Phạm Xuân Cần
Theo nghiên cứu của mình, thì đông tây kim cổ trên đời này chỉ
có ba người không bao giờ mắc sai lầm. Đó là: một, Giáo Hoàng, là người
được hưởng ơn vô ngộ của Thiên Chúa; hai, Mao Chủ tịch được hiến định
theo hiến pháp của nước Tàu và điều lệ của Trung cộng là sáng suốt tuyệt
đối; người thứ ba là vợ mình, quyền không bao giờ mắc sai lầm của nàng
được mặc định một cách tự nhiên, cấm cãi!
Khi Giáo hoàng và Mao Chủ tịch không bao giờ sai lầm thì mình không
biết thế nào, chứ khi vợ mình không bao giờ sai lầm, thì người luôn luôn
sai lầm, đương, tất, cố, dĩ, ngẫu, tự nhiên là mình. Cách đây hơn hai
mươi lăm năm, khi đang ở tập thể ở cơ quan ngân hàng Vinh, một hôm vợ
mình buộc cái rổ làm ổ cho gà đẻ trên chuồng lợn không chặt. Con gà mái
mẹ nhảy lên đẻ xong lúc nó nhảy xuống thì cái rổ cũng rơi xuống, mấy quả
trứng trong ổ rơi, bể tung tóe. Mà, các bạn biết đấy hồi đó mấy quả
trứng là kinh lắm. Tuy nhiên, thật bụng mà nói mình có chút hả hê, đấy
nhé, lần này thì không phải là ta nhé, mình làm thì mình chịu đi nhé.
Đang hả hê như thế thì bỗng dưng nàng sấn sổ đến trước mặt mình: “Tại
anh cả đấy!”. “Ô hay, em nói chi lạ rứa? Chính em buộc cái rổ đấy chứ!”.
“Rứa anh ở nhà mần chi cả buổi mà không buộc, để cho người ta vừa đi
làm, vừa nấu nướng, lại cho con bú, rồi còn làm ổ cho gà đẻ?”. Giàng ơi!
Mình cãi mần răng được nữa? Cho nên từ đấy hễ vợ làm vỡ bát ư, là tại
mình không rửa bát; vợ để cá kho cháy ư, là tại khi đó mình kể chuyện
tiếu lâm làm nàng không tập trung; vợ dậy muộn ư, là tại mình không thức
v.v và v.v...
Túm lại là mình nỏ được cái tích sự chi, toàn khuyết điểm và thiếu
sót. Mọi nơi, mọi lúc nàng luôn tìm ra khuyết điểm của mình. Nếu không
cải thiện tình hình thì gay lắm, nghĩ vậy nhưng nghiên cứu mãi mà mình
cũng chưa nghĩ ra phương cách gì.
May quá, một hôm xem tivi thấy có chương trình gì đó về gia đình của
tiến sỹ Phan Quốc Việt (Chủ tịch Tập đoàn Tâm Việt, chuyên về đào tạo kỹ
năng mềm) rất hay. Tiếc là hôm đó vợ không xem, mình nhớ lịch phát lại,
hôm sau bố trí cho cả nhà cùng xem. Trong chương trình, TS Việt làm một
trắc nghiệm rất thú vị. Ông lấy một tờ giấy trắng, sau đó vẽ một dấu
chấm đen lên trên, rồi đưa cho tất cả mọi người xem, hỏi: “Đây là cái
gì?”. Tất cả các bà, các chị gần hai chục người đều nói đó là dấu chấm
đen. TS Việt lắc đầu: “Đây không phải là dấu chấm đen, mà là tờ giấy trắng có dấu chấm đen”.
Đây là cái gì?
Mọi người cười ồ, tán thưởng. Khi đó vị TS có râu này mới liên hệ đến
chuyện gia đình, nói nhiều người vợ nhìn chồng mình chỉ thấy khuyết
điểm là cái dấu chấm đen, mà không thấy ưu điểm mênh mông như tờ giấy
trắng. Đấy, em thấy chưa? Sáng ra chưa? Sao em không thấy ưu điểm vĩ đại
của anh là lau cả cái nhà mênh mông, mà chỉ thấy đôi chỗ anh lau chưa
sạch? Sao em chỉ xoi mói anh lau mặt bàn chưa đảm bảo tiêu chuẩn 3 hạt
bụi/ cm2 vuông, trong khi sạch như Sin ga po họ cũng chỉ đặt tiêu chuẩn 7
hạt bụi / cm2? Thấm thía quá! Hai đứa con mình vỗ tay tán thưởng bố,
quay sang phê phán mẹ, y như hồi dân Tàu “phê Lâm, phê Khổng”. Vợ mình
chỉ cười không nói gì. Mình yên chí, thế là ổn! Và để phòng thân mình
cũng lấy một tấm bìa trắng, vẽ một dấu chấm đen, để sẵn trên tủ ly, coi
như bảo bối. TS Phan quốc Việt muôn năm!
Mấy hôm sau, vợ chồng mình dọn nhà, mình lau bàn, lớ quớ thế nào đổ
cái cốc, nước lênh láng ra sàn nhà. Vợ mình nghiêm mặt lại. Mình chạy
vội lại tủ, lấy ra tấm bìa trắng có chấm đen đã chuẩn bị sẵn, đưa ra
trước mặt nàng và hỏi: “Đây là cái gì?”. Nàng không thèm nhìn mà quát:
“Đồ quẹt khu! Đi mà lau nhà đi!”