Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Ban biên tập Tổ Quốc - Bài học nào từ Cách Mạng Tháng 8? (TQ 163)

Ban biên tập Tổ Quốc

Việt Nam kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8 lần này, lần thứ 68, vào giữa một khúc quanh lịch sử quan trọng: Ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa chọn đứng hẳn vào quỹ đạo Trung Quốc với những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. Nhìn lại Cách Mạng Tháng 8 chúng ta có thể rút ra bài học nào?
Ngày 19 tháng 8 năm 1945 đã là ngày người Việt Nam đứng dậy vất bỏ ách ngoại thuộc và xác nhận dân tộc Việt Nam phải có chủ quyền. Mọi người Việt Nam đều muốn độc lập, đều sẵn sàng hy sinh để đất nước được độc lập và cũng rất đoàn kết. Đảng Cộng Sản Việt Nam là chính đảng duy nhất có tổ chức và lực lượng vào lúc đó và cũng đã góp phần hy sinh lớn nhất, không ai phủ nhận công lao và vai trò lãnh đạo của Đảng. Cũng không ai tranh giành vai trò lãnh tụ với Hồ Chí Minh. Bối cảnh thế giới sau Thế Chiến II cũng rất thuận lợi cho việc giải phóng các dân tộc bị trị, hơn nữa nước Pháp lại đang hoàn toàn kiệt quệ. Cách Mạng Tháng 8 nếu chỉ là cuộc cách mạng giành độc lập đã có thể thành công nhanh chóng, mở ra một kỷ nguyên dân chủ và phồn vinh cho nước ta. Nhưng thực tế đấy chỉ là khởi đầu một giai đoạn chiến tranh dài và khốc liệt. Lý do là vì độc lập không phải là mục tiêu chính của những người lãnh đạo cộng sản. Cách Mạng Tháng 8 đã bị cướp đoạt để biến thành một cuộc cách mạng áp đặt chủ nghĩa cộng sản. Không phải là một sự tình cờ mà những người lãnh đạo cộng sản gọi ngày 19/8/1945 là ngày họ "cướp chính quyền". Do một sự cuồng tín khó tưởng họ đã đặt lý tưởng cộng sản lên trên hết và đã tiêu diệt thẳng tay tất cả những ai không chấp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin. Chính sách khủng bố trắng này đã gây chia rẽ và hận thù trầm trọng dân tộc và đưa nước ta từ thảm kịch này đến đổ vỡ khác, với kết quả là chúng ta đã là chúng ta ngày nay: một nước nghèo khổ và tụt hậu bi đát, không giữ được cả những biên giới trên đất và biển đã được qui định từ lâu. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã là thảm kịch cho nhiều dân tộc, nhưng nạn nhân đau đớn nhất là Việt Nam.
Ngày nay cũng chính chủ nghĩa Mác-Lênin đã là nguyên nhân khiến ban lãnh đạo cộng sản chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc và thế lệ thuộc đó vừa trở thành toàn diện sau chuyến đi Bắc Kinh tháng trước của Trương Tấn Sang. Trước đây họ tin tưởng một cách mê cuồng vào nó, ngày nay dù đã biết nó độc hại họ vẫn còn cần nó để duy trì chế độ độc đảng và vì thế phải thần phục Bắc Kinh để có chỗ dựa.
Điểm chung của những người lãnh đạo cộng sản trước đây và bây giờ là sự mù quáng. Chủ nghĩa cộng sản không ưu việt như họ tưởng ngày xưa mà chỉ là một sự nhảm nhí đẫm máu. Trung Quốc không vững vàng như họ tưởng ngày nay mà chỉ là một sự phá sản chưa thú nhận.
Nhưng tại sao họ đã có thể lấy những quyết định tồi tệ cho đất nước như thế mà vẫn không bị loại bỏ? Không phải là tại dân tộc Việt Nam. Dân tộc nào cũng thế thôi và cũng cần được lãnh đạo. Lý do chỉ là vì dù có một lịch sử dài và không thiếu những học vị chúng ta đã thiếu tư tưởng chính trị và một tầng lớp trí thức chính trị. Như một người thiếu ánh sáng và đôi mắt.
Bài học của Cách Mạng Tháng 8 vẫn còn nguyên vẹn: những con người ít ỏi có trí tuệ, ý chí và lòng yêu nước phải biết nhận ra nhau và quả quyết tìm đến với nhau trong một đội ngũ. Vì một nước Việt Nam dân chủ và hòa giải.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"