Mỗi người chúng ta sinh ra ở trên đời là một sinh thể tự do. Mẹ
cha – quê hương cho ta lời ru – giọng nói, nuôi dạy chúng ta khôn lớn,
trưởng thành. Chúng ta có đi gây thù chuốc oán với ai đâu, mà sao lúc
nào cũng “phải hỏi bạn thù, phải lo diễn biến”?
Mấy ngày qua, tôi phải giải thích cho một số bạn về hai chữ “phản
động”. Thế nào là phản động? Nói xấu “Đảng và Nhà nước” là phản động à?
Vậy hàng trăm báo, đài trong nước, rồi cả một số vị lãnh đạo của ĐCS
cũng luôn miệng gọi các đài, báo nước ngoài là “phản động” thì không
phải là nói xấu, là miệt thị họ đó sao?
Vậy ai mới là phản động?
Không ai cả. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ lại để
thay đổi một vài nhận thức đã thành xưa cũ. “Phản động” là một trong số
đó. Theo suy nghĩ của tôi, không có ai là phản động cả trong các trường
hợp kể trên. Chỉ có những ý kiến khác biệt, thậm chí đối nghịch. Đó là
lẽ thường. Chỉ có các nhóm, các đảng phái khác biệt, thậm chí đối lập.
Đó cũng là lẽ thường.
Tôi coi ĐCS Việt Nam cũng như mọi đảng phái chính trị khác đã, đang
và sẽ tồn tại trên đất nước Việt Nam. Tôi coi mọi đài, báo nước ngoài,
như mọi đài, báo ở Việt Nam. Tôi nhìn nhận sự khác biệt về quan điểm nếu
có của các đài, báo này như một lẽ thường tình. Không đài, báo nào là
phản động cả.
Tôi cho rằng, muốn tất cả ngồi lại được với nhau, để cùng đối thoại
thì đầu tiên phải xoá bỏ những rào cản nhận thức, như với hai chữ “phản
động” bàn ở đây. Mọi người dân cần được giải thích rõ để hiểu rằng,
không có ai là phản động cả. Nhưng trước tiên, tôi cho rằng, các nhà
hoạt động dân chủ trong và ngoài nước phải đi đầu trong việc xoá bỏ nhận
thức này. Các bạn phải khẳng định rõ ràng, chúng tôi không phản động.
Chúng tôi khác biệt, đối lập với ĐCS VN, nhưng không phản động.
Khi điều này được xác quyết thì cách đặt vấn đề tự nhiên cũng sẽ khác
đi. Khi đó tất cả sẽ đặt trong một trạng huống đối thoại sòng phẳng,
không có chỗ cho sự phỉ báng, hằn học, quy chụp nặng nề của tất cả các
bên.
Danh sách những người ký vào Bản Tuyên bố Công dân Tự do chẳng nhẽ không nói cho chúng ta điều gì sao?
Bản tuyên bố đâu có lời lẽ nào là tố cáo, là phỉ báng, là hằn học với
ĐCS VN đâu? Ấy thế mà từ chị nội trợ, đến anh kỹ sư, từ bác giáo sư,
đến cô bác sỹ… đều nhất loạt ký vào. Trong số 2.100 người ký tính đến
tối 2/3, người Việt ở nước ngoài chiếm đa số tuyệt đối. Đấy chẳng phải
là chỉ dấu cho mong muốn xoá bỏ hận thù, tức giận? Chẳng phải là chỉ dấu
cho thấy người Việt ở khắp nơi đang mong mỏi cho một cuộc hoà hợp dân
tộc nay mai hay sao?
Vì vậy, tôi kêu gọi tất cả mọi người Việt nam, ở trong hay ngoài
nước, hãy xóa bỏ hết đi trong suy nghĩ của mình, nào là “phản động”, nào
là “diễn biến hòa bình”, “thế lực thù địch”… Những thứ đó không đáng để
tồn tại như một nỗi ám ảnh với một dân tộc yêu chuộng hòa bình và tự do
như dân tộc Việt Nam.
Thân mến,
Nguyễn Đắc Kiên