Gần đây liên tiếp trên báo Quân Đội Nhân Dân nhiều vị học giả,
tướng lĩnh quân đội đăng đàn bảo vệ quan điểm chính trị hoá quân đội qua
mục tiêu cụ thể là trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Để bảo vệ
quan điểm này, nhiều vị đã trưng ra mọi bằng chứng, lý luận để bảo vệ
quan điểm là đúng. Thậm chí có vị còn cho rằng đây là quan điểm của chủ
tịch Hồ Chí Minh để át đi mọi lý luận khác.
Vì sao hệ thống lý luận gần đây lại ráo riết bảo vệ quan điểm này như
vậy. Xin mời xem một số bài viết, nhận xét về quân đội Trung Quốc, một
nước có hệ thống chính trị tương đồng với Việt Nam để tham khảo.
Nhận xét của chuyên gia quốc tế cho thấy vì sợ biến động do biểu tình
của người dân trong vụ Thiên An Môn, phải cần đến quân đội đàn áp, rút
kinh nghiệm nên ĐCS Trung Quốc kiên quyết duy trì bằng mọi giá điều
khiển quân đội, nắm giữ quân đội và buộc quân đội trung thành nghe theo
lời, bảo vệ vị trí lãnh đạo của ĐCS TQ trước mọi động thái của nhân dân.
Và thực tế như một trung tướng Trung Quốc kể lại, nhờ có sự trung
thành tuyệt đối của quân đội đã làm nên thảm sát Thiên An Môn. Giữ vững
được quyền lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc. Tuy nhiên viên tướng này cũng kể
lại rằng lúc đó nhiều tướng lĩnh khác đã đắn đo không huy động quân đàn
áp sinh viên tại Thiên An Môn, thậm chí có tướng đến nơi còn than "bức
màn xanh khắp nơi", đó là quân đoàn trưởng Quân đoàn thiết giáp 28 Hà
Yến Nhân. Khi nghe lệnh trên tiến vào Thiên An Môn, Hà Yến Nhân còn băn
khoăn là liệu sau này có bị lên toà án binh hay không? Nhưng viên tướng
này bị chỉ trích là không trung thành với ĐCSTQ, hậu quả của họ thế nào
không cần phải tìm hiểu chúng ta cũng hình dung ra.
Sau này tổng kết lý luận, người Trung Quốc nhận thấy nếu quân đội mà
có những tướng lĩnh do dự như Hà Yến Nhân, Từ Cần Tiên thì không thể nào
đàn áp kiên quyết được như vụ Thiên An Môn. Cho nên quan điểm quân đội
trung thành với ĐCS thực sự cần thiết cho ĐCS Trung Quốc từ đó. Nhờ có
vụ quân đội đàn áp sinh viên, giết hàng nghìn người dân, bảo vệ được ĐCS
TQ mà các tướng lĩnh quân đội TQ sau này có thể dương dương tự đắc
huênh hoang bảo vệ quan điểm quân đội phải trung thành, nghe theo lời
Đảng.
Tóm lại nhìn vấn đề quân đội TQ trung thành với ĐCSTQ là vấn đề cốt
lõi để bảo đảm ý đồ bảo vệ quyền lãnh đạo toàn trị của ĐCS TQ. Đó là
trọng tâm lớn mà thường bị che đậy dưới những cụm từ "bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ, bảo vệ chế độ XHCN..."
Trở lại với việc các nhà lý luận dưới mác Giáo sư, Tiến sĩ, Tướng tá
của Việt Nam ra sức bảo vệ quan điểm quân đội Việt Nam nhất thiết phải
trung thành với ĐCS VN là ý đồ gì?
Câu trả lời như đã thấy, đó là ý của chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là để
hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ chế độ CNXH.
Thế chủ tịch Hồ Chí Minh có ý đó không? Rất nhiều sách vở và nhân
chứng nói rằng chủ tịch HCM không nói ý thế, trước sau như một chủ tịch
khẳng định quân đội ta trung với nước, hiếu với dân.
