Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Lời của người xưa và thời hội nhập

 Phúc Tâm

"Có một vấn đề mà tôi nghĩ là những người còn có tính với nước non có lẽ nên đi sâu phân tích: Vì sao thế hệ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu ... có được sự đánh giá của hậu thế là "thế hệ vàng" của dân tộc Việt Nam?
Theo tôi, đó chính là nhờ văn minh phương tây (kinh tế, văn hóa & nền nếp xã hội + giáo dục + khoa học & kỹ thuật). Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng đều nhiều năm sống ở châu Âu. Riêng Hồ Chí Minh còn qua cả châu Phi, từng sống ở Mỹ, từng học buổi tối ở Massachuset. Tuyên ngôn độc lập khai quốc trích dẫn tuyên ngôn của Mỹ, của Pháp. Lúc chết mong được gặp Các Mác, Lê nin. Rõ ràng Hồ Chí Minh là con người có cái lõi ảnh hưởng rất mạnh văn minh phương tây. Phong cách Á đông chỉ là biểu hiện bề ngoài phục vụ hành động giao thiệp, chính trị.
Đến các ông Ngô Đình Nhu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và nhiều vị khác tuy chưa đi khắp năm châu bốn biển nhưng rõ ràng là được hưởng sự giáo dục tuyệt vời của Pháp. (Đến giờ, nước Pháp vẫn là một quốc gia có nền giáo dục thuộc hàng tốt nhất thế giới).
Các vị sau này, ảnh hưởng văn hóa - giáo dục - lối sống của Nga, của Tàu. Nhưng Nga và Tàu dù hơn Việt Nam thì vẫn là những quốc gia nền tảng văn minh nông nghiệp chứ chưa được coi là quốc gia có nền tảng văn minh công nghiệp. Vì thế, các vị ấy có tư duy "củ chuối" thì cũng là chuyện thường tình đương nhiên. Ngày nay, những kẻ có chức quyền mà mua bằng hay học láo để có bằng Việt Nam, dù là tiến sĩ giáo sư, thì còn tệ hơn nữa.
Có thể nhìn nhận vấn đề như trên, sẽ thấy Âu hóa kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội và giáo dục xã hội Việt Nam là việc rất nên làm và là một trong những việc làm cấp thiết để có thể chấn hưng non nước Việt Nam.
Cảm ơn Hiệu Minh!"
 

Hiệu Minh
Hè năm 2010, vừa từ Mỹ trở về, tôi đưa hai cậu con trai ra thăm lăng Hồ Chủ Tịch. Cậu lớn hỏi về hai khẩu hiệu “Nước CHXHCN VN muôn năm” và phía bên kia là “Hồ Chủ Tịch vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
Tôi dịch thì cu cậu gật gù, người nằm trong lăng giống như George Washington sinh ra nước Mỹ. Tôi bảo, đúng thế con ạ. Ông Hồ không sinh ra nước Việt Nam nhưng là người viết tên Việt Nam trên bản đồ thế giới sau 100 năm nô lệ thời Pháp và ngàn năm Bắc thuộc. Ông xứng đáng có một chỗ đứng ở thành phố này giống tháp bút Washington giữa thủ đô Hoa Kỳ.

Thời của chúng ta

Cháu hỏi tôi, ông Hồ nói gì mà có giá trị trường tồn. Tôi bảo, nếu con người biết sống vì số đông nhân loại, thì có thể để lại những giá trị nhân văn cho muôn đời, kể cả những lời phát biểu.
Đứa con bỗng hỏi “Liệu cụ có sống lại được không?” vì cậu vừa thăm người trong quan tài bằng kính như đang nằm ngủ.
Nhìn những làn xe đi lại như mắc cửi cạnh quảng trường Ba Đình đang xây dở, những tiếng còi xe inh ỏi, cuộc sống nhộn nhịp của Hà Nội thay đổi từng giờ, bỗng trong tôi có ý nghĩ lạ lùng.
Ừ nhỉ, nếu như hôm nay, cụ Hồ bỗng nhiên từ trong lăng bước ra và nhìn đất nước sau hơn 40 năm đi xa, thì không hiểu cụ có nhận ra đất nước này.
Di chúc để lại “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” có thể đã đúng.
Thời xưa chỉ có xe đạp lác đác ở Hà Nội, nay đầy đường xe máy, ô tô sang trọng. Những nhà cao tầng, những khách sạn năm sao, những khu nhà sang trọng, căn hộ triệu đô khắp đây đó. Sự thay đổi chóng mặt và không thể nhận ra.
So với những năm 1960-1970, từ một nước đói nghèo, thu nhập bình quân vài chục đô la/người/năm thì đúng là GDP của Việt Nam đã hơn mấy chục lần.
Từ một nước đi xin bo bo, bột mỳ để cứu đói, nay thành quốc gia nhất nhì về xuất khẩu gạo trên thế giới.
Từ một nước với 85% dân số sống dưới mức nghèo khổ (dưới 1$/người/ngày), nay tỷ lệ đó chỉ còn trên 10% sau hơn 30 năm đổi mới.
Tôi tin cụ Hồ sẽ vui vì giấc mơ trong di chúc năm nào “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đã thành hiện thực với phần đông dân số.

