Khi
đọc lịch sử cổ đại nước nhà, chúng ta đã quen với việc nghĩ rằng người
anh hùng phải là người có tài năng siêu việt, với khả năng đóng góp vô
cùng to lớn trong việc bảo tồn giang san gấm vóc. Những
anh hùng vang danh trong lịch sử như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lý
Thường Kiệt, Lê Lợi, Trần Quốc Toản... thường hiện lên trong suy nghĩ
của chúng ta, ít nhiều với dáng vẻ như là một vị thánh hơn là một con
người của phàm trần. Khái niệm anh hùng thường được xét đến, nghĩ đến với một diện rộng và một ý nghĩa sâu như thế.
Tuy
vậy, khái niệm anh hùng không chỉ thế. Trong cuộc sống hiện đại ngày
nay, nó vẫn có thể hiện hữu ở một diện nhỏ hơn, nhưng vẫn giữ được vẹn
nguyên ý nghĩa thiêng liêng luôn gắn liền với nó trong lịch sử. Những
ngày vừa qua, có một người dân Việt bình thường, hay nói rõ hơn là một
nhà báo Việt (mang cái tên Nguyễn Đắc Kiên), đã được rất nhiều người
xưng tụng là anh hùng với những tình cảm sủng mộ chân thành nhất. Hãy
điểm qua những gì anh đã làm để xem khái niệm anh hùng ngày hôm nay đã
được số đông người cấu dựng nên như thế nào.
Trước
tiên, cần phải xác định rõ rằng người anh hùng nhất thiết phải là người
biết phẫn nộ. Phẫn nộ không chỉ cho mình, mà còn cho rất nhiều người
khác, và cho cả dân tộc mình. Phẫn nộ chỉ cho mình là hình thức phẫn nộ
đơn giản nhất, hiện diện ở tất cả các loài động vật như là một phản xạ
không điều kiện. Điều đó có nghĩa là từ khi sinh ra, mọi loài đã có
phản ứng phẫn nộ này, mỗi khi cơ thể chúng bị xâm phạm hay bị làm thương
tổn trực tiếp. (Thí dụ như khi bị đánh, một con chó ngay lập tức biểu
lộ sự phẫn nộ bằng những tiếng sủa phản kháng). Tuy vậy, khi đối tượng
bị tấn công trực tiếp là đồng loại của chúng, chứ không phải là chúng,
không chắc là chúng có phẫn nộ hay không. Một con người chỉ biết phẫn
nộ khi chính bản thân mình hay quyền lợi của riêng mình bị xâm phạm là
một con người đang hành xử như một loài động vật ở cấp thấp nhất. Một
người anh hùng chắc chắn phải hành xử ở một đẳng cấp cao hơn như thế
nhiều, để điều trước tiên là: Xứng đáng là một con người (chưa nói đến
việc có là anh hùng hay không).
Trong
xã hội vô cảm Việt hiện nay, có một lượng rất lớn người không biết phẫn
nộ là gì. Nói một cách rõ ràng và chính xác hơn, họ cũng biết phẫn nộ
nhưng lại phẫn nộ ở mức thấp nhất như một loài động vật, chỉ khi chính
quyền lợi và sự an nguy của họ bị xâm phạm mà thôi. Trong trường hợp sự
xâm phạm đó chỉ dừng lại ở mức độ tinh thần hay cảm xúc, suy nghĩ hay
tư tưởng, họ cũng dễ dàng cho qua. Dĩ nhiên là khi sự xâm phạm đó xảy
ra đối với người khác thì chắc chắn là họ xem như không có gì xảy ra
rồi. Những gì được phát biểu tại Vĩnh Phúc vào ngày 25/02 vừa qua (cho
rằng những người đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam
quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội là suy thoái tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống) là những lời nói xúc phạm nặng nề đến toàn thể
người dân Việt, chứ không chỉ riêng ai. Nghe những lời phát biểu đó,
nhà báo NĐK đã cảm thấy phẫn nộ. Đó là sự phẫn nộ của một con người -
một con người chân chính, không thể dằn lòng trước một điều quá "trái
tai".
Không
phẫn nộ sao được khi thậm chí đến khiếu kiện cũng bị cho là suy thoái
chính trị, đạo đức, lẽ sống. Theo lẽ thường, có ai không bị oan ức,
không hứng chịu một sự bất công quá lớn lại đi khiếu kiện bao giờ.
