Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

KÊU CỨU VỀ SỰ ĐỐI XỬ VÔ NHÂN ĐẠO

Nguyễn Thị Nga
Vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kêu cứu
KÊU CỨU VỀ SỰ ĐỐI XỬ VÔ NHÂN ĐẠO CỦA CÔNG AN TRẠI 6 VÀ BÁC SỸ THỰC THI VIỆC CHỮA BỆNH CHO ÔNG NGUYỄN XUÂN NGHĨA – NGƯỜI BỊ BỎ TÙ VÌ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN.
Kính gửi: – Uỷ ban nhân quyền Liên hiệp quốc.
- Các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền.
- Các cơ quan thông tin truyền thông Việt Nam và Quốc tế.
Tôi là Nguyễn Thị Nga, vợ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
Địa chỉ: Số nhà 828 đường Trường Chinh, phường Quán Trữ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.
Tôi vô cùng phẫn nộ và đau xót trước việc công an trại 6 cùng bác sĩ bệnh viện Ba Lan Thành phố Vinh hành xử đối với chồng tôi (Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị bỏ tù vì bày tỏ bất đồng chính kiến) khi đưa đi chữa bệnh.

Bản thân ông Nguyễn Xuân Nghĩa là một nhà văn bày tỏ lương tâm của mình đối với những bất công trong xã hội và là người viết và treo khẩu hiệu có nôi dung: “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải cho Việt Nam – Tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam – Đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam” ở cầu vượt Lạch Tray - Hải Phòng và cầu Lai Cách - Hải Dương. Ông bị công an nhà nước Cộng sản Việt Nam bắt giam và tòa án nhân danh nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử ông về tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Gia đình tôi vẫn khẳng định việc bắt giam, xét xử ông không công khai rồi bỏ tù ông là một việc làm trái với đạo lý và pháp lý Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về quyền con người mà nhà nước CSVN đã tự nguyện ký cam kết thực hiện. Việc bắt giam, xét xử không công khai, bỏ tù người vô tội đã là một việc làm phi lý, nhưng còn tồi tệ hơn từ khi ông Nghĩa bị bỏ tù, liên tục bị công an trại thi hành công vụ đối xử một cách vô lương tâm và thô bạo. Gần đây nhất ông bị lâm bệnh nặng, buộc trại giam phải đưa đi chữa bệnh, bị hành xử một cách dã man tàn bạo vô nhân tính như thế nào, tôi xin phản ánh toàn bộ câu chuyện xảy ra như sau:
Chiều ngày 7/11/2012, tôi được bác sỹ trại giam số 6 – Bộ công an, đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An báo tin cho tôi: Chiều thứ 2 ngày 12/11 tôi phải có mặt để làm thủ tục chữa bệnh cho chồng tôi là ông Nguyễn Xuân Nghĩa đang bị giam ở khu an ninh – trại giam số 6 với bản sán 6 năm tù và 3 năm quản chế. Trong lòng tôi nửa mừng, nửa lo, không biết diễn biến việc khám chữa bệnh có được suôn sẻ hay không, nhưng dù sao tôi cũng mừng hơn là vì họ đã đưa chồng tôi đi chữa bệnh.