Những bất cập của sự phát triển

Nhưng tôi tin, nếu đi từ phía lăng, qua quảng trường Ba Đình lịch sử đã mấy lần xây đi xây lại, cụ không dám qua đường vì giao thông hỗn loạn. Kiến trúc cảnh quan bị phá hoại nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, còi xe inh tai nhức óc. Hà Nội thanh bình của cụ Hồ đã khác xưa nhiều, thủ đô méo mó và tạp nham.
Có thể do người lãnh đạo thời nay không còn tầm nhìn xa, hoặc giáo dục cách làm người đã bị bỏ qua. Họ chỉ lo thành tích cho chữ CON mà quên mất phần NGƯỜI. Mọi bất cập của xã hội cũng từ đó mà ra, từ cấp cao tới dân thường, từ trí thức đến công nhân và nông dân, thậm trí cả trẻ em.
Văn hóa quốc gia đang đi vào ngõ cụt. Tiền vào đầy nhà nhưng văn hóa vẫn còn ngoài cổng, như ai đó đã nói.
Thời còn là Chủ tịch nước, cụ Hồ luôn đưa ra những lời chỉ bảo đơn giản cho người dân vốn còn ít học hành, trăn trở về dung dưỡng cách làm người.
Ngay từ tháng 6-1949, khi bàn về Cần Kiệm Liêm Chính, ông Hồ đã nói rất kỹ về chữ người và làm thế nào trở thành một người theo đúng nghĩa.
“Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người.
Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới.
Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới.
Phải thực hành chữ Bác – Ái.
Đối với việc, phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà.
Đã phụ trách việc gì, thì quyết tâm làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm.
Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết tâm làm cho thành công.
Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh.
Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm.
Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước, lợi cho nước tức là lợi cho mình, dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to”.
Chỉ cần đọc kỹ đoạn trên, học theo thì cũng đủ xây dựng một Việt Nam vững mạnh trên thế giới.
Người bạn kể về chuyến thăm Hà Nội sau mấy năm ở nước ngoài. Anh có dịp đi khá nhiều nơi. Đập vào mắt anh là đâu đâu cũng thấy những câu khẩu hiệu đỏ loẹt “Sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại”, ở cơ quan bộ, công an phường, tại trụ sở quận.
Nhớ lần anh đi xin ngừng nộp thuế tiền cho thuê nhà, tiếp anh là một cán bộ trông rõ là trí thức. Biết là cần có chứng thực của công an phường là họ đã kiểm tra tại chỗ, khách đã đi khỏi và trả nhà, nên anh đưa cái giấy có dấu đỏ chót, tin là không còn gì phải làm nữa.
Nhưng vị này hỏi. thế vợ đã biết chưa. Anh bảo, vợ đang ở nước ngoài. Anh ta nói, để trả được nhà cần có chữ ký của hai vợ chồng vì lúc cho thuê cả hai đã ký. Nhận lại nhà thuê cũng phải có sự đồng ý của vợ.
Tới đây thì anh hiểu cần phải làm gì. Đây là nền hành chính được gọi Hành là Chính. Bạn đọc cũng đoán ra làm thế nào anh bạn có cái giấy chứng nhận ngừng nộp thuế sau năm phút.
Chỉ có điều ngạc nhiên, vị cán bộ kia lấy tay gạt mấy tờ 100.000 đồng vào ngăn kéo, mà không thèm ngước lên ảnh cụ Hồ và dòng chữ phía dưới “Cần Kiệm Liêm Chính Chí Công Vô Tư” được treo trang trọng trên tường, ngay trước mắt anh.
Thời của cụ Hồ làm lãnh đạo, không có kẻ nào có thể ngang nhiên ăn bẩn của dân như thế.
Trong các trường đào tạo Công an hay Cảnh sát, thế nào bạn cũng thấy 6 lời dạy dán khắp nơi “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính// Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ. // Đối với chính phủ phải tuyệt đối trung thành.// Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép // Đối với công việc phải tận tụy //Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.
Giá như cụ Hồ vi hành thời nay và về quê Nam Đàn thế nào cũng thấy dọc đường, cảnh sát dừng xe hơi, bất kỳ có lỗi hay không có lỗi, lái xe đưa cái bằng và quyển sổ, trong đó kẹp tờ 50.000đ hay 100.000đ. Bằng sẽ được trả lại với nụ cười tươi của cả hai bên.
Nếu cụ hỏi người mặc quân phục, liệu có nhớ lời người xưa, thì sẽ thấy những người bảo vệ chế độ đọc vanh vách. Học không đi với hành là thế.

