“Trong chính trường cũng như trong chiến tranh, hãy cẩn trọng khi ca tụng đức hạnh của những người thắng cuộc” – William Niskanen.
* * *
“Khi tôi lựa được một cuốn sách hay, thì tôi chẳng nệ hà mắc giá,
thế nào tôi cũng mua cho được, và tôi cưng cuốn sách còn hơn bà xã nội
gia. Cách tôi đọc thì chậm rãi, tôi không tiếc thì giờ bỏ ra cho sách,
khi khác tôi đọc ngấu nghiến còn hơn bồ câu ra ràn nuốt mồi không kịp
đút, nói tục mà nghe, y như chó gặm xương, như mèo mới sanh được mẹ
nhường mồi dạy ăn, vừa ngừ nghè sợ mất mồi vừa gầm gừ tiếng rên nho nhỏ
vì khoái trá và vì sợ miếng ngon chóng hết hoặc anh chị nào đồng lứa sắp
giựt phỏng trong mồm” - học giả Vương Hồng Sển.
Thế nên, trong sự háo hức chờ đợi song lại gần như “tuyệt vọng”, tôi
may mắn được cô Hà Linh từ Tokyo, Nhật Bản mua tặng một ấn phẩm điện tử
cuốn sách Bên Thắng Cuộc (Tập I: Giải phóng) của Huy Đức. Và, nói như
học giả Vương Hồng Sển, đối với Bên Thắng Cuộc, tất nhiên tôi cũng “đọc
ngấu nghiến còn hơn bồ câu ra ràn nuốt mồi không kịp đút, nói tục mà
nghe, y như chó gặm xương”, sau đó tôi lại đọc một cách từ từ, chậm rãi
và có khi đối chiếu các tư liệu để cảm nhận cái hay của Bên Thắng Cuộc.
Có ý kiến cho rằng, thay vì trình bày lịch sử bao gồm cả thành công
và thất bại của chính quyền sau “giải phóng”, bức tranh của Bên Thắng
Cuộc có vẻ như thiên về gam “màu tối” hơn là “màu sáng”? Song, chúng ta
không nên nhầm lẫn giữa lịch sử và chính trị, cũng không nên nhầm lẫn
giữa lịch sử và tuyền truyền. Tuyên truyền cũng quan trọng, song việc đó
ai làm cũng được và chắc chắn nó không phải là chủ đề của Bên Thắng
Cuộc.
Lịch sử chỉ xẩy ra một lần và duy nhất, còn trình bày lịch sử, giải
thích lịch sử thì có thể làm đi làm lại nhiều lần – đại ý lời của ông Võ
Nguyên Giáp. Bên Thắng Cuộc cũng chỉ là một cuốn sách trình bày lại
lịch sử, theo nhãn quan của người viết, với những chứng cứ mà tác giả
thu thập được. Sự tranh cãi về nội dung cuốn sách, tùy theo góc độ của
mỗi người là điều đương nhiên. Chúng ta biết, có không ít những cuốn sử
Việt Nam, do những tác giả “nổi tiếng” viết, rất giàu tính đảng, tính
nhân dân, đúng quan điểm, lập trường, in đẹp không chê vào đâu được,
song liệu có mấy người đọc và nó đưa lại điều gì cho độc giả?
Đọc Bên Thắng Cuộc, tôi thường nghĩ về lịch sử Việt Nam hiện đại đầy
“anh dũng” và “đau thương”, nhất là giai đoạn sau “giải phóng”. Bên
Thắng Cuộc trình bày những sự kiện như đổi tiền, tù cải tạo, kinh tế
mới, đánh tư sản, vượt biên, hai cuộc chiến tranh biên giới… làm người
đọc rơi nước mắt (tỷ như cô Hà Linh không thể nào đọc một mạch quyển
sách được). Sự thật được tác giả ghi lại một cách khách quan, “nói có
sách, mách có chứng”. Dù muốn hay không, lịch sử đã xẩy ra như thế và
“người ta không thể thay đổi được quá khứ nhưng có thể thay đổi được
tương lai”.
Lịch sử Việt Nam hiện đại có nhiều cơn địa chấn mà kết quả đã làm
người dân và đất nước kiệt quệ, tụt hậu ghê gớm so với ngay các nước
láng giềng. Đáng buồn hơn nữa là cho đến nay, những cơn địa chấn đó vẫn
chưa chấm dứt. Câu hỏi đặt ra, vì sao sai lầm cứ nối tiếp sai lầm và có
khi sai lầm sau trầm trọng hơn sai lầm trước? Cơ sở hạ tầng, kiến trúc
thượng tầng được tổ chức như thế nào mà rất dễ phạm sai lầm, liên tục
phạm sai lầm và khi đã phạm sai lầm thì rất khó sửa? “Chỉ làm lấy cái để
ăn mà khó thế đấy” – Phạm Văn Đồng, vì người ta không muốn thực hiện cơ
chế khoán trong nông nghiệp, sợ đi vào con đường tư bản, sợ mất chủ
nghĩa xã hội (đã có đâu?).
