của quốc gia xứ sở
của Chùa tháp này qua truyền thông và bạn bè ở bên đó. Nhân cơ hội này
tôi và mấy người bạn quyết định sang Campuchia để chứng kiến một hoạt
động mang tính biểu tượng của một nền dân chủ. Đó là ngày bỏ phiếu bầu
cử Quốc hội nhiệm kỳ thứ 5 của Campuchia, Chủ nhật 28.7.2012.
Xe của chúng tôi hướng về biên giới Campu chia, xe chạy đến gần biên
giới khi nhìn thấy những rặng cây thốt nốt thì ký ức ngày xưa hiện trở
lại. Một cảm giác đất nước Campuchia thân quen trở lại, nơi mà một thời
tôi đã từng sống ở đất nước này với bao kỷ niệm buồn nhiều hơn vui. Phần
lớn là máu và nước mắt. Cửa khẩu hôm nay đông, người qua lại tấp nập,
trong dòng người nhập cảnh vào Campuchia hôm nay không chỉ là những
người đi buôn bán, công việc hay sang đánh bạc. Mà còn một số rất đông
những lao động người Campuchia sang nước láng giềng lao động trở về nước
để tham gia bầu cử.
- Xua sơ đây, boong tâu na? (Xin chào, anh đi đâu đấy?)
Tôi cất tiếng chào một người đàn ông người Campuchia đang sánh bước
cùng, anh ta khoảng ngoài 40 tuổi da ngăm đen tóc quăn, anh ta cho biết
tên là Samnang người ở tỉnh Congpongcham trở về nước để chủ nhật đi bỏ
phiếu. Được biết chúng tôi là người Việt sang xem bầu cử, anh ta vừa nói
bằng tiếng Việt lơ lớ vừa cười:
- Chào bộ tụi (đội) Việt nam!
Hỏi ra mới biết hồi còn bé, làng anh ta lúc ấy cũng có bộ đội Việt
nam đóng quân mà bây giờ vốn tiếng Việt của anh ta vẻn vẹn có bấy nhiêu.
Tôi hỏi:
- Thế anh sẽ bỏ cho ông nào, Somrangsi hay Hunsen?
Anh ta nói:
- Tôi đã có cái tên (lựa chọn) đã để trong tim, nhưng chưa nói cho ai biết.
Làm thủ tục nhập cảnh xong, xe chúng tôi đi sang đất Campuchia và
thăng tiến hướng về Phnompenh. Đất nước Campuchia thay đổi nhiều, có lẽ
vì là mùa mưa nên không còn cảnh các con đường đất đỏ bụi mù và những
chiếc xe gắn máy bám đầy đất đỏ như ngày xưa. Đường xá trải nhựa nhẵn
bóng, hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh rì. Qua các thị xã thấy
các biển vận động tranh cử của các đảng phái treo đầy các cột điện, gốc
cây và rất đông người mặc quần áo đồng phục cổ động viên của các đảng
sau khi đi vận động tranh cử ngày cuối. Cũng vì hôm ấy là thứ 6, nên chỉ
còn vài giờ đồng hồ nữa họ sẽ thu dọn hết các biển này vì đã hết thời
gian cho phép vận động tranh cử.
Tương quan lực lượng
Tuy cuộc bầu cử Quốc hội của Campuchia có nhiều đảng phái tham gia,
nhưng thực chất nó là cuộc chạy đua giữa hai chính đảng đang nắm các số
ghế lớn trong Quốc hội. Đó là đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của thủ
tướng Hunsen và đảng Cứu Quốc (CNRP) đối lập của ông Somrangsi. Cho dù
CPP của thủ tướng Hunsen nắm lợi thế tuyệt đối về mọi mặt tiền bạc,
truyền thông... và kể cả quân đội so với CNRP của ông Somrangsi. Hơn thế
nữa, trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương trong năm 2012, đảng CPP
của ông Hunsen đã giành được thắng lợi ở hơn 1.500 điểm bầu cử trên
tổng số hơn 1.600 điểm. Đó chính là nguyên nhân khiến CPP đã quá lạc
quan về kết quả của cuộc bầu cử này. Ngược lại các đại biểu của CNRP tuy
thất bại, nhưng họ vẫn tiếp tục đi sát dân đó cũng là một nguyên nhân
CNRP giành được sự ủng hộ khá lớn trong kỳ bầu cử Quốc hội.