Khiếu kiện đã có từ ngàn xưa, từ thời Bao Công được xem là chuẩn mực của
thần công lý. Khiếu kiện là một niềm đau rất lớn, là một tia hy vọng
mong manh cuối cùng của những thân phận xấu số đã bị dồn đến tận con ngõ
hẹp tận cùng của đời sống. Thế mà, theo như lời được phát biểu, thì
khi bị oan khiên phải cố mà "ngậm miệng" để đảm bảo rằng chính trị, đạo
đức và lẽ sống của mình không bị "suy thoái". Có vẻ như những người dân
đen khốn khổ này đã được xem còn thua hơn cả những con vật. Con vật
với cấu tạo cơ thể sinh học ở mức thấp nhất cũng còn biết phản kháng,
huống hồ gì là con người.
Người
anh hùng không chỉ là người biết phẫn nộ cho nhiều người, cho cả dân
tộc, mà còn là người biến sự phẫn nộ đó thành hành động cụ thể. NĐK là
một con người như thế. Với bài viết "Ai suy thoái và suy thoái cái gì?",
NĐK là nhà báo đầu tiên đã dũng cảm để nói lên một cách thẳng thắn và
mạnh mẽ những suy nghĩ của mình, với tư cách là một công dân Việt.
Tiếng nói này đã gây một chấn động rất lớn vì nó phản kháng trực tiếp và
không nhân nhượng với những lời phát biểu của người đang đứng đầu đảng
cầm quyền ở VN. Trong xã hội đầy dãy sự sợ hãi ở VN, chưa hề bao giờ có
một tiếng nói (nhất là lại là từ một nhà báo trẻ đang còn làm việc)
được cất lên một cách trung thực và hồn nhiên như thế. Tiếng nói ấy
trung thực đến từng lời, từng chữ. Người đọc dễ nhận ra tiếng nói ấy
phát xuất từ tận trong một trái tim đã chất chứa quá nhiều trăn trở cho
đất nước và dân tộc về việc người dân phải được sống làm sao cho đúng
một con người. Tiếng nói ấy cũng hồn nhiên làm sao. Nó được cất lên
dũng mãnh không một thoáng e sợ, run rẩy, dẫu nó thừa biết rằng bao hiểm
họa, bất trắc có thể rồi sẽ đến theo sau.
Nói
riêng về bài viết này, chỉ qua một vài đoạn văn không dài lắm, đặc biệt
là qua những lời tuyên bố cá nhân đầy trân trọng, NĐK đã cho thấy mình
là một nhà báo có tầm, có kiến thức, đặc biệt là có sự hiểu biết sâu sắc
về quyền cá nhân của con người trong một xã hội dân chủ. Những lời
tuyên bố chắc nịch, súc tích, dõng dạc cứ như thể nó đang được cất lên
giữa bầu trời tự do của một đất nước có một nền dân chủ thực sự. Và ý
nghĩa lớn nhất của nó chính là ở chỗ đấy: Nó được cất lên ở một nơi
đang cần nó nhất - Việt Nam. Nó được cất lên đi kèm với một sự hy sinh
không hề nhỏ. Có thể dự đoán mà không sợ sai lầm rằng, chỉ đến khi đọc
những lời tuyên bố này của nhà báo NĐK, nhiều người dân Việt mới vỡ lẽ
ra rằng: Hóa ra mình có quyền nói như thế và cái quyền đó là cái quyền
mà mình không cần ai ban cho, cũng như không ai có quyền tước đoạt hay
phán xét nó. Ý nghĩa "khai ngộ" của những lời tuyên bố này đối với
nhiều người dân Việt là thật vô cùng to lớn và góp phần tạo nền tảng cho
những tiếng nói về sau sẽ được cất lên.
Nói
về anh hùng còn là nói về đức khiêm cung của họ. Nhà báo NĐK chỉ nhận
mình là một con người bình thường, và việc làm của anh rất đỗi bình
thường. Đúng là anh chỉ là một con người bình thường thôi, và việc làm
của anh cũng rất đỗi bình thường. Nhưng điều làm cho anh trở thành một
anh hùng lại nằm ở chỗ là: Anh đang sống và thực thi hành động bình
thường đó trong một xã hội không bình thường. Ở xã hội không bình
thường ấy, chưa từng có ai dám nói lên những điều bình thường như anh đã
nói. Anh đã "vỡ lòng" cho họ một bài học rất đỗi cơ bản của con người
là: Là một người bình thường, hãy nói lên những điều bình thường trong
suy nghĩ của mình. Chính vì lẽ đó, dẫu muốn hay không, anh cũng đã trở
thành một anh hùng trong lòng của rất nhiều người dân Việt ở thời điểm
hôm nay.
Đã
có một anh hùng như thế. Và đã có những dấu hiệu cho thấy là vị anh
hùng đầu tiên này đã tạo bước đệm cho các vị anh hùng khác được khai
sinh và trình diện với dân tộc. Tiền đồ tươi sáng và phát triển của đất
nước Việt mong chờ ở điều ấy.
09/03/2013
Jeffrey Thai