Phan Vĩnh Hựu
Tháng 2 năm 1956 đã xảy ra 1 sự kiện lịch sử quốc tế vô cùng quan trọng trong phong trào cộng sản thế giới. Đó là “Bản báo cáo Mật“ của N.S Khrushop, bí thư thứ nhất BCHTU Đảng CS Liên Xô đọc trong Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Liên Xô.
Gọi là báo cáo mật vì chỉ những đại biểu Liên Xô mới được dự phiên họp kín này. Không ai, kể cả các đại biểu của các Đoàn đại biểu ĐCS “anh em“ được mời dự Đại hội cũng không được dự. Sau đó, mỗi trưởng đoàn đại biểu ĐCS dự Đại hội được phát riêng một bản báo cáo, trong đó có Chu Đức là trưởng đoàn của Đảng cộng sản Trung quốc, Trường Chinh là trưởng đoàn của Đảng lao động Việt Nam.
Sợ dứt dây sẽ động rừng, khi về nước, không trưởng đoàn nào dám báo cáo lại nội dung bản báo cáo mật này của Khrushop với các đảng viên. Riêng một thành viên trong đoàn BaLan là Đambrốpski đã cho phát hành bản báo cáo mật của Khrushop trong nội bộ Đảng. Một trong những bản này đã được đăng trên tờ New York Time tại Hoa Kỳ số ra ngày 16/3/1956. Tiếp theo là đăng trên tờ Le Monde của Pháp. Sau đó, chỉ trong 2 tháng, hầu hết các báo trên thế giới đã đăng lại. Bản báo cáo mật của Khrushop đã được Đỗ Tịnh dịch nguyên văn từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt và phát hành ở Paris, thuộc Tủ sách nghiên cứu Boite Postale 246. 75224 Paris cedex 11 France.
Đây là bản cáo trạng, xoá bỏ mọi huyền thuyết tốt đẹp mà bộ máy tuyên truyền của ĐCS Liên Xô và của ĐCS các nước đã tô vẽ cho Stalin và để lộ nguyên hình của Stalin là 1 nhà độc tài toàn trị khét tiếng tàn bạo, đã đàn áp dã man các phong trào của nhân dân Liên Xô đòi quyền dân chủ xã hội và thanh trừng nội bộ khốc liệt tất cả những ai bất đồng chính kiến với ông ta.
Mao Trạch Đông kịch liệt chống lại bản báo cáo này của Khrutsov vì ông ta chính là Stalin của ĐCSTQ.
Theo báo cáo mật của Khrushop, để thực hiện những tội ác đó, một mặt Stalin tạo ra quan niệm “kẻ thù của nhân dân“ để loại trừ tất cả những người bất đồng chính kiến với ông ta, không cần đến việc vận dụng các chuẩn mực đạo lý và các chuẩn mực pháp luật, cũng không cần phải đấu tranh tư tưởng. Mặt khác, Stalin dựa vào các cơ quan hình sự trung thành với riêng ông ta, dùng các phương pháp bạo lực hành chính, đàn áp và khủng bố, dùng nhục hình cưỡng bức các bị cáo phải “thú tội“ với những tội mà họ không hề có. Nhiều vụ bắt bớ đồng loạt hàng ngàn người. Nhiều vụ hành quyết không cần đưa ra xét xử tại Toà án, đã tạo ra không khí lo sợ khủng bố trong xã hội Liên Xô một thời gian dài. Ở thời kỳ đó, nhiều “ Bệnh viện tâm thần “ đã được thành lập ở Liên Xô để giam giữ những người có ý kiến bất đồng với các chính sách của Stalin, kể cả những ý kiến thuộc về những vấn đề thực tiễn, không liên quan gì đến lý luận. Stalin viện cớ “càng tiến lên chủ nghĩa xã hội càng có nhiều kẻ thù và cuộc đấu tranh giai cấp càng trở nên quyết liệt nên càng phải tăng cường các biện pháp trấn áp và thanh trừng những người bất đồng chính kiến trong nội bộ“. Trong rất nhiều trường hợp, các vụ án được nguỵ tạo để đàn áp những người có ý kiến bất đồng với Stalin, với những lời buộc tội xảo trá, làm cho nhiều người vô tội bị giết hại. Nhiều người bị vu khống và do không chịu nổi tra tấn dã man, đã phải tự gán cho mình những tội tày đình và cực kỳ vô lý.