Nhưng trong cuộc bầu cử này, kết quả sơ bộ đã cho thấy Hunsen không
nắm được ưu thế áp đảo như ông ta nghĩ, bắt đầu từ sau khi ông ta phát
hiện việc đưa con là Hun Mani giữ chức Chủ nhiệm UB Thiếu niên
Campuchia. Việc làm này đã vấp phải sự phản ứng của số đông dân chúng.
Hay việc trước cuộc bầu cử ba tháng, ông Hunsen đột nhiên tuyên bố sẽ
cấp giấy chủ quyền đất trước tháng 6.2012 và lôi kéo thành phần sinh
viên vào cuộc nhưng không làm kịp, một hành động mua chuộc cử tri của
Hunsen cũng đã bị phản đối. Một yếu điểm của Hunsen và CPP đó là, do nắm
quyền quá lâu nên họ bắt đầu đưa con cái tham gia tranh cử thay cha mẹ,
điều đó đã khiến số lượng người dân chán ghét càng tăng lên. Mà CPP
quên rằng trong kỷ nguyên của thông tin, khi kỹ thuật truyền thông phát
triển đó là thứ vũ khí đe dọa quyền lực của mình. Giờ đây với các mạng
xã hội là những kênh để người dân có thể tiếp cận với sự thật của thông
tin. Xin ví dụ, ông Hunsen mở trang Facebook thủ tướng Hunsen đã ba năm
nhưng chỉ thu hút được hơn 72 ngàn fan like, ngược lại trang Facebook
của Somrangsi mới mở chỉ 3 tháng nhưng đã có trên 200 ngàn fan like đã
cho thấy sự thua kém của Hunsen.
Lực lượng ủng hộ cho ông Somrangsi là trí thức, thương nhân, công
nhân đặc biệt là thanh niên, với số lớp trẻ ở Campuchia hiện nay đã tăng
lên khoảng 1,5 triệu người có quyền bỏ phiếu trên tổng số hơn 3,5 triệu
cử tri. Ngược lại, đây là là ưu thế của ông Somrangsi. Ngược lại đối
tượng ủng hộ cho Hunsen là tầng lớp binh lính, người già và một phần lớn
nông dân... số này đang có xu hướng ngày càng mai một trong xã hội
Campuchia. Quan trọng hơn cả là ông Hunsen đã không nắm được thanh niên,
một lực lượng ngày càng tăng lên nhanh chóng trong xã hội Campuchia
hiện nay.
Hiện nay ở Campuchia người dân đã cảm nhận được quyền lực của họ
thông qua lá phiếu bầu, họ dần đã thực sự đã được có quyền lựa chọn
người lãnh đạo đất nước và Hunsen không thể làm mưa làm gió được như
trước. Việc nảy sinh mâu thuẫn, bạo lực và xô xát trong ngày bầu cử đã
phản ảnh được điều đó. Mà kết quả sơ bộ đảng CPP chỉ giành được 67 ghế,
còn đảng Cứu Quốc đã giành được 56 ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử
lần này, là kết quả kém nhất của chính phủ Thủ Tướng Hun Sen kể từ cuộc
bầu cử năm 1993 là bằng chứng. Đau nhất đớn nhất của Hunsen là ghế đại
biểu quốc hội ở tỉnh Candal, được coi là lãnh địa cấm, vùng bất khả xâm
phạm của Hunsen cũng bị rơi vào tay của đảng Cứu Quốc (CNRP) đối lập của
ông Somrangsi.
