Bùi Tín
Theo dư luận trong nước, thế hệ người lãnh đạo hiện nay là “thế
hệ những người lùn,” theo nghĩa là một nhóm người thiếu tâm huyết,
thiếu tầm nhìn của trí tuệ, lạc hậu so với sự phát triển của thế giới
hiện đại. Đây là trở ngại lớn nhất, bất cập tệ hại nhất làm cho đất nước
trì trệ kéo dài.
Ở cấp cao nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là người
lãnh đạo kém nhất so với các tổng bí thư tiền nhiệm như Trường Chinh và
Lê Duẩn, thua cả Nguyễn Văn Linh, suýt soát Đỗ Mười, và chỉ khá hơn Nông
Đức Mạnh đôi chút.
Trước đây Nguyễn Phú Trọng được giới trí thức Bắc Hà tặng cho cái tên
“Trọng Lú.” Gần đây ông còn tỏ ra quan liêu trịch thượng một cách
ngang ngược. Trong khi bản thân ông bám chặt lấy 4 quan điểm sai trái
về đường lối - kiên trì chế độ độc quyền đảng trị, kiên trì chủ nghĩa
Mác Lênin và chủ nghĩa Cộng sản, kiên trì đường lối đảng nắm trọn cả 3
quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, và kiên trì việc chủ trương quân
đội phải trước hết trung thành với đảng và bảo vệ đảng trước hết – thì
ông lại hô hoán lên rằng chính 72 trí thức nhân dân và dân chủ chỉ ra
cho ông thấy 4 sai lầm chiến lược của ông và của 14 ông vua tập thể mới
thật là sự suy thoái đích thực.
Đây không phải là sự đảo ngược phải trái do lú lẫn nữa, mà là cố tình
nhắm mắt bưng tai trước sự thật đã rõ mười mươi. Nếu không xin mời Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng hãy trả lời cho ra lẽ 5 điểm chất vấn của nhà
báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên gửi cho ông, trong đó câu hỏi then chốt là: Ông
có quyền gì để bắt mọi công dân phải suy nghĩ như ông, khi ông không
phải do nhân dân y bầu ra?
Nhiều lắm thì ông cũng chỉ ép buộc được các đảng viên CS của ông tin
theo những quan điểm sai trái, lỗi thời của ông. Còn đối với những người
tỉnh táo, biết suy nghĩ chín chắn như Nguyễn Đắc Kiên thì không. Và
cũng vì ông không có đủ lý lẽ để tranh luận bình đẳng với nhà báo trẻ
này, nên ông đã dùng thủ đoạn giật dây cho ngành tuyên huấn - thông tin -
báo chí sa thải nhà báo Nguyễn Đắc Kiên ngay lập tức.
Một hành động như thế không thể nào được coi là một phương cách xử lý
công bằng, đàng hoàng, hợp lý, hợp pháp, hợp đạo đức của một tổng bí
thư đảng CS Việt Nam.
Không! Lòng tự ái không đúng chỗ, tệ chuyên quyền, chủ quan đã đưa
ông đi quá xa. Xin nói thẳng rằng cách xử lý ấy không mảy may công bằng,
không mảy may đàng hoàng, không mảy may hợp pháp. Nó thuần túy chỉ là
một sự trả thù tiểu nhân. Công dân Nguyễn Đắc Kiên có toàn quyền phát
đơn kiện công dân Nguyễn Phú Trọng, và ngay cả tòa soạn tuần báo Gia
Đình và Xã Hội có quyền kiện ông để bảo vệ nhà báo lương thiện của mình.
Nếu biết điều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên rút lại ngay quyết
định xử lý bất xứng của mình. Cả Bộ Chính trị nên bày tỏ thái độ góp ý
với ông Trọng giải quyết nhanh gọn. Không nên để hồ sơ đầy đủ vụ này
được gửi đến cơ quan của Liên Hiệp Quốc về ngăn chặn việc bỏ tù oan trái
công dân vô tội, sẽ không đẹp đẽ gì cho Bộ Chính trị và chế độ này.
Tự thấy sai thì nhận lỗi, đó mới là tư cách của một người lãnh đạo mẫu mực.