Thế quân đội ta có bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ không? Thực tế
cho thấy hiện nay sự tranh chấp về lãnh thổ của nước ta với nước khác
chỉ có Trung Quốc là đáng kể nhất, sau hàng loạt sự chiếm đóng trên hải
đảo, biên giới của ta. Quân đội ta trung thành với ĐCS VN, và ĐCS VN là
anh em hữu nghị mật thiết gắn bó với ĐCS Trung Quốc. Hai ĐCS này nắm
quyền toàn trị hai đất nước. Trung thành với ĐCSVN bây giờ, quân đội
Việt Nam phần nào nhẹ nhàng gánh nặng là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hiện
nay, bởi việc chủ quyền được giải quyết theo đàm phán, thoả thuận, đối
thoại giữ hai Đảng.
Từ trước khi có vụ Thiên An Môn, quân đội nhân dân Việt Nam trong lời
thề của mình, cũng là ý nguyện của chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhất quán
rằng:
- Quân đội ta trung với Nước, hiếu với Dân...
Không những thế, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ ràng "đã nguyện tận trung với
nước, tận hiếu với dân" thì mỗi chiến sĩ phải phấn đấu giành những kết
quả tối ưu trong thực hiện nhiệm vụ của mình thế mới là vì Dân, vì Nước.
Quan điểm quân đội ta trung với Đảng mà các nhà lý luận đang ra rả
hàng ngày kia, đằng sau đó là ý đồ gì, không có gì là khó nhận cả. Đáng
suy ngẫm hơn cả về một ý đồ mà có lần một thiếu tướng, giáo sư Bùi Phan
Kỳ đã nói trên báo QĐND đầy tiếc rẻ khi chỉ trích quân đội Đông Âu đã
không bắn vào người dân Đông Âu khiến CNXH ở Đông Âu bị sụp đổ. Bài viết
của thiếu tướng, giáo sư Bùi Phan Kỳ có đã lâu.
Gần đây vị tướng sắc sảo chính luận với quan điểm sắt máu này bỗng
nhiên được báo giới ca ngợi mọi mặt từ đời tư đến quan điểm chính trị,
có lẽ không phải là ngẫu nhiên.
Việt Nam có hàng hà vô số tướng về hưu, nhưng một thiếu tướng Bùi
Phan Kỳ bỗng nhiên nổi bật được báo giới nhắc nhở đến nhiều, không phải
vì ông ta trải qua chiến trận oai hùng như nhiều danh tướng khác. Cuộc
đời binh nghiệp của ông ta hầu hết từ năm 20 tuổi đến già (sinh năm
1926, sau cách mạng tháng 8 tức năm 1945, ông Kỳ chưa đầy 20 tuổi) là
nhờ tài ăn nói nên được làm tuyên huấn êm ấm ở hậu phương. Trong khi các
tướng lĩnh khác phải trả giá lăn lộn xương máu trên chiến trường. Bùi
Phan Kỳ tạo dựng được vị trí của mình một cách dễ dàng và đơn giản hơn
chứng tỏ ông là người rất có "kiến thức sống". Đến nay hơn 80 tuổi, Bùi
Phan Kỳ nhờ tài ăn nói của mình lại được báo giới ca ngợi mọi điều vì
đâu? Đơn giản là vì quan điểm khéo léo hợp thời cuộc của ông ta, bày tỏ
lòng trung thành với giai cấp lãnh đạo đúng thời cơ.
Trích: "Góp ý tại cuộc tọa đàm về sửa đổi Hiến pháp chiều 13/3,
thiếu tướng Bùi Phan Kỳ (Viện Chiến lược quốc phòng) cho rằng, lực lượng
vũ trang là công cụ bạo lực sắc bén nhất để bảo vệ lợi ích thiết thân
của chủ thể đã tổ chức ra. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự
trung thành. Điều này đã được lịch sử chứng minh từ thời phong kiến."
Nếu quan điểm chính trị hoá quân đội như thế này, ngày nào đó, nhân
dân chúng ta phải cần đến rất nhiều hoa và rất nhiều các cỗ quan tài như
người Trung Quốc đã dùng ở Thiên An Môn.
Phải chăng sự hợp tác toàn diện hai nước Trung-Việt là để cho tướng
lĩnh, giáo sư Việt Nam rút ra những kinh nghiệm cần phải có là quân đội
trung thành với Đảng như trong vụ Thiên An Môn?