Về cá nhân Hunsen là một chính trị gia tài ba, ông ta là người có khả
năng có thể lật ngược tình thế chính trị một cách ngoạn mục trong mọi
tình huống. Mà việc ông ta đã từng thất cử trước hoàng thân Norodom
Ranariddh của đảng bảo hoàng Funcinpec khi Campuchia khôi phục chế độ đa
đảng năm 1993. Nhưng bằng tài trí của mình Hunsen đã đạt được danh hiệu
đồng thủ tướng và cuối cùng là hất cẳng hoàng thân Norodom Ranariddh để
nắm độc chiếm quyền lực từ đó đến nay. Đó là chưa kể đến việc nắm trong
tay lực lượng quân đội, là điều có thể giúp cho Hunsen tiến hành đảo
chính để làm bất kỳ những gì ông ta muốn
Còn trong lần bầu cử này, ông Somrangsi rút được kinh nghiệm trong
bốn lần bầu cử trước mà cá nhân ông ta đã nhiều lần bị hoàng thân
Norodom Ranariddh của đảng bảo hoàng Funcinpec lật lọng. Nên nhớ
Somrangsi có một lý lịch cá nhân tuyệt vời, cha của ông ta là một chính
trị gia nổi tiếng đã từng bị ông Sihanuc phế truất, bản thân ông
Somrangsi tu nghiệp ở nước ngoài với các bằng cấp có danh giá. Trong lần
bầu cử thứ 5 này, bằng việc áp dụng chủ nghĩa dân túy để đánh thẳng vào
mong mỏi của người dân về các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, với
một chính sách tranh cử mang tính cải cách, với cương lĩnh tranh cử cụ
thể như tiền lương hưu cho người già trên 60 tuổi, việc khám chữa bệnh
hoàn toàn miễn phí, tiền lương cho trưởng làng v.v... Với chính sách này
đảng CNRP của ông Somrangsi đã thu hút một số lượng không nhỏ các cử
trị ủng hộ. Cần nói thêm, chính sách bài Việt của ông Somrangsi có tác
dụng cả hai mặt, điều này đã làm ông ta không nhận được sự ủng hộ của
hầu hết cử tri gốc Việt nhưng ngược lại chính sách này đã được một số
không nhỏ cử tri có tinh thần dân tộc ở Campuchia ủng hộ.
Diễn tiến bầu cử
Sáng Chủ nhật 28.7.2013, các địa điểm bầu cử mở cửa cho cử tri bỏ
phiếu từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, ở các địa điểm bầu cử trên 21 tỉnh
đã diễn ra trong không khí trật tự và nghiêm túc. Người dân Campuchia
rất có ý thức trong việc sử dụng quyền cử tri của mình, thể hiện qua
việc ngay khi mở cửa các phòng phiếu đã có một số không ít người tụ tập
từ trước đã xếp hàng lần lượt làm thủ tục bỏ phiếu với thái độ hân hoan
vui vẻ. Đảo qua 3-4 địa điểm bầu cử ở Phnompenh, mọi việc cũng diễn ra
tương tự, không có dấu hiệu nào cho tháy có thể xảy ra xung đột trong
ngày bầu cử.
Cuối buổi sáng, không khí ở Phnompenh bắt đầu căng thẳng khi hàng
trăm cử tri thấy tên mình không có trong danh sách cử tri, nhiều cử
tri phát hiện người khác đã dùng tên của họ để bỏ phiếu trước đó. Bên
cạnh đó là tình trạng ngăn cản không để người Việt Nam có tên trong danh
sách cử tri được tham gia bỏ phiếu. Không chỉ ở thủ đô Phnom Penh, tại
các tỉnh Prey Vieng, Candal... cũng đã xuất hiện tình trạng tương tự và
đỉnh điểm là nảy sinh mâu thuẫn, bạo lực và xô xát. Ở thủ đô Phnom
Penh, 2 xe cảnh sát đã bị những người quá khích lật ngược và thiêu cháy,
tình trạng hỗn loạn đã làm cho một số điểm bỏ phiếu bị gián đoạn trước
lúc đóng cửa. Sau khi đóng cửa, các điểm bỏ phiếu đã lập tức tiến hành
kiểm phiếu công khai, dưới sự chứng kiến của đại diện Uỷ ban bầu cử quốc
gia (NEC), đại diện COMFREL (Ủy ban vì một cuộc bầu cử Tự do và Công
bằng ở Campuchia), đại diện các đảng chính trị... và quần chúng nhân
dân.
