James Peron
Phạm Nguyên Trường dịch
Phạm Nguyên Trường dịch
James Peron - Tại sao người nghèo lại cần quyền sở hữu hay
quyền sở hữu cho người bán hàng rong có thể tạo ra thịnh vượng như thế
nào
Ngay từ sáng sớm những dãy phố bên dưới căn phòng của tôi đã hoạt
động nhộn nhịp như một tổ ong. Những quầy hàng nhỏ bé nằm rải rác khắp
nơi, chen nhau trong từng khoảng trống trên vỉa hè. Những rổ chuối nhỏ,
những túi khoai tây hay cà chua được bày bán khắp nơi. Những người bán
báo bám lấy từng góc phố đông đúc. Những người bán hàng rong với mọi thứ
sản phẩm có thể tưởng tượng được tiến hành công việc làm ăn của mình.
Chiều tà, hoạt động có giảm đi nhưng không chấm dứt hẳn. Những người
bán rau đã trở về nhà. Bây giờ phố xá sặc mùi xúc xích nướng. Đi dọc phố
sau khi trời đã tối được một lúc, tôi bị những người bán thức ăn vây
quanh, họ hi vọng bán món hàng của mình cho những người tìm món ăn nhẹ
vào buổi tối.
Những người bán hàng này là những thứ đầu tiên tôi nhớ lại khi rời
châu Phi. Tôi không chỉ ở châu Phi, tôi đã ở trong những khu vực đông
dân nhất trên lục địa này – đấy là khu Hillbrow ở Johannesburg. Những
người bán hàng rong là thành phần chủ yếu của đời sống ở Hillbrow. Một
số người thậm chí còn nói rằng chính họ làm cho nó suy sụp. Hiện nay
Hillbrow là một khu ổ chuột, đầy gái điếm, bọn buôn bán ma túy, người
nước ngoài rất đáng ngờ và những ngôi nhà đổ nát. Thế mà mới mười năn
trước nó chính là trung tâm thời trang của Johannesburg.
Những người bán hàng rong bị lên án là nguyên nhân của sự suy sụp vì
hàng quán của họ chiếm hết vỉa hè. Mỗi ngày những đống rác và thức ăn
thiu thối mà họ bỏ lại càng cao thêm mãi lên. Không thể đi bộ trên vỉa
hè vì tuần nào cũng có thêm những người bán hàng rong mới chen chúc nhau
ở đó.
Cố gắng rất đáng trân trọng trong việc kiếm sống của người này lại
trở thành khó chịu đối với người khác. Khi đời sống chính trị ở Nam Phi
thay đổi, việc thực thi quy định của chính phủ về bán hàng rong cũng
thay đổi theo. Thời gian đầu chính phủ mới tìm cách bợ đỡ những người
bán hàng rong và không đưa ra quy định nào hết. Nhưng sau một thời gian,
khu phố buôn bán trung tạm trở thành nơi không thể đi lại được nữa.
Khách sạn sang trọng tên là Carlton Hotel đóng cửa và phòng nghỉ của cái
khách sạn 50 tầng này đành bỏ không. Thậm chí thị trường chứng khoán
Johannesburg cũng chạy sang khu vực thịnh vượng và sạch sẽ hơn của
Sandton. Tôi sẽ không dám đi vào ban ngày nơi tôi từng một lần đi qua
vào lúc nửa đêm. Khi khu vực trung tâm suy sụp, chính phủ lúng túng
không biết nên nghiêm khắc hay không cần thực thi luật lệ về bán hàng
rong nữa.
Nhưng dù người ta có gán cho những người bán hàng rong những tội lỗi
gì đi nữa thì bạn có thật sự phê phán họ hay không? Trong một đất nước
với trên 40 triệu dân, mà chỉ có dưới 25% người có việc làm thì luật lao
động mới chỉ làm cho vấn đề trầm trọng thêm mà thôi. Vỉa hè là để dành
cho người đi bộ chứ không phải cho hàng quán. Nhưng không có hàng quán
thì con em những người bán hàng rong sẽ bị đói.
Sự giận dữ sẽ còn tiếp tục đổ lên đầu lên cổ những người bán hàng
rong, và hiện nay cuộc xung đột vẫn còn tiếp tục vì ngay cả bây giờ vỉa
hè vẫn được coi là tài sản công cộng hay là “của chung”. Các nhà kinh tế
học đã và đang viết về “bi kịch của tài sản chung” và đây là một ví dụ
nữa của việc tài sản chung bị bóc lột một cách quá mức, đến nỗi trở
thành có hại cho tất cả mọi người.
