Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Ghi chép vụn cuối năm: Từ vụ thảm sát ở Newton tới sách Bên Thắng Cuộc

T.Vấn

Ông T.Vấn lâu nay là một cây bút quen thuộc đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt vùng Oklahoma-Kansas-Texas. Trước kia Ông là một cựu sĩ quan QLVNCH, sau 1975 từng bị đưa ra Bắc "cải tạo" tới 10 năm.
Nhân cuối năm, ông T.Vấn ghi vài cảm nghĩ của mình liên quan đến hai sự kiện xảy ra gần đây: vụ thảm sát ở Newtown, bang Connecticut; và sự ra mắt quyển sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức.
Đối với quyển Bên Thắng Cuộc, ông T.Vấn đã đón nhận nó với thái độ vô tư, ôn hoà, bao dung, và trân trọng. Ông khuyên những đồng đội ngày xưa của Ông nên quên đi thù hận, một loại lò thuốc súng nguy hiểm, và không nên " thẳng tay chối bỏ mọi tín hiệu có nguồn gốc từ trong nước, bất kể tốt hay xấu, bất kể là thù địch hay anh em". Ông cũng cho rằng thế hệ của Ông ở hải ngoại nên can đảm tự nhìn thẳng vào sự thất bại trước đây, từ đó góp phần còn lại của đời mình vào nổ lực kiến quốc bằng cách gạt bỏ mọi thiên kiến, quan tâm hơn đến người dân trong Nước, đặc biệt là ủng hộ lớp trẻ, những người sẽ cầm vận mạng Đất Nước trong tương lai, giúp họ tìm ra một con đường tốt hơn cho Quê Hương mai sau.
1.
Hôm nay là thứ sáu cuối cùng của năm 2012.
Tuần trước, lịch cổ Mayan chấm dứt vào ngày thứ sáu 21 tháng 12 năm 2012. Nhiều người tin rằng đó là ngày thứ sáu cuối cùng của nhân lọai.
Điều đó đã không xẩy ra. Vì thế, tôi còn có dịp ngồi đây, ba điều bẩy chuyện với trang ghi chép dang dở, gián đọan từ nhiều tháng nay.
Chữ nghĩa đôi lúc trông trơ trẽn, vô duyên một cách thật đáng ghét. Vì chúng chưa bao giờ, không bao giờ theo kịp được với những gì xẩy ra trong cuộc sống ngòai kia. Thế nên tôi câm nín. Mọi sự khua môi múa mỏ chỉ thêm buốt lòng mình, xao xuyến lòng người.
Hôm 20 đứa trẻ và 6 cô giáo của một trường tiểu học ở Newtown, tiểu bang Connecticut bị một gã khùng trang bị súng ống đến tận răng bước vào phòng học bắn chết, tôi tưởng mình có thể nhỏ được vài giọt nước mắt lặng lẽ trên những hàng chữ. Nhưng không. Mắt tuy không ráo hỏanh nhưng chữ cứ biến đi đâu mất biệt. Lệ không rơi được nên cứ chảy ngược vào trong. Những ngày sau đó thật khó sống. Kể cả khi hình hài lỗ chỗ đạn của đứa trẻ cuối cùng được đưa về đất yên nghỉ, tôi vẫn chỉ có thể mở mắt nhìn và tim thắt lại.
Mặt đất này còn có chỗ nào gọi là an tòan không? Thế giới này có còn những điều tốt lành để cư dân của nó còn dám tự nhận mình là con người không?
Ai là người đủ tư cách trả lời khi tất cả đều hoặc là thủ phạm, hoặc là đồng lõa làm cho thế giới trở nên đầy bất trắc, tiếp tay cho sự hủy diệt những điều tốt lành?