Đáng chú ý, lúc 18 giờ ngay sau khi đảng Cứu Quốc (CNRP) - đối lập ra
thông cáo báo chí tuyên bố đã thắng cử, khi ấy bầu không khí ở thủ đô
Phnom Penh trở nên căng thẳng và ngột ngạt hơn. An ninh được thắt chặt,
các tuyến phố chính của thủ đô Phnom Penh cảnh sát đã lập nhiều trạm
kiểm soát. Dân chúng xôn xao, đặc biệt là những người Campuchia gốc Việt
không dám đi ra ngoài. Chỉ đến khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của
thủ tướng Hunsen ra thông báo tuyên bố đã giành được đa số ghế trong
cuộc bỏ phiếu đủ để nắm quyền thành chính phủ và cộng với khi COMFREL)
cũng ra thông cáo thừa nhận kết quả sơ bộ đảng CPP là giành được 67 ghế,
còn đảng Cứu Quốc giành được 56 ghế trong Quốc hội thì trật tự mới thực
sự vãn hồi.
Có gian lận trong bầu cử?
Có gian lận trong bầu cử?
Tới Phnompenh đã xẩm tối, sang đây mới cảm nhận được không khí sôi
sục của vòng nước rút tranh cử. Hình như tối nay Phnompenh náo nhiệt hơn
thường ngày, không như ở Thái lan bầu cử Quốc hội thì những ngày này
mỗi gia đình thường đã được nhận một khoản mua phiếu bầu kha khá để liên
hoan nhảy múa. Bên đây hình như không có trò mua bán phiếu, khác với
suy nghĩ trước đây. Có lẽ dân chủ ở họ còn non trẻ thì chưa thể chạy đua
chính trị bằng tiền, nhưng nhìn những đám đông khổng lồ của các đảng
chính trị trong vận động tranh cử thì chắc một điều, không có tiền thì
không thể làm chính trị gia được.
Mặc dù phe đối lập của ông Somrangsi tố cáo đã phát hiện có khoảng
200 ngàn tên cử tri đã được in hai lần trong các danh sách cử tri, hoặc
mực dấu lăn tay khi bỏ phiếu xong có thể tẩy được vì như vậy những cử
tri này có thể bỏ phiếu hai lần. Hoặc việc tên cử tri bị thiếu trong
danh sách đi bầu với số lượng ước chừng 1,25 triệu người và thay vào đó
khoảng 1 triệu cử tri "ma". Đấy có lẽ là thủ đoạn gian lận phổ biến
nhất, còn việc gian lận trong kiểm phiếu có lẽ là không thể có. Vì ít ai
biết một điều, ở Campuchia nhà sư cũng có quyền cử tri và cũng đi bỏ
phiếu, chọn ai thì ý sư gần như là ý của một làng do vậy việc gian lận
trong kiểm phiếu với sự chứng kiến của các nhà sư là một điều cấm kỵ
Điều mà Hunsen có muốn nghĩ nhưng cũng không dám.
Trong 5 lần bầu cử quốc hội gần đây của Campuchia thì chuyện gian lận
trong bầu cử là phổ biến, có lẽ chỉ có cuộc bầu cử lần đầu mà Hunsen
thua cử tiến hành dưới sự giám sát của UN thì được coi là trong sạch.
Cũng cần phải nói tới vai trò tích của Ủy ban vì một cuộc bầu cử Tự do
và Công bằng ở Campuchia (COMFREL), chính nhờ những thông tin của
COMFREL mà chính phủ cũng không dám gian lận hơn như đã gian lận trong
cuộc bầu cử lần thứ 5 này.