Ngay cả vấn đề rác cũng là vấn đề của sở hữu chung. Nhà kinh tế học
Walter Block đã từng nhận xét rằng vứt rác chỉ xảy ra ở những nơi thuộc
tài sản công mà thôi. Chắc chắn là rác rưởi thường bị ném vào những chỗ
thuộc tài sản riêng nhưng được mở ra cho mọi người cùng sử dụng – đấy là
những chỗ như siêu thị, sân thể thao, rạp chiếu phim. Nhưng ở những chỗ
đó, người chủ sở hữu không gọi cảnh sát tới phạt, mà đưa người tới dọn
dẹp. Dọn dẹp là một phần của việc kinh doanh.
Nhưng thế giới của hàng rong lại không có quyền sở hữu, và vì vậy mà
mới có nhiều vấn đề. Người buôn bán không có quyền sở hữu chỗ đặt quầy
hàng và biết rằng họ có thể bị đuổi đi bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng lại
có một đội cảnh sát tới đuổi, tịch thu hàng hóa và tịch thu cả hàng quán
nữa. Kết quả là người bán hàng không quan tâm tới việc đầu tư vào hàng
quán. Chỉ cần môt tấm bìa các tông trải ngay trên nền đất cũng xong.
Thêm nữa, sẽ trở thành khoản đầu tư mà họ không thể kham nổi vì sợ mất.
Hernando de Soto cũng nhận thấy vấn đề tương tự như thế ở những người
bán hàng rong ở Peru. Ông viết như sau: “Nguy cơ bị đuổi luôn luôn đe
dọa những người bán hàng rong, nhất là khi bị tắc đường hay dưới áp lực
của người dân sống trong khu vực. Nói một cách thực tế, điều đó ngăn
chặn mọi ý định đầu tư dài hạn nhằm cải thiện khu vực, buộc những người
bán hàng rong tiếp tục sử dụng những chiếc xe đẩy chứ không làm hàng
quán bằng vật liệu xây dựng, có điện, nước, tủ lạnh, kho và những vật
dụng khác đủ chứa số hàng hóa cần thiết. Xây dựng những tiện nghi như
toilet, chỗ để xe hay vườn cây sẽ là việc làm không thiết thực”[1].
Giải pháp cho cuộc xung đột khi những quyền lợi cạnh tranh với nhau
có ý định chộp giật những tài sản thuộc quyền sở hữu chung là tư nhân
hóa. Như tôi đã nói bên trên, giải pháp thay thế còn lại duy nhất là
những biện pháp có tính độc đoán: công an, phạt và tịch thu[2].
Quyền sở hữu có tác dụng
Trong một khu vực ở Johannesburg, biện pháp tư hữu đã được đem ra thử
nghiệm và có tác dụng. Các chủ doanh nghiệp tư nhân đã thành lập những
khu vực quản lí tư nhân nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh. Một khu
vực như thế nằm ngay trên con đường trước khu nhà tôi, gọi là Ban quản
lí Rosebank (RBMD).
Ở đây cũng có vấn đề hàng rong. Một đoạn phố nhỏ tên là Craddock chạy
giữa siêu thị Rosebank và một vài cửa hàng nhỏ ở bên kia đường. Khoảng
140 người bán hàng rong chen chúc trong khu vực này. Mọi cố gắng nhằm
ngăn chặn việc chiếm đoạt vỉa hè đều không đem lại kết quả vì khi lực
lượng cưỡng chế vừa ra đi là những người bán hàng rong lại chiếm lấy
càng nhiều chỗ càng tốt. Người đi bộ nhiều khi buộc phải bước xuống
đường. Chỉ cần một người dừng lại để xem món đồ là lối đi đã không còn.
Mỗi người bán hàng rong, trong khi hành động vì lợi ích cá nhân của
mình, lại có những hành vi mà tất cả đều bị thiệt hại – tất cả, bởi vì
không người nào có quyền sở hữu cái tài sản mà người đó đang sử dụng.