Khách quan mà nói, hậu quả tiêu cực xẩy ra sau “giải phóng” không như
mong muốn của chính quyền và các nhà lãnh đạo cao cấp. Khát vọng về một
xã hội tốt đẹp, không có người bóc lột người như Mác nêu ra là cái đích
để chính quyền hướng tới. Ý thức hệ có tầm quan trọng bao trùm tất cả,
quyết định tất cả. Phải chăng, sai lầm cũng từ đó mà ra? Ngay những bộ
óc sáng suốt nhất của đất nước, trước khi Liên Xô sụp đổ, vẫn còn chưa
thoát ra khỏi nếp suy nghĩ cũ. Theo ông Trần Phương: “Khi giải phóng
miền Nam, chúng tôi đặt câu hỏi, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân rồi thì làm gì? Gần như mọi người đều tán thành: còn có thể làm
gì hơn là tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”. Ông Trần Phương nói tiếp:
“Tư tưởng đó là của của Lênin. Khi đó thì đầu óc của mình chỉ biết có
Lênin, cái gì Lênin đã nói thì không tranh cãi”.
Nói đến lịch sử Việt Nam hiện đại thì phải nói đến sự vận hành của bộ
máy cao nhất, nói đến những nhà lãnh đạo cao cấp, bởi vì bộ máy và con
người đó đóng một vai trò rất lớn trong việc ra quyết sách. Bên Thắng
Cuộc đã mô tả rất nhiều nhân vật với nhiều tính cách khác nhau, tài năng
và cả những hạn chế khác nhau một cách sinh động, hấp dẫn, cuốn hút.
Làm sao chúng ta không kinh ngạc khi biết Bộ Chính trị những năm sáu
mươi thế kỷ trước lãnh đạo cả nước với hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc
xây dựng chủ nghĩa xã hội và miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà mà
rất ít việc làm. Ông Đậu Ngọc Xuân kể: “Nhiều cụ Bộ Chính trị vẫn giết
thời gian bằng cách chơi tú-lơ-khơ với tổ phục vụ… Các ủy viên Trung
ương lại càng ít việc. Theo ông Nguyễn Văn Trấn, Phó Chủ tịch nước Tôn
Đức Thắng, vốn là một thợ cơ khí, nhiều hôm đã lật chiếc xe đạp của ông
ra sửa để giết thời gian”.
Ta càng kinh ngạc hơn nữa vì sự mất đoàn kết giữa những người lãnh
đạo cao cấp nhất. Điều đó làm Hồ Chí Minh rất buồn, phê bình các Ủy viên
Bộ Chính trị: “các chú mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa, chú Lê Duẩn cũng cá
nhân chủ nghĩa”.
Nhân vật thứ hai sau Hồ Chí Minh là Lê Duẩn, để lại dấu ấn rất lớn
trước và sau “giải phóng”. Bằng cách xâu chuỗi các sự kiện trong Bên
Thắng Cuộc, ta thấy Huy Đức thể hiện rất lý thú giấc ngủ của Lê Duẩn.
Ông phải mất ngủ ba đêm liền khi quyết định đánh Mỹ, vì suy xét đến yếu
tố Liên Xô và Trung Quốc. Ông cũng mất ngủ nhiều đêm vì Pol Pot quấy rối
ở phía Nam mà Việt Nam đối phó rất lôi thôi, vì lo ngại Trung Quốc ở
phía Bắc. Ấy thế mà khi nghe con rể là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh thức báo
tin, “quân ta đã vào Phnom Penh”, thì ông chỉ “ừ” rồi ngủ tiếp. Than
ôi, “đưa đại quân đến thủ đô một quốc gia khác tưởng nhẹ tựa giấc ngủ
trưa của một đấng quân vương”. Sau này, do mắc bệnh tiền liệt tuyến, hầu
như không đêm nào ông được ngủ yên cả và ông “đánh mất khả năng lắng
nghe”.
Suy nghĩ về lịch sử Việt Nam hiện đại, ta cũng thấy thương cho ông
Phạm Văn Đồng. Ông là Thủ tướng mà khi họp Chính phủ, nhìn thấy Đỗ Quốc
Sam là thành viên mới, đã hỏi: “Anh là ai, đến đây làm gì?”. Như vậy, Lê
Đức Thọ toàn quyền lựa chọn thành viên Chính phủ và thậm chí cũng không
(thèm) cho Thủ tướng biết trước. Thế thì, giả sử họ làm không được việc
thì đó không phải là lỗi của ông Phạm Văn Đồng.
