Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Dân Văn Giang tố nhà cầm quyền toa rập cướp đất

HƯNG YÊN (NV) - Nhà cầm quyền từ địa phương tới trung ương không những nói một đàng làm một nẻo mà lại còn hành động bất chấp luật lệ và các quy định để cướp tài sản, cơ hội sống của người dân.
Dân Văn Giang chống cưỡng chế đất ngày 24 tháng 4, 2012 ở xã Xuân Quan. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)
Bản “tờ trình và kêu cứu” đề ngày 16 tháng 5, 2012 do 8 nông dân đại diện cho ba ngàn gia đình nông dân 3 xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên gửi cho tất cả các cơ quan, bộ ngành, chính phủ, Quốc Hội và đảng CSVN trung ương mô tả như vậy và đòi phải thu hồi các quyết định cướp đất, đẩy dân vào đường cùng khổ.

Văn bản nêu ra các văn bản từ tờ trình và các quyết định của nhà cầm quyền tỉnh Hưng Yên đến các quyết định vội vã “giao đất” của ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2004 cho thấy có nhiều nghi vấn khuất tất đã xảy ra.
Ngày 22 tháng 1, 2002 xã Phụng Công đã được vinh dự “tặng cờ thi đua là đơn vị chuyển đổi cơ cấu cây trồng xuất sắc nhất huyện” của UBND tỉnh Hưng Yên. Với mô hình nông nghiệp vừa làm ruộng, ao cá, ương cây cảnh giúp nông dân kiếm bạc tỉ mỗi năm, người dân tin tưởng khu vực này sẽ không nằm trong các dự án “quy hoạch” nào. Nhưng năm sau thì nhà cầm quyền tỉnh lại trình chính phủ cho “sử dụng quỹ đất tạo vốn để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng.”
Chỉ mấy ngày trước khi Luật Ðất Ðai 2003 hết hiệu lực, UBND tỉnh Hưng Yên lập tờ trình xin giao đất và được ông Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là phó thủ tướng) chấp thuận. Ðiều đáng nói là những việc liên quan đến việc cướp sự sống của nhân dân 3 xã nói trên đều được tiến hành trong âm thầm.
Các quyết định cướp đất của ông Nguyễn Tấn Dũng “không ghi hiệu lực thi hành, không đăng công báo” và mãi đến ngày 14 tháng 8, 2009 dân Văn Giang mới được biết “qua thông báo số 188 của tỉnh và những bản phô tô không rõ nguồn gốc, không có công chứng.”
Dân chúng hốt hoảng trước nguy cơ mất nghiệp “liên tục từ đó đến nay gửi đơn khiếu nại quyết định này tới Quốc Hội nhưng vẫn chưa thấy được thụ lý để giải quyết.”
Ngày 30 tháng 6, 2004, ông Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định số 742/QÐ-CP “giao đất để thực hiện dự án xây dựng đường từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên” nhưng “đến thời điểm hiện tại là năm 2012 tuyến đường vẫn chưa hoàn thành, vậy làm sao có thể nghiệm thu, quyết toán để mà giao đất từ năm 2004?” Văn bản của dân Văn Giang đặt câu hỏi.
Chủ trương của nhà cầm quyền là lấy hơn 500 ha đất sản xuất và nhà ở của ba xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan trao cho công ty Việt Hưng để đổi lại, nhà đầu tư tư nhân làm thay cho nhà nước đoạn đường hơn 10 km.
Cho đến ngày 7 tháng 1, 2009, dù “chưa tổ chức họp dân, chưa ra quyết định thu hồi đất, chưa có quyết định cưỡng chế tới từng hộ, UBND huyện Văn Giang cùng đơn vị chủ đầu tư dự án đã tổ chức các lực lượng ra cưỡng chế,” văn thư của dân Văn Giang kể. Tất cả chỉ là những lệnh lạt bằng mồm và những vận động, đe dọa, khủng bố người dân để buộc họ tự nguyện nhận những số tiền đền bù nhỏ bé, kể cả việc sử dụng xã hội đen.
Theo bức thư cáo buộc những hành động này là “cướp có tổ chức.”
Văn bản của dân Văn Giang cáo buộc đảng CSVN và cánh tay thực hiện là nhà cầm quyền đã đi ngược lại chính sách Tam Nông đề ra từ năm 2008, cướp “thành quả lao động của nhân dân ba xã,” biến nguồn sống của họ thành “những cung điện, biệt thự nguy nga tráng lệ chỉ dành cho những quan chức tai to mặt lớn...”
Họ đặt dấu hỏi, “Vậy những người dân chúng tôi sẽ được dẫn đường chỉ lối đi lên xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo cách nào đây khi tư liệu sản xuất cơ bản nhất của chúng tôi bị cướp và tàn phá, giá đền bù thì không bằng thu nhập một năm, làm sao để có cuộc sống bằng và tốt hơn cũ đây hỡi các bậc ‘bề trên’...?”
“Chính phủ, UBND tỉnh, tỉnh ủy Hưng Yên, UBND huyện, huyện ủy Văn Giang, nhà đầu tư đều mắc sai lầm, vi phạm pháp luật tùy theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hành của mình.”
“Tờ trình và kêu cứu” của dân ba xã huyện Văn Giang tố cáo như vậy và đặt ra nghi vấn về sự mờ ám của những kẻ có quyền trong tay. Họ cho rằng, “Ðến nay đã hơn 8 năm, dự án không thực hiện được bởi nguyên nhân chính từ Quyết định 742/QÐ-TTg ban hành không đúng trình tự, không có hiệu lực thi hành.”
Từ đó, họ đòi hỏi phải đình chỉ quyết định này cũng như quyết định trước đó số 303/QÐ-TTg ngày 30 tháng 3, 2004 do ông Dũng ký cũng “không đúng trình tự, không có hiệu lực thi hành.”
Ðó là chưa kể nhà đầu tư tư nhân Việt Hưng mới chỉ được thành lập có mấy tháng và chưa gom đủ vốn điều lệ mở công ty nhưng vẫn được giao cho một dự án lớn.
“Ðây là việc làm thất đức vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng,” bức thư cáo buộc. Bức thư cũng dẫn lại những lời tuyên bố của ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, và cả ông Nguyễn Tấn Dũng “ngăn sự tác động của nhóm lợi ích” bằng cách “thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình về các chính sách quản lý, các đề án phát triển cũng như trong hoạt động của các chủ thể kinh doanh.” (TN)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"