RBMD có giải pháp. Thứ nhất, dãy phố được nhượng lại cho
họ. Con phố bị đóng cửa, không cho xe chạy qua nữa. Thứ hai, hầu như
toàn bộ dãy phố được biến thành khu vực ngoài trời cho công chúng sử
dụng. Một khu chợ hai tầng được xây dựng cho những người bán hàng rong
và một công ty quản lí được thuê để cai quản công việc. Khoảng 60 người
bán hàng rong được chọn vào bán trong tòa nhà này với khoản phí tối
thiểu. Ngay bên dưới tòa nhà, nơi những người bán hàng rong từng sử dụng
làm chỗ bán hàng, được RBMD dùng làm nơi biểu diễn của các diễn viên
múa truyền thống. Các khách sạn ở đây đặt cả bàn ra ngoài vỉa hè. Khu
vực từng xuýt bị lụn bại lại trở thành nơi thu hút khách du lịch.
RBMD còn thuê cả đội bảo vệ và vệ sinh viên nữa. An ninh được cải
thiện, cả người mua, người bán hàng có môn bài và cả những người bán
hàng rong đều được lợi. Ngoài ra, thành phố không còn phải lo dọn dẹp
nữa vì RBMD đã quan tâm tới chuyện này rồi.
Trước đây, xung đột là không tránh khỏi. Nhưng khi những người bán
hàng không có môn bài được đưa vào hệ thống thị trường với quyền sở hữu
thì những người bán hàng có môn bài và không có môn bài có thể hợp tác
với nhau vì quyền lợi chung.
Một cách nữa là dựng những quầy hàng trên hè phố. Người ta dành ra
những khu vực riêng và người bán hàng được giao quyền sở hữu quầy hàng
đó. Bằng cách bảo đảm cho người ta quyền sở hữu khu đất mà đằng nào
người ta cũng sử dụng, thành phố có thể động viên những người bán hàng
rong.
Theo luật hiện hành, quầy hàng là vốn chết: giá trị của
nó không được sử dụng một cách đúng đắn vì không được pháp luật công
nhận. Trong các nước thuộc thế giới thứ III, như de Soto đã chỉ rõ trong
tác phẩm Bí ẩn của tư bản (The Mystery of Capital), có một số lớn vốn
chết[3]. Nhà chưa có quyền sở hữu, doanh nghiệp ngầm, những người bán
hàng rong – tất cả đều là một phần vốn chết của thế giới thứ III. Chỉ
cần công nhận về mặt pháp lí là một số tài sản khá lớn đã được hình
thành chỉ sau một đêm, đấy là số tài sản mà người nghèo có thể sử dụng
để mở rộng và tạo thêm tài sản mới.
Vị trí có thể sang nhượng
Quyền sở hữu tạo điều kiện cho người ta sang nhượng các vị trí. Những
quy định về buôn bán hiện hành chẳng khác gì luật ăn cướp. Người bán
hàng có thể sử dụng vị trí với điều kiện là người đó giành được nó trước
khi những người khác kịp làm như thế. Nhưng với hệ thống pháp luật như
thế, chuyển giao vị trí là việc khó khăn vì người bán hàng không có
quyền sở hữu. Điều đó làm cho kinh tế trì trệ và những người bán hàng
khó lợi dụng được ưu thế của vị trí buôn bán. Điều này là rõ ràng bởi vì
không phải tất cả mọi chỗ đều có giá trị kinh tế như nhau cho tất cả
những người bán hàng. Nếu những người bán hàng có quyền sở hữu thì họ sẽ
có thể thu xếp việc sử dụng vị trí phù hợp với giá trị kinh tế cả nó.
Giá trị một số vị trí sẽ tăng, những người bán hàng có lợi nhuận cao nhờ
vị trí đặc thù, người bán hàng rong cũng thế. Ở Peru, de Soto phát hiện
ra rằng quyền sở hữu bên ngoài hệ thống pháp luật hiện hành tạo điều
kiện cho những người bán hàng rong bán vị trí của họ. Và cũng giống như
mọi hàng hóa khác, vị trí cũng có giá khác nhau.
Tính linh hoạt trong sử dụng còn có nghĩa là một người có thể sử dụng
vị trí vào buổi sáng, còn người khác thì sử dụng vào buổi chiều. De
Soto đã nhận thấy hiện tượng như thế, ông viết:
Thí dụ, không có gì bất thường khi thấy một
chỗ mà buổi sáng có người bán đồ điểm tâm, khoảng 9 hay 10 giờ thì lại
có người bán nước ngọt, rồi đến trưa thì nhường cho người bán cơm trưa,
sau đó, khoảng 4 giờ chiều lại được thay bằng người bán thuốc làm bằng
thảo mộc, rồi đến tối lại được thay bằng người bán các món ăn Trung Hoa.
