Mặc Lâm - RFA
Phiên tòa Phúc thẩm xét xử
Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phuơng Uyên sẽ diễn ra vào ngày 16 tháng 8 tại Tòa án
Nhân Dân tỉnh Long An nhưng người quan tâm đều thấy rằng bản án bỏ túi này đã đựơc
định đoạt thông qua việc công an áp lực gia đình hai em phải từ bỏ quyền bào chữa
qua luật sư của mình.
Giới trẻ Việt Nam, ảnh minh họa - AFP photo |
Mặc Lâm ghi nhận ý kiến của
ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội trí thức thành phố và luật gia Lê Hiếu
Đằng, nguyên phó chủ tịch MTTQ thành phố Hồ Chí Minh. Ông Huỳnh Kim Báu là người
mới được gặp hai em vào ngày hôm nay và ông cho biết:
Ông Huỳnh Kim Báu: Cháu Phương Uyên thì vững vàng. Phương Uyên không từ chối
luật sư, dứt khoát ra tòa như tòa sơ thẩm. Tôi vô gặp cả hai cháu nhưng chỉ cho
gặp và nói chuyện với Phương Uyên thôi. Cháu Nguyên Kha thì với áp lực của gia
đình (họ áp lực với gia đình để gia đình áp lực với Nguyên Kha) thì họ không
cho chúng tôi gặp.
Nguyên Kha thì gương mặt rất đăm chiêu. Ngày mai chúng tôi
cũng sẽ đi sớm. Ngày mai chúng tôi xuống mà không cho vào thì sẽ đứng ở trước để
mà biểu tình.
Mặc Lâm: Thưa ông, ông có thể cho biết là có bao nhiêu người đi
và căn cứ trên danh nghĩa nào để xin vào gặp hai em?
Ông Huỳnh Kim Báu: Không có danh nghĩa gì hết. Đây là từng cá nhân một tự
động đi với lý do là quí trọng một sinh viên vừa mới có 21 tuổi mà dám đứng ra
đấu tranh và dũng cảm nhận mọi thách đố. Nhớ lại thời trẻ của mình, bây giờ
mình quí tức là mình quí tuổi trẻ của mình. Tôi cũng mừng vì trong số đó có một
số trẻ cùng cỡ với Phương Uyên đi theo. Tôi nghĩ chắc ngày mai số người đi cũng
không ít.
Mặc Lâm: Thưa ông, sau một thời gian theo dõi vụ án của Phương
Uyên và Nguyên Kha, tình cảm cũng như nhận
xét của ông về hai người trẻ này như thế nào. Họ có bộp chộp, có vì bị giật dây
để mà làm công việc này hay không hay là do xuất phát từ lòng yêu nước chân
thành của họ thông qua chuyện trả lời trước tòa án trước đây, thưa ông?
Ông Huỳnh Kim Báu: Như tôi nói với anh đấy, đây là hình ảnh của tụi tôi
lúc 19,20. Đây là những con người yêu nước không bị xúi giục và không ai xúi giục
được chuyện này, nhất là trong chế độ này. Nếu họ không dũng cảm, không yêu nước
thật thì họ không dấn thân vào việc này đâu. Đây là thái độ cương quyết của họ.
Chúng tôi rất tin và rất phấn khởi và chúng tôi vững tin là thế hệ kế tiếp xứng
đáng kế thừa và hy vọng sẽ đem lại cho nhân dân Việt Nam một xã hội công bình,
một chế độ đàng hoàng tử tế;Những người lèo lái con thuyền Quốc gia sau
này.
Mặc Lâm: Thưa ông, ông có thể cho biết trong tình trạng của
Phương Uyên và Nguyên Kha thì phản ứng của giới trí thức nói chung tỏ ra như thế
nào theo nhận xét của ông?
Ông Huỳnh Kim Báu: Đa số đều cảm phục nhưng mà như ông đã biết phần đông
là họ sợ bị đàn áp. Họ sợ bị đàn áp là chính. Tất cả đều quí trọng hai cháu vì
đến giờ này tôi chưa nghe ai đả kích. Nghe nói tôi đi thăm Phương Uyên là họ phấn
khởi và họ gởi tiền cho. Họ gởi tiền cho nên tụi tôi đã gởi, đã lo từ luật sư
cho đến thăm nuôi chứ gia đình mấy cháu nầy nghèo lắm. Nhiều anh em gởi tiền và
chứng tỏ họ biết và họ ủng hộ; Nhưng mà ai cũng sợ, cái xã hội này nó thành
công ở chỗ đó, tạo ra cho người ta ai cũng sợ.