Vì đâu nên nỗi? bà mẹ của gã tâm thần 20 tuổi ở Newtown là một người say mê sưu tập súng đạn. Nhà của bà là một thùng thuốc nổ đợi mồi lửa vô tình. Và mồi lửa ấy chính là con trai bà. Cái chết của bà đã được báo trước, đã được sửa sọan bởi chính bàn tay của mình. Những cái chết trẻ thơ khắp nơi trên “mảnh đất của súng đạn” (land of guns) đều đã được báo trước. Người ta đã không chịu lắng nghe, không chịu mở mắt nhìn, hoặc quá cố chấp không chịu để mất quyền tự do mà hiến pháp nước Mỹ đã quy định cho mọi công dân (Đệ nhị Tu Chính Án).
Nếu như bà mẹ gã tâm thần không lưu trữ những thứ vũ khí giết người trong nhà, thì cùng lắm gã con trai của bà chỉ có thể tìm thấy con dao bếp đâu đó và chỉ có thể đâm chết được người mẹ của mình. Chắc chắn gã không thể thi hành những mưu tính khủng khiếp khiến 20 trẻ thơ và 6 cô giáo một trường tiểu học chết thảm thiết làm rúng động cả xã hội tự nhận là văn minh nhất thế giới.
Bạo lực đã dẫn xã hội con người đến cực điểm của băng họai. Khi xã hội băng họai thì trái tim con người chỉ còn chỗ để chứa những thùng thuốc nổ. Và khi những thùng thuốc nổ ấy gặp một mồi lửa, thế giới sẽ đối diện với ngày tận thế mà chẳng cần phải suy đóan, tin tưởng vào ngày cuối cùng của nhân lọai dựa trên lịch cổ Mayan.
Với những trái tim mong manh dễ vỡ, ngày cuối cùng của nhân lọai đã xẩy ra. Những người công chính đang phải đối diện với sự phán xét của chính lương tâm của mình. Có đấm ngực ăn năn thì đã muộn.
Ai là người không có tội khi đã cho phép sự tàn sát những trẻ thơ xẩy ra?
2.
Hôm nay là thứ sáu cuối cùng của năm 2012.
Con số 2012 vô tri vô giác nhưng lại có sức mạnh buộc tôi nhìn lại mái tóc trên đầu của mình, của anh em bằng hữu chung quanh. Thời gian còn lại của mỗi anh em chúng tôi chẳng còn bao nhiêu. Kể từ cái ngày cuối cùng của tháng Tư 37 năm về trước, chúng tôi đã đi qua nhiều, rất nhiều, những chặng gian khổ nhất của đời người. Kẻ chết thì đã chết. Người còn sống thì đang toan tính những dọn mình.
Nhưng liệu chúng ta đã có đủ bình tâm để dọn mình chưa? Tôi cho rằng chưa. Thế giới này còn quá nhiều bất trắc, nên những điều tốt đẹp cứ ngày một biến mất. Không có sự tồn tại của những điều tốt đẹp, làm sao có thể nói đến sự bình yên? Không có sự bình yên, làm sao nói đến dọn mình để chết?
Vì đâu nên nỗi? 37 năm sau cuộc chiến mà thùng thuốc súng vẫn cứ âm ỉ chờ một mồi lửa định mệnh. Như bà mẹ gã tâm thần ở Newtown, tiểu bang Connecticut, dường như chúng ta cũng say mê tích lũy quanh mình những thứ vũ khí giết người. Nỗi đau không thể quên của 37 năm thua cuộc lớn quá, sâu quá, nặng nề quá nên nó thống trị cả hồn lẫn xác người trong cuộc, không cho chúng ta còn chút tự do nào để nhìn sự vật, sự việc, con người như chúng vốn là thế, phải là thế. Chúng ta muốn mọi người, bất kể già trẻ lớn bé, đều phải đau nỗi đau của chúng ta, đều phải thù ghét kẻ thù của chúng ta, đều phải chết đuối trong biển nước mắt của chúng ta như chúng ta đã từng đau, từng thù hận, từng chết đuối.
Như bà mẹ gã tâm thần ở Newtown, cái chết của chúng ta đã được báo trước. Nhưng dường như không một ai trong chúng ta đủ can đảm thú nhận điều đó. Vậy thì làm sao chúng ta có được sự bình an, thanh thản mà dọn mình?
