Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Phiên tòa xét xử vụ đánh người ở Văn Giang: Sai tội danh, sót tội phạm?

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Tôi không nói về mức án mà Viện kiểm sát huyện Văn Giang đề nghị đối với bị cáo và mức án Tòa án huyện Văn Giang tuyên cho chúng vì tôi không có ý định so kè một vài năm tù cho kẻ phạm tội. Tôi muốn nói đến những ý kiến hoàn toàn có cơ sở của người bị hại và gia đình họ, những người mà tính mạng lúc nào cũng mong manh như họ và luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ: phiên tòa có những dấu hiệu bao che và bỏ sót tội phạm.
Đúng như dự đoán từ trước, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ đánh người gây thương tích ngày 12/7/2012 tại Văn Giang đã gây nên sự phẫn nỗ cho người nông dân Văn Giang. Những người dân đứng ngoài cổng đồng loạt hô phản đối mỗi khi Viện kiểm sát (VKS) tranh luận. Kết thúc phiên tòa, dẫu không có điều kiện hỏi người bị hại nhưng tôi biết chắc chắn họ sẽ kháng cáo.
Chúng tôi là thành phần như số đông bà con Văn Giang theo dõi phiên tòa qua chiếc loa ngoài hướng ra ngoài cổng tòa.

Bước sang phần xét hỏi, Luật sư Hà Huy Sơn yêu cầu tách hai bị cáo ra để tránh thông cung nhưng yêu cầu này không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Xin lược bớt những chi tiết mà tôi không định đề cập trong phạm vi bài viết này.
VKS đưa ra những lý lẽ nhằm giảm tội cho các bị cáo. Họ diễn giải thì nhiều nhưng chung qui lại là: Hành vi của bị cáo là do bức xúc vì bị dân khiêu khích, chửi bới, mặc dù người bị hại, nhân chứng không ai chấp nhận lời khai này. Thế nhưng VKS vẫn căn cứ vào lời khai đơn phương của bị cáo mà không đếm xỉa đến lời bác bỏ của người bị hại, lấy đó làm căn cứ giảm tội cho bị cáo.
Họ cho rằng bị cáo phạm tội mang tính chất giản đơn, không có sự chuẩn bị từ trước, không mang tính chất côn đồ, rằng bị cáo đã mang tiền đưa cho bên bị hại để khắc phục hậu quả (tuy nhiên ông Đàm Văn Đồng cho biết các ông không nhận).
VKS cho rằng, vật dụng mà kẻ phạm tội dùng đánh người là những vật dụng có sẵn trong tự nhiên …
Qua loa truyền thanh, chúng tôi biết bên bị hại phản ứng mạnh mẽ. Ông Đàm Văn Đồng bác bỏ ý kiến của Viện Kiểm sát. Ông yêu cầu phải truy tố các bị cáo tội “giết người” chứ không không chấp nhận tội danh “cố ý gây thương tích”.
Ông Lê Thạch Bàn yêu cầu phải tiếp tục điều tra tìm ra kẻ tổ chức, chủ mưu trong vụ này. Ông nói: “Việc bọn chúng đánh chúng tôi là không bình thường, chúng vì mục đích gì? Yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ.
Những ý kiến đanh thép và hùng hồn của những người bị hại vừa chấm dứt, tiếng vỗ tay của những người ngoài cổng Tòa lại rào rào vang lên. Nhưng những lời tranh luận của Luật sư Hà Huy Sơn làm mọi người chú ý và phấn chấn hơn cả.
Luật sư Sơn phát biểu nhiều lần. Tựu trung, ông đập lại quan điểm của Viện Kiểm sát bằng những lý lẽ sắc bén.
LS Sơn bác bỏ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo mà VKS đưa ra. Luật sư cho rằng, hành vi của bị cáo là cố tình truy sát đến cùng, việc ông Bàn thoát chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo.
Về việc hung khí mà VKS cho rằng có sẵn trong tự nhiên, LS Sơn cũng bác bỏ bằng lý lẽ: những chiếc gậy gỗ đánh người đều được sơn, chứng tỏ hung khí có sự chuẩn bị từ trước.
Những người bị hại không hề có tư thù gì với bị cáo. Vì vậy, việc đánh người phải có kẻ thuê thì tội phạm mới truy cùng giết tận như thế.
Có một tình tiết cũng gây tranh luận sôi nổi không kém, đó là cự ly giữa người những người dân đi thăm cây với nhóm côn đồ được cho là đang ngồi câu cá theo VKS là 30 mét và họ đã có những lời khiêu khích nhóm côn đồ. Tuy nhiên, những người bị hai cho rằng khoảng cách đó là ba bốn trăm mét thì chẳng ai thấy ai và các ông cũng không hề có lời nào chửi bới. Tên Dũng cũng công nhận trước tòa là không có căn cứ nào xác nhận đã chửi hay xúc phạm bị cáo. Thế nhưng, VKS vẫn cứ lấy điều này làm căn cứ cho rằng, bị cáo đánh người là do bức xúc mà bột phát. Tôi nghe thấy một người bị hại yêu cầu VKS đến hiện trường đo cụ thể xem nó là bao nhiêu vì hiện trường vẫn còn đó.
Ls Hà Huy Sơn nói, hành vi của bị cáo là giết người thuê với các tình tiết tăng nặng ở điều 48 Bộ luật Hình sự là phạm tội có tổ chức, phạm tội đến cùng. Các tình tiết tăng nặng khác là các bị cáo không thành khẩn khai báo kẻ thuê, kẻ chỉ huy, phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội đối với người già, phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, cố tình thực hiện tội phạm tới cùng.
Ls Sơn khẳng định cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng. Khi chưa hết thời hạn truy nã mà đã tách vụ án, bỏ qua các tội phạm đang bỏ trốn đã ảnh hưởng đến tính chất vụ án và tính khách quan của vụ án.
Cuối cùng, Ls Hà Huy Sơn yêu cầu trả lại hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra lại.
Trong thời gian theo dõi phiên tòa ở ngoài đường, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người cùng theo dõi. Họ tỏ ra rất bất bình vì phiên tòa đã bao che cho kẻ giết người. Họ cho biết, không phải tự nhiên mà ông Nghiệp, ông Đồng và ông Bàn bị đánh. Chúng nhằm vào các ông này để đánh là vì các ông ấy là những người tích cực đi khiếu kiện về vụ tịch thu đất đai của nông dân nhất. Trộn lẫn vào đám đông nông dân 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao là những toán côn đồ và có cả người của công ty Việt Hưng. Người dân chỉ cho chúng tôi biết mặt nhưng tên côn đồ để cảnh giác. Có mấy anh trung niên chủ động gặp đề nghị chúng tôi khi về sẽ đi kèm chúng tôi ra khỏi khu vực cho đến địa điểm an toàn. Tôi cười bảo: “Nếu chúng tôi sợ thì đã không sang đây.
Hơn ai hết, nông dân Văn Giang biết kẻ nào thuê mướn, chỉ đạo nhóm côn đồ vào đánh họ, những ai là mục tiêu tiêu diệt. Diễn của phiên tòa hôm nay không che mắt được họ và những người biết sự thật về vụ thu hồi đất của nông dân Văn Giang để làm cái gọi là dự án Khu đô thị EcoPark.
Và người dân Văn Giang cũng là những người biết hơn ai hết, dù kết quả của những phiên tòa sau như thế nào đi chăng nữa thì ai là kẻ phải thăm nuôi kẻ phạm tội và chăm sóc gia đình chúng.
IMG_0944
Nhân dân Văn Giang theo dòi phiên tòa từ bên ngoài - Ảnh Trương Văn Dũng
Chung nguyện vọng với bà con Văn Giang - Ảnh TVD
Chiếc nón do người dân Văn Găng đưa cho Minh Hằng đội. Dòng chữ trên nón là cô viết vào –  Ảnh TVD

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"