Đúng chiều ngày 12/11/2012, tôi có mặt ở trại giam. Ra gặp tôi là một viên công an đã lớn tuổi. Ông ấy bảo tôi, chị nghỉ ngơi qua đêm ở trại rồi sáng hôm sau (tức ngày 13/12) làm giấy tờ thủ tục và cam kết chấp hành nội quy của trại giam cũng như nội quy của bệnh viện. Tôi làm giấy cam kết tuân thủ nội quy trại giam, bệnh viện và phải hứa chỉ được một mình tôi chăm sóc chồng tôi. Đến sáng này 1412, trại giam đã đưa chồng tôi cùng ba phạm nhân (2 nữ, 1 nam) trên một chiếc xe thùng bịt kín (thường chở các tội phạm nguy hiểm) đi chữa bệnh. Đi kèm trên xe có 5 công an, tôi được ngồi ở phần thứ 2 của khoang xe cùng 2 công an, phần đầu ca bin có 3 công an. Xe đi từ trại giam số 6 về đến bệnh viện đa khoa của thành phố Vinh dài khoảng 70 km. Trên đường đi đến bệnh viện thành phố Vinh họ cho một phạm nhân xuống bệnh viện lao để chữa bệnh. Lúc bấy giờ tôi từ khoang xe nhìn ra mới biết tay chồng mình bị khóa chung với phạm nhân kia. Tôi thốt lên: “Anh Nghĩa ơi! Anh cũng bị khóa tay à!” Đang đau nhưng chồng tôi cười hóm hỉnh: “Mình nói lên sự thật là âm mưu lật đổ chính quyền mà! Mình quá nguy hiểm!”. Tôi nhìn anh ấy ứa lệ và chợt nhớ đến những ngày tôi còn đi học được giáo dục về “đạo đức, văn minh, đỉnh cao trí tuệ” của Đảng trong lòng đã đau đớn xót xa lại càng đau hơn. Ông Nghĩa vốn là một nhà văn chỉ biết cầm bút, trói gà không chặt trong khi tuổi già sức yếu đang lâm bệnh nặng buộc trại phải đưa đi chữa trị lại ngồi trong một thùng xe bị khóa kín, trên xe là những công an trai tráng khỏe mạnh được trang bị đầy đủ quân khí chống bạo lực hộ tống thì tại sao họ phải xích tay chồng tôi như thế. Tôi tự đặt câu hỏi: Họ sợ điều gì ở ông ấy mà họ hành xử với ông ấy như vậy, hay họ phải thực hiện cái “đạo đức, văn minh” Đảng giáo dục họ. Tôi nhìn sang chồng tôi, hình như ông ấy đang cố quên đi cái đau đớn của bệnh tật vẫn mang nét mặt bình thản trong suốt đoạn đường, chắc hẳn chồng tôi cũng đang lường trước những gì chờ đợi mình trong thời gian chữa bệnh sắp tới. Xe đưa chúng tôi đến bệnh viện Ba Lan, một bệnh viện thuộc tuyến tỉnh. Khi xuống xe vào nhận phòng ở tạm trong những ngày chữa bệnh là hai dãy phòng dài, ở đây đa số là tội phạm ma túy.
Buổi sáng cùng ngày, họ đưa ông Nghĩa đi thử máu cùng đi với một nữ phạm nhân án tù chung thân do làm thâm hụt ngân hàng nhà nước 100 tỷ đồng. Chồng tôi vẫn bị còng tay trong khi đi thử máu còn bạn đồng hành của ông ấy là nữ tù nhân kia thì họ để cho đôi tay cô được tự do, cô đi trong bệnh viện với tư thế thoải mái hai tay vung vẩy. Lúc thử máu xong, chồng tôi gạt hai hàng nước mắt nói với tôi:
“Chúng nó làm nhục mình! Mình có tội gì đâu mà khi lấy máu họ vẫn còng hai tay, anh phải giơ hai cánh tay bị còng lên để lấy máu.”
Tối ngày 14, tôi cùng một công an đi lên phòng bác sỹ để làm thủ tục cam kết đồng ý cho chồng tôi mổ. Nếu có xảy ra chuyện rủi ro trong khi mổ thì gia đình phải chấp nhận. Khi đó tôi có nghe bác sỹ kia nói lại với viên công an là “vẫn mổ kiểu kia” trong lòng tôi có chút nghi ngờ nhưng ngay lấp tức tôi xua ngay nỗi suy nghĩ u ám đi, sau này tôi mới hiểu có hai phường pháp mổ cắt trĩ, một loai mổ cắt bằng lade loại này thì bệnh nhân không hề đau đớn, nhưng họ mổ cho chồng tôi theo phương pháp cũ lâu đời có nghĩa là thắt chặt bíu trĩ đó lại máu không đi xuống nuôi búi trĩ sau môt thời gian khoảng 1 tháng, búi trĩ đó sẽ rụng. Phương pháp này phải mất nhiều ngày và kéo dài sự đau đớn cho bệnh nhân.