Chỉ riêng trong 2 năm 1937 và 1938, Stalin đã duyệt 385 danh sách do Êdốp đứng đầu Toà án quân sự đệ trình lên, trong đó buộc tội hàng ngàn người với tội “kẻ thù của nhân dân“.
Trong số 1,7 triệu hồ sơ đã được giải mật, có đến 700.000 người (bảy trăm ngàn) đã bị giết oan vào những năm 1937 và 1938 với tội bị gán cho là “Phản cách mạng“. Chỉ riêng trong nhà tù của Uỷ ban an ninh quốc gia (KGB), từ tháng 8/1937 đến tháng 10/1938, Stalin đã cho bắn bỏ 20.760 người (hai mươi ngàn bảy trăm sáu mươi). 98 (chín mươi tám) trong số 139 uỷ viên BCHTU ĐCSLX được bầu trong Đại hội lần thứ 17 (chiếm 70%) phần lớn xuất thân từ công nhân, đã bị bắt và bị kết tội là “kẻ thù của nhân dân“. 1108 (một ngàn một trăm lẻ tám) người trong số 1956 đại biểu đã dự Đại hội ĐCSLX lần thứ 17 (chiếm 57%) đã bị bắt và bị kết tội “Phản cách mạng“ do bất đồng với đường lối chính sách của Stalin.
Tháng 6 năm 1937, Thứ trưởng quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Hồng quân, Nguyên soái Tukhachepsky và 7 đại tướng đã bị gán tội làm gián điệp cho nước ngoài và tất cả đều đã bị xử bắn (về sau đã được minh oan).
Các vụ án đã được thẩm tra lại. 3 (ba) trong số những vụ án đó đã được đọc trong báo cáo mật của Khrushop là 3 vụ án của Ây-khê, Rútduxtắc và Rođenblum.
Ây-khê là uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị, bị bắt ngày 29/4/1938 mà không có lệnh bắt của công tố viên. Ây-khê bị tra tấn và bị buộc ký vào biên bản làm sẵn, thú tội “đã hoạt động chống lại chính quyền Xô Viết“. Ngày 01/12/1939 Ây-khê viết thư cho Stalin. Trong thư Ây-khê viết: ”Tôi không phạm tội gì trong tất cả những tội người ta đã gán cho tôi. Sự thật là tôi không chịu nổi sự hành hạ của Ushakốp và Nhicôlaép (người của Bộ Nội vụ). Ushakốp biết tôi bị gãy xương sườn chưa lành hẳn nên hắn gây cho tôi đau đớn khủng khiếp khi hắn thẩm cung và bức tôi phải thú tội những tội do Ushakốp đọc cho tôi viết“. Phiên toà xử Ây-khê vào ngày 02/2/1940. Trước Toà, Ây-khê không nhận bất kỳ tội nào và tuyên bố: ”Tất cả cái gọi là lời thú tội của tôi không có 1 từ nào là sự thật. Tôi tuyên bố trước Toà là tôi vô tội“. Nhưng Ây-khê vẫn bị hành quyết vào ngày 04/2/1940.
Rútduxtắc là uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị, chủ tịch uỷ ban kiểm tra trung ương. Rúduxtắc có ý kiến bất đồng với Stalin. Stalin thành kiến đến mức không muốn nói chuyện với Rútduxtắc và Rutduxtắc đã trở thành nạn nhân của sự độc đoán của Stalin. Rutduxtac bị bắt. Trước Toà án quân sự, Rútduxtắc tuyên bố: ”Trong Bộ nội vụ có một trung tâm chuyên bịa đặt ra các vụ án buộc những người vô tội phải nhận những tội mà họ không bao giờ vi phạm. Những phương pháp điều tra của trung tâm này đã cưỡng ép người ta phải dối trá vu khống cho những người hoàn toàn vô tội, chưa kể đến chuyện vu khống cho những người đã bị buộc tội“. Phiên Toà chỉ xử Rutduxtắc trong 20 phút. Rútduxtắc bị kết án tử hình và đã bị xử bắn.
