Lê Trọng Nhi
Nếu một người hoặc một băng nhóm bên ngoài tổ chức cướp một chi nhánh
hoặc hội sở của một ngân hàng, chắc chắn sẽ không khiến ngân hàng đó
rỗng ruột và phá sản. Nhưng nếu một chủ tịch, tổng giám đốc hoặc một
nhóm lợi ích bên trong ngân hàng cùng cấu kết và tổ chức thì chắc sẽ có
thừa khả năng cướp sạch và làm sập một ngân hàng hoặc hàng loạt ngân
hàng rất nhanh.
Từ những chuyện trong một cuốn sách ở Mỹ
Cách tốt nhất để cướp một ngân hàng là sở hữu (làm chủ) một ngân hàng (The Best Way to Rob a Bank is to Own One)
là tựa cuốn sách đề cập những vấn đề và hệ lụy của vụ sụp đổ hệ thống
định chế tài chính tiết kiệm và cho vay tại Mỹ cuối những năm 90 của thế
kỷ 20 của GS. William Black. Chắc hẳn nhà xuất bản và GS. VVilliam
Black có lý do khi chọn ngày 1-4-2005 - ngày được bỡn cợt, nói dối tại
Mỹ - để phát hành cuốn sách nhằm nâng tầm sự châm biếm, sự nghịch lý của
câu chuyện tưởng đùa nhưng rất thật.
Khi cuộc đại khủng hoảng tài chính ngân hàng 2008-2009 xảy ra tại Mỹ
và lan nhanh đến châu Âu, nhiều nhà kinh tế và chính khách thường nhắc
đến tên cuốn sách. GS. William Black đã từng được quốc hội Mỹ mời đến để
điều trần những quan điểm và trải nghiệm của ông. Ông đã từng giữ các
vị trí chuyên gia và quản lý trong lĩnh vực thanh tra và pháp chế tại
nhiều cơ quan liên bang của Chính phủ Mỹ, trong đó có Ủy ban Ngân hàng
liên bang cho vay nhà ở và Công ty Bảo hiểm Tiết kiệm và Cho vay Liên
bang. Liên quan đến vụ khủng hoảng trong cuốn sách này đã có trên 10.000
hồ sơ truy tố và hơn 1.000 người bị kết án hình sự và bị tù giam.
Tâm điểm của nội dung cuốn sách xoay quanh khái niệm và thuật ngữ:
Điều khiển gian lận (Control Fraud). Cho dù trước đây đã có những thuật
ngữ khác nói về khái niệm gian lận của giới quản trị điều hành trong các
ngân hàng, nhưng với thuật ngữ này GS. Black đã khái quát được mẫu số
chung về sự sụp đổ tệ hại của một ngân hàng hoặc hàng loạt ngân hàng tại
Mỹ và những nơi khác trên thế giới. Một lần nữa, biến cố năm 2008-2009,
điều khiển gian lận lại được giới quản trị tận dụng dẫn đến sự sụp đổ
hàng loạt ngân hàng lớn tại Mỹ và châu Âu.
Điều khiển gian lận thường bắt nguồn từ những người nắm quyền cao như
Tổng giám đốc cấu kết với những người khác trong ban điều hành; hoặc
Chủ tịch hội đồng quản trị cấu kết với Tổng giám đốc (vai trò Chủ tịch
HĐQT có phần nổi trội hơn trong thời gian gần đây trong môi trường Việt
Nam). Nói nôm na, họ chính là nhóm lợi ích nội bộ có khả năng thao túng
trong một ngân hàng hoặc một nhóm ngân hàng cùng có chung lợi ích. Và
GS. Black gọi nhóm người này là những siêu thú chuyên săn mồi tài chính
(Financial Superpredators).
Từ khái niệm đó, ông đã chỉ ra những hình thức rút ruột ngân hàng qua
việc họ thiết kế những khoản tín dụng ma mãnh mà thời nay gọi là những
khoản vay láo (Liar Loans). Để hợp thức hóa những khoản vay láo đó người
ta phải dàn dựng một hệ thống sổ sách được cơ cấu theo cách điều khiển
gian lận kế toán (Accounting Control Fraud) để qua mặt các nơi có chức
năng giám sát và thanh tra. Sau cùng và phũ phàng nhất là nhóm điều
khiển gian lận này thường ẩn núp dưới bóng một chính sách kinh tế nào đó
và được những chính khách hoặc giới chức nào đó che chắn bằng các thủ
thuật gọi là “che đậy từ trên” (cover up from the top).