Việc quay vòng như thế có thể biến một cái xe đẩy thành một tiệm lớn,
góp phần tối đa hóa giá trị của nó. Tự mình, những người bán hàng khác
nhau này chỉ cung cấp được một ít loại hàng hóa và dịch vụ. Nếu bán mãi
một vài thứ không hiệu quả thì họ sẽ cải thiện vị trí bằng cách xoay
vòng, làm cho cái xe đẩy đáp ứng được nhu cầu khác nhau của người tiêu
dùng suốt cả ngày, tức là tận dụng được giá trị thương mại của vị trí
suốt hai mươi bốn giờ một ngày”[4]
Việc thiết lập quyền sở hữu còn làm thay đổi cả hành vi của những
người bán hàng rong. Nó khuyến khích người ta cải thiện công việc kinh
doanh của chính họ. Nó tạo điều kiện cho người ta đầu tư. Nó cho phép
người ta chuyển nhượng quyền kinh doanh. Hệ thống quyền sở hữu như thế
giúp biến những người bán hàng không có môn bài thành khu vực có môn
bài. Buôn bán trên đường phố có thể trở thành nơi ươm mầm cho những
doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng và đầy sức sống. Cả một tầng lớp
doanh nhân có thể được hình thành, với tất cả những lợi ích mà họ có thể
cống hiến cho xã hội.
Tiếp cận bằng quyền sở hữu đem lại không chỉ sự uyển chuyển mà còn
hiệu quả hơn trong việc giữ gìn trật tự trong khu vực buôn bán. Ban quản
lí tại chỗ biết rõ khu vực của mình. Họ biết ai cần hay ai không cần có
mặt tại vị trí nào. Họ còn biết ngay khi người bán hàng này gây khó
khăn cho người bán hàng kia và ai là người chịu trách nhiệm giải quyết.
Nghĩa là, họ có khả năng quản lí những khu vực nhỏ, đặc thù trên đường
phố. Những thành phố lớn với hàng chục triệu dân và hàng ngàn đường phố
không thể cạnh tranh về mặt uyển chuyển với sự quản lí đã được địa
phương hóa như thế.
Ở Lima, Peru, chính quyền thành phố đã phải công nhận rằng cấm buôn
bán trên hè phố là việc làm vô ích. Sau đó, chính quyền thành phố quyết
định tạo ra những khu chợ cho người bán hàng rong. Nhưng theo de Soto,
chính quyền thành phố “không tìm cách giữ độc quyền trong việc xây chợ.
Ngược lại, được sự đồng ý của chính quyền trung ương, những người muốn
xây chợ còn được miễn thuế, thậm chí miễn cả phí xin phép xây dựng nữa,
chính quyền thậm chí còn đưa ra những luật lệ có lợi cho các tổ chức của
người buôn bán”. Kết quả là từ năm 1964 đến năm 1970, “hễ nhà nước xây
một chợ thì những người buôn bán không có môn bài xây được bốn cái”[5].
Những người bán hàng rong đại diện cho cái mà de Soto gọi là “cuộc
trường chinh” tới chủ nghĩa tư bản. Nếu bị chính quyền cản trở và quấy
rầy thì quyền sở hữu không thể phát triển được. Kết quả sẽ là suy sụp và
đổ nát. Nhưng nếu thay vì kiểm soát, chính phủ lại hành động như là
người bảo vệ quyền sở hữu thì việc buôn bán trên đường phố sẽ là bước
khởi đầu trên con đường dẫn tới thịnh vượng.
James Peron là chủ tịch dự án Laissez Faire Books và biên tập viên tạp chí Laissez Faire!
_____________________
[1] Hernando de Soto, Con đường khác (The Other Path), New York: Harper & Row, 1989), trang 66-67.
[2] Quyền tự do, quyền sở hữu và tội phạm (Liberty, Property and Crime), Ideas on Liberty, November 2001, trang 11.
[3] Hernando de Soto, Bí ẩn của tư bản (The Mystery of Capital), New York: Basic Books, 2000.
[4] Hernando de Soto, Con đường khác (The Other Path), trang 67.
[5] Sách đã dẫn, trang 81.