Theo Khrushop, vụ án Ây-khê và Rútduxtắc đã được thẩm tra lại và 2 ông đã được phục hồi danh dự.
Vụ án Rodenblum còn bỉ ổi hơn nhiều. Rodenblum bị bắt và bị gọi vào Văn phòng của Dukốpski (người của Bộ nội vụ). Dukốpski hứa sẽ trả tự do cho Rodenblum với điều kiện khi ra trước Toà, Rodenblum thú nhận có tội “hoạt động phá hoại, gián điệp và gây rối do 1 trung tâm khủng bố ở Leningrad tổ chức vào năm 1937”. Dukốpski nói Bộ nội vụ sẽ biên soạn sẵn cho Rodenblum một sơ đồ các chi nhánh của trung tâm khủng bố đó. Rodenblum phải thuộc để trả lời các câu hỏi của Toà án sẽ đưa ra. Nếu Rodenblum khai báo với Toà đúng như Bộ nội vụ đã biên soạn sẵn thì họ sẽ chu cấp cho Rogenblum suốt đời. Ngược lại thì Rodenblum sẽ mất mạng.
Cũng theo báo cáo mật của Khrushop, Stalin không chỉ đàn áp, tước bỏ quyền dân chủ xã hội của người dân nước cộng hoà liên bang xô viết. Stalin còn đày đoạ nhiều dân tộc trong liên bang xô viết. Năm 1943, Stalin đã ra quyết định buộc toàn bộ dân tộc Karachai và dân nước cộng hoà tự trị Kan-mức phải bị đuổi đi khỏi lãnh thổ họ đang sinh sống vì họ bất đồng với chính sách của Stalin. Năm 1944, toàn dân nước cộng hoà tự trị Banca cũng chịu chung số phận như dân tộc Karachai và dân tộc Kan-mức.
Bản báo cáo mật này của Khrushop có tên là “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó“.
Vì Khrushop quan niệm “không được giặt quần áo bẩn trước mắt kẻ thù“, nên khi đó nguyên nhân đích thực của vấn đề này vẫn chưa được giải thích rõ. Sau khi Đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ 20 kết thúc, một câu hỏi được tiếp tục tranh luận trong nhiều Đảng cộng sản ở Phương Tây là: ”Tại sao cách mạng vô sản đã được thực hiện ở Liên Xô. Ở đó giai cấp tư sản đã bị xoá bỏ. Giai cấp vô sản đã trở thành giai cấp duy nhất lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa mà ở đó lại tồn tại chế độ độc tài toàn trị tàn bạo như vậy?”.
Để tìm câu trả lời đích thực, các nhà sử học đã tìm ở thực trạng xã hội Liên Xô vào thời điểm đó, khi Lênin mất vào năm 1924 và Stalin trở thành người kế tục. Như Lênin đã viết trong bài “Thà ít mà tốt“ (Lênin toàn tập, tập 45) rằng: ”Chúng ta chưa đủ văn minh để có thể trực tiếp chuyển lên chủ nghĩa xã hội“ (theo lý tưởng nhân đạo nguyên thuỷ của Marx) thì Stalin chính là 1 trong những con người chưa đủ văn minh như vậy.
Mặt khác, chế độ chính trị toàn trị độc tài dựa trên chuyên chính vô sản đã đem lại rất nhiều đặc quyền đặc lợi cho 1 giai tầng mới hình thành ở Liên Xô là giai tầng của những quan chức quan liêu xuất thân từ các đảng viên cộng sản trong bộ máy Đảng và Nhà nước Liên Xô, đang độc quyền lãnh đạo và cầm quyền, mà theo Lênin viết trong phần 3, bài: ”Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền xô viết“, khi ông đã thức tỉnh thì đó là những kẻ bịp bợm, những kẻ bất tài, những kẻ lười biếng ăn bám, những kẻ vô lương tâm trong số các Thủ trưởng đang bám vào Chính quyền xô viết để mong trở thành các “ngôi sao“ trong nghề ăn cắp của công.