Có hai nhận định khá thú vị khi GS. Black đề cập đến những khoản vay
láo. Trước tiên, để tổ chức và thực hiện được những kế hoạch rút ruột,
người cầm đầu phải là kẻ “mặt dày mày dạn” có khả năng thao túng mọi
người chung quanh. Kế tiếp, những nhóm gian lận này thường dàn dựng các
dự án rất nhanh, những khoản tiền lớn và rất lớn, rút tiền rất nhanh và
họ cũng thường cấu kết với những ngân hàng khác để tạo nhiều đợt sóng
với những khoản vay láo khác.
Để thực hiện trót lọt (tạm thời) những khoản vay láo và đánh bóng các
khoản lợi nhuận không có thật, các nhóm lợi ích này phải sử dụng đến
tấm khiên “điều khiển gian lận kế toán”. Các công ty kiểm toán độc lập
bên ngoài cũng chính là những đồng minh rất hữu hiệu cho những kẻ “mặt
dày mày dạn” thực hiện những khoản vay láo. Thông thường bộ phận kế toán
và kiểm toán được xem là bộ phận chi phí trong hoạt động kinh doanh của
ngân hàng, nhưng trong trường hợp này, nó là bộ phận sinh lời bởi qua
những hợp đồng dịch vụ với giá khá hời họ sẽ luôn tìm được những công ty
kế toán và kiểm toán thích ứng với kế hoạch điều khiển gian lận của
mình.
Trong phần lớn nội dung cuốn sách, GS. Black đều đụng chạm đến những
mẫu chuyện thao túng và bao che của giới chính khách và công quyền. Tại
sao vấn đề và câu chuyện thao túng và bao che được GS. Black chú trọng
nhiều vậy?
Ông cho rằng nhờ ẩn núp dưới những chính sách kinh tế và được bao che
của giới chính khách, giới “mặt dày mày dạn” có thêm khả năng thao túng
uốn nắn các quy chế - quy định chế tài trong lĩnh vực ngân hàng - cũng
có nghĩa là họ vô hiệu hóa các quy định quy chế đó. Nhờ vậy, họ mới tạo
ra được những cơ hội và những đợt sóng điều khiển gian lận để rút ruột
nhanh hơn và nhiều hơn.
Nếu một người hoặc một băng nhóm bên ngoài tổ chức cướp một chi nhánh
hoặc hội sở của một ngân hàng, chắc chắn sẽ không khiến ngân hàng đó
rỗng ruột và phá sản. Nhưng nếu một chủ tịch, tổng giám đốc hoặc một
nhóm lợi ích bên trong ngân hàng cùng cấu kết và tổ chức thì chắc sẽ có
thừa khả năng cướp sạch và làm sập một ngân hàng hoặc hàng loạt ngân
hàng rất nhanh. Đúng như Thomas Jefferson, vị tổng thống thứ ba của nước
Mỹ đã nói: “Các tổ chức ngân hàng gây nguy hiểm đối với quyền tự do của
chúng ta còn hơn những đội quân thường trực”.
Cho đến nay, hầu hết các vụ phá sản ngân hàng tai hại tại Mỹ và bên
ngoài Việt Nam đều như thế! Những ngân hàng Việt Nam trong hệ thống ngân
hàng Việt Nam có gì khác?
Đến câu chuyện thực tế ở Việt Nam
“...Một nhóm hoặc một số các cổ đông lớn nắm quyền kiểm soát ngân
hàng đã lạm dụng quyền lực chi phối hoạt động của ngân hàng, phục vụ
cho lợi ích nhóm các cổ đông lớn và người có liên quan đến cổ đông lớn,
đã vay một khối lượng vốn lớn để đầu tư vào các dự án, công trình của
họ, dẫn đến những rủi ro tổn thất cho một số ngân hàng.”
