Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

VÀI NHẬN XÉT VỀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH NHÂN NGÀY SINH NHẬT 19.5.2005

Trường Xuân Triệu

Vài ba ngày nữa lại tới 19 tháng 5 năm 2005, ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh như ông và đảng cộng sản Việt nam thừa nhận. Mà, đã nói tới ngày đó, dĩ nhiên chẳng mấy ai nỡ lòng nói "tôi không biết mảy may gì ngày ấy cả", trái lại như thường lệ sẽ có nhiều người và giới truyền thông ngợi ca ông hoặc cả lên án ông... cũng như không thể thiếu những lễ lạt linh đình của cơ quan đảng và nhà nước Việt nam dành cho ngày kỷ niệm sinh nhật ông.
Thuận theo luồng dư luận khen chê và bàn thảo nghiêm túc về chủ tịch Hồ chí Minh, hôm nay tôi viết ra những suy nghĩ và nhận xét về ông, người từng được tôi ngưỡng mộ khi còn là trẻ thơ cho tới khi là anh lính Quân đội nhân dân vào Nam "giải phóng đất nước", rồi sau năm 1975 tôi mới có cơ hội tìm hiểu lại cho đúng về con người và hành xử với dân tộc của ông.
Trước nhất, tôi xin nêu một nghi vấn, rằng ngày 19.5 không phải là ngày sinh thật sự của Chủ tịch Hồ chí Minh thì phải? Bởi vì theo nhiều nguồn tin thì Hồ chủ tịch có tới ba hay bốn ngày sinh cơ (bạn nào nhớ xin bổ xung giùm tôi nhé), còn ngày 19.5.1890 chỉ là một ngày trong nhiều ngày sinh của Hồ chủ tịch. Tương truyền, ông thừa nhận ngày sinh này, vì đúng vào hôm 19.5.1946 thì "bỗng" có ông đại diện gì đó của Pháp tới Hà Nội đàm phán với chính phủ Việt nam về những việc tranh chấp giữa hai phía khi đó. Đón ông quan lớn của cường quốc Pháp mà không treo cờ hoa thì không phải phép bang giao, mà trưng cờ hoa rực rỡ Hà nội để đón viên quan thực dân Pháp thì e không ổn với lòng người Việt nam đang hận quân xâm lăng, nên chủ tịch Hồ chí Minh và đảng cộng sản Việt nam nhanh trí chọn ngày 19.5.1946 làm ngày sinh nhật thứ 56 của Chủ tịch nước Việt nam khi đó. Thật là một công đôi việc: vừa làm vừa lòng quan khách thực dân, lại được dân chúng cung chúc "bách niên giai lão".
Thứ nữa, ngay cả Họ tên (họ gia đình) thật sự của chủ tịch Hồ chí Minh là họ Nguyễn, tên Sinh Cung, hay Nguyễn Tất Thành cũng không đúng nữa. Vì theo nhiều nguồn tin, chẳng hạn của giáo sự Trần quốc Vượng thì ông là cháu đích tôn của cử nhân Nho học Hồ sỹ Tạo- một người Tàu, nên đúng ra ông phải có tên họ là Hồ tất Thành hay Hồ sinh Cung thì đúng lẽ hơn, bạn nào từng đọc cuốn "Trong Cõi" do giáo sư Vượng in trong nước thì sẽ biết chi tiết.
Bỏ qua chuyện ngày sinh và tên họ thật nhưng không rõ ràng ấy, tôi xin nói tới những suy nghĩ về lòng yêu nước của ông, và về tư tưởng thực của ông, người đã cùng đảng của ông khiến cho dân tộc chúng ta điêu linh tới giờ.
Về "Lòng yêu nước", tôi xin nêu giản lược quan niệm cá nhân: Yêu nước là thương dân tộc mình, và có hành động giúp cho dân tộc mình được tăng tiến về văn hóa-tinh thần và nâng cao hơn về vật chất. Nếu ai làm được vậy thì đúng là người Hiền, còn yêu nuớc mà khiến dân tộc bị chết chóc nhiều triệu nhân mạng, văn hóa truyền thống bị tiêu mòn, đạo lý con người xuống cấp trầm trọng, tinh thần bị suy nhụt, đời sống thấp kém qúa nhiều với thế giới văn minh, thì đó là người Ác! Từ một quan niệm giản lược ấy, xét vào cụ thể hành động của Chủ tịch Hồ chí Minh từ 1945 tới 1969, và đảng CSVN từ năm 1945-2005, tôi thấy Chủ tịch Hồ chí Minh đáng liệt vào loại người ác của loài người, vì ông đã khiến dân tộc Việt nam chịu những hậu qủa nặng nề nêu trên! Nếu ai không tán thành tôi kết luận vậy, xin mời tìm đọc những tài liệu nói về những tranh chấp Quốc-Cộng 1945-1946, Chỉnh huấn toàn quân 1951-1953, cải cách ruộng đất 1953-1956, Nhân văn giai phẩm 1956-1958, Vụ án xét lại chống đảng 1963-1967, Giải phóng miền Nam 1959-1975, và cải tạo tư sản tư doanh 1956-1958 và sau 1975, thì sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của ông.
