Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Thư ngỏ gửi Ban biên tập báo Cựu chiến binh

Phùng Hoài Ngọc
Kính gửi Ban biên tập báo Cựu chiến binh,
Tôi là một bạn đọc lần đầu tiên biết tới tờ báo Cựu chiến binh khi nghe dư luận phản đối tờ báo của quý vị đăng bài bênh vực 5 “thương binh nặng” “bị cán bộ Viện Hán Nôm đánh đập” mà không xác minh tìm hiểu vụ việc…
Thiên hạ chắc chắn không tin một tin “giật gân” như thế (nếu có chăng chỉ có báo Quân đội Nhân dân tin cậy và viết luôn bài hưởng ứng, nhưng sau 120 phút chợt thấy “bé cái nhầm” nên vội rút bài). Ai có thể tin những nhà trí thức say mê với vốn cổ Hán Nôm của dân tộc, một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam, lại nỡ đánh ngất xỉu một thương binh to khỏe như hộ pháp đang chủ động hăng máu gây hấn tại một nơi thanh cao, tôn quý như Viện Hán Nôm?
Thưa quý Ban biên tập,
Đất nước ta ra ngõ gặp thương binh, về nhà gặp liệt sĩ (trên bàn thờ). Ba mươi năm chiến tranh dài thê thảm với ba, bốn cuộc chiến tàn khốc, thương binh liệt sĩ nhiều lắm, mặc dù nhà nước chưa bao giờ dám công bố số liệu.
Thưa quý vị báo Cựu chiến binh, xin đừng tưởng rằng chỉ có thương binh mới đóng góp xương máu cho Tổ quốc. Có nhiều thương binh đã nói rằng họ thương những người vợ (vọng phu) chịu cực khổ hơn họ nhiều, những ông cha bà mẹ còng lưng làm lụng vất vả còn khổ hơn họ nhiều. Sau những cuộc “tống biệt hành đầy nước mắt” gia đình đưa tiễn các anh đi chiến trường, người hậu phương ở lại cũng phải đánh trận thực sự (chống máy bay Mỹ oanh tạc ngày đêm trên quê hương), lại vừa phải vắt sức sản xuất để đóng góp lương thực gửi ra tiền tuyến nuôi dưỡng các anh… Mỗi hộ nông dân phải nhận chỉ tiêu góp gà, góp lợn từng vụ gửi ra chiến trường, “thóc không thiếu một cân…”. Ngày xưa chuyện cổ dân gian chỉ kể những chuyện đau khổ của người vợ, con và cha mẹ của người lính ở quê nhà, chứ không kể chuyện nỗi khổ của người lính ở chiến trường. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ cách đánh giá rất nhân bản về những hy sinh mất mát của mọi lớp người trong xã hội một khi đối diện với chiến tranh, chứ không phải là do văn chương của các dân tộc đó phiến diện.
Bao nhiêu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong sau chiến tranh đã quá lứa lỡ thì, nhan sắc tàn tạ đành chịu phận hẩm hiu. Họ không được hưởng chế độ thương binh vì họ không mang thương tích. Thực ra thương tích cắm sâu trong tâm hồn họ không gì chữa khỏi…
Cuộc chiến tranh Việt Nam là chiến tranh nhân dân. Điều đó có nghĩa là cuộc chiến của mọi người, không phải chỉ riêng các anh. Các anh không nên nghĩ rằng chỉ mình các anh hy sinh cho Tổ quốc mà coi khinh những người “không bị thương”…
Nạn kiêu binh có từ thời chúa Trịnh vua Lê, và lịch sử đã lên án hiện tượng đó.
Năm anh “thương binh nặng” hùng hổ kéo đến Viện Hán Nôm gây sự với TS Nguyễn Xuân Diện với những ngôn ngữ hành vi đáng khinh bỉ. Hóa ra các anh còn bị một vết thương rất nặng. Vết thương trong tâm hồn. Chính những kẻ xúi giục các anh đi quậy phá đã đánh các anh thêm một đòn (đòn sau lưng, đòn thâm hiểm), một đòn “mềm” khiến các anh bị thương một lần nữa. Nỗi đau và nỗi nhục này, có thể cả nỗi hối hận dày vò, trước hết các anh phải gánh, lịch sử sẽ ghi lại. Báo Cựu chiến binh, báo QĐND chắc chắn sẽ không thưởng thêm huy chương cho các anh về vết thương mới này.
Rất mong báo Cựu chiến binh đừng gây thêm thương tích cho các anh nữa, ít nhất vì tình đồng chí.
P.H.N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"