Tương lai Campuchia
Tuy kết quả chính thức vẫn chưa được công bố nhưng kết quả nói trên
là chính xác thì đây là thành tích yếu kém nhất của chính phủ Thủ Tướng
Hun Sen kể từ cuộc bầu cử năm 1993. Việc Somrangsi và đảng Cứu Quốc
(CNRP) đang làm lớn chuyện gian lận của chính phủ trong bầu cử là một
trở ngại không nhỏ. Vì nếu cực đoan nhất, là Somrangsi và đảng Cứu Quốc
(CNRP) không chấp nhận kết quả bầu cử thì phiên họp khai mạc của kỳ họp
đầu tiên của Quốc hội Campuchia khóa 5 sẽ không thể tiến hành. Khi áy
chính trị Campuchia sẽ đi vào bế tắc.
Trong những ngày tới, nếu phe đối lập không chấp nhận kết quả bầu cử
do bị tố cáo gian lận ở mức quá đáng, thì tình hình sẽ ngày càng trở nên
phức tạp, vì không dễ gì mà đảng CPP chấp nhận tổ chức bầu cử lại. Kể
cả thái độ của CPP phần nào cũng thể hiện họ cũng cảm thấy các lỗi kỹ
thuật trong bầu cử là sự thật, bằng chứng là người phát ngôn của CPP
thỏa mãn với số ghế 68 trong kết quả kiểm phiếu sơ bộ. Và ngày
31.7.2013, phát biểu với báo giới ông Hunsen đã kêu gọi Somrangsi và
đảng Cứu Quốc (CNRP) nên có thái độ hợp tác. Mà theo ông ta thì chúng ta
(CPP và CNRP) có thể thảo luận được trên tinh thần nhân nhượng. Điều đó
cho thấy Hunsen và CPP đang ở thế bị động.
Việc ông Hunsen gần đây đã tuyên bố ông sẽ điều hành đất nước thêm 10
năm nữa, tức là ít nhất cho đến 70 tuổi. Tuyên bố này được xem là dấu
hiệu rõ rệt nhất báo trước Thủ tướng Hun Sen đang chuẩn bị cho các con
ông sau này trở thành các lãnh đạo kế vị, với sự thức tỉnh của cử tri
Campuchia trong cuộc bầu cử vừa qua cho thấy Hunsen phải coi chừng. Nếu
không ông ta sẽ phải hứng chịu các bài học của các cựu độc tài như
Marcot ở Philippine hay Suharto của Indonexia. Tất nhiên việc thủ tướng
Hunsen từ bỏ quyền lực không phải chuyện dễ và chưa hề có dấu hiệu cho
thấy ông ta có ý định này. Điều này không chỉ vì ông Hunsen có hậu thuẫn
của Lữ đoàn 7 sau đổi thành lực lương chống khủng bố do con trai ông ta
trung tướng Hun Manet 36 tuổi đã giữ trọng trách phó chỉ huy. Hay việc
lãnh đạo của đảng CPP chuyển về Takhamau tỉnh Candal nơi mà Hunsen vừa
thất bại mà trước đó từng được coi là pháo đài của Hunsen và CPP. Mà
quan trọng là Hunsen không thể đi ngược trào lưu tiến bộ của thế giới.