Thêm nữa, nếu trong chúng ta, ai trọng đạo lý vợ chồng-cha con và nghĩa khí làm người chân chính, thì cũng chẳng thể không lưu ý tới những chuyện về Chủ tịch Hồ chí Minh có nhiều vợ mà vẫn nói "Bác hy sinh hạnh phúc cá nhân để lo cho hạnh phúc dân tộc." Chẳng hạn, theo ông Bùi Tin, Phó tổng biên tập báo Nhân Dân: ông Hồ có vợ thứ nhất là bà Tăng tuyết Minh (người Tàu, cưới năm 1924 ở Quảng Châu), tiếp sau là bà Nguyễn thị minh Khai (bà này sau là vợ ông Lê Hồng Phong); hay theo sử gia Trần trọng Kim: ông Hồ có một cô con gái với bà Đỗ thị Lạc (đọc Một Cơn Gió Bụi- hồi ký T.T.Kim).
Đặc biệt, qua lá thư "Vợ chồng Nguyễn thị Vàng gửi từ Cao Bằng ngày 29.7.1983 cho Chủ tịch quốc hội Nguyễn Hữu Thọ", tố cáo vụ việc khủng khiếp: chị của họ là bà Nguyễn thị Xuân ở với Chủ tịch Hồ chí Minh và có con trai là Nguyễn tất Trung, mà bà Xuân vẫn bị bộ trưởng công an là Trần Quốc Hoàn hiếp và giết chết đêm 11.2. 1957."
Hoặc, nếu ai có quan niệm sỹ khí thì cũng phải thắc mắc về những bài thơ, cuốn sách ông để lại cho đời, xin dẫn chứng:
- Trong sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch", ông dùng lời tác giả Trần dân Tiên viết về mình: "Một người như Hồ chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của người được? Và: "Nhân dân gọi Chủ tịch là cha già của dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam."
Qua những lời khen mình ấy, ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn gợi ý để được người Việt Nam gọi ông là "Cha già của dân tộc". Còn việc từ năm 1945, Chủ tịch Hồ chí Minh từng xưng là "Bác" với đồng bào, lại cho thấy ông rất khôn, vì trong cơ cấu gia tộc Việt Nam, bác là anh của cha, nên dĩ nhiên bác phải lớn hơn cha và có quyền uy cao hơn cha cả trong sinh hoạt dòng họ, hay trong lễ nghi tế tự tại gia.
Từ việc một người dùng một cái tên khác (bút danh) để viết sách tự khen mình là khiêm tốn không muốn nói về mình, rồi sau đó, suốt trong quyển sách lại kể lể tự đề cao sự nghiệp có công ơn với dân tộc của mình, thì không biết nên đánh giá thế nào đây? Theo nhiều người, trong số các lãnh tụ thế giới xưa nay, chưa thấy ai tự viết khen mình như ông, mà chỉ có những kẻ quyền uy bắt người khác, hay dụ khị người khác viết đề cao và xưng tụng họ thôi.
- Thứ nữa, những ai trọng phép ứng xử Việt nam và trọng tiền nhân có công lớn với dân tộc thì không thể không bất bình khi đọc bài thơ ông Hồ chí Minh làm khi tới thăm đền thờ Đức Trần Hưng Đạo (tương truyền năm 1957):
- "Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng,
Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung.
Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa một nước qua nô lệ,
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Rằng tôi cách mạng đã thành công."
Đọc xong bài thơ đó, tôi chợt nhớ: Đương thời, Hồ chủ Tịch thường dạy dân phải "khiêm tốn, thật thà, dũng cảm"..., nhưng trong thơ, ông lại thiếu khiêm tốn khi dùng khẩu khí ngang tàng để so sánh sự nghiệp với đức Trần Hưng Đạo- người sinh trước ông hơn 600 năm, người duy nhất trong nhân loại lãnh đạo quân đội đánh thắng quân Nguyên Mông ba lần, và cũng là người rất tài đức. Còn về tính "thật thà, dũng cảm" của chủ tịch Hồ chí Minh, thì qua bài thơ ấy, tôi thấy ông dư "thực thà, dũng cảm" khi ông thừa nhận tư tưởng cộng sản quốc tế của mình qua câu thơ "Tôi dắt năm châu tới đại đồng."