Đó là lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong
phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 13-11-2012. Lời xác nhận này chính là
một phiên bản có hình thức và nội dung tương tự với mẫu số chung điều
khiển gian lận mà GS. Black đã đề cập. Rõ ràng và chính thức, Thống đốc
Bình đã xác nhận rằng có điều khiển gian lận của những nhóm lợi ích bên
trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Như vậy, những vấn nạn và hệ lụy từ
sự thao túng của những nhóm lợi ích đó đã ít nhiều làm lệch việc quản lý
và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian
qua.
Trong chính trị và điều hành những chính sách vĩ mô của một quốc gia,
ít nhiều và tùy thể chế, đều có bóng dáng - tư duy của “chính sách đà
điểu”(*). Nhưng nếu rắp tâm vay mượn “chính sách đà điểu” như là phương
cách đầu tiên để ứng xử và xử lý tình huống (che đậy tránh né thực
trạng) thì sớm muộn gì cũng phải đối diện với sự thật và sự thật đó sẽ
luôn tệ hại - phũ phàng hơn nhiều. Trong bức tranh lớn của nền kinh tế
bị tổn thương và trì trệ kéo dài suốt năm năm qua, những nhóm lợi ích
trong hệ thống ngân hàng đã có những thỏa hiệp và mặc cả kiểu
Faustian(**), đã minh chứng cho sự tệ hại - phũ phàng đó.
Đối với Việt Nam như hiện nay, hệ thống tài chính trên
bình diện tổng thể chưa bước vào bên trong hệ thống tài chính hiện đại
như nhiều nền kinh tế khác và thị trường tài chính - thị trường vốn vẫn
còn sơ khai đồng thời chưa tiếp cận kết nối thông thoáng với các thị
trường tài chính quốc tế, hệ thống ngân hàng có vai trò và vị thế quan
trọng nhiều lần hơn và tính thiết yếu của hệ thống lại càng nổi bật hơn.
Chính vì vậy, bất cứ một sai phạm và vi phạm nào mang tính hệ thống
và cấu kết của một ngân hàng hoặc của một nhóm ngân hàng sẽ tạo nên
những biến động khó lường trước và sẽ tác động nhanh và mạnh đến thị
trường tín dụng và thị trường lãi suất. Khi thị trường tín dụng và lãi
suất bị biến động và biến dạng có nghĩa là có sự lệch hướng trong việc
quản lý và điều hành chính sách tiền tệ. Những điều này đã được cả Thủ
tướng và Thống đốc xác nhận. Một bức tranh chân dung rất thật, ở cả tầm
vĩ mô lẫn vi mô, cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đang “cầm chân” sự
đồng nhất và chính thống của hệ thống tài chính quốc gia và sự phát
triển đáng phải có của nền kinh tế.
Đã quá trễ khi hệ thống tài chính ngân hàng tổn thương đã tiêu hao
một lượng vốn (tín dụng) rất lớn nhưng không quá trễ để giảm tối đa
những tổn thương và những tiêu hao trong quá trình tái cấu trúc cơ cấu
kinh tế, hệ thống tài chính và ngân hàng nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà
nước kiên quyết “chia tay” với chính sách đà điểu và không mặc cả kiểu
Faustian với những nhóm lợi ích.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời hãng tin Bloomberg ngày 28-11-2012 rằng “Việt
Nam quyết tâm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở mức chi phí thấp nhất
có thể, ngăn chặn bất kỳ sự sụp đổ nào mang tính chất hệ thống”. Điều đó không riêng gì Thủ tướng, mà toàn xã hội đều mong mỏi.
Xin nhớ rằng không có một hoặc nhóm các ông chủ ngân hàng nào quá lớn
và quá quan trọng cho bằng độ lớn và tầm quan trọng về sự sống còn của
nền kinh tế và xã hội nơi họ đang sinh sống.
________________________
(*) Ostrich Policy: Hình ảnh con đà điểu chui đầu vào đất khi có cơn
bão cát hoặc tình huống nguy cơ - Ám chỉ những chính khách hoặc những
người biết nhưng không thừa nhận họ đang đối diện với sự thật hoặc tình
huống nguy hiếm...
(**) Faustian bargain: Trong vở bi kịch Faust do Johann Wolfgang von
Goethe biên soạn. Nói về nhân vật tên Faust đã bán linh hồn cho ma
quỷ... chọn cái lợi ngắn hạn trước mặt để nhận lại cái đau thương dài
hạn sau này.
Lê Trọng Nhi
TBKTSG
TBKTSG