Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Thêm một bài viết liên quan "Bên Thắng Cuộc"

Đinh Lê

Viết về Phan Xuân Huy thì được, nhưng nói về Huy Đức theo đoàn quân Bắc cộng đánh vào Nam thì sai rồi, vì 30-4-1975 Huy Đức mới có 13 tuổi và đang sống tại Miền Bắc. Điều này Huy Đức có nói trong bài viết VÌ SAO TÔI VIẾT SÁCH "BÊN THẮNG CUỘC" .
Cuốn sách này nhằm vào độc giả trong nước, chúng ta nên dọc và bổ túc những điểm sai sót của tác giả thì hơn. Cuốn sách này nhằm giải mê cho người Việt ở quốc nội nên gọi nó là "ngụy thư" thì chỉ làm cho mình thất thố mà thôi.


Thêm một bài viết liên quan "Bên Thắng Cuộc" để quý vị thẩm định. 


Hàn Giang Trần Lệ 

Quả đúng như thế; bởi không phải chỉ mới góp mặt trong cuốn ngụy thư: "Bên thắng cuộc", mà từ những năm xưa, trước ngày 30/4/1975, Phan Xuân Huy đã là một tên giặc, từng đứng về "bên thắng cuộc". Vậy, trước khi nói về sự góp mặt của Phan Xuân Huy trong cuốn ngụy thư: "Bên thắng cuộc", nên người viết phải nói qua về Phan Xuân Huy, là con của ông bà Phan Xuân Cáo, chánh quán tại làng Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, QN). Có căn nhà trên đường Nguyễn Du, Đà Nẵng. Ngày xưa, vào những năm "tranh đấu" lẫy lừng, Phan Xuân Huy đã nằm trường kỳ trong "khối Ấn Quang". Sau này, khi được "khối Ấn Quang" đem "trồng" trong Hạ Viện của Việt Nam Cộng Hòa tới hai nhiệm kỳ. Vì thế, Phan Xuân Huy, với cái vỏ bọc là "dân biểu" của thành phố Đà Nẵng, Huy đã là một tên giặc, trong mọi trận giặc, đã từng gieo rắc những tang thương, máu lửa cho đồng bào, trong số đó, đã có không ít những trẻ em vô tội, đã bị đốt chết cháy, bị đánh đập một cách hết sức tàn độc, trước khi bị treo cổ lên chiếc cổng của Phường Thanh Bồ-Đức Lợi, tại thành phố Đà Nẵng, vào ngày 24/8/1964.

Trong cuốn ngụy thư: "Bên thắng cuộc"; tác giả Huy Đức, là một trong những kẻ từng cầm súng trong đoàn quân của đảng Cộng sản Hà Nội, là đảng cầm quyền của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đã xua quân xâm lăng nước Việt Nam Cộng Hòa, và đã từng cầm bút trong các báo chí của đảng Cộng sản Việt Nam. Một kẻ đã và đang đứng bên kia chiến tuyến, đã cầm súng trong hàng ngũ của quân xâm lăng Cộng sản, để bắn giết dân lành tại miền Nam: Việt Nam Cộng Hòa. Vì thế, sự ra đời của cuốn ngụy thư: "Bên thắng cuộc" với sự góp mặt của những kẻ từng "ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng sản", cùng với những tên Việt cộng nằm vùng như "dân biểu" Phan Xuân Huy, thì lẽ đương nhiên, không có điều gì là lạ cả.

Tuy nhiên, đã có một số báo chí tại hải ngoại lại quảng cáo cho "Bên thắng cuộc". Điều ấy, đã cho chúng ta, những người Việt yêu nước chân chính, mà đặc biệt, những người Việt Quốc Gia, những công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa, đã từng phải nuốt nước mắt, khi bắt buộc phải rời xa Quê Hương, để chạy trốn Cộng sản, bằng nhiều con đường khác nhau, từ di tản, vượt biên, vượt biển, với vô số những người đã chết thảm trên ngàn, dưới biển, kể từ ngày 30/4/1975.

Phan Xuân Huy, với cái vỏ bọc là "dân biểu" do "khối Ấn Quang" đã "trồng" vào Hạ Viện của Việt Nam Cộng Hòa, để hoạt động Cộng sản một cách hợp pháp. Tuyệt nhiên, Phan Xuân Huy không hề có một hoạt động hữu ích với tư cách của một người dân cử.

Phan Xuân Huy, một "dân biểu", nhưng lại luôn luôn đánh phá chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, và giết hại dân lành. Với những "công lao dâng đảng" của Phan Xuân Huy, thì nhân đây, người viết tự thấy phải nhắc lại, qua những sự kiện ở các bài khác, mà người viết đã nói về những "thành tích" của Phan Xuân Huy ngay tại một thành phố thân yêu của mình: thành phố Đà Nẵng như sau:

Phan Xuân Huy trong cuộc thảm sát tại hai phường Thanh Bồ-Đức Lợi, 24/8/1964, tại Đà Nẵng:

Ngày ấy, Phan Xuân Huy từng ở trong đoàn quân của "Khối ấn Quang", với những nguyên nhân mà những kẻ cầm đầu đã đưa ra đều không đúng với mục đích chính. Vì tất cả không hề có một chút gì dính dáng đến đồng bào miền Bắc di cư tại hai phường Thanh Bồ và Đức Lợi. Như tất cả quý vị, những ai có đọc sách, báo, hay đã từng theo dõi qua các biến cố trước ngày mất nước, đều đã biết đến cái nguyên nhân của cuộc tấn công Thanh Bồ-Đức Lợi là bởi cái “Hiến chương Vũng Tàu”, do tướng Nguyễn Khánh công bố. Nhưng thật vô cùng tàn ác, vì "khối Ấn Quang" đã mượn cái “Hiến Chương Vũng Tàu” để đánh giết và tiêu trừ đồng bào miền Bắc di cư. Vì đồng bào miền Bắc nói chung, và đồng bào Thanh Bồ-Đức Lợi nói riêng KHÔNG hề dính dáng,và cũng KHÔNG ủng hộ tướng Nguyễn Khánh hay cái “Hiến Chương Vũng Tàu”. Nhưng cũng thật vô cùng phi lý, khi "khối Ấn Quang" thành lập “Hội đồng Nhân dân Cứu quốc”, tại Đà Nẵng do Thích Đôn Hậu “lãnh đạo”. Và nói là để “phản đối Hiến Chương Vũng Tàu”; nhưng rồi sau đó lại tấn công, đánh, giết ông Trần Sô và đồng bào miền Bắc di cư. Đồng thời đốt sạch nhà cửa của họ. Tôi cũng xin nói thêm, là cũng cùng thời gian "khối Ấn Quang" cũng đồng loạt phong tỏa các khu định cư của đồng bào miền Bắc như: Thanh Bình, Tam Tòa, Phước Tường và Sơn Trà, để chuẩn bị tấn công như Thanh Bồ-Đức Lợi. Nhưng, như người dân Đà Nẵng đã từng nói với nhau rằng: Có lẽ những tiếng kêu cầu đầy nước mắt, đau thương, tang tóc của đồng bào trong cơn máu lửa, đã thấu đến tận Trời cao. Nên ông Trời đã nhủ lòng xót thương, mà cứu vớt những đồng bào trong các khu dân cư còn lại.

Trở lại với cái gọi là “Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc”. Tại Đà Nẵng: Ngày 24/8/1964, Thích Đôn Hậu, Chánh đại diện Phật giáo miền Vạn Hạnh (miền Trung) đã đưa “Lực lượng Phật giáo Cứu quốc” từ Huế vào Đà Nẵng. Trong đó, có những tên quen thuộc như sau:

Bác sĩ Lê Khắc Quyến: Chủ tịch Trung ương Hội đồng Nhân dân Cứu quốc, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Tuyên, Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Hanh ... Và khoảng hai ngàn “Thanh niên Phật tử Cứu quốc” vào Đà Nẵng, kết hợp với “Lực lượng Phật giáo Cứu quốc Đà Nẵng” với những tên cầm đầu như: Phan Xuân Huy, La Thành Tỵ, Hà Xuân Kỳ, Phan Chánh Dinh, Vĩnh Kha, Vĩnh Linh, Hồ Công Lộ, Nguyễn Văn Lương, Lê Văn Tương, Nguyễn Văn Côn, Nguyễn Văn Tổng ...

Phía "khối Ấn Quang" gồm có: -Thích Minh Chiếu, Thiếu tá Trưởng phòng Tuyên úy Phật giáo Vùng 1 Chiến thuật, kiêm Chánh Đại diện Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng.

- Thích Hạnh Đạo, Đại úy Tuyên úy phó Đại diện Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng. Thích Hạnh Đạo đã chết tại Hoa Kỳ.

- Thích Minh Tuấn: Ngày 30/4/1975, là Hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề, Đà Nẵng, đã đích thân dẫn đầu “Lực lượng Hòa hợp-Hòa giải Phật giáo” và đã đưa cả đoàn xe ra tận đèo Phú Gia để đón bộ đội Bắc Việt của Nguyễn Chơn tướng Việt cộng, vào thành phố Đà Nẵng mà tôi đã viết qua bài 30/4/1975: Máu và Nước Mắt. ( sau này, là Hòa thượng, qua Đại hội ngày 01/10/2003, đã được “Suy cử” vào “Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống GHPGVNTN”.

- Thích Long Trí, Chánh Đại điện Tỉnh hội Quảng Nam.

- Thích Như Huệ, Đại úy Tuyên úy, phó Đại diện Tỉnh hội Quảng Nam. Hiện nay, là Hòa thượng, qua Đại hội ngày 01/10/2003, Thích Như Huệ đã được “Suy cử” vào “Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống kiêm Chủ tịch Giáo hội Phật Giáo tại Úc và Tân Tây Lan”.

- Thích Thiện Duyên, Chánh Đại diện Tỉnh hội Quảng Tín.

Khủng Bố và Giết Người:

Từ sáng sớm ngày 24/8/1964, Các "khuôn hội Phật giáo" Quảng Nam-Đà Nẵng, đã kết hợp với Phan Xuân Huy, La Thành Tỵ , Hà Xuân Kỳ, Phan Chánh Dinh, Vĩnh Kha, Vĩnh Linh, Hồ Công Lộ, Nguyễn Văn Lương, Lê Văn Tương, Nguyễn Văn Côn, Nguyễn Văn Tổng ...

Những tên cầm đầu này, đã ra lênh cho Phật tử tập trung về chùa Pháp Lâm ở số 500, đường Ông Ích Khiêm Đà Nẵng, để đi biểu tình. Mặt khác, Phan Xuân Huy và các "thầy" ra lệnh cho “Lực lượng Thanh niên Phật tử Cứu quốc” tay cầm gậy gộc, gạch, đá xông vào các chợ buộc đồng bào phải bãi thị để đi biểu tình. Điều này, trong “Mùa Biển Động, tập 1” nhà văn Nguyễn Mộng Giác có viết, nhưng không đầy đủ, tôi xin được trích nguyên văn như sau:

“Ban chủ biên tờ Lập Trường, Giáo hội Phật giáo miền Trung, cử cán bộ đi vào, đi ra đèo Hải Vân như thoi dệt cửi. Trong các địa phương, Mặt trận hy vọng tổ chức được các chi nhánh hùng hậu. Đà Nẵng là chỗ có nhiều hy vọng nhất. Còn Quảng Nam, Quảng Ngãi ư ? Thế lực Quốc Dân Đảng cực đoan mạnh quá, trong khi Phật giáo lại yếu kém rời rã ... Tường đích thân vào Đà Nẵng lo phát động phong trào là do vậy. Chàng không bao giờ xem thường thế lực Công Giáo ở đây, là các khu giáo dân bao quanh thành phố ... Đà Nẵng không phải là chỗ dễ bác sĩ Chủ tịch đã vỗ vai cẩn thận dặn dò Tường... “ Và “ Không thể chấp nhận được rằng: Trong lúc mình thao thức với tình hình đất nước, lại có những người dân Đà Nẵng thản nhiên ngồi quán phở, thản nhiên ngồi quán chờ từng giọt cà phê rơi xuống cái ly sữa, thảnh thơi đi chợ, thảnh thơi đi bát phố. Họ cũng không chấp nhận cả những kẻ bỏ Đà Nẵng tất bật rối rít lên sân ga, bến xe, bến phà để đi làm ăn nơi khác ... Cho nên trước cuộc biểu dương thành hình. Nhiều toán học sinh lực lưỡng cầm gậy, đến các chợ buộc bạn hàng bãi thị, lên bến xe buộc tài xế, lơ xe nghỉ việc. Giới chợ búa đâu có chịu nhượng bộ dễ dàng ...”

Quý độc giả đã đọc qua bài 30/4/1975: Máu Và Nước Mắt và Cuộc Bạo Loạn Miền Trung: Mùa Hè 1966. Bây giờ lại đọc những dòng của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết. Chắc quý vị đã biết qua các biến cố ấy, đã có rất nhiều người Bị đi biểu tình, Bị đi diễn hành chứ không phải do tự nguyện.

Và người viết tự thấy, phải cần nói đến những hành vi khủng bố của “Thanh niên Phật tử Cứu quốc”. Khi đám này dùng gậy gộc lùa được một số đồng bào từ các chợ đến “chùa” Pháp Lâm, thì tại sân chùa cũng đã đủ mặt “Lực Lượng Phật Tử Cứu Quốc”. Những tên côn đồ này là tự nguyện, vì đã đi theo tiếng gọi của ... thầy chùa. Tại “chùa” Pháp Lâm.

Người cầm đầu “Lực lượng Phật giáo Cứu quốc” là Thích Minh Chiếu với chức Thiếu tá Trưởng phòng Tuyên Úy Phật giáo Vùng 1 Chiến thuật. Y đã trang bị vũ khí cho “Thanh niên Phật tử Cứu quốc”. Thích Minh Chiếu và Phan Xuân Huy đã ra lệnh cho đoàn biểu tình phải đi đến sân vận động Chi Lăng, tại đường Đông Kinh Nghĩa Thục để dự “mít-tinh”. Nhưng một điều đã làm cho người dân cả thanh phố Đà Nẵng, đều phải kinh hoàng, khủng khiếp. Đó là lúc đoàn biểu tình đang đi từ “chùa” Pháp Lâm đến trước phòng mạch của Bác Sĩ Thái Can (tức thi sĩ Thái Can), ở ngã ba đường Hùng Vương-Triệu Nữ Vương, nhìn xéo sang rạp hát Chợ Cồn. Thì cũng là lúc ông Trần Sô một Hạ sĩ quan thuộc chi khu Điện Bàn, Quảng Nam, vừa dắt đứa con trai mười tuổi đi khám bệnh ở phòng mạch của Bác Sĩ Thái Can. Lúc ông Trần Sô vừa ra khỏi phòng mạch, một tay ông dắt chiếc xe đạp, tay kia dắt đứa con nhỏ. Vừa ra đến cổng, thì trong đoàn biểu tình bỗng có nhiều tiếng la lớn:

“A... Cái thằng Cần Lao ác ôn... Nó là thằng Cần lao ác ôn... Bắt nó đi... Đánh cho chết nó đi... .”

Đứa con nhỏ của ông Trần Sô sợ quá, nên chui vào phía trong cổng, và đã được cứu sống. Còn ông Trần Sô không sao thoát được, vì lũ côn đồ này quá đông. Chúng liền xông vào, tóm lấy ông rồi dùng gậy gộc, gạch, đá, nắm đấm, chân giày, chúng thi nhau đánh, đấm, đạp cho đến khi ông đã chết hẳn, toàn thân và áo quần ông nhuộm đầy máu. Nhưng chúng vẫn chưa tha. Chúng còn xúm nhau bê một tảng đá lớn, đem giáng thẳng xuống mặt của ông, làm cho đầu ôngphải bị bẹp dí sát mặt đường, máu và óc của ông hòa lẫn thành một bãi bầy nhầy trắng, đỏ, hồng, chẳng ai còn thấy mặt mũi của ông nữa cả.

Sau đó, khi đoàn biểu tình bỏ đi, nhờ những giấy tờ tùy thân trong túi áo của ông, đồng bào đã xác định tên họ của ông, nên họ đã cho người nhắn tin cho thân nhân đi nhận xác. Nhận được hung tin, một người nỗi tiếng tại Quảng Nam đó là Học giả Trần Thuyên, ông là con trai út của nhà cách mạng Trần Quý Cáp, đã đến nhận xác ông Trần Sô là cháu gọi ông Trần Thuyên là chú. Khi nhận xác ông Trần Sô cụ Trần Thuyên đã thốt lên: “Thật vô cùng dã man.”.



Trước cảnh thương tâm ấy, chính Bác Sĩ Thái Can đã giúp hai ngàn đồng (tiền VNCH), để chôn cái xác không đầu của ông Trần Sô. Điều này, trước đây khi Bác Sĩ Thái Can còn khỏe người viết đã có viết qua trên Văn Nghệ Tiền Phong. Song không phải là một bài viết về cuộc thảm sát Thanh Bồ-Đức Lợi, nên không đầy đủ. Học giả Trần Thuyên hiện đang có mặt tai Hoa Kỳ. Cụ đã cho xuất bản cuốn sách “Tôi Đã Chọn” Cụ đã chọn con đường vác Thánh Giá. Cái chết của ông Trần Sô, một quân nhân gương mẫu, một người hiền lương. Còn ông có phải Cần Lao hay không, chẳng ai biết được. Nhưng nếu là Cần Lao thì phải chết thảm như thế hay sao? Vì thế, cái chết đau thương của ông Trần Sô, thì cho đến hôm nay, và mãi mãi không thể phai mờ trong tâm trí người dân Đà Nẵng.

Sau khi giết chết ông Trần Sô. Thích Minh Chiếu và Phan Xuân Huy, ra lệnh cho đoàn biểu tình tiếp tục đi đến sân vận động Chi Lăng dự “mít-tinh”. Với khẩu hiệu: "Đả đảo Mỹ-Khánh". Đến cuối cuộc "mít-tinh", số đồng bào đã bị lùa ở các chợ đi biểu tình cứ tưởng rằng sẽ được cho về. Không ngờ, Thích Minh Chiếu và Phan Xuân Huy lại ra lệnh tất cả phải xuống Tòa Thị Chính Đà Nẵng. Khi đến trước Tòa Thị Chính ở đường Bạch Đằng, “Lực Lượng Phật Giáo Cứu Quốc” đã dùng loa phóng thanh kêu gọi Hải quân Đại tá Lê Quang Mỹ, Thị trưởng Đà Nẵng phải ra trình diện, và phải bàn giao chức Thị trưởng Đà Nẵng cho Phan Xuân Huy. Đại tá Lê Quang Mỹ không chấp nhận, nên ông đã trốn ra cửa sau, rồi chạy ra Duyên Khu Hải Quân Tiên Sa, để tỵ nạn "Lực lượng Phật giáo cứu quốc"!

Sau cả giờ gào thét rã hơi, mà vẫn không thấy bóng dáng của Đại tá Lê Quang Mỹ ở đâu cả. "Lực lượng Phật giáo cứu quốc", đứng đầu là Thích Minh Chiếu, Thích Như Huệ, Thích Hạnh Đạo, Thích Long Trí, Thích Thiện Duyên, Thích Từ Mẫn, Thích Minh Tuấn ... Phan Xuân Huy, La Thành Tỵ..., đã ra lệnh cho “Lực Lượng Phật Giáo Cứu Quốc” xông vào Tòa Thị Chính lục soát. Chúng đã lùng xét từng phòng, nhưng không tìm thấy Đại tá Lê Quang Mỹ, nên lũ lục lâm này tưởng rằng Đại tá Lê Quang Mỹ đang trốn một chỗ bí mật nào đó, chứ không thể chạy ra ngoài được. Vì vậy, chúng đã đập phá hết các vật dụng văn phòng, rồi dùng xăng tưới vào các phòng và châm lửa đốt cháy Tòa Thị Chính Đà Nẵng. Duy có một điều đã khiến mọi người dân Đà Nẵng đều phải khiếp sợ "khối Ấn Quang". Ấy là tất cả các cuộc biểu tình, các “thầy” đều ra lệnh cho “Phật tử ruột” khi đi “biểu tình” phải đem theo đầy đủ gậy gộc, gạch, đá... và bắt buộc phải mang xăng theo. Vì thế, tất cả những cuộc “biểu tình” đều có lửa và máu!!!

Khi nói đến Thanh Bồ, thì nhiều người đều có kèm theo Đức Lợi. Vì phường Thanh Bồ nằm phía mặt tiền, cổng quay mặt ra đường Đống Đa, còn phường Đức Lợi lại nằm phía sau Thanh Bồ sát bờ biển. Ngoài chiếc cổng nhỏ ở góc đường Bạch Đằng, người dân Đức Lợi và Thanh Bồ thường ra vào thành phố cùng một cánh cổng chính dẫn ra đường Đống Đa. Ngoài ra, hai khu này đa số là đồng bào miền Bắc di cư. Bởi thế, mọi người đều gọi chung là Thanh Bồ-Đức Lợi.

Sau khi đốt cháy tòa Thị Chính Đà Nẵng thì Thích Minh Chiếu, Thích Như Huệ, Thích Hạnh Đạo ... Phan Xuân Huy, La Thành Tỵ ... là đám cầm đầu ra lệnh cho đoàn biểu tình đi thẳng xuống Thanh Bồ- Đức Lợi.

Lúc Lực Lượng Phật Giáo Cứu Quốc đến trước một cao ốc cho Mỹ thuê, phía trái cánh cổng Thanh Bồ, quay mặt ra đường Đống Đa. Đám này đã kiếm chuyện gây hấn với các nữ công nhân tại cao ốc này, chúng hét to bằng những lời lẽ hạ cấp, tục tỉu, vô giáo dục nhưng người viết chỉ ghi lại một câu thôi, nguyên văn như sau :

"Ê ! Mấy con đĩ Mỹ ... Mấy con đĩ Mỹ ..."

Lúc đó, các nữ công nhân đang lau nhà ở lầu 01. Bỗng nghe những lời lẽ ấy. Tự ái và danh dự bị tổn thương. Nên trong số người đó, có chị Phạm Thị Liễu quê ở xã Kỳ Hà, Quảng Tín, ra Đà Nẵng làm công. Vì uất ức nên chị Liễu đã bưng nguyên xô nước bẩn đang lau nhà đem tạt thẳng xuống đầu đám "Phật giáo Cứu quốc".

Việc làm này của chị Liễu, nếu bình tâm mà suy xét, thì không thể trách chị được. Bởi các chị ấy, là những người dân từ các làng quê đã bị Việt cộng đánh chiếm, hoặc đã mất an ninh vì sợ bị VC bắt đưa lên rừng núi làm du kích, nên họ đã chạy về thành phố, nhưng chính quyền lại vô trách nhiệm, chẳng hề giúp đỡ một chút gì cả. Nên họ phải tự tìm cách để mưu sinh. Họ là những phụ nữ thật đáng thương. Ngược lại, "Phật giáo cứu quốc" chẳng những không hề thương xót, mà lại còn buông những lời hạ nhục họ nữa ? !!!

Nhưng, mọi chuyện chưa kết thúc ở đó. Vì sau khi bị tạt nước lau nhà, "Lực Lượng Phật Giáo Cứu Quốc" trong số đó, có Phan Xuân Huy, đã dùng gạch, đá ném lên tòa cao ốc này, làm mấy cánh cửa kiếng vỡ tan. Thấy vậy, một người lính Hoa Kỳ mới dọa bằng cách lấy súng tùy thân bắn mấy phát chỉ thiên. Rồi bảo công nhân vào nhà đóng cửa lại.

Không làm gì được chị Liễu. "Lực lượng Phật giáo Cứu quốc" bèn kéo nhau tới trước cổng Thanh Bồ. Tay múa gậy, mồm la hét :

"Cần Lao ác ôn ! Chúng mầy ở trong nầy ! Chúng mầy ra đây ! Chúng mầy không ra, thì chúng tao cũng vô lôi cổ chúng mầy ra mà đánh cho chết hết".

Tiếp theo là những tiếng hét to hơn :

"Bọn Cần Lao ác ôn, chúng nó ở trong nầy ! Vô đi ! Vô đi ! Giết sạch hết đi !"

Nghe những tiếng la hét như thế, đồng bào có mặt ở đó cứ tưởng là chúng la cho đỡ tức, vì bị tạt nước bẩn. Không ai ngờ là chúng giết người thật.


Thanh Bồ-Đức Lợi Máu Lửa :

Khi nghe những tiếng la hét vang dậy của lũ lục lâm. Và thấy đồng bào hoảng hốt. Vì Thanh Bồ-Đức Lợi cũng là khu Tổng kho, trong đó gồm có : Kho gạo, kho lương thực … Nên các chủ kho là những người đã có sáng kiến xây dựng lên chiếc cổng, mục đích để bảo vệ an ninh và tài sản của các kho. Họ thấy lo sợ nên đã bảo hai thiếu niên Phòng Vệ Dân Sự (PVDS) ra đóng cổng lại.

Thấy vậy, "Lực Lượng Phật Giáo Cứu Quốc"; trong đó, có Phan Xuân Huy liền xúm nhau xông vào phá cổng và túm lấy hai thiếu niên, rồi dùng gậy gộc, gạch, đá, nắm đấm, chân giày. Chúng cũng đã xúm nhau vào đấm, đá, đánh, đạp vào tấm thân gầy yếu của hai em, cho đến khi cả hai đếu gục chết.

Thương xót hai em, một Hạ sĩ quan Không quân không biết từ đâu chạy ra tìm lời phân giải. Thì lập tức lũ côn đồ này liền vồ lấy vị quân nhân, rồi cũng dùng gậy gộc, gạch, đá, đánh anh cho đến khi chết hẳn.

Nhưng "Phật Giáo Cứu Quốc" cũng chưa chịu buông tha. Mà chúng cùng nhau bẻ thép kẽm gai ở bờ tường rào, đem cột vào cổ hai thiếu niên và vị quân nhân; rồi chúng xúm nhau đem treo cả ba cái xác chết này lên cổng Thanh Bồ mới hả dạ!

Trước mắt mọi người lúc ấy. Xác chết của hai em bé, bị treo lơ lửng trên cổng Thanh Bồ. Hai cái cổ của hai em bị gãy nơi bị cột thép gai, máu ứa ra từ những chỗ có mắt kẽm gai đâm vào. Đầu ngã sang một bên. Áo quần đẫm máu. Cả khuôn mặt đã biến dạng, sưng vù. Bốn dòng máu đỏ sẫm ứa ra từ hai chiếc miệng của hai em dù đã chết; nhưng bốn con mắt ngây thơ của hai em đều mở to nhìn xuống đám “ người” đã nhân danh là "Lực Lượng Phật Giáo Cứu Quốc"; trong số đó, có Phan Xuân Huy!

Nhưng chưa hết. Bởi trong cơn say máu người "Phật Giáo Cứu Quốc", trong đó, có Phan Xuân Huy, đã ồ ạt xông vào khu dân cư Thanh Bồ-Đức Lợi. Tay vung gậy gộc, gạch, đá mồm la hét :

"Cần lao ác ôn đâu ! …Giết hết …"

Rồi có những tiêng la to :

"Hãy đốt nhà chúng nó ! Đốt hết ! Đốt sạch đi…"

Chúng cũng đã dùng loa phóng thanh kêu gọi :

"Yêu cầu đồng bào Quảng Nam, hãy mau mau tách rời khỏi dân Bắc cầy, và gia nhập vào Lực lượng Phật giáo Cứu quốc, thì nhà sẽ được chừa ra không bị đốt".

Nhưng đồng bào Quảng Nam chẳng có một người nào chịu nghe lời của chúng cả. Vì chỉ có người ngu tới tin là "Gia nhập LLPGCQ, thì nhà sẽ được chừa ra không bị đốt". Vì lửa đâu có biết phân biệt cái nhà nào là của người Quảng hay người Bắc. Bởi nhà cửa liền nhau, hể đốt một cái, thì lửa nó sẽ lan ra, cháy sạch hết cả hai phườngThanh Bồ-Đức Lợi.

Vả lại, qua những năm dài chung sống với người Bắc di cư, người Quảng Nam đâu có thấy "Cần Lao ác ôn" ở chổ nào, mà họ chỉ thấy đồng bào miền Bắc với những tấm lòng đầy nhân ái. Vì thế, máu của đồng bào Quảng Nam đã hòa lẫn với máu của đồng bào miền Bắc trong cuộc thảm sát Thanh Bồ-Đức Lợi !

Sau một hồi la hét, chẳng thấy bóng dáng ai cả. Chúng đã dùng xăng tưới vào mấy căn nhà nhà của đồng bào ở đầu con đường chính dẫn vào Thanh Bồ-Đức Lợi và châm lửa đốt.

Lúc này, dân Thanh Bồ-Đức Lợi đa số là ngư dân nên đàn ông đã ra biển. Chỉ còn đa số là phụ nữ và trẻ em.

Khi ngọn lửa bốc cháy, thì những người không ra biển hôm ấy, đã kêu gọi mọi người chạy ra phường Đức Lợi ở ven biển phía sau Thanh Bồ. Rồi tất cả đồng bào Thanh Bồ- Đức Lợi, đều bồng bế nhau lên thuyền cùng chạy ra khơi để tỵ nạn "Lực lượng Phật giáo cứu quốc"!

Trừ bốn nạn nhân đã bị chết thảm trước mắt đồng bào, đó là : Ông Trần Sô sau khi bị đánh chết, đã bị dập đầu, hai em bé và vị Hạ sĩ quan Không quân sau khi bị đánh chết đã bị treo cổ trên cổng Thanh Bồ bằng thép kẽm gai. Ngoài ra, không ai biết chính xác được về con số thương vong, trong cuộc thảm sát này. Vì ngay cả chính quyền lúc ấy đã làm ngơ, không hề để tâm đến, không hề giúp đở đồng bào lâm nạn. Nhưng người ta đều biết đã có những cụ già, em bé, phụ nữ mang thai không chạy kịp, nên sau đó người thân chỉ còn tìm lại được nắm xương khô trong đống lửa đã tàn, vì cả hai phường Thanh Bồ-Đức Lợi đã bị cháy sạch!

Riêng số đồng bào chạy thoát được lên thuyền, cũng lâm vào cảnh rất thương tâm: Bởi, khi cố chạy từ trong đám cháy để thoát thân, nên rất nhiều người lớn, bé đã bị bỏng, bị thương, mà họ không hề mang theo được một thứ gì để cứu thương cả. Vì thế, có những phụ nữ mang thai đã sinh non trên thuyền, đã chết cả mẹ lẫn con. Đến lúc các thuyền tìm cách đưa những người bị thương đến các bệnh viện, thì có người đã chết. Còn các bệnh viện lúc ấy đã chứa đầy bệnh nhân và cũng là nạn nhân của "Lưc lượng Phật giáo cứu quốc" tại Thanh Bồ-Đức Lợi!

Phan Xuân Huy trong cuộc bạo loạn bàn thờ Phật xuống đường tai Đà Nẵng, mùa Hè 1966:

Như người viết đã nói về nguyên do và mục đích của cuộc bạo loạn bàn thờ Phật xuống đường. Bây giờ người viết xin trở lại từ những ngày đầu:

Sau khi tướng Nguyễn Chánh Thi trở về Đà Nẵng, nhưng chính phủ cương quyết không phục chức theo yêu sách của "khối Ấn Quang". Thấy vậy, "khối Ấn Quang" lại đòi phải thành lập chính phủ dân sự. Mặc dù biết những đòi hỏi của "khối Ấn Quang" là quá đáng, nhưng Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, đã triệu tập Quốc dân đại hội và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến trong vòng sáu tháng. Song, vì chưa đạt được mục đích nên "khối Ấn Quang" lại tiếp tục biểu tình. Lần này với những biểu ngữ và dùng loa phóng thanh hô to những khẩu hiệu:

"Đả đảo Thiệu-Kỳ, Thiệu-Kỳ phải từ chức".

Khi nhắc lại điều này, người viết muốn hỏi "khối Ấn Quang": tại sao từ sau ngày 30-4-1975, cho đến nay, "khối Ấn Quang" vẫn luôn kêu gào nào là từng bị Việt cộng bỏ tù, áp bức, pháp nạn… Như vậy, tại sao "khối Ấn Quang" không tổ chức biểu tình đả đảo cộng sản, đòi Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang… phải từ chức, không đem bàn thờ Phật xuống đường như mùa hè 1966, không thành lập "Lực lương Phật tử Quyết Tử"… như trước kia; trong khi vẫn ca rằng Việt Nam có tới 90% là Phật tử?

Trở lại cuộc nổi loạn, khi chính phủ không từ chức, vì từ chức rồi giao chính quyền cho ai ? Chẳng lẽ giao cho thầy chùa ? Vì vậy, "khối Ấn Quang" bắt đầu cuộc bạo loạn bằng việc công khai tuyên bố đã thành lập "Quân đoàn Cách mạng Vạn Hạnh". Thích Minh Chiếu là Tư lệnh Quân đoàn. "Tổng hành dinh" được đặt tại chùa Phổ Đà, ở số 340 đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, như người viết đã nói ở trên.

Lúc này, Thích Đôn Hậu đã kéo một đám đệ tử từ Huế vào Đà Nẵng. Trong số này, có những tên cũng đã từng chỉ huy "Đoàn Thanh niên Phật tử Cứu quốc" trong cuộc tấn công hai phường Thanh Bồ và Đức Lợi vào ngày 24-8-1964, như các tên sau đây:

Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Tuyên …và hơn hai ngàn thanh niên, hợp lại cùng với đám đệ tử tại Đà Nẵng cũng đã từng sát cánh với nhau trong cuộc thảm sát Thanh Bồ như: Phan Xuân Huy, Phan Chánh Dinh, La Thành Tỵ, Vĩnh Kha, Hồ Công Lộ, Hà Xuân Kỳ …

Sau khi vào Đà Nẵng, Thích Đôn Hậu và đám đệ tử tập hợp tại chùa Pháp Lâm, tức chùa tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Nam-Đà Nẵng, là cơ quan chỉ đạo chính trị, ở số 500 đường Ông Ích Khiêm. Chính tại chùa Pháp Lâm, Thích Đôn Hậu đã nhân danh Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Miền Vạn Hạnh ( tức miền Trung ) dùng truyền đơn và loa phóng thanh phát lời kêu gọi:

"…Các quân nhân Phật tử hãy mau mau quay về gia nhập Quân Đoàn Cách Mạng Vạn Hạnh, các Phật tử trong mọi nghành cảnh sát, công tư chức, sinh viên học sinh, thanh niên và đồng bào Phật tử hãy gia nhập lực lượng đấu tranh để lật đổ chính phủ Thiệu-Kỳ".

Phan Xuân Huy và ngày 29/3/1975, tại Đà Nẵng:

Ngày 29/03/1975, tại Đà Nẵng, thành phố thân yêu của người viết, vì nhờ có "ông lao" của "Lực lượng Hòa hợp Hòa giải" của "khối Ấn Quang" đã đưa từng đoàn xe ra tận núi rừng để đón rước bộ đội Bắc Việt vào thành phố sớm hơn một tháng.