Sang việc nhận xét tư tưởng thật của Chủ tịch Hồ chí Minh, tôi thấy ông là người cộng sản chân chính đúng như ông tự nhận. Mà, đã là đảng viên cộng sản chân chính, tuân thủ điều lệ của Quốc Tế Cộng sản thứ Ba, do Lênin khởi xướng, Stalin kế nhiệm và tung tác hoành hành, thì Hồ chủ tịch luôn phải thực thi nhiệm vụ của một đảng viên quốc tế cộng sản, đó là chấp hành điều lệ, mệnh lệnh... của Quốc tế Ba (Đệ tam Quốc tế cộng sản). Đáng chú ý là, trong khi chấp hành nhiệm vụ ấy, thì Hồ chủ tịch và mọi đảng viên khác đều phải xem nhẹ hay thậm chí bỏ qua những lợi ích quốc gia-dân tộc mình, để hoàn thành xuất sắc sứ mạng "Tôi dắt năm châu tới đại đồng" kia! Từ tư tưởng căn bản ấy của Chủ tịch Hồ chí Minh, chúng ta thấy ông khi sống thì hãnh diện tuyên bố: "Việt nam tự hào là Tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở đông-nam Á"..., để mà bắt quân dân miền Bắc và cả nước hy sinh cho sự nghiệp phục vụ Quốc tế cộng sản của mình và đảng cộng sản Việt nam. Việc này còn đậm nét thêm nữa, là cho tới khi sắp chết, trong Di chúc của ông, Chủ tịch Hồ chí Minh đã nói rõ tư tưởng tôn sùng lãnh tụ cộng sản quốc tế Các-Mác và Lênin của mình: "Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người "xưa nay hiếm" nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ. Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa? Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột."
Qua những nhận xét trên của tôi về "lòng yêu nước" của Chủ tịch Hồ chí Minh và về tư tưởng "Tôi dắt năm châu tới đại đồng" của ông, hẳn nhiều bạn đọc sẽ thấy rõ sự đối lập của hai phạm trù ấy, mà nhận định rằng chủ tịch Hồ chí Minh chỉ yêu nước theo cách "chợt có chợt quên", chứ lòng yêu nước không thường trực trong tư tưởng ông như đảng cộng sản Việt nam và một số người từng ca ngợi ông là nhà "Ái quốc vĩ đại". Bổ xung cho ý kiến này, tôi xin nêu thêm hai việc:
- Trong bài "Từ mộng làm quan đến đường cách mạng Hồ Chí Minh và Trường Thuộc Địa", hai tác giả Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu đã phổ biến ảnh sao (photocopy) hai lá thư của Nguyễn Tất Thành đề ngày 15-9-1911 gởi cho Tổng thống Pháp và Bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp, xin hai ông này ban ân huệ cho Nguyễn tất Thành được đặc cách vào học Trường Thuộc Địa Paris, nơi đào tạo quan lại cho các thuộc địa Pháp trong đó có Đông Dương. Nội dung chính trong hai lá thư này hoàn toàn giống nhau, là: "Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của ông ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú Trường Thuộc Địa. Tôi hiện đang làm công trong công ty Chargeurs Réunis để sinh sống (trên tàu Amiral Latouche-Tréville). Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được ích lợi của nền học vấn..."
Nhưng tiếc rằng hai lá đơn trên đều bị chính phủ thực dân Pháp từ chối, nên anh Nguyễn Tất Thành đành tiếp tục hành nghề trên các tàu biển. Và tới ngày 15-12-1912, từ New York, Hoa Kỳ, anh Nguyễn Tất Thành lại gởi đến viên khâm sứ Pháp tại Huế một lá thư rất thống thiết xin một đặc ân là ban cho cha là Nguyễn Sinh Sắc, một chức việc nhỏ như giáo thụ hay huấn đạo, để ông nầy có điều kiện sinh sống.
Qua hai lá đơn trên cùng với lá thư năn nỉ viên khâm sứ Pháp tại Huế cho thấy lúc mới ra đi, Chủ tịch Hồ chí Minh tức Nguyễn Tất Thành hay Hồ tất Thành chỉ nhắm mục đích kiếm kế sinh nhai. Rồi cũng từ sinh kế cho mình và gia đình, ông sẵn sàng khẩn cầu với nhà cầm quyền thực dân Pháp để kiếm một chức quan cho cá nhân ông (cố xin vào học Trường Thuộc Địa), và cho cả thân phụ ông.
Xét ra, việc này là chuyện bình thường của cuộc sống mỗi người, nhưng tự thêu dệt lên thành "Ra đi để tìm đường cứu nước", thì qủa thật Chủ tịch Hồ chí Minh không thực thà chút nào cả, mà chỉ thấy rõ: thoạt đầu, Hồ chủ tịch yêu nghề làm quan để "giáo huấn" dân Việt cho Pháp, nhưng bị Pháp từ khước, ông mới biết yêu nước, và ông yêu nuớc theo cách riêng của ông, nên dân tộc Việt nam mới chịu họa như đã thấy!
