Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Để tránh cái hoạ bị nhân dân đạp đổ và lịch sử phỉ nhổ

Cựu Chiến Binh

51fbb11b-1ab0-452b-911f-0d6dd9a14ea7_w640_r1_s.jpg
Không ai biết hàng chục tỷ đô la tiền đóng thuế của dân được quân đội chi tiêu thế nào trong những năm qua, có hợp lý không? Thất thoát thì chắc chắn rồi, và có thể là rất lớn, nhưng liệu có ai phải chịu trách nhiệm?

Tôi nhập ngũ từ năm 17 tuổi, tình nguyện, viết đơn bằng máu, sau chiến tranh biên giới năm 1979.

Mang trong tâm trí những gì tốt đẹp về quân đội nhân dân qua những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn của Văn nghệ quân đội, khi mới nhập ngũ, tôi luôn tin quân đội là một môi trường tuyệt vời, ở đó tình cảm đồng đội thân thiết, gắn bó như anh em, cấp trên cấp dưới thương yêu nhau như trong gia đình… Nhưng chỉ một thời gian ngắn thì tôi đã nhận thấy có vấn đề. Khi đó chúng tôi đóng ở biên giới phía Bắc, đầu những năm 1980, kinh tế khủng hoảng vô cùng, bộ đội ăn toàn cá mắm thối, đến rau xanh cũng thiếu thốn trầm trọng, vậy nhưng rất nhiều sĩ quan đã tha hoá đến mức độ đáng xấu hổ. Ở các đơn vị cấp dưới thì cán bộ “trấn lột” từng tuýp kem đánh răng, cái khăn mặt của tân binh mang từ nhà đi, tìm cách khai tăng số lượng quân hay cho lính về phép quá hạn để ăn bớt khẩu phần. Ở cấp trên thì hà lạm lương thực, quân nhu, bắt lính vào rừng khai thác gỗ (những cánh rừng gỗ quý ở phía Bắc biến mất chủ yếu trong thời gian này) xẻ ra đưa lên xe quân sự chở về quê làm nhà, đóng tủ chè, sập gụ…Tôi nhớ mãi những đồng đội ăn mặc rách rưới, gầy vêu vao, có người phù thũng đến mức bị liệt chân vì thiếu vi ta min B (do phải ăn thứ gạo tấm mua từ Ấn độ, trắng phau, toàn lõi cứng, ko còn chút dinh dưỡng nào), mà vẫn phải vác những tấm bê tông nặng vài chục cân, thậm chí hàng tạ, leo lên những đỉnh núi, ngọn đồi cao chập chùng ở biên giới phía Bắc để xây phòng tuyến trong gió rét, hoặc nằm “chốt” đối mặt với quân Tầu. Trong khi đó, cán bộ thì tụ tập ở những “nhà đại đội, nhà tiểu đoàn…” ấm áp, ăn uống, bài bạc, làm áp-phe hay vào bản tán gái…
Thực tế đó khiến tôi, và nhiều đồng đội khác, rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nó hầu như khác hẳn với những gì tốt đẹp của quân đội trong những tác phẩm như Dấu chân người lính hay trong Văn nghệ quân đội mà chúng tôi đã đọc trước khi tòng quân. Ở đây, tôi không muốn nói rằng tất cả sĩ quan trong quân đội khi đó đều tha hoá, nhưng số tha hoá rất lớn, mang tính phổ biến. Tôi không rõ trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ quân đội đã có sự tha hoá như vậy hay chưa, mong bác nào biết thì bổ khuyết.
Nhưng chúng tôi đã trụ vững, rất ít người đào ngũ, ít nhất là trong phạm vi những đơn vị tôi đã từng phục vụ, bất chấp những khó khăn khủng khiếp về vật chất và sự khủng hoảng nặng nề về tinh thần vì mất niềm tin, cho đến ngày phục viên (tổng cộng hơn 5 năm, do tôi là lính kỹ thuật). Một phần vì đào ngũ thời bấy giờ chính quyền sẽ mang cả gia đình ra bêu riếu, nhưng một phần khác, chúng tôi biết đằng sau mình là Tổ Quốc. Mỗi khi lên các chốt (thường ở trên các điểm cao), nhìn về sau lưng thấy giang sơn trập trùng đồi núi ngút ngàn, chúng tôi hiểu tại sao mình cần ở đó.
Nếu ai đã từng là lính đóng quân ở biên giới phía Bắc những năm tháng đó chắn sẽ hình dung rõ những gì tôi vừa viết.
Nay đọc những gì ông đại tá này nói, nhớ lại những buổi tối dài lê thê nghe chính trị viên ba hoa trong những doanh trại tạm bợ trên đồi núi phía Bắc, thấy khẩu khí, phong cách của những cán bộ tuyên huấn trong quân đội ko thay đổi gì dù đã mấy chục năm rồi.
Đọc những gì ông này nói, tôi cũng ko ngạc nhiên, vì ông này cũng chỉ là một cá nhân bị tha hoá trong quân đội mà thôi, mà tôi thì đã biết khá rõ sự tha hoá đó rồi. Tôi tin là hiện nay sự tha hoá của quân đội ở mức độ hơn trước kia rất nhiều, thể hiện qua sự tham nhũng về mua bán vũ khí, trang thiết bị quân sự, quân nhu, hậu cần, đất đai… Không ai biết hàng chục tỷ đô la tiền đóng thuế của dân được quân đội chi tiêu thế nào trong những năm qua, có hợp lý không? Thất thoát thì chắc chắn rồi, và có thể là rất lớn, nhưng liệu có ai phải chịu trách nhiệm?
Những kẻ tha hoá trong quân đội đang có cuộc sống phè phỡn trên tiền đóng thuế của dân, tiền bán tài nguyên của đất nước, nhưng lại đang đe doạ nhân dân và có thể đến lúc nào đó sẽ dùng chính vũ khí mua bằng tiền đóng thuế của dân để bắn vào nhân dân.
Tôi cho là nhóm lợi ích trong quân đội có thể là nhóm lớn nhất, bảo thủ nhất hiện nay ở VN về vấn đề chính trị. Cứ xem khẩu khí của ông đại tá này, và đọc báo QĐND thì rõ.
Nhưng thực ra, đại diện cho nhóm này chỉ là một số, một bộ phận sĩ quan trung, cao cấp mà thôi. Tôi tin là đại đa số bộ đội, như ngày xưa chúng tôi, và ngày nay là các chiến sĩ trẻ, đều là những người có yêu đất nước, yêu nhân dân. Chẳng ai muốn bắn vào dân để bảo vệ một nhóm cấp trên tham nhũng, bạc nhược đến hủ bại của họ hết cả…
Làm sĩ quan mà không dám đối mặt với ngoại xâm, chỉ tìm cách “vinh thân, phì gia”, đục khoét trên lưng người lính và nhân dân thì thật hổ thẹn và mang tội nặng với tổ tiên oanh liệt…Những kẻ này nên ngoảnh lại về sau nhìn bốn ngàn năm lịch sử và hướng về phía trước để thấy 90 triệu đồng bào mà tu tỉnh cho mau, để tránh cái hoạ bị nhân dân đạp đổ và lịch sử phỉ nhổ.
Cựu Chiến Binh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"