Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Tham nhũng và chống tham nhũng tại Trung Quốc và Việt Nam

Mathieu Tromme
Diên Vỹ chuyển ngữ
Trong khi trên chính trường quốc tế cả Trung Quốc và Việt Nam dường như đều miễn cưỡng để tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng đối với những tranh chấp lãnh thổ, trên mặt trận đối nội cả hai lại đều đối diện với những quan tâm tương tự mà hai quốc gia đều muốn nhanh chóng giải quyết.
Vài thập niên sau khi hai quốc gia mở cửa kinh tế, nạn tham nhũng đang lan tràn và chắc chắn sẽ làm nguy hại đến uy tín của các chính sách nhà nước. Việc nhấn mạnh vào mối lợi trước mắt hơn là những thay đổi cơ chế lâu dài cũng có thể qua mặt bất kỳ những phúc lợi có được từ những đề xuất kinh tế và chính trị trước đấy.

Một số người cho rằng quá trình giải phóng kinh tế mau chóng cùng với sự thiếu vắng việc hợp thức hoá, đã tạo ra mảnh đất mầu mỡ cho nạn tham nhũng. Khi Trung Quốc mở cửa, người dân từ mọi tầng lớp đều tìm cách kiếm tiền nhanh chóng. Và chẳng bao lâu, kỷ cương của đảng trở nên lỏng lẻo, vì cái mà Lưu Hiểu Ba gọi là “cách mạng thụt lùi”: đảng đã thất bại trong việc xây dựng một nhà nước duy lý và/hoặc việc củng cố tinh thần cách mạng của nó. Chế độ kiểm soát từ trên xuống cũng như cơ hội củng cố chính sách nhà nước một cách hiệu quả hiện đang yếu dần. Trong cùng lúc, quá trình phân quyền nhà nước đã tạo cơ hội cho cán bộ địa phương thâu tóm của cải, quyền lực và tự tung tự tác, mở cửa cho tình trạng đứng trên pháp luật thêm lộng hành.
Với việc cho phép quốc gia đổi mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho phép cán bộ quá nhiều quyền lực đến nỗi việc kiểm soát đối với toàn bộ quá trình này của nó đang nhanh chóng biến mất. Cơn khủng hoảng quản lý này cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam, nơi việc phân quyền cũng đang tăng cường thế lực của những lãnh đạo đảng tại địa phương. Ở tầng lớp trung ương, đảng đang bị phân chia bởi Thủ tướng Dũng, chủ tịch nước, tổng bí thư và những cận thần của họ. Một mặt, tham nhũng có thể được dùng như một công cụ chính trị để làm suy yếu đối thủ, điển hình là từ giữa cho đến cuối năm 2012 khi những trùm tài phiệt có liên hệ mật thiết với Thủ tướng đã bị bắt giữ. Mặt khác, tham nhũng trong hai quốc gia là chất keo để kết giữ đảng (và hệ thống chính quyền) nguyên vẹn. Cả Trung Quốc và Việt Nam vì thế đã bị gói trọn trong một logic tự phá huỷ: để sống còn, phải chấp nhận tham nhũng, nếu không nói là khuyến khích. Nhưng giờ đây, thay vì được xem chỉ là một sản phẩm phụ của quá trình tăng trưởng kinh tế, tham nhũng lại bị xem như là một vấn nạn - mà dưới mắt của Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, là vấn nạn chính - có thể sẽ làm mất ổn định cả đảng và xã hội (cả hai đều liên tục nhắc đến tham nhũng trong Đại hội Đảng Cộng sản thứ 18).
