Nguyễn Vạn Phú
Dân Luận: Bác Nguyễn Vạn Phú đặt câu hỏi tại sao những thứ giáo điều khác như "giá trị thặng dư" Đảng CSVN đều mạnh dạn từ bỏ, trong khi "sở hữu toàn dân" về đất đai lại vẫn giữ? Thực ra rất dễ trả lời câu hỏi này: Bỏ tư tưởng giáo điều này và giữ tư tưởng giáo điều kia đều do lợi ích của Đảng quyết định. Có bỏ "giá trị thặng dư" Đảng mới thu hút được đầu tư nước ngoài, mới đạt được con số tăng trưởng GDP ấn tượng. Giữ sở hữu đất đai toàn dân thì Đảng mới có thể tuỳ tiện tước đoạt đất đai của người dân với cái giá rẻ mạt. Cái nguồn lợi từ đất đai đối Đảng là đặc biệt quan trọng, nó chính là một trong những chất kết dính để Đảng không sụp đổ...
Những lập luận đằng sau sự khẳng định đất đai phải thuộc quyền sở hữu
toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý hầu như
vắng bóng. Không ai giải thích cho cặn kẽ vì sao không cho nông dân sở
hữu mảnh đất họ đang canh tác.
Dường như sự “kiên định” này là do quán tính: hễ nói đến chủ nghĩa xã
hội thì đất đai phải của tập thể như cách suy nghĩ ngày xưa, nông dân
phải vào hợp tác xã mới đúng định hướng chứ không được làm ăn riêng lẻ.
Điều mỉa mai là những nguyên tắc mang tính giáo điều đó đã bị bỏ đi
trong các lãnh vực khác, trừ đất đai. Doanh nghiệp tư nhân, kể cả nước
ngoài được phép “bóc lột” thoải mái “giá trị thặng dư”, quy mô càng lớn
càng được khuyến khích.
Đứng ở góc độ lý thuyết, hiện nay chúng ta đã thừa nhận một nền kinh
tế đa sở hữu, trong đó chủ doanh nghiệp tư nhân được quyền sở hữu tư
liệu sản xuất, thậm chí các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang
chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc dân được cam kết bảo vệ
quyền sở hữu tư liệu sản xuất của họ. Cách đây hai năm, tranh luận về
chế độ công hữu các tư liệu sản xuất – điểm then chốt của chủ nghĩa xã
hội - đã kết thúc với kết quả là khái niệm này đã được gác lại. Các
doanh nghiệp nhà nước đang được cổ phần hóa, tức đa dạng hóa sở hữu, chứ
đâu có khăng khăng nhà nước phải làm chủ.
Nay với nông dân, tại sao không thể mạnh dạn áp dụng một sự ứng xử
tương tự - tức là công nhận người dân có quyền sở hữu đất đai – là tư
liệu sản xuất chính của họ. Làm khác đi là không tạo ra sự công bằng, là
tước bỏ của người nông dân cái quyền họ mơ ước bao giờ nay. Làm khác
đi, có nghĩa chỉ áp dụng “định hướng xã hội chủ nghĩa” với nông dân, còn
giới doanh nghiệp thì thôi khỏi? Hay nhìn ở góc ngược lại, xây dựng nền
nông nghiệp mà đất đai không vận hành theo đúng quy luật thị trường
thì, đến một ngưỡng nào đó, làm sao nông nghiệp phát triển tiếp tục.
Thừa nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai dẫn đến một số lo ngại – vấn
đề là những lo ngại này có cơ sở hay chỉ là lo ngại vô căn cứ?
Lo ngại đầu tiên là sở hữu tư nhân sẽ dẫn đến tích lũy ruộng đất, làm
nảy sinh “tầng lớp địa chủ” mới. Cái vô căn cứ ở đây là ràng buộc hạn
điền vẫn còn đó; thậm chí nếu sau này không còn hạn điền nữa, người nào
muốn canh tác quy mô lớn, tại sao không khuyến khích? Điều đó khác gì
một chủ doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, tuyển hàng ngàn công nhân?
Không lẽ một bên khuyến khích, một bên thì cấm?
Lo ngại thứ nhì là đất đai của tư nhân sẽ khó giải tỏa để làm các
công trình công cộng hay đơn thuần là để phát triển các khu đô thị mới.
Cái khó của việc giải tỏa sẽ tồn tại dù đất là thuộc quyền sử dụng hay
quyền sở hữu của người dân. Vấn đề là chính sách công bằng, công trình
thật sự cần thiết và quyền lợi của người có đất được tôn trọng thì không
có gì khó khăn cả. Thật ra, để bảo vệ quyền lợi của người dân nghèo chỉ
còn mảnh đất để canh tác thì càng khó giải tỏa đất càng tốt chứ sao. Để
bất kỳ công trình nào cũng phải cân nhắc thiệt hơn chứ không làm đại,
làm theo kiểu dự án treo, rồi đẩy người dân vào chỗ mất đất.
Ngược lại, cái lợi của một chế độ đa sở hữu sẽ rất nhiều: nông dân sẽ
ứng xử với đất như người chủ chứ không như người thuê như hiện nay,
năng suất ắt sẽ tăng, hiệu quả sử dụng đất sẽ được nâng cao. Ngày xưa
chỉ cần mảnh đất 5% mà người dân đã có thể xoay xở vượt qua những năm
tháng khó khăn của thời bao cấp; nay được sở hữu 100% thì người nông dân
sẽ làm ra điều thần kỳ mới.
Quan trọng nhất, hiện tượng đau lòng khi những người dân bị tước mất
đất, phải vác đơn đi khiếu kiện khắp nơi sẽ không còn nữa. Giới cường
hào mới ở các địa phương không còn có thể dễ dàng vẽ ra dự án để tước
đoạt đất của dân; giới làm ăn bất lương không thể cấu kết với giới có
quyền lực để đuổi người dân ra khỏi ngôn nhà của họ. Đó mới gọi là đúng
định hướng xã hội chủ nghĩa nếu hiểu khái niệm này theo nghĩa chính xác
nhất của nó.