Học người xưa như thế nào trong hội nhập

Cụ Hồ đã để lại cho hậu thế một gia sản về tri thức và văn hóa khổng lồ. Chỉ cần học thuộc vài điều đơn giản như cụ dạy các cháu nhi đồng “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào//Học tập tốt, lao động tốt//Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt//Giữ gìn vệ sinh thật tốt,//Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là đã đủ.
Giương cao ngọn cờ, treo khẩu hiệu mà vẫn nhũng nhiễu dân, cầm phong bì, ăn hối lộ, chắc sẽ được một hình ảnh phản cảm của “đầy tớ nhân dân”. Thượng bất chính hạ tắc loạn, lời người xưa cấm sai bao giờ.
Nếu sống lại, cụ Hồ sẽ nói, thời của cụ đã xa lắm rồi, vì lúc đó, người dân sống với nhau bằng tình cảm, làm việc, chiến đấu vì cái chung, cùng kẻ thù, cùng mục đích nên đoàn kết rất dễ.
Thời của toàn cầu hóa, sự ứng xử của xã hội phải khác vì liên quan đến tiền bạc và lợi ích. Không thể quản lý đất nước dựa trên tình cảm như trước mà phải dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Thay các khẩu hiệu đó, nên là những bộ luật chặt chẽ, để tiến tới một nhà nước Pháp quyền. Thời đại internet, bùng nổ thông tin, sự bạch hóa là cần thiết, không thể quản lý xã hội theo ý định của bất kỳ một cá nhân nào.
Trong thế giới văn minh và hội nhập cần có nhà nước pháp quyền. Đó là thể chế mà mọi quyền lực nhà nước đều bị pháp luật chế ước chặt chẽ, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.
Người dân có thể làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm, nhưng Nhà nước dứt khoát chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Đang lan man nghĩ ngợi trên quảng trường Ba Đình, cu cậu lớn giật áo và hỏi, thế nào là “muôn năm”. Muôn năm nghĩa là long live hay forever – là mãi mãi, tôi giải thích đại khái cho cháu như vậy.
Cháu bảo sao bên Mỹ không thấy các khẩu hiệu đỏ nhiều như thế này. Tôi lặng lẽ và chợt nhận ra, George Washington hay Thomas Jefferson, dù có con riêng với nô lệ, vẫn luôn được kính trọng không phải do những khẩu hiệu trên phố, trong trụ sở chính phủ, mà chính là chế độ pháp trị làm nên sức mạnh Hoa Kỳ. Vì họ biết thông dịch lời thông thái của người xưa bằng ngôn ngữ của luật pháp “Mọi người đều có quyền bình đẳng…”.
Để cho nước CHXHCN VN trường tồn và sự nghiệp của HCM sống mãi thì có thể kẻ khẩu hiệu, kêu gọi trên bục, như chúng ta đã và đang làm. Nhưng chỉ khẩu hiệu suông thì khó mà giữ cho sự mãi mãi.
Quan trọng hơn cả, là cần xây dựng xã hội dựa trên nền tảng luật pháp rõ ràng, chính phủ minh bạch, mới mong một quốc gia vững mạnh như cụ Hồ từng mong ước. Chuyện “muôn năm” và “sống mãi” cũng từ đó mà ra.
HM. 19-05-2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"