Bài thuyết trình của đại tá PGS-TS Trần Đăng Thanh
đang là đề tài nóng trên mạng khiến tôi phải vào Ba Sàm để đọc, chứ lâu
nay tôi chẳng bao giờ màng đến các bài nói chuyện, các buổi phổ biến
nghị quyết kiểu đó. Về tất cả những điều bỉ ổi kiểu: „Tầu xâm lược nước
ta, nhưng ta phải nhớ ơn Tầu“, hay „Ta phải học tập Triều Tiên, tuy để
dân chết đói, nhưng đủ sức làm cho các cường quốc mất ăn mất ngủ“ thì
tôi không cần phải bàn vì chúng không đáng để nói.
Nhưng
việc ông Đăng Thanh lấy chuyện sổ hưu của cán bộ ra để hô hào họ phải
„chiến đấu“ để bảo vệ nó, rồi ông lại lôi chuyện Đông Âu ra để dọa họ
thì tôi buộc phải nêu vài ví dụ chính tôi chứng kiến để chứng minh là
ông đại tá này cố tình bịa đặt, xuyên tạc lịch sử.
Tôi
có rất nhiều thầy cô giáo cũ ở CHDC Đức (đều từ 70 đến 80 tuổi), đã về
hưu từ ngày nước Đức thống nhất, nhưng vẫn có cuộc sống yên lành. Bà
Inge L., hồi đầu là giáo viên tiếng Đức của chúng tôi. Sau năm 1971,
chúng tôi về Việt Nam làm việc thì được biết bà đã chuyển sang làm công
tác đảng SED (như đảng CSVN bây giờ) ở huyện Königs Wusterhausen, gần
Berlin. Tuy không phải viên chức nhà nước, nhưng sau ngày thống nhất,
chính quyền mới vẫn cho bà lĩnh lương hưu và bà có một cuộc sống thanh
đạm, nhưng không thiếu thốn. Hiện nay bà sống cô đơn nên được xếp vào ở
nhà xã hội, được bảo hiểm sức khỏe đàng hoàng. Chúng tôi thường xuyên
điện thoại thăm hỏi nhau.
Năm
2006 và năm 2011 tôi có mời một số anh chị em bạn học cũ từ Việt Nam
sang Đức chơi, (có thể có người đang đọc bài này). Cả hai lần chúng tôi
đều kéo nhau về trường cũ, bỏ tiền ra làm một bữa liên hoan, có cả âm
nhạc Việt Nam, mời toàn bộ các thầy cô đến dự. Họ rất mừng và nói: „Các
học sinh Đức cũ không ai nhớ đến chúng tôi, nhưng người Việt các anh
chị quả là rất ơn nghĩa, 40 năm rồi vẫn nhớ đến chúng tôi“.
Nhờ
chúng tôi tổ chức họp mặt họ mới có dịp gặp nhau, vì trường cũ đã giải
tán và nội bộ của họ có nhiều vấn đề: mất đoàn kết, thù hận nhau, do
chính quá khứ của đảng SED để lại, nên họ không bao giờ chủ động gặp
nhau.
Trong số phận của các thầy cô, tôi chỉ xin kể 2 sự việc:
1-
Bà Magdalena M. vốn là một bà giáo rất đẹp gái, tóc bạch kim, cao ráo,
dáng rất sang, dạy kỹ thuật truyền tin. Sau 40 năm gặp lại bà vẫn như
vậy và lái xe BMW mui trần đến dự liên hoan. Trước kia tôi không quan
tâm đến cuộc sống của bà, nay thấy bà nổi bật lên giữa các vị giáo già
nua thanh đạm. Bà bảo: Lương hưu giáo viên của bà thì tạm đủ, nhưng ông
chồng bà là đại tá không quân Quân đội Nhân dân Quốc Gia CHDC Đức. Sau
khi thống nhất ông được lương hưu tương đương như ông quan năm Tây Đức
nên khá lắm! Bà buồn là ông mới mất và nay bà chỉ còn sống bằng lương
hưu của bà và 1 phần lương hưu bà góa của ông (Witwenrente).
Bà M. than phiền với tôi là: So với ông đại tá ở phía Tây Đức thì cái tỷ lệ lương hưu để lại cho bà góa có ít hơn.
Tôi
không biết điều bà M. nói đúng hay sai, nhưng tôi an ủi bà: Ngày trước
ông nhà chỉ lo mỗi việc là tiêu diệt người ta, sau này người ta trả
lương hưu hậu như vậy, lúc ổng qua đời, bà còn được lương bà góa của ông
nhà thì chắc là sự bất công không bằng đồng bào tôi ở Sài Gòn đã chịu,
họ không những không có lương hưu mà còn phải đi cải tạo, có người chết
mất cả xác.
Bà M. không phản đối điều tôi nói và trầm ngâm hẳn. Từ đó đến nay, bà vẫn hay gửi email trao đổi chuyện chính trị với tôi.
2-
Ông bà Joseph và Gundela GL. là hai người tôi coi như bố mẹ nuôi. Bọn
con trai, mấy thằng Erwin, Peter, Michael vẫn chơi bóng đá với đám
thanh niên Việt Nam chúng tôi, con bé Martina suốt ngày quấn quít với
các bạn gái Việt. Suốt mấy chục năm xa cách tôi vẫn thư từ cho bà. Đùng
một cái, từ năm 1990, sau thống nhất đất nước Đức, tôi mất liên lạc với
bà. Tôi dò hỏi các thầy cô cũ thì biết cả hai ông bà từng là mật vụ chìm
cho STASI (An Ninh CHDC Đức) nên khi chế độ sụp đổ, mọi việc vỡ lở, ông
bà xấu hổ quá, đưa cả gia đình đi xa.
Từ
khi sang Đức, tôi đã cất công tìm tung tích của ông bà, vì tôi vẫn nhớ
đến tình cảm của họ đối với đám thanh niên Việt chúng tôi khi xưa. Là
người Việt Nam, tôi thừa hiểu cái bi kich "cá chìm" mà hàng triệu người
Đông Đức hồi đó phải gánh chịu, dù là nạn nhân hay là thủ phạm. Đối với
tôi tình cảm con người là trên hết.
Nhờ
có Internet và hệ thống sổ điện thoại điện tử, tôi đã tìm được gia đình
ông bà GL. Ông bà có một căn nhà nhỏ trên đảo Usedom, nằm trên biển
Baltic, gần Ba-lan. Ông bà rút vào cuộc sống ẩn dật để tránh mọi quan hệ
với bạn bè, đồng nghiệp cũ. Cậu con cả Erwin làm giám đốc trung tâm
điều dưỡng trên đảo và vẫn chăm nom ông bà. Ông bà cảm động lắm và nói
là họ đã mất hết bạn bè người Đức, nhưng may mà tôi đã đến với họ.
Điều
làm ông bà ân hận nhất là quyển „sổ hưu“. Vì là nhân viên mật vụ STASI
nên ông bà có quyền cao chức trọng hơn các đồng nghiệp khác trong
trường, mặc dù họ có trình độ hơn ông bà. Nhờ vậy ngày nay ông bà lĩnh
lương hưu cao hơn họ, những nạn nhân của ông bà.
Đó
là ở nước Đức, nơi mà một nhà nước pháp quyền phương tây tiếp quản
chính quyền từ tay những người cộng sản. Nhưng ở nuớc Tiệp, nơi người
dân tự chuyển đổi xã hội của mình từ độc tài sang dân chủ, vấn đề „sổ
hưu“ cũng không khác gì.
Cô
tôi là một kiều nữ Hà nội đầu những năm 60, lại nói tiếng Pháp giỏi nên
đuợc tuyển đi làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia địa chất Tiệp Khắc.
Ông Tây Tiệp Vladimir phải lòng cô tôi và họ yêu nhau, như ở mọi nơi
trên đời này. Nhưng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa không cho phép
một phụ nữ Việt Nam yêu một "đồng chí"Tiệp. Cuối năm 1961, Tổng cục
Địa chất buộc chú tôi phải chấm dứt công tác, quay về Tiệp, để lại cô
tôi bụng mang dạ chửa.
Chú
Vladimir về Praha, nhờ bạn bè trong trung ương đảng CS Tiệp Khắc, nhờ
cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp, để rồi năm 1963 cô tôi được ôm con
gái xuất ngoại. Chỉ riêng những đau khổ quanh câu chuyện tình này cũng
có đủ chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết.
Khi
sang Tiệp, cô chú tôi đều đi làm cho nhà nước Tiệp, chú là kỹ sư địa
chất, cô là kế toán. Sau cuộc cách mạng nhung, cô chú tôi đều đuợc chính
quyền mới trả lương hưu trí đầy đủ, nghe đâu hơn 20.000 Kcs/tháng.
Mùa
hè vừa qua, sang thăm cô chú tôi tại Praha, tôi đem chuyện các thầy cô
Đông Đức ra kể. Chú Vladimir bảo, các nhân viên STB cũ (Mật vụ An ninh
Tiệp Khắc) nếu không vướng tội hình sự (tra tấn, giết người v.v) thì
cũng được lãnh lương hưu. Rồi ông kết luận một câu hiền khô:
- Phải thế chứ, không thì họ sống bằng gì!
Một suy nghĩ cực kỳ nhân bản của một con người bình thường.
Xuân Thọ (Tác giả gửi cho X-CafeVn)
20.12.2012 Cologne