Người viết đã chứng kiến từ ngày 20/03/1975, với từng đoàn người di tản từ các tỉnh Trị-Thiên, Nam-Tín-Ngãi, đổ về Đà Nẵng mỗi ngày một đông, họ chỉ mong được lên tàu di tản vì ở những nơi đó VC đã hoàn toàn kiểm soát, không còn gì để hy vọng!

Tại Đà Nẵng, trong khi từng đoàn người bồng bế nhau chạy xuống bến Bạch Đằng, thì từng loạt pháo kích của VC bắn theo nổ chặn đường, làm kẻ chết, người bị thương, ai còn sống, bỏ tất cả lại để chạy thoát thân. Nhưng rồi chuyến tầu cuối cùng cũng đã rời bến Bạch Đằng. Những người còn lại đành quay trở về. Trên đường phố từng toán người dìu dắt nhau trở lại, sau khi trở về nhà, họ đóng cửa, chỉ nhìn ra đường qua cửa sổ, họ đã sống trong những giờ phút hãi hùng, chờ đợi, không biết những gì sẽ xãy ra. Thành phố ngưng mọi sinh hoạt.

Lúc này, "Lực lượng hòa hợp, hòa giải" trong đó, có Phan Xuân Huy, là "Thị trưởng Đà Nẵng". Thực ra, cái chức "Thị trưởng" này, là theo lệnh của đảng CS, Phan Xuân Huy đã đóng vai "Thị trưởng Đà Nẵng" để đi dụ dỗ, lừa gạt những người quen biết "hãy ở lại với cách mạng" với những "chức vụ" ma. Trong số ấy, có bác sĩ Phạm Văn Lương, đã không chịu di tản, mà quyết định ở lại, để làm "Thị trưởng Đà Nẵng", vì đã tin theo những lời lừa gạt của Phan Xuân Huy rằng: Bác sĩ Phạm Văn Lương sẽ là "Thị trưởng Đà Nẵng", để thay thế cho "Thị trưởng" Phan Xuân Huy, để cho Phan Xuân Huy sẽ vào Sài Gòn "nhậm chức" khác… Chính vì thế, nên khi bị Việt cộng bắt vào trại tù Kỳ Sơn, bác sĩ Phạm Văn Lương đã tự tử chết vì hối hận và đau khổ. Những điều này, người viết không muốn viết thêm; bởi vì biết chắc sẽ khơi lại những niềm đau cho những người còn sống! Riêng Phan Xuân Huy mặc dù là dân biểu hai nhiệm kỳ, nhưng không bị bắt tù "cải tạo", mà vẫn tiếp tục hoạt động ở "Bên thắng cuộc" cho đến ngày hôm nay.

Tạm kết:

Qua bài này, người viết chỉ nói về Phan Xuân Huy, và những kẻ đã và đang là "đồng chí" của Huy, để cho quý độc giả hiểu thêm rằng: Chắc chắn không phải vì vô tình mà tác giả Huy Đức của "Bên thắng cuộc" đã đưa Phan Xuân Huy vào "sách" của mình. Bởi vì, nếu chỉ một bài báo, do thiếu thông tin, mà viết ra những điều sai sót, thì có thể bỏ qua. Nhưng, khi muốn in thành sách, thì trước hết, bắt buộc tác giả, phải kiểm chứng lại tất cả những điều mình đã viết, để khi in thành sách, thì mới có giá trị khả tín.

Chính vì những lẽ ấy, nên không riêng tác giả Huy Đức, của "Bên thắng cuộc", mà tất cả những cuốn sách khác, đã viết về những điều lộng ngôn, vọng ngữ. Nghĩa là, những điều hoàn toàn láo khoét, bịa đặt, thì hết thảy, đều chỉ là những đống giấy lộn. Chỉ nên vứt hết vào một hố rác lớn, để cho những thứ ngụy thư, và ngay cả tác giả của chúng, đều "được" nằm chung, và phải bị tiêu hủy cùng với những thứ rác rưởi hôi tanh, bẩn thỉu, là những cặn bả, do từ mọi người đã phế thải. Cũng như Phan Xuân Huy vậy.

Paris, 20/12/2012

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Huy Đức là một nhà báo Việt Nam, có tên thật là Trương Huy San

Ông là người gốc Hà Tĩnh hiện sinh sống và làm việc tại Boston (Mỹ).

Từng tham gia trong quân đội, ông đã có hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh giữa Việt Nam với chính quyền Khmer đỏ, và "biết câu chuyện Khmer Đỏ chống lại Việt Nam chỉ 2 tuần sau khi nhờ Việt Nam mà có trong tay quyền bính"[1].

Sự nghiệp

Trước khi tham gia vào lĩnh vực báo chí ông là người viết văn, với các tác phẩm như Dòng sông cụt, Anh ấy sẽ trở về trên báo Văn nghệ Quân Đội[2] khi ông còn ở trong quân đội.

Ông bắt đầu làm việc ở báo tuổi trẻ tiếp đó là các báo thanh niên Diễn đàn doanh nghiệp Nông thôn ngày nay, Sài Gòn tiếp thị

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"