Để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của họ, họ phải ra sức bảo vệ chế độ chính trị đó. Họ phải vun đắp uy danh cho người đứng đầu là Stalin. Họ đã dùng mọi cách tô vẽ để biến Stalin thành con người nhân hậu, thông hiểu mọi thứ trên đời như một vị thánh sống, đủ trí tuệ suy nghĩ thay cho mọi người, có thể làm bất kỳ việc gì mà không bao giờ mắc sai lầm trong thực tiễn, rồi núp bóng của Stalin để duy trì các đặc quyền, chống lại những đòi hỏi của nhân dân về dân chủ xã hội và chủ nghĩa Mác nguyên thuỷ đã bị biến dạng.
Trong xã hội Liên Xô thời điểm đó, ai phê bình Stalin là chống lại Lãnh tụ, chống lại Lãnh tụ là chống Đảng mà chống Đảng tức là chống chủ nghĩa xã hội, phải chuyên chính vô sản, phải bị tiêu diệt. Quyền lực của Stalin không bị kiểm soát dẫn đến ngày càng lạm quyền. Khi uy thế và quyền lực của Stalin đã vượt quá giới hạn mà những kẻ xu nịnh và tâng bốc mong muốn thì chính họ cũng bị trở thành nạn nhân của những trò hề do chính họ tạo ra, rồi bất kỳ ai bất đồng ý kiến với Stalin đều bị kết tội là “kẻ thù của nhân dân“ và bị Stalin trừng phạt.
Theo Thủ tướng Nga Putin thì “những người bị thảm sát là những người con ưu tú nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó“. Vì thế, như Khrushop đã đọc trong báo cáo mật: sự phát triển của mọi ngành hoạt động, từ kinh tế – xã hội đến hoạt động văn hoá trong xã hội Liên xô khi đó đều bị tê liệt. Hệ thống lãnh đạo được áp dụng ở Liên Xô trong những năm cuối đời của Stalin đã trở thành vật chướng ngại đối với con đường phát triển của xã hội Liên Xô.
Trong ngày kỷ niệm 65 năm chiến thắng chống phát xít, Tổng thống Nga Metvedep nói “Stalin đã phạm nhiều tội ác chống lại nhân dân và không thể tha thứ. Dù từng cá nhân có quyền đánh giá khác nhau về Stalin thì quan điểm của Nhà nước Nga hiện nay là Chủ nghĩa Stalin không thể quay lại trên nước Nga nữa“.
Bản báo cáo mật của Khrushop đã mở đầu cho trào lưu đấu tranh chống lại chế độ toàn trị độc tài trong các quốc gia thuộc phe xã hội chủ nghĩa và cuối cùng đã làm thay đổi bộ mặt chính trị trên hành tinh như ngày nay chúng ta đang sống.
Trong suốt 30 năm ở thời kỳ chiến tranh lạnh, nhiều Lãnh tụ cộng sản đã sùng bái Stalin và tỏ ra trung thành với chủ nghĩa Stalinít. Ở Việt Nam, Tố Hữu, uỷ viên Bộ chính trị ĐLĐVN đã làm thơ tâng bốc Stalin: ”Yêu biết mấy nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Stalin. Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương ông Stalin thương mười”. Đến năm 1958, khi bản báo cáo mật của Khrushop được tiết lộ rộng rãi, dân chúng các nước Balan, Hungarie, Tiệp khắc đã đập phá các tượng đài của Stalin. Nhiều Đảng Cộng sản Châu Âu như Pháp, Italia, Tây Ban Nha một thời tôn sùng chủ nghĩa Stalinít, nhưng từ sau Đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ 20, không còn ai muốn nhắc đến cụm từ “Stalinít“ nữa. Từ tháng 2 năm 2013, Đảng cộng sản Pháp đã bỏ biểu tượng búa liềm trên thẻ Đảng tượng trưng cho nền chuyên chính vô sản. Đến nay hầu hết các Đảng Cộng sản Châu Âu và Đảng cộng sản Nhật đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản Mácxít-Leninít, chuyển sang Chủ nghĩa cộng sản Châu Âu, có tên gọi là Eurocommunism, gần gụi với Chủ nghĩa Xã hội dân chủ.
Nguồn tư liệu: Lược trích báo cáo mật của N.S. Khrushop đọc tại Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô lần thứ 20, tiêu đề “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó“, bản tiếng Việt của Việt Nam thư quán (http://vnthuquan.net).
Phan Vĩnh Hựu