Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Dự thảo sửa đổi HP 1992: Nó cứ thế nào ấy!

Vũ Lịch Nguyên
Dự thảo hàng năm trời vẫn kém các dự thảo hết một tuần
So với Dự Thảo sửa hiến pháp 1992 được quốc hội chính thức đưa ra lấy ý kiến dân, thì các bản khác do cá nhân và nhóm đưa ra đều có ưu điểm hơn hẳn. Ngoài ra, còn vô số ý kiến xác đáng được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để bổ sung, uốn nắn, phê phán bản chính thức. Tuy nhiên, hiếm ai nghĩ rằng đảng CSVN sẽ tiếp thu ở mức cần thiết. Có ý kiến cho rằng đã có sẵn một bản “bỏ túi” (chỉ sửa cho có) để quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay...
Dẫu vậy, với trách nhiệm công dân đang sống trong nước, tôi cứ đưa ra một số góp ý.
1- Lời Nói Đầu
Không một phát biểu nào tán thành Lời Nói Đầu trong Dự Thảo sửa đổi, mà chỉ toàn phản đối. Đọc nó, rất dễ nhận ra các đấng đầy tớ kể lể công lao, cứ như cứu tinh của ông chủ, lại còn xấc xược với tiền nhân nữa. Từ đó, chưa cần đọc nội dung Dự Thảo, vẫn đoán được “đầy tớ sẽ khôn khéo hạn chế quyền của ông chủ”. Nhiều người đang chờ xem Lời Nói Đầu sẽ được sửa ra sao, để có thái độ và hành động dứt khoát.