Tích lũy quanh mình những thứ vũ khí có khả năng tàn sát khủng khiếp hơn cả súng đạn, làm sao người ta có thể tránh khỏi cái chết do chính mình gây ra?
Những người trẻ sinh ra sau khi chiến tranh chấm dứt, có thể đang nhìn chúng ta bằng đôi mắt của thế giới nhìn bà mẹ gã tâm thần ở Newtown. Họ có thể ngạc nhiên tại sao chúng ta có được sự tự do để lựa chọn một thái độ sống không thiên kiến, một thái độ sống thóat khỏi sự kiềm tỏa của thù hận, của đau thương mà lại vẫn tự nguyện làm nô lệ cho những thứ lẽ ra phải tống khứ chúng đi cho rảnh nợ. Họ ngạc nhiên, thắc mắc nên đi tìm câu trả lời. Họ chỉ nhận được những lời mạt sát, dậy đời, kẻ cả. Kết quả, chúng ta trở thành những người hùng cô đơn. Có lẽ mặt đất này sẽ thóang đãng hơn khi chúng ta bị buộc phải lìa khỏi trần gian. Ngày ấy không xa lắm đâu, chỉ sợ kẻ tỉnh táo nhất trong chúng ta cũng không có đủ thời gian để dọn mình. Khi ấy, thế hệ trẻ sẽ không bận tâm nữa đến những hệ lụy của chúng ta nữa. Họ sẽ thở phào nhẹ nhõm.
Nhiều người trong chúng ta đang tự nghĩ mình mang trên vai gánh nặng vì dân vì nước, vì sự diệt vong của chế độ cộng sản, tai họa của lòai người thế kỷ 20, mà Việt Nam là một trong vài quốc gia hiếm hoi kém may mắn vẫn còn phải chịu đựng dù thế giới đã bước vào thế kỷ 21.
Có ai trong chúng ta thành thật tự hỏi cái hình thức tranh đấu mà chúng ta đang kiên trì phát động có thực sự vì hạnh phúc, vì no ấm, vì tự do của 85 triệu người dân trong nước hay chỉ để thỏa mãn lòng thù hận đối với nhóm người đã từng gieo đau khổ tang tóc cho chúng ta?
Mỗi mục đích của cuộc tranh đấu đòi hỏi những phương thức, những sách lược khác nhau.
Còn chúng ta chỉ biết nung nấu lòng thù hận, thứ nước cường toan làm chết dần mòn sáng kiến, làm mờ đôi mắt cần mở lớn để quan sát tìm chất liệu cho suy nghĩ, làm ù đôi ta để không thể nghe nguyện vọng của đám trẻ đang lớn lên muốn tìm con đường khác ngắn hơn, hữu hiệu hơn để nếu không đẩy được nhóm cầm quyền ra khỏi những địa vị quyền lực thì cũng ít nhất khiến chúng phải tự thay đổi nếu muốn tồn tại, những thay đổi khiến đời sống người dân trong nước có thể dễ thở hơn.
Từ 37 năm nay, chúng ta chỉ có một phương thức, một sách lược. Chúng ta không có tổ chức, chúng ta không có lãnh đạo, chúng ta chỉ có những nhóm người ô hợp, mạnh ai nấy làm, tự cho phương thức tranh đấu của mình là đúng, ai làm khác đi thì chửi bới, mạt sát, chụp cho đủ thứ mũ. Trong khi đó chế độ cầm quyền trong nước tìm đủ mọi cách thích nghi với tình hình thế giới để tồn tại, để tiếp tục cưỡi đầu cưỡi cổ nhân dân. Còn chúng ta chỉ biết nung nấu lòng thù hận, thứ nước cường toan làm chết dần mòn sáng kiến, làm mờ đôi mắt cần mở lớn để quan sát tìm chất liệu cho suy nghĩ, làm ù đôi ta để không thể nghe nguyện vọng của đám trẻ đang lớn lên muốn tìm con đường khác ngắn hơn, hữu hiệu hơn để nếu không đẩy được nhóm cầm quyền ra khỏi những địa vị quyền lực thì cũng ít nhất khiến chúng phải tự thay đổi nếu muốn tồn tại, những thay đổi khiến đời sống người dân trong nước có thể dễ thở hơn.
