Dong Phung Viet
Một số người vừa lên tiếng chỉ trích chính quyền là lú, ngu khi tổ
chức và tuyên truyền về chuyện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp để
thực hiện cuộc diễn tập trấn áp một đám đông, biểu tình "đả đảo bọn tham nhũng", gây rối hôm 12 tháng 12.
Tôi không tán thành những nhận định này. Không thể xem đây là sự ấu
trĩ hay non kém về chính trị. Xét về mặt chính trị, đối xử thô bạo với
những người phản kháng các hành vi côn đồ, ngang ngược của Trung Quốc,
xâm hại chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam rõ ràng là ấu trĩ và
non kém hơn nhiều nhưng chính quyền vẫn làm, thậm chí làm đi, làm lại và
rõ ràng là chẳng ngần ngại chút nào.
Cũng vì vậy, chuyện giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp để
thực hiện cuộc diễn tập trấn áp một đám đông, biểu tình "đả đảo bọn tham
nhũng" và tuyên truyền rộng rãi về cuộc diễn tập này là có dụng ý. Cuộc
diễn tập là một tín hiệu rất rõ ràng nữa mà chính quyền muốn gửi tới
tất cả công dân: Đừng tụ tập, đừng phản ứng, kể cả khi những phản ứng đó
vốn dĩ rất hợp lý, hợp tình như "đả đảo bọn tham nhũng".
Đâu phải tự nhiên mà gần đây, những cuộc diễn tập chống gây rối, bạo
động được tổ chức và giới thiệu liên tục trên hệ thống truyền thông của
Nhà nước. Chúng tỷ lệ thuận với các cuộc biểu tình, phản kháng đòi Trung
Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và đòi công lý, đòi quyền sống
của những người mất đất, mất nhà.
Cho nên, bàn chuyện chính quyền khôn hay dại, góp ý với họ rằng nên
làm thế này hay đừng làm thế kia là thừa. Trước đây, hiện nay và sau
này, họ đã, đang cũng như sẽ không bao giờ quan tâm tới nhân tâm. Họ chủ
động gieo rắc sự sợ hãi để tất cả mọi công dân phải "an phận thủ
thường".
Theo tôi, bây giờ điều thật sự cần thảo luận là:
(1) Chúng ta có cần một chính quyền như chính quyền hiện nay tại Việt Nam hay không?
(2) Chúng ta có thật sự muốn bảo vệ chủ quyền quyền gia, lợi ích dân tộc hay không?
(3) Chúng ta có thật sự khao khát rằng cá nhân chúng ta, thân nhân
chúng ta cũng như mọi người Việt khác có quyền được sống tử tế, bình an
trong một xã hội thật sự công bằng hay không?
(4) Nếu chúng ta không cần một chính quyền như chính quyền hiện nay
tại Việt Nam, nếu chúng ta thật sự muốn bảo vệ chủ quyền quyền gia, lợi
ích dân tộc, nếu chúng ta thật sự khao khát rằng, cá nhân chúng ta, thân
nhân chúng ta cũng như mọi người Việt khác có quyền được sống tử tế,
bình an trong một xã hội thật sự công bằng thì chúng ta phải hành động.
"Khóc: nhục. Rên: hèn. Van: Yếu đuối".
(5) Nếu đã thấy cần hành động chúng ta có dám dấn thân, có dám nhận
chịu những mất mát, thua thiệt có thể xảy đến với mình không? Không phải
tự nhiên mà phương Tây có câu ngạn ngữ: Tự do không bao giờ là miễn
phí!
(6) Cảnh sát, an ninh hay quân nhân; chiến sĩ, hạ sĩ quan hay sĩ quan
của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân cũng là người Việt, cùng sống
trong môi trường xã hội như chúng ta đang phải sống, tôi tin họ cũng cảm
nhận như chúng ta, cũng tự thấy ngột ngạt và bất bình như chúng ta. Họ
cũng là nhân dân như chúng ta. Họ chỉ khác chúng ta ở chỗ họ được trả
lương để ngăn cản chúng ta vươn đến mơ ước của chúng ta. Tại sao chúng
ta không chia sẻ, không thuyết phục họ rằng, mơ ước của chúng ta cũng là
mơ ước của họ, tương lai của chúng ta cũng là tương lai của họ? Rằng,
khi "bỏ điều 4 của Hiến pháp hiện hành", những kẻ thấy cần "tự sát" chắc
chắn nằm trong đám đang "đè đầu, cưỡi cổ" cả họ chứ không phải là họ.
Rằng, khi chúng ta có thể tháo cởi xiềng xích đang quấn quanh, cột chặt
dân tộc này thì chính họ cũng trở thành những con người tự do. Hãy tìm
và cùng nhau kể cho họ nghe những câu chuyện xảy ra trước, trong và ngay
sau khi khối XHCN ở Đông Âu cũng như Liên Xô sụp đổ. Hồi ấy, chỉ có
những kẻ mù quáng tuân lệnh thượng cấp, dàn áp đồng bào của mình vươn
tới khát vọng chung của cả dân tộc mới bị nguyền rủa, trừng phạt...
Đừng chờ ai hết. Mọi thay đổi tích cực cho xứ sở và dân tộc này khởi
đầu từ chính bạn. Hãy hành động. Trước hết là kể những điều bạn biết,
chia sẻ những điều bạn nghĩ với mọi người quanh bạn. Bạn không cần phải
chỉ dẫn hay thuyết phục họ nên nghĩ gì, làm gì. Khi đã có thông tin,
chính họ sẽ đối chiếu chúng với thực tế xã hội và hoàn cảnh, cũng như
nhu cầu cả nhân của họ. Tự họ sẽ thấy họ nên làm gì, làm như thế nào.
Bạn sẽ không cảm thấy lẻ loi, cô độc.
Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay.