Trong
mấy tháng, hai người Trung Quốc trốn vô trụ sở ngoại giao Mỹ; đưa tới
những biến cố bất ngờ. Tháng Hai, phó thị trưởng kiêm giám đốc công an
Trùng Khánh lẻn tới tòa tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Ðô (có lúc ông ta phải
cải trang làm một bà già).
Sau khi hai bên
chính phủ dàn xếp với nhau, ông Vương Lập Quân (Wang Lijun) đã đi ra,
khi được Hồ Cẩm Ðào hứa bảo vệ, khỏi lo bị vợ chồng Bạc Hy Lai giết. Hậu
quả là Bạc Hy Lai mất chức, vợ bị bắt vì tình nghi giết người. Ba tháng
sau, luật sư khiếm thị Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) trốn vô tòa
đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh; đúng lúc bà ngoại trưởng và ông bộ trưởng tài
chánh Mỹ sắp qua họp Hội nghị Cộng tác Chiến lược với Trung Quốc. Hai
chính quyền phải dàn xếp để vụ này giải quyết êm thắm, nhưng đến nay vẫn
chưa hết trắc trở.
Cả hai nhân vật, Vương Lập Quân và Trần Quang Thành đều lo bị ám hại.
Họ đều muốn nhờ vào chính quyền Mỹ mong cầu thoát khỏi tay những người
nắm toàn quyền ở địa phương. Vì họ không tin tưởng vào hệ thống pháp
luật trong chính quốc gia họ sống. Nhưng tại sao lại nhờ nước Mỹ thay vì
một nước nào khác? Bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ xin lỗi vì “can
thiệp vào nội bộ” của nước Tàu trong vụ Trần Quang Thành. Nhưng chính
quyền Mỹ đâu có mời ông Trần Quang Thành đến? Chính nhà “luật sư chân
đất” này đã được bạn bè giúp trốn khỏi ngôi nhà ông ở đang bị phong tỏa,
rồi bí mật chạy từ vùng Sơn Ðông lên Bắc Kinh, lẻn vào tòa đại sứ Mỹ.
Trần Quang Thành, 40 tuổi, vốn là con nhà nông nghèo nàn, bị mù, phải
tự học để tiến thân. Ông đã tranh đấu cho những người bị khuyết tật
được đối xử bình đẳng; và từng được chính quyền khen ngợi về tấm lòng vị
tha của ông. Ông chỉ bị coi là “có tội” khi bắt đầu tranh đấu bền bỉ
chống lại việc cưỡng ép các nông dân phải phá thai hay triệt sản, trong
hàng chục năm qua. Bị giam lỏng một cách bất hợp pháp, lo gia đình mình
không được an toàn, Trần Quang Thành phải tìm kế, trước hết là thoát ra
khỏi gọng kìm của chính quyền làng xã.
Nhưng tại sao ông ta không “khiếu kiện” lên các cấp chính quyền cao
hơn, từ tỉnh đến trung ương? Chắc ông biết là làm như vậy hoàn toàn vô
ích; vì phủ bênh phủ, huyện bênh huyện. Ði vào tòa đại sứ Mỹ, gây một
cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước, đó là cách duy nhất để bảo
đảm cả thế giới chú ý đến điều kiện sống an toàn cho gia đình mình. Kinh
nghiệm giám đốc công an Vương Lập Quân có thể đưa Trần Quang Thành đến
quyết định đó. Nước Mỹ trở thành một chương trình bảo hiểm. Hai người
Trung Hoa đã nhờ chính phủ Mỹ đóng vai bảo đảm cho họ được đối xử một
cách công bằng.
Bắc Kinh Nhật Báo (Beijing Daily) tố cáo ông đại sứ Mỹ là người “ngồi
uống cà phê và gây rối ren” cho nước Tàu. Họ tố ông đại sứ Mỹ đã sử
dụng Trần Quang Thành như một quân cờ để “bôi đen” bộ mặt Trung Quốc! Bộ
mặt đó tự nó đã đen rồi, ai còn bôi cho đen hơn được nữa? Ông Ðại Sứ
Gary Locke vốn là người Mỹ gốc Hoa, tổ ba đời đã chạy từ Quảng Ðông sang
Ðài Loan rồi mới sang Mỹ. Cho đến lên năm tuổi, khi đi học ông ta mới
bắt đầu nói tiếng Anh. Ðại Sứ Locke đã thân hành đưa Trần Quang Thành
đến bệnh viện, vì mấy chỗ gẫy xương trên đường trốn chạy khỏi làng mình.
Ông ta tưởng là đã làm xong hai nhiệm vụ: Giữ cho hai nước tiếp tục
giao hảo; và tỏ ra chính quyền Mỹ vẫn quan tâm đến quyền làm người,
quyền của một người Trung Hoa trong nước họ.
Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt. Locke chắc phải biết hành động của
ông cũng đầy rủi ro. Ai có thể bảo đảm chính quyền Sơn Ðông tôn trọng
các cam kết với người Mỹ của Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo? Vụ Tiên Lãng ở
Việt Nam cho thấy quyền hành của các lãnh chúa địa phương lớn như thế
nào. Nếu Bạc Lai Hy còn tại chức, liệu Vương Lập Quân có được yên thân
hay không? Trong mấy tháng tới, nếu Luật Sư Trần Quang Thành, hay vợ ông
gặp tai nạn, thì Locke sẽ chịu trách nhiệm, đã bị lừa vì “nhẹ dạ cả
tin”. Chính quyền Obama cũng chịu trách nhiệm; một điều rất bất lợi
trong một năm bầu cử. Cho nên, khi Trần Quang Thành thấy bà vợ bị đe
dọa, ông đổi ý, xin qua Mỹ tị nạn, thì được chấp nhận ngay. Trần Quang
Thành sẽ được đi cùng vợ và hai con, được cấp học bổng tại một đại học,
Bộ Ngoại Giao Mỹ có thể lo việc này. Nhưng nếu việc làm giấy tờ xuất
ngoại bị Bắc Kinh trì hoãn, kéo dài, rồi vợ con của Trần Quang Thành bị
tai nạn nào đó, thì chính phủ Mỹ vẫn mang tiếng đã đặt các quyền lợi
kinh tế của nước Mỹ lên trên mối quan tâm về nhân quyền. Hôm qua, ứng cử
viên tổng thống Cộng Hòa Mitt Romney đã bắt đầu tấn công, coi việc đưa
ông Trần Quang Thành ra bệnh viện là một thất bại ngoại giao của chính
quyền Barack Obama.
Bắc Kinh cũng điên đầu vì biến cố Trần Quang Thành. Tin tức về vụ này
được truyền bá rộng và bàn tán sôi nổi trong 250 triệu mạng Internet,
bao thanh niên bầy viết với lòng ngưỡng mộ. Khi đội công an kiểm duyệt
mạng cấm không cho thông tin nào với tên Trần Quang Thành được chuyển
đi, thì các công dân mạng đã đổi chiến thuật, chỉ gọi là Ông Mù, hay
Luật Sư Mù. Công an lại cấm mấy chữ này, công dân mạng lại thay bằng tên
A Băng, tức Phạm Băng Băng một ca sĩ khiếm thị nổi tiếng. Công an cấm
luôn cái tên ca sĩ, các công dân bèn dùng tên tắt C-Guang-C. Cứ như thế,
cuộc chạy đuổi giữa công an và giới trẻ trên mạng kéo dài cả cuối tuần
trước, cho đến khi Trần Quang Thành được đưa tới nhà thương. Nhưng công
an mạng còn cấm tất cả những trao đổi trên mạng có nói đến tên sứ quán
Mỹ, hoặc tên người bạn đã giúp Trần Quang Thành trốn từ làng đi, cấm cả
việc gọi tên làng của anh, đến cả mã số chuyến bay UA898 cũng bị cấm, vì
đó là chuyến bay của hãng United từng chở nhiều người Trung Quốc đi tị
nạn chính trị qua Mỹ! Chỉ một cá nhân Trần Quang Thành đã gây ra bao
nhiêu xáo động trên mạng làm cho, không những các công an kiểm duyệt, mà
cả chính quyền Trung Quốc phát mệt!
Chính phủ Trung Quốc không để cho vụ Trần Quang Thành ngăn cản việc
hợp tác với Mỹ. Hôm qua ông Timothy Geithner, bộ trưởng tài chánh Mỹ cho
biết Bắc Kinh đã chịu nhượng bộ trên vấn đề tỷ giá đồng tiền của họ,
một cải tổ mà chính quyền Mỹ vẫn yêu cầu từ hàng chục năm qua. Trung
Quốc cũng đồng ý cho phép các công ty Mỹ hùn phần vốn lớn hơn trong các
công ty mua bán chứng khoán. Các công ty hợp doanh này cũng được tham dự
trong các thị trường lai phiếu (futures), tức là các hợp đồng mua trước
các chứng khoán tài chánh, cũng như các nông phẩm, kim loại, vân vân.
Nhượng bộ này là một khúc quanh quan trọng, vì thị trường lai phiếu xưa
nay Bắc Kinh vẫn dành riêng cho các công ty tài chánh, phần lớn là quốc
doanh, vì tính chất đầu cơ có thể gây ra nhiều rủi ro.
Hai biến cố Vương Lập Quân và Trần Quang Thành đặt một câu hỏi cho
đảng Cộng Sản Trung Hoa: Họ cai trị hơn một tỷ người dân như thế nào mà,
một người thuộc thành phần thống trị, người kia tiêu biểu cho dân bị
trị, cả hai phải chạy vào những cơ sở ngoại giao nước ngoài xin giúp bảo
vệ sinh mạng và quyền sống tự do của họ? Ai đã bôi đen bộ mặt của nước
Trung Hoa nếu không phải là chính chế độ độc tài đảng trị kéo dài hơn
nửa thế kỷ?
Ðảng Cộng Sản Trung Quốc lo ngại là tấm gương Trần Quang Thành sẽ
thành một ngòi nổ, khích lệ những người dân khác đứng lên đòi tự do;
không khác gì biến cố Ðoàn Văn Vươn ở Việt Nam. Bao nhiêu năm qua, những
người dân nghèo cô thế, những thanh niên thất nghiệp, các người tàn
tật, vân vân, đã bị gạt ra bên lề xã hội, đứng ngoài cuộc chạy đua làm
giàu của các cán bộ và các nhà tư bản đỏ. Một người dám đứng dậy, có thể
ngàn vạn người khác vùng lên. Nhất là trong năm nay đảng Cộng Sản sẽ
thay đổi lãnh đạo; kinh tế bắt đầu phải giảm tốc độ; trong khi nông dân
đang phấn khởi vì thành công trong cuộc đấu tranh chống cường quyền ở
làng Ô Khảm.
Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đang lâm vào thế bí. Muốn trấn an dân thì
phải cởi trói cho họ, phải thi hành luật pháp công minh. Nhưng cho dân
được tự do hơn thì quyền hành của các cán bộ, đảng viên phải bị giới
hạn. Ðảng Cộng Sản không thể nào vừa bảo vệ quyền lợi băng đảng, vừa
muốn dân chịu ngoan ngoãn khuất phục mãi. Những vết nứt rạn đã hiện ra
rõ ràng qua hai vụ Vương Lập Quân và Trần Quang Thành. Guồng máy độc
quyền chính trị và độc quyền kinh tế của đảng Cộng Sản đang lung lay.