37 năm sau cuộc chiến tranh, nhìn lại, bi kịch lớn nhất của bên thua cuộc là chúng ta đã sống quá lâu, quá đầy đủ trên những mảnh đất ngòai quê hương. Nhớ lại những năm tháng trong tù, nỗi bận tâm hàng ngày là cái bụng lúc nào cũng đói kinh niên. Lúc ấy, nỗi nhớ nhung gia đình, niềm ưu tư về vận nước chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nay, trên những mảnh đất no đủ xứ người, đối với đa số dân chúng nghèo trong nước, chúng ta đã ở địa vị anh nhà giàu ăn trắng mặc trơn, nhà cửa xe pháo xênh xang. Chúng ta quên mất hẳn cảm giác đói cồn cào gan ruột, quên mất hẳn cảm giác lạnh tím gan tím thịt của những ngày bỉ cực năm xưa. Với tư thế đó, chúng ta không còn thuộc về khối quần chúng nhân dân đói khổ trong nước mà chúng ta tin rằng mình đang nỗ lực giải phóng họ thóat khỏi sự áp bức của chế độ độc tài đảng trị. Vì chúng ta không còn thuộc về họ, nên chúng ta không cảm được cái đói, cái lạnh, cái thiếu thốn nó thống trị cuộc sống hàng ngày của họ.
Chính sự tách rời đầy định mệnh ấy, đã khiến chúng ta không hề có một sách lược tranh đấu phù hợp với nhu cầu thực tế trước mắt là ăn no, mặc ấm cái đã, rồi hãy nói những chuyện khác sau. Chúng ta đi trên mây và bàn với nhau chuyện chống cộng ở quê nhà.
37 năm trôi qua, ngược với sự suy đóan – và mong đợi của chúng ta – đảng cộng sản vẫn chễm chệ ở địa vị thống trị. Kết quả ấy có phần đóng góp của chính chúng ta. Chúng ta tiếp tục thua cuộc, đã bất lực lại ngày càng thêm bất lực. Kẻ thức thời thì chỉ biết dằn vặt mình. Kẻ khác thì lại càng thêm quay quắt vì thù hận.
Những ngày cuối năm dư luận trong và ngòai nước ồn ào sôi nổi về một quyển sách mà tác giả là một người sinh năm 1962 ở miền Bắc, không dính líu gì đến những hệ lụy của cuộc chiến tranh cả trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 lẫn sau đó.
Trong khi phản ứng của hầu như mọi người – nhất là tuổi trẻ – cả ở trong nước lẫn ngòai nước đều ghi nhận phần ưu điểm của quyển sách trong việc ghi lại những sự kiện lịch sử từ 1975 đến nay giúp mọi người nhận định rõ hơn công tội của những người cộng sản thì một số người trong anh em chúng ta lại tiếp tục đem lăng kính của định kiến, của hận thù ra soi rọi, bắt bẻ, chê bai, chỉ trích và kết luận đây lại là một đòn chí mạng của cộng sản đánh vào cộng đồng người Việt hải ngọai.
Dường như chúng ta muốn tác giả phải viết sử theo cách nhìn của chúng ta, theo cách diễn đạt của chúng ta, chúng ta muốn tác giả phải mạnh mẽ buộc tội đảng cộng sản Việt Nam vì những con người của cái đảng độc tài ấy là tội đồ của dân tộc, chúng ta muốn tác giả viết sử theo lối phê phán đúng sai chứ không phải ghi nhận những sự kiện. Và tất nhiên, không thể không nhận ra một điều đáng sợ, nó ngăn chặn chúng ta mở vòng tay thân ái với những người anh em đích thực không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản dù sinh sống trong nước: não bộ chúng ta đã bị điều kiện hóa để thẳng tay chối bỏ mọi tín hiệu có nguồn gốc từ trong nước, bất kể tốt hay xấu, bất kể là thù địch hay anh em.