2- Tên nước
Từ khi tên nước ta có thêm tính từ XHCN (cái đuôi) tình hình chẳng có gì hay ho hơn. Thậm chí còn xấu đi. Tám đặc trưng của CNXH - mà đại hội đảng gần đây nhất đưa ra - tuy rất đẹp nhưng xa vời; trước mắt đó chỉ là mơ ước, kỳ vọng. Nói khác, CNXH chưa hề hiện hữu, mà chỉ là cái bánh vẽ trên giấy. Mặt khác, trong 8 đặc trưng được nêu, chỉ có 2 chi tiết thật sự đặc trưng: a) Chế độ công hữu về tư liệu sản suất và b) đảng CS độc quyền. Chính hai chi tiết này mới thật là tác nhân tiêu cực. Này nhé:
- Công hữu hóa. Lịch sử VN nửa thế kỷ qua cho thấy, mỗi lần thử “công hữu hóa” là mỗi lần máu và nước mắt hàng triệu người tuôn như thác. Nào là Cải Cách Ruộng Đất, nào là Cải Tạo Tư Sản, nào là Giá-Lương-Tiền, nào là Kinh Tế Nhà Nước chủ đạo, nào là Đất Đai thuộc “sở hữu toàn dân”…
- Độc quyền của đảng. Đó là nguyên nhân sinh ra tham nhũng không cách gì chống lại nó. Cứ 100 vị tham nhũng cỡ gộc, có lẽ tới 51 vị là đảng viên. Nói thể để đảng khỏi kêu bị vu cáo. Vậy, đã đến lúc đổi tên nước chưa? Tôi nghĩ rằng cái tên được tuyệt đa số dân ta chấp nhận - ít tranh cãi nhất - là nước Cộng Hòa Việt Nam.
3- Tính từ XHCN: Cái đuôi khó cắt?
Cụ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khăng khăng: CNXH là khát vọng của toàn dân ta (!). Rồi, tính từ XHCN được nhắc tới 30 lần trong Dự Thảo. Kết hợp chúng lại, đảng muốn khẳng định: Thực hiện khát vọng của dân mà thiếu sự cầm quyền của đảng CS là không xong. Không hiểu số liệu điều tra chính thức của đảng ra sao, riêng tôi sau khi hỏi han những người quen biết, thấy rằng: a) hiếm người nào gàn dở tới mức khao khát cái khái niệm còn mù mờ này (mơ ước có ngày thấy lá diêu bông); b) nhiều người không thích CNXH, thậm chí ghê sợ (Libya là nước XHCN). Theo tôi, hiến pháp thể hiện sự đồng thuận cao nhất về mục tiêu của nhân dân… do vậy, chúng ta nên bỏ hẳn tính từ XHCN trong hiến pháp, mà chỉ cần nói “nhân dân VN muốn xây dựng một xã hội văn minh, dân chủ, công bằng… vân vân, là đủ. Không ai có thể phản đối các giá trị này.
4- Quyền Con Người
Kỳ quặc ở chỗ, sau khi hạ bút ký công nhận Tuyên Ngôn Nhân Quyền (1982) phải chờ 31 năm đảng và nhà nước ta mới thật sự không còn sợ nó (2013). Và mới dè dặt đưa vào Dự Thảo Hiến Pháp. Cứ nghe các quan chức cấp cao phát ngôn cách đây ít hôm, là đủ rõ. Các điều khoản về quyền con người (Chương II) trình bày dài dòng, quanh co, toát lên cái ý quý vị đầy tớ chưa muốn để ông chủ được “làm người” một cách đầy đủ.
- Thực ra, chỉ cần 2 ý chính (dưới đây) ghi vào hiến pháp là đủ để không ai có thể xâm phạm quyền con người: 1) Mọi người đều được hưởng đầy đủ các quyền con người nêu trong Tuyên Ngôn nhân quyền 1948 của LHQ; 2) Trường hợp cần tạm thời hạn chế một quyền nào đó, chỉ quốc hội mới có quyền ban hành văn bản Luật.
- Trái lại, rất nhiều cách thiếu lương thiện để hạn chế quyền con người. Ví dụ 1: dùng xảo ngôn, như ghi trong hiến pháp 1992: Mọi người được hường quyền con người thông qua các quyền công dân. Ví dụ 2: thêm cái đuôi “theo quy định của pháp luật”: thấy nhan nhản trong hiến pháp 1992, kể cả khi đã sửa. Ví dụ 3: kể lể các quyền bằng nhiều điều khoản, tuy dài dòng, nhưng cố ý không kể đầy đủ… (như ta đang thấy)
5- Ông chủ và công bộc trong hiến pháp: Đảo lộn vị thế?
- Trưng cầu dân ý nói lên dân có thật sự làm chủ hay không. Quyền quan trọng nhất của ông chủ là quyền quyết định. Hiến pháp năm 1946 có ghi, nhưng nửa thế kỷ nay, qua bao nhiêu biến cố quan trọng, mà chưa bao giờ có trưng cầu dân ý. Đổi tên nước, không thèm hỏi ý dân. Theo thể chế mới, dân chỉ giương mắt nhìn… Nay, không thể lẩn tránh, người ta ghi thành điều 30 trong bản Dự Thảo: Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Nếu thay công dân bằng “ông chủ” và nhà nước bằng “công bộc”, câu này sẽ thành: Ông chủ được phép biểu quyết khi đầy tớ tổ chức trưng cầu ý ông chủ (!). Có đảo điên không về vị thế mỗi bên?
- Thực tế, Ông chủ không có cách nào phản đối nhà nước, càng không thể phê phán, quở trách và sa thải (đi tù như chơi, theo điều 88 luật hình sự). Ông chủ chỉ có thể vật nài, xin xỏ… Còn nhà nước thì ban ơn, bằng nhóm từ “tạo điều kiện” trong hiến pháp. Ví dụ: Điều 29, Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước… (nếu thay từ như câu trên, ta có: Đầy tớ tạo điều kiện để ông chủ tham gia quản lý đầy tớ…). Hết biết luôn!
6- Khẩu hiệu trong hiến pháp: Cứ hô ầm ỹ, sướng miệng…
- Điều 42: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập. Một ông vụ trưởng bộ GD còn muốn thêm hai chữ “suốt đời”. Nghĩa vụ học tập ư? Nếu ai không thực hiện sẽ bị xử lý như tội trốn thuế, trốn đi lính… Để xem ông vụ trưởng này khi già lụ khụ (sắp chết) sẽ thực hiện “nghĩa vụ học tập suốt đời” ra sao. Một khẩu hiệu sặc sỡ khác: Lao động là quyền và nghĩa vụ… Quả là hiến pháp… hài!
7- Mị dân, khoác lác
- Điều 21: Mọi người có quyền sống. Phải chăng, sắp bỏ án tử hình? Phải chăng, ai thất nghiệp (hết đường sống) sẽ được phụ cấp “đủ sống”? Sắp cấm nạo thai? Sắp có quy định “chữa bệnh hiểm nghèo không mất tiền”?
Nước ta còn nghèo (sau 38 năm hòa bình) dân ta chưa thể hưởng thụ đời sống vật chất như 2/3 số nước trên thế giới, do vậy chưa thể đưa vào hiến pháp các điều khoản phi thực tế.
Nhưng dứt khoát dân ta phải được hường đầy đủ quyền làm người và các quyền cơ bản khắc. Phải làm tiệt nọc cái câu cửa miệng của dân nghèo: “ơn đảng, ơn nhà nước”… Vị thế ông chủ sao quá thảm hại trước đầy tớ?

Vũ Lịch Nguyên

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"