- Và, việc năm 1920 Chủ tịch Hồ chí Minh gửi bản "Revendications du Peuple Annamite" cho Chính phủ Pháp, đòi nhà cầm quyền Pháp thực thi 8 điều chính trị cho Việt nam, như sau:"1- Thả tự do tất cả tội phạm chính trị bản xứ;
2- Thay đổi hệ thống công lý để đảm bảo quyền tư pháp ngang bằng cho người Việt nam như người châu Âu, và sự đàn áp của các tòa án mà thực ra chỉ là công cụ khủng bố, và áp bức chống lại nhân dân Việt nam lương thiện;
3- Được tự do báo chí và tự do phát biểu ý kiến;
4- Được tự do hội họp và lập hội;
5- Tự do vãng lai, cư trú, và du lịch;
6- Tự do giáo dục học hỏi, phát triển kỹ nghệ, thương mại, nghề nghiệp;
7- Thay thế chế độ cai trị bằng pháp lệnh bằng chế độ pháp trị;
8- Được tuyển cử đại biểu thường trực của nhân dân Việt nam ở Quốc hội Pháp để có tiếng nói đại diện và bảo vệ quyền lợi của người Việt nam."
Đọc bản kiến nghị 8 điểm trên của Chủ tịch Hồ chí Minh gửi nhà cầm quyền thực dân Pháp, chúng ta thấy khi Chủ tịch Hồ chí Minh nắm quyền Chủ tịch nước Việt nam từ 1945 tới 1969, ông đã cùng đảng ông thực thi điều nào trong "8 đòi hỏi thực dân Pháp" ấy chưa? Chắc các bạn sẽ đồng thuận với tôi: Ông chưa thực lòng thực thi điều nào cả!
Xét rằng, trong phạm vi một bài ký sự về ngày sinh nhật của ông, những đánh giá vắn tắt trên của tôi cũng đủ nói về sự thực con người và tư tưởng ông Hồ chí Minh rồi. Nhưng cái chính yếu nhất còn liên quan tới tên tuổi ông, là việc hiện nay đảng cộng sản Việt nam và nhà nước của họ đang còn duy trì những huyền thoại mà ông và họ tạo ra từ nửa thế kỷ trước, đồng thời ban lãnh đạo đảng còn chế tạo thêm "Tư tưởng Hồ chí Minh", tức Lý thuyết Hồ chí Minh để nhằm duy trì độc quyền cai trị đất nuớc, khiến nhiều đồng bào Việt nam dù đang nghèo khổ và mất tự do mà vẫn bị ngộ nhận về "nhà ái quốc" Hồ chí Minh. Thiết nghĩ, việc phát hành Tư tưởng Hồ chí Minh từ những năm 1990 ấy trùng nghĩa với thành ngữ xưa "Kính không bõ phiền". Bởi, khi sống thì Chủ tịch Hồ chí Minh và lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam từng tuyên bố lấy "Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Mao trạch Đông làm kim chỉ nam hành động" (Tuyên bố tại Đại hội lần thứ 2, đảng Lao động Việt Nam, năm 1951), hay khi được những cán bộ cao cấp hỏi về "Tư tưởng Hồ chí Minh", ông đã thật thà bảo "Mọi điều cần viết thì các bác Mác- Lênin- Mao đã viết cả, bác cháu ta cứ thực hiện tốt", mà nay đảng làm vậy thì khác gì bôi nhọ ông ?
Hy vọng rằng, theo đà dân chú hóa và tiến bộ chung của nhân loại, nhân dân Việt nam sẽ sớm được quyền thực hành "8 điều kiến nghị chính phủ Pháp" mà Chủ tịch Hồ chí Minh dựa vào lòng ủng hộ của dân tộc để đánh đuổi thực dân Pháp, giành được độc lập, nhưng từ đó tới nay đảng ông vẫn chưa cho dân tộc mình hưởng thụ đầy đủ "8 quyền" tự do đó.
Và, cũng hy vọng rằng, xác ướp của Chủ tịch Hồ chí Minh cũng sẽ sớm được chôn cất theo ước nguyện trong Di chúc ông để lại, để hồn ông siêu thoát, và để bớt đi những khoản chi phí rất lớn cho việc bảo quản xác ông, cũng như chi trả lương lậu cho những sĩ quan và binh sĩ trong Bộ tư lệnh Lăng Hồ chí Minh. Như thế là an lành cho vong linh ông, và bớt cho người dân Việt nam một số tiền thuế lớn, hầu dùng món tiền lớn ấy cho nhiều việc hữu ích dân sinh khác.
Ngày 16.5. 2005
Trường Xuân Triệu

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"