Đến 2 giờ 5 phút chiều ngày 15/11/2012, họ đưa chồng tôi vào phòng mổ. Tôi chờ hơn 2 tiếng ở bên ngoài, trong lòng lo lắng, hoang mang. Đến 4giờ 30 phút họ đã mổ xong. Họ đưa chồng tôi từ phòng mổ đến một phòng hậu phẫu, nằm ở đây có tất cả ba người nữa, người nằm bên cạnh giường ông Nghĩa cũng mổ trĩ, qua hỏi thăm tôi mới biết rằng những người này mổ bằng la-ze, đây là kiểu mổ với máy móc và kỹ thuật hiện đại, không hề gây đau đớn cho bệnh nhân. Những người được mổ kiểu này đều hồi phục rất nhanh, có thể đi lại dễ dàng sau khi mổ xong. Chồng tôi mổ kiểu thắt trĩ theo phương pháp cũ nên rất đau và lâu phục hồi. Sau khi phẫu thuật, nằm ở phòng hậu phẫu đến khoảng 20h30 chồng tôi tỉnh táo lên một chút và đang rất đói muốn ăn. Trong lúc đó họ vẫn đang truyền dịch và thông đường tiểu, vì đau đớn chồng tôi không đi tiểu được, mọi cử động đều rất khó khăn cần người giúp đỡ. Trong phòng chồng tôi ngoài người phục vụ lúc nào cũng có ba công an canh gác. Thấy chồng tôi kêu đói, tôi đi mua về một bát cháo và chuẩn bị cho ông ấy ăn thì bỗng nhiên họ mang một cái xích dài và mấy cái khóa mục đích là xích chân chồng tôi vào chân giường. Chồng tôi nhìn thấy cái xích gào to lên “Tôi là một nhà văn, tôi chống tham nhũng, chống những điều xấu xa của xã hội. Vậy mà người ta bắt tôi đi tù 6 năm chưa đủ hay sao, giờ các anh lại còn xích chân tôi trong lúc tình trạng bệnh tật đau ốm thế này? Nếu các anh xích chân tôi, tôi sẽ giật hết các thứ này ra và sẽ tự tử ở ngay tại đây cho cả thế giới biết bộ mặt của các anh”. Chồng tôi giàn giụa nước mắt, còn tôi phản ứng kịch liệt: “Các anh làm gì cũng phải nghĩ đến đạo lý con người. Chồng tôi đang đau đớn thế này, mới ra khỏi phòng mổ được ba tiếng, nếu các anh làm như vậy là quá vô nhân đạo.”
Sau đó họ không xích anh ấy nữa. Sáng hôm sau, tức ngày 16/11/2012, họ giải thể phòng hậu phẫu. Tôi được biết, sau khi hậu phẫu chồng tôi không hề có bệnh án, điều này khắc hẳn với thông lệ. Tôi thấy khó hiểu: Tất cả các bệnh nhân sau khi phẫu thuật hay điều trị bệnh đều phải có bệnh án. Trong trường hợp của chồng tôi, không hề có bệnh án, tôi không hiểu mổ kiểu gì và được điều trị những loại thuốc nào. Vậy có điều gì đó khuất tất và mờ ám trong chuyện này.
Sau đó chồng tôi được chuyển về khu nhà bệnh xá của phạm nhân trong khu bệnh viện cách phòng hậu phẫu khoảng 50m. Đến rạng sáng ngày 17 chồng tôi vô cùng đau đớn vì bí tiểu, không đi tiểu được. Ông ấy yêu cầu công an đi tìm bác sỹ để thông báo cho họ biết về tình hình bí đái, khoảng thời gian 40 phút chờ đợi vẫn không thấy ai. Tôi ở phòng bên chạy đi tìm bác sỹ, khi gặp được bác sỹ, bác sỹ nói rằng: “phải dìu chồng tôi đến phòng bác sỹ ”. Bác sỹ kiểm tra búi trĩ của chồng tôi và bác sỹ lấy tay đẩy mạnh búi trĩ vào trong một cách thô bạo. Chồng tôi thét toáng lên vì đau đớn làm búi trĩ lập tức lại bị đẩy ra ngoài, ông ấy hỏi thêm nhưng bác sỹ không thèm trả lời và bỏ đi ngay.
Ngày 19/11, vừa qua một đêm bớt đau đớn. Xe của trại giam đã đến đưa chồng tôi về trại, cả hai vợ chồng tôi đều khẩn khoản xin họ để ở lại thêm vài ngày nữa cho vết thương ổn định. Ông Nghĩa còn nói tôi đi không đi được, đứng không đứng được, ngồi không ngồi được, nằm cũng rất khó khăn, ông ấy còn kéo quần cho họ xem … nhưng viên công an lạnh lùng nói “kéo quần lên” và cương quyết đưa chồng tôi về trại. Xe chuyển ông Nghĩa về trại giam còn tôi ra về trong tâm trạng vô cùng lo âu và buồn bã, không hiểu sinh mạng của chồng mình trong tay họ những ngày sau sẽ ra sao. Và cho đến nay tôi vẫn không được biết tin tức gì về tình trạng của ông ấy, tôi vô cùng lo lắng cho sinh mạng của chồng tôi. (Tôi không hề có một thứ giấy tờ gì và cũng không được biết tên tuổi, chức danh những người thực thi trong việc chữa bệnh cho chồng tôi).
Vậy tôi viết lên kêu cứu này phản ánh toàn bộ sự thật mong được quan tâm của các cơ quan thông tin truyền thông trong và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế, hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc về cách hành xử của công an trại 6, ông bác sĩ trong việc thực thi nhiệm vụ chữa bệnh cho chồng tôi – Người bị xử tù vì bất đồng chính kiến đang gặp nguy hiểm về tính mạng.
Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của quý vị!
Hải phòng, ngày 15/12/2012
Nguyễn Thị Nga
Bà Nga gửi qua email.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"