Ts. Nguyễn Đình Thắng
Hình minh họa sưu tầm trên Net
Người dân trong nước đang lên tiếng với Quốc Hội về sửa đổi Hiến
Pháp. Đây là một diễn tiến tích cực về ý thức, tinh thần, và khả năng
phối hợp hành động.
Nay người dân trong nước có cơ hội lên tiếng trực tiếp với Liên Hiệp
Quốc về những vấn đề Nhân Quyền ở Việt Nam. Tôi muốn nói đến thể thức
Kiểm Tra Định Kỳ Toàn Diện (Universal Periodic Review, hay UPR) của Hội
Đồng Nhân Quyền LHQ.
Thể thức này được thiết lập năm 2006, qua đó tất cả các quốc gia
thành viên của LHQ đều luân phiên trải qua cuộc kiểm tra bởi những quốc
gia khác về nhân quyền. Mỗi năm Hội Đồng Nhân Quyền LHQ thực hiện kiểm
tra 48 quốc gia, xoay vòng 4 năm rưỡi một chu kỳ.
Ngày 8 tháng 5, 2009 Việt Nam qua kiểm tra đợt đầu, và nhận 123
khuyến nghị đến từ các quốc gia khác nhau. Ngày 16 tháng 9, 2009 chính
quyền Việt Nam chính thức trả lời với Hội Đồng Nhân Quyền LHQ và chấp
nhận phần lớn các khuyến nghị.
Vòng kiểm tra đợt 2 bắt đầu tháng 11 năm 2011. Trong tháng 1 hoặc tháng 2 năm 2014 sẽ đến lượt Việt Nam.
Trong đợt này Hội Đồng Nhân Quyền LHQ sẽ rà soát lại việc đáp ứng các
khuyến nghị mà mỗi quốc gia đã chấp nhận trong đợt kiểm tra trước. Việc
rà soát này được dựa trên 3 nguồn:
- Báo cáo của chính quyền Việt Nam.
- Báo cáo từ các cơ quan của LHQ.
- Nhận định của các thành phần hữu quan (stakeholders) bao gồm các
nhóm và tổ chức xã hội công dân ở trong và ngoài nước, và các tổ chức
nhân quyền quốc gia và quốc tế.
Đây là cơ hội hiếm hoi để người dân trong nước lên tiếng trực tiếp
với Hội Đồng Nhân Quyền LHQ về hiện trạng nhân quyền cũng như đề nghị
các biện pháp cải thiện. Thời hạn chót để đóng góp ý kiến đối với Việt
Nam là ngày 17 tháng 6, năm 2013.
Dưới đây là những điều cần lưu tâm khi thực hiện văn bản góp ý:
- Viết bằng tiếng Anh, Pháp hay Tây Ban Nha;
- Ghi rõ tên, logo (nếu có), và trang web của tổ chức;
- Không quá 2815 từ (words) cho mỗi văn bản; không quá 5630 từ nếu là văn bản nộp chung bởi nhiều thành phần;
- Không dùng lời lẽ khiếm nhã;
- Đánh số mỗi đoạn và trang;
- Gửi nộp cho: uprsubmissions@ohchr.org;
- Ghi trong phần tiêu đề (subject) của email: “tên tổ chức – UPR
Submission – Viet Nam – January 2014. Nếu là nhiều nhóm nộp chung thì
ghi là “Joint UPR Submission” thay vì UPR Submission”;
- Trong nội dung email có một đoạn giới thiệu lịch sử hoạt động và
ngày thành lập tổ chức, và thông tin liên lạc (địa chỉ email, số điện
thoại, số fax, v.v.).
Xin lưu ý là nội dung góp ý và các thông tin khác sẽ được công bố bởi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.
Để có thêm dữ kiện, xin nghiên cứu thêm các tài liệu sau, được cài đặt tại http://tiengnoicongdan.wordpress.com:
- Báo cáo của tổ xét duyệt LHQ 2009 - Các khuyến nghị năm 2009 (tiếng Việt và tiếng Anh)
- Trả lời của chính quyền Việt Nam - Những khuyến nghị mà Việt
Nam đã chấp nhận hay bác bỏ 2009 (tiếng Việt và tiếng Anh)
- Tài liệu hướng dẫn (tiếng Anh)
Ngoài ra, chúng tôi cung cấp những tài liệu bằng tiếng Anh do
Hội Đồng Nhân Quyền LHQ dùng để chuẩn bị cho đợt kiểm tra UPR đầu
tiên đối với Việt Nam vào năm 2009:
- Báo cáo của chính quyền Việt Nam 2009:
- Báo cáo của các cơ quan của LHQ 2009:
- Nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế 2009:
Muốn tìm hiểu thêm về thể thức UPR, xin vào đây:
http://www.ohchr.org/EN/HRBodies/UPR/Pages/BasicFacts.aspx
http://www.ohchr.org/EN/HRBodies/UPR/Pages/NgosNhris.aspx
BPSOS hiện có một số người tình nguyện sẵn sàng giúp phiên dịch sang
tiếng Anh các văn bản góp ý của đồng bào quốc nội cho tiến trình UPR.
Chúng tôi kêu gọi thêm những người có lòng và có khả năng dịch thuật ghi
danh để phòng trường hợp số tài liệu cần dịch vượt quá khả năng của
chúng tôi. Để tình nguyện hay muốn chuyển tài liệu cần dịch, xin liên
lạc: bpsos@bpsos.org. Xin ghi ở phần tiêu đề: UPR – Vietnam.