Lê Đức Thọ chỉ cần vài phút để gạt ông Nguyễn Thành Thơ ra khỏi Trung
ương, khi Nguyễn Văn Linh hỏi, ông ta nói, nếu nó năn nỉ tôi, thì tôi
đã cho ở lại. Ông Linh: “Người cộng sản chân chính không bao giờ năn nỉ
đâu”. Vậy con người mà quyền lực bao trùm thiên hạ Lê Đức Thọ có năn nỉ
ai không? Bên Thắng Cuộc cho biết, theo ông Đoàn Duy Thành và Hoàng
Tùng, từ khi Lê Duẩn yếu dần, Trường Chinh xử lý hầu hết các công việc
trong Đảng. Thế nhưng, Lê Đức Thọ vẫn lên Hồ Tây thăm và xin Lê Duẩn:
“Anh ốm, sức khỏe của anh bắt đầu hạn chế, anh giới thiệu với Bộ Chính
trị, Ban Chấp hành Trung ương để tôi thay anh đi”. Ông Lê Duẩn nói: “Với
tình hình Đảng ta bây giờ, anh chưa thay tôi được mà phải Trường
Chinh”. Tháng 4-1986, Lê Đức Thọ lại đến, lần này đi hai vợ chồng. Ông
Thọ, được tả là đã quỳ xuống chân Lê Duẩn nhưng bị Lê Duẩn hất ra: “Anh
lạ thật, tôi đã từ chối rồi. Những khi nào cần nổi danh là anh cứ xin
tôi, đi Paris, rồi đi miền Nam khi sắp giành chiến thắng. Tôi đã nói
rồi, Trường Chinh”. Có lẽ đây là một nhận xét rất tinh của Lê Duẩn đối
với Lê Đức Thọ.
Ta cũng nhận thấy, ông Võ Văn Kiệt xuất hiện rất nhiều trong Bên
Thắng Cuộc sau “giải phóng” và thật sự chiếm được tình cảm của nhiều
người. Ngược lại, ông Võ Nguyên Giáp xuất hiện không nhiều trong Bên
Thắng Cuộc sau “giải phóng”, chứng tỏ, sự can dự của ông vào những quyết
sách sai lầm là rất ít, và ông Giáp cũng chiếm được tình cảm của nhiều
người. Tiếc rằng, vai trò của ông Giáp trong hai cuộc chiến tranh biên
giới phía Tây Nam và phía Bắc không được Bên Thắng Cuộc đề cập đến. Lưu ý
rằng đến thời điểm đó, ông Giáp vẫn là Bộ trưởng Quốc phòng.
Đọc Bên Thắng Cuộc, suy nghĩ về lịch sử Việt Nam hiện đại, ta thấy để
biết đúng sự thật lịch sử thật khó khăn. Sự kiện xe tăng 390 húc đổ
cánh cổng Dinh Độc lập mà chỉ gần đây mới được làm sáng tỏ. Nhưng, ai là
sỹ quan cao cấp nhất của Bắc Việt Nam vào Dinh Độc lập đầu tiên? Có
phải là có một người đang sống ở Pari đó, ai cũng biết, đã không được
Bên Thắng Cuộc nhắc tới? Và, nếu chủ yếu dựa vào những hồi ký, phỏng vấn
để dựng lại toàn bộ lịch sử giai đoạn đó, liệu có đầy đủ và chính xác
hay không? Điều này thì chính tác giả Huy Đức đã tiên liệu, “cuốn sách
chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, và sẽ còn được bổ sung khi
một số tài liệu được Hà Nội công bố”.
Có thể rút ra rất nhiều bài học sau khi đọc Bên Thắng Cuộc, tùy góc
độ, lăng kính, chỗ đứng của mỗi người. Hơn ai hết, người cần rút ra bài
học đầu tiên chính là các nhà lãnh đạo, vì họ nắm trong tay việc ra
quyết sách, quyết định số phận của hàng triệu con người. Dù có thiện ý
đến đâu chăng nữa, chừng nào còn chưa xác định được con đường đi đúng
đắn, còn bị cầm tù bởi ý thức hệ “nhảm nhí” – chữ dùng của ông Trần Việt
Phương, còn thiếu một thể chế phù hợp, chừng đó còn gây ra thảm cảnh
cho dân tộc, cho đất nước mà lịch sử vừa diễn ra chưa xa vẫn đang nghiêm
khắc cảnh cáo chúng ta.