Bất an
Giới trẻ VN sử dụng iPad tại một quán cà phê vỉa hè Hà Nội hôm 01/8/2013. AFP |
Mặc Lâm: Đó là
về mặt những người trí thức và những người có lòng với Phương Uyên. Chúng tôi
cũng biết là ông có những liên hệ mật thiết với chính quyền vì ông cũng đã từng
làm việc. Vậy ông có nhận xét gì về những người cầm quyền hiện nay trước thái độ nói
chung của trí thức và những người lo lắng cho thân phận của hai em?
Ông Huỳnh Kim Báu: Họ rất lo. Ai gặp tôi thì cũng hỏi như tôi nói với anh
khi nãy nhưng bảo họ dấn thân như trước 75 thì họ không dám. Nói gì thì nói, chế
độ cũ nó vẫn có cái cơ bản của nền dân chủ pháp trị. Căn cứ vào đó, bằng luật
pháp họ có thể vừa ủng hộ và vừa bảo vệ cho họ được. Còn bây giờ họ nói không
an toàn vì chế độ này có thể làm bất cứ cái gì như anh cũng biết rồi. Cái điều
258 thì gọi là tội chống nhà nước và thế nào là chống nhà nước thì không định
nghĩa được. Nghĩa là nói chống nhà nước là dính. Những anh em trí thức trước 75
đã quen nền dân chủ pháp trị rồi thì rõ ràng đây là những xiềng xích khó vượt
qua.
Mặc Lâm: Qua những nhận xét và tiếp
cận của ông với nhiều thành phần trong nước hiện nay thì trong cái vụ Phương
Uyên sắp ra tòa vào ngày mai, nhà nước sẽ có những nhượng bộ cần thiết trong
tình hình hiện nay hay họ vẫn giữ mức án cũ thưa ông?
Ông Huỳnh Kim Báu: "Theo tôi
nghĩ họ không nhân nhượng đâu. Nhất là qua cái bài “Tính sổ” của Hiếu Đằng rồi
trái bom Phá Xiềng của ông Hồ Ngọc Nhuận chiều nay thì họ trấn áp chứ không để
đâu."
Vừa rồi là cuộc nói chuyện
của chúng tôi và ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký hội Trí thức TP HCM nhận
xét về bản án của Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Và cũng trong tinh thần này
chúng tôi lấy ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ thịch Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam nhận xét về bản án đã được xử trước.Theo ý kiến của chuyên gia
này:
Ông Lê Hiếu Đằng: Hôm qua thấy thái độ của
Phương Uyên rất tốt nhưng tôi cũng được nghe nguồn tin Nguyên Kha cũng nhận tội
rồi. Tôi nghĩ cho dù ngày mai Phương Uyên có nhận tội đi chăng nữa thì thật sự
mình cũng rất hiểu mấy em. Nó cũng còn trẻ và đứng trước áp lực của gia đình của
mấy cái ông công an thì làm sao mà nó chịu nổi. Nếu mà không nhận thì nó xử y
án thôi. Khuynh hướng là mấy ổng muốn răn đe. Thật ra bây giờ giới trẻ nó làm
là nó có ý thức chứ đâu phải là nó làm một cách manh động hay một cách tự phát
đâu? Do đó không có một Phương Uyên này thì sẽ có một Phương Uyên khác thôi.
Mặc Lâm: Thưa ông với tư cách là một luật gia và đã sống với nhiều
chế độ ở Việt nam, trước tình hình tòa án Việt
Nam tự tiện xét xử và làm áp lực đối với những bị cáo như vậy thì đây rõ ràng
là sự vi phạm pháp luật rất trắng trợn; Tuy nhiên có nhiều người nghĩ rằng cần
thiết phải làm việc đó để răn đe như ông vừa nói. Chúng tôi tự hỏi biện pháp răn đe đi ngược lại với Hiến
pháp như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với giới trẻ?
Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ răn đe chỉ vô ích thôi vì đó là xu thế.
Hơn nữa người trẻ đã chọn lựa và tôi đã tiếp xúc với nhiều giới trẻ bây giờ họ
rất cuơng quyết. Những bản án đó sẽ không giải quyết được gì đâu. Muốn chống lại
những bản án ấy thì chúng ta phải đấu tranh cho một nền dân chủ thật sự chứ
không thể nào khác.
nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/verdict-has-been-known-ml-08152013160427.html
nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/verdict-has-been-known-ml-08152013160427.html