Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Hết vở?

J.B Nguyễn Hữu Vinh
Từng nghe nhiều người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đã bị những “người dân yêu nước, thương binh, cựu chiến binh” hoặc “quần chúng tự phát” đến nhà hỏi tội hoặc đấu tranh cho “đối tượng” hiểu được nhà nước ta đã dân chủ ra sao, chủ trương đường lối của đảng sáng suốt thế nào. Họ ngang nhiên vào nhà, tự động hành động như chỗ không người và rất đàng hoàng đến và đi, bất chấp quy định về chỗ ở và thân thế của “đối tượng” đang được luật pháp bảo vệ. Những khi họ đến, cấm bao giờ có các cán bộ công an, chính quyền cùng đến hoặc nếu gọi điện thoại, trình báo với công an thì chờ còn khuya mới có mặt. Những vụ đó diễn đi diễn lại nhiều lần với nhiều người khác nhau. Nhiều khi nghĩ cũng lạ, dân chủ là cái được dùng làm quốc hiệu một thời, sao lắm thứ nhiêu khê khi nhắc đến nó như thế?

Nhưng rồi nghĩ lại thì cũng có thể giải thích được điều này rằng thì là vì cái chuyện đấu tranh dân chủ là không cần, đấu tranh cho dân chủ là chuyện tầm phào, nhà nước ta đã quá thừa dân chủ, không cần đấu tranh thêm làm gì. Chả là bà Doan, Phó Chủ tịch nước đã chẳng tuyên bố về nhà nước ở ta là “khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản…” đó sao. Vì thế nên nếu cứ đấu tranh cho dân chủ thêm thì có mà thừa dân chủ à? Trong mọi cuộc khủng hoảng thì khủng hoảng thừa cũng nguy hiểm như khủng hoảng thiếu. Nếu nhỡ ở ta có cuộc khủng hoảng thừa dân chủ thì còn gì nguy hại bằng. Nhược bằng nói ở ta chưa có dân chủ phải đấu tranh, thì bao nhiêu chục năm nay dân ta đâu cần có dân chủ vẫn cứ sống đến khi chết, chỉ có điều là chết sớm hay chết muộn chút thôi. Vậy nên chuyện các “thương binh, cựu chiến binh, quần chúng tự phát” tự động lập nhóm đi bảo vệ chế độ là chuyện thường ở Việt Nam được dung túng cũng không có gì là lạ.
Những chiếc xe thương binh trước Viện Hán Nôm sáng nay 18/5/2012
Nhưng sáng nay.
Một chiếc xe dán nhãn thương binh chạy trên đường Hà Nội
Đang ngồi ăn sáng, được tin rằng tại Viện Hán nôm, một cơ quan nhà nước cấp Trung ương hẳn hoi có mấy người tự xưng là thương binh nặng đến áp chế tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Chúng tôi vội lên đường đến cơ quan này xem sự tình. Đến nơi, ba chiếc xe, trong đó có 2 xe tự chế, loại xe mà nhà nước, công an Hà Nội đã thông báo “đình chỉ” từ 4 năm nay nhưng nay vẫn chạy nhan nhản ngoài đường và là loại xe chở quá khổ, quá tải nhiều nhất nhưng công an chỉ dám đứng nhìn hoặc quay mặt đi. Chả là vì sau khi ra cái lệnh đình chỉ trên, mấy trăm “xe tự chế của thương binh” đã tập trung phản đối và nhà nước Hà Nội đành phải lờ lớ lơ.
Chúng tôi vào Viện Hán nôm, lên đến tầng 2 thì một cảnh tượng đập vào mắt là mấy miếng sành sứ vỡ tan trước sảnh phòng đọc và kho sách. Lên tầng 3 đến phòng làm việc của Ts Nguyễn Xuân Diện, nghe tiếng người trong đó khá ồn ào, cửa đóng kín. Trước cửa phòng, một số bạn bè của Ts Diện đã đến kịp thời chứng kiến sự việc đang đứng ngoài quan sát. Một người mở cửa nhìn vào, thì trong đó có 5 thương binh đang lớn tiếng rằng: Việc điện, đường, trường trạm là chính sách của đảng lo cho dân, giờ đảng đang đi xin, đi vay được tiền của Nhật Bản về lo cho dân thì ông lại đi phản đối và phát tán thế là không được, chúng tôi yêu cầu đóng Cờ lốc và đóng bài viết đó lại, thu máy tính… Một người bạn Ts Diện ra cho biết: Họ đến từ trước đó một lúc, mấy người vào gào thét và có người còn cởi luôn quần nằm tô hô giữa nhà ăn vạ.
Sau đó, họ mang theo một tập giấy in Thư kêu gọi chính phủ Nhật bản và vừa đọc vừa chửi ông Ts mà ngu, thậm chí họ đòi gọi công an đưa thằng này ra Phường cho công an nó bắt… Một người đọc bản tài liệu in sẵn cho những người khác nghe, người này đọc đi rồi đọc lại những chỗ “phản đối” và những người bên cạnh cứ “thế à, thế à”. Có lẽ do sự bức xúc quá lớn đối với bức thư này nên họ chưa kịp đọc và đến đây họ mới đọc cho nhau nghe.
Trước đó, trong phòng đã có ông chủ tịch Công đoàn cơ quan. Một lúc sau khi chúng tôi đến, thì thêm ông Viện Trưởng, viện phó và vài người, sau nữa có thêm ông Vụ phó vụ Tổ chức cán bộ đến nơi. Khi chúng tôi hỏi lực lượng công an đâu mà để một đám người xông vào cơ quan nhà nước làm thế này, thì nhân viên Viện bảo rằng gọi cách đây hơn 