Cho dù kết quả của cuộc bầu cử lần thứ 5 ở Campuchia chưa chính thức,
song sau cuộc bầu cử này việc lãnh đạo đất nước của ông Hunsen sẽ phải
đối mặt với không ít trở ngại. Giờ đây không phải Hunsen muốn làm là
được như trước đây vì chịu sự giám sát của phe đối lập với quyền lực
ngày càng lớn. Ngược lại, muốn tồn tại được thì bản thân ông Hunsen cần
phải hết sức nỗ lực và đặc biệt cần phải có tư tưởng cải cách mạnh mẽ
hơn ông Somrangsi. Với tỷ lệ 67/56 ghế trong Quốc hội giữa chính phủ và
phe đối lập, thì trong nhiệm kỳ này, thì việc ban hành các luật hay các
chính sách... sẽ là được hay không được thì tùy vào khả năng của chính
phủ. Nó hoàn toàn không dễ dàng như trước, khi tỷ lệ đó là 90/33. Quốc
hội Campuchia từ đây không chỉ là cơ quan dân cử mang tính hình thức để
bảo chứng cho những quyết định của Hunsen và với số ghế của phe đối lập
tăng lên thì quyền lực trong việc đàm phán và thỏa thuận của ông
Somrangsi nghiễm nhiên ngày càng lớn.
Hiện nay ở Campuchia người dân đã cảm nhận được quyền lực của họ
thông qua lá phiếu bầu, họ dần đã thực sự đã được có quyền lựa chọn
người lãnh đạo đất nước. Với tình hình nhận thức của cử tri Campuchia
như hiện nay, đây là động lực của một sự thay đổi và là một nguy cơ lớn
đối với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của thủ tướng Hunsen. Một chi tiết
nhỏ cũng cần nói, đó là bằng mọi giá CPP và Hunsen phải giữ nguyen được
số ghế ĐBQH, với tuổi đờ của các ĐBQH của CPP quá cao, như Hengsomtin
79 tuổi, Honamhong 78 tuổi... Vì sự ra đi của các đại biểu Quốc hội của
phe chính phủ do chết hay bị truất quyền ĐBQH hoặc không dự họp khi bỏ
phiếu để đảm bảo 67 vote thì là một nguy cơ. Trong trường hợp đó phải
tiến hành bầu cử bổ xung, mà nguy cơ thua cử của CPP của thủ tướng
Hunsen khi bầu cử lại là cao.
Somrangsi và đảng Cứu Quốc (CNRP) mặc dù không có gì được coi là lợi
thế nhưng cũng có sự ủng hộ của trí thức, các chuyên gia kinh tế đang là
số lượng ngày càng tăng, với xu hướng thân phương tây và chính sách cải
cách mạnh mẽ, trong khi CPP ngày càng tỏ ra là một đảng bảo thủ. Đó là
một điều hấp dẫn đối với cử tri Campuchia hiện tại cũng như trong tương
lai. Tương lai 5 năm tới số lượng ĐBQH sẽ là 150 ghế, chứ không phải 123
ghế như hiện nay, điều này cũng là một thách thức không nhỏ đối với
đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của thủ tướng Hunsen.
Có nhiều ý kiến cho rằng, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của thủ tướng
Hunsen và đảng Cứu Quốc (CNRP) đối lập của ông Somrangsi có những bất
đồng hết sức nghiêm trọng nên không thể bắt tay nhau, Song có lẽ họ
quên, đặc điểm của chính trị CPC nói riêng hay người Kh'mer nói chung
nếu quyền lợi dung hòa, có lợi chút ít thì lập tức họ sẵn sàng chấp
nhận. Đừng quên, năm 2006 Somrangsi đã từng bắt tay với Hunsen để sửa
đổi Hiến pháp khi Somrangsi chỉ vì mâu thuẫn với hoàng thân Norodom
Ranariddh.
Kinh tế Campuchia phát triển không nhanh nhưng ổn định nhờ chính trị,
là một thách thức đối với Somrangsi. Với đặc thù của chính phủ
Campuchia là thích nhận viện trợ của nước, mức ngoài bình quân 700 triệu
USD/năm trong lúc các khoản viện trợ từ Trung quốc không còn dễ như
trước. Cộng với lãnh đạo các ngành kinh tế chủ chốt ở Campuchia là thân
Hunsen họ cũng có thể là một yếu tỗ quan trọng trong việc ông Somrangsi
có thể tồn tại trong ngôi vị thủ tướng hay không? Quan trọng là
Somrangsi biết trao đổi với Hunsen, thì cũng có thể thành lập một chính
phủ nhiều đảng mà Somrangsi sẽ phụ trách các bộ về kinh tế. Tuy nhiên
điều này ít có khả năng trong thời gian trước mắt.
Việc Hunsen có ba con trai đều được đào tạo bài bản, như con trai cả
là trung tướng Hun Manet 36 tuổi người đã từng tốt nghiệp từ Học viện
Quân sự West Point Hoa Kỳ và tiến sĩ Kinh tế tại Học viện Bristol Anh.
Nếu như Hunsen lùi vào sau hậu trường để con cái thay thế với một chính
sách cải cách thì đây cũng là một vấn đề đau đầu với ông Somrangsi và
đảng Cứu Quốc (CNRP). Ngược lại nếu Husen còn lưỡng lự để tiếp tục nắm
giữ quyền lực tiếp hai nhiệm kỳ để chờ con trai đủ độ chín, thì cái gì
sẽ xảy ra cũng không khó có câu trả lời.
Dưới con mắt người dân Campuchia thì đảng Nhân dân Campuchia (CPP)
của thủ tướng Hunsen thì ngày càng già cỗi và bảo thủ; và ngược lại đảng
Cứu Quốc (CNRP) đối lập của ông Somrangsi với tư tưởng cải cách được ví
như một luồng gió mới thổi vào nền chính trị mang dáng dấp độc tài của
Campuchia. Chính vì thế con đường hướng tới cuộc bầu cử lần thứ 6, sau
năm nữa đối với ông Hunsen sẽ là con đường đầy chông gai. Và những người
lạc quan đã thấy thấp thoáng ánh bình minh của đảng Cứu Quốc (CNRP) của
ông Somrangsi./.
Kết:
Tuy đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của thủ tướng Hunsen giành được
chiến thắng trong cuộc bầu cử lần thứ 5 năm này một cách sít sao theo
kết quả sơ bộ, nhưng đây là một sự thất bại nặng nề nhất của Hunsen và
CPP trong thời gian vừa qua. Các nhà bình luận chính trị cho rằng,
nguyên nhân chính của sự thất bại này không phải là do sự xuát hiện kịp
thời của ông Somrangsi và đảng Cứu Quốc (CNRP) đối lập với tư tưởng cải
cách. Mà phần lớn là do các chính sách của Hunsen trong thời gian khoảng
3 năm trở lại đây, chính quyền đã không đoái hoài gì đến quyền lợi của
dân chúng, đặc biệt là chính sách thu hồi đất của dân chúng cho các nhà
đầu tư ngoại quốc và Việt nam. Khi thu hồi không được thì chính quyền
dùng sức mạnh bạo lực để cướp, kể từ năm 2009 - 2012 chính sách này đã
làm cho khoảng 30 ngàn người rơi vào tình trạng không nhà cửa, và con số
này sẽ tăng lên 150 ngàn trong vòng 5 năm tới. Nếu quay lại thời gian
khoảng 5-10 năm trước, dân Campuchia lúc đó hết sức kỳ vọng vào Hunsen
và CPP, mà theo họ đó là cơ sở đảm bảo cho sự ổn định và tránh những xáo
trộn chiến tranh như đã xảy ra vào thập kỷ 60 - 90. Cộng với việc, tầng
lớp người nghèo đã bị biến thành công dân hạng hai, nhân phẩm và đời
sống của họ không được quan tâm. Thu nhập thấp và bị làm việc trong một
hoàn cảnh được ví như lò mổ, dẫn đến nghèo đói trong lúc khoảng cách
giữa người giàu và người nghèo ngày càng cách biệt lớn.
Điều đó cho thấy rằng, trong một xã hội mà người dân thực sự làm chủ
đất nước thì tiếng nói của các cử tri thuộc tầng lớp nghèo chiếm đa số
sẽ có uy lực lớn, buộc các chính đảng phải quan tâm đến họ. Nếu như họ
không muốn thất bại.
Ngày 01 tháng 8 năm 2013
© Kami