Vẫn không biết được liệu giới lãnh đạo chính trị thật sự đánh giá vấn nạn này hay không. Giải quyết nạn tham nhũng có thể là một việc nguy hiểm. Các đảng phải thực hiện được một động thái cân bằng, bảo đảm rằng họ giải quyết được tham nhũng và mối bất mãn của quần chúng (trước tình hình bất công xã hội ngày càng tăng, vật giá leo thang, nạn ô nhiễm môi trường; và quyền sử dụng đất, vốn đã làm nảy ra những vụ phản đối nghiêm trọng), trong khi đó lại phải bảo đảm rằng họ không cưa đứt cành cây mà họ đang ngồi trên.
Những vụ điều tra chống tham nhũng dường như đang tăng lên, được củng cố bởi Đại hội 18 và thái độ quả quyết của Tập nhằm cắt giảm tình trạng quá độ. Nhưng rõ ràng là giải pháp được ưa chuộng cho đến nay về mặt chính trị vẫn chưa được cho phép hoàn toàn, pháp trị thay vì pháp quyền, cho phép chính quyền sử dụng luật pháp như là phương tiện để quản lý với những phương cách hầu như không bị ràng buộc. Con số những điều luật chống tham nhũng tại Trung Quốc thì nhiều một cách ấn tượng (được biết là có trên 1200 luật lệ và quy định). Một số thử nghiệm đã được thực thi từ năm 2008 ở cấp thành phố và tỉnh, bắt buộc các cán bộ nhà nước phải kê khai tài sản cá nhân và gia đình - tại Quảng Đông, một thí điểm sẽ công bố tài sản trước công chúng. Trung Quốc đã đưa ra hình thức luân phiên những người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng cấp tỉnh và chỉ thị những người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng tại các bộ, sở và các doanh nghiệp nhà nước phải báo cáo trực tiếp lên Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng. Một kế hoạch 5 năm chống tham nhũng đang được dự thảo, và Vương Kỳ Sơn, một người chuyên cổ vũ cải cách kinh tế và tài chính, thường được xem là “chuyên viên giải quyết khủng hoảng”, vừa được đề bạt là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng trong chính quyền mới. Tại Việt Nam, Quốc hội vừa mới sửa đổi bộ Luật Chống Tham nhũng ra đời từ năm 2005, và vừa qua đảng đã nắm lại công tác chống tham nhũng, lĩnh vực mà trước đấy do thủ tướng nắm giữ thông qua Văn phòng Chỉ đạo Chống Tham nhũng. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua một luật lệ mới bắt buộc các quan chức cao cấp phải được quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm mỗi năm.
Đương nhiên, vẫn có những hoài nghi về tính hiệu quả của một số biện pháp này. Các hoạt động chống tham nhũng có thể dễ dàng được xem như là một nỗ lực của giới lãnh đạo nhằm xoa dịu nỗi bất bình trong dân chúng hơn là một cải cách được thực thi một cách thành tâm, và các chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc cũng xưa cũ như bản thân của đảng. Trên thực tế, những kẻ kêu gọi chống tham nhũng thật ra không luôn thực hành những gì họ rao giảng. Đã có những nghi vấn được đưa ra đối với số tài sản của Thủ tướng Dũng và những người thân cận của ông cũng như đối với Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang về hưu và đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình.
Mặc dù có những điểm tương đồng, thật không đúng nếu cho rằng cả hai quốc gia đều chỉ đi lên theo một con đường giống nhau. Chắc chắn Trung Quốc và Việt Nam sẽ cần tìm cho riêng mình những con đường riêng để đối phó với tham nhũng. Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn với ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thế giới. Việc này tạo ra thêm một chiều hướng vốn không có được ở Việt Nam, nơi rõ ràng là chính sách quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi áp lực từ dưới lên. Trong những điều kiện hợp lý, điều này có thể giữ chiếc chìa khoá giúp giải quyết tham nhũng. Mạng Internet là phương tiện của công dân nhằm tăng áp lực cũng như theo dõi những lãnh đạo lạm quyền cũng là một công cụ quan trọng, và thực tế cho thấy là nó có thể được sử dụng một cách hiệu quả để hạ bệ những cán bộ đảng tham nhũng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"