Một lần nữa, chúng ta lại tự tách mình ra khỏi thế giới những người trẻ – trong lẫn ngòai nước – những người sẽ cầm vận mạng đất nước trong một tương lai không xa.
Những người hùng cô đơn, thần tượng của tuổi trẻ Việt Nam 37 năm về trước, đã cô đơn nay lại càng thêm cô đơn. Chúng ta chỉ còn biết thu mình lại trong thế giới của những người già nua, bất lực, nói thay cho làm, nuôi ảo tưởng để tự đánh lừa mình,đánh lừa nhau và tuyệt vọng chờ đợi một ngòi nổ làm nổ tung thùng thuốc súng thù hận.
Chúng ta sẽ chết trước khi kịp nghe tiếng thở phào nhẹ nhõm của thế hệ trẻ hôm nay.
3.
Hôm nay là thứ sáu cuối cùng của năm 2012.
37 năm qua, lịch sử đã xẩy ra như nó phải xẩy ra và đã được viết như nó phải được viết. Nỗi đau của lịch sử, 37 năm qua, hay 50 năm qua, hay 100 năm qua, hay 1000 năm qua đều đã trở thành chính lịch sử. Chúng ta đã không đem nỗi đau một ngàn năm Bắc thuộc ra ngậm nhấm mà quên đi bổn phận với tương lai, thì ngày nay, không lý gì chúng ta vẫn ôm canh cánh bên lòng nỗi đau của 37 năm để không thể thóat ra khỏi vòng kềm tỏa của nó mà làm những việc cần thiết cho tương lai. Phải chăng, một ngàn năm Bắc thuộc là nỗi đau của cha ông, không phải của chính chúng ta, nên có thể quên đi dễ dàng, còn nỗi đau của ba mươi bẩy năm là của chính chúng ta, làm sao dễ dàng bỏ qua một bên như hạt cát vướng trong chiếc giầy? Nếu thế thì có phải chúng ta đã tự thú nhận rằng cuộc chiến hôm nay là để thỏa mãn lòng thù hận tích lũy 37 năm dài đằng đẵng, chứ không phải vì manh áo ấm, bữa cơm no cho mỗi một con người nhỏ bé của 85 triệu đồng bào khốn khổ ở bên kia bờ đại dương?
Trước đây, chúng ta đã không làm tròn trách nhiệm trong cuộc chiến gìn giữ miền Nam để một ngày nào sau đó tiến ra giải phóng miền Bắc. 37 năm sau chúng ta tiếp tục không chu tòan nổi trách nhiệm của mình, dù ở mức độ thấp nhất.
Có bao nhiêu người trong chúng ta dám nhìn thẳng vào thất bại ấy của đời mình trong giây phút chuẩn bị nói lời tiễn biệt với trần gian ?
4.
Hôm nay là thứ sáu cuối cùng của năm 2012.
Lặng lẽ trong căn phòng tĩnh mịch chờ trời sáng, tôi làm dấu thánh giá cầu nguyện cho 20 thiên thần nhỏ bé của Newtown tìm được sự bình an vĩnh viễn trên vùng trời không còn súng đạn, không còn bạo lực. Tôi tin rằng những thiên thần nhỏ bé của chúng ta không chết, các em chỉ ra khỏi tầm nhìn thiển cận của trần gian này mà thôi.
Tôi cũng không quên lời cầu nguyện cho bà mẹ gã tâm thần, cho linh hồn tội nghiệp của bà chưa kịp nhận ra mình phải nói lời thống hối thì đã bị định mệnh cuốn đi. Khi đưa tay lên làm dấu thánh, tôi cũng tin rằng lời cầu nguyện ấy cũng là dành cho tôi và những anh em của mình, những người bị vây bủa bởi đớn đau và thù hận, để ít nhất, trước khi ra đi thì ánh bình minh rực rỡ của một ngày mới sẽ giúp chúng tôi nhìn thấy con đường thực sự dẫn đến sự cứu rỗi, nếu không được cho cả dân tộc khốn khổ thì cũng là cho chính mình.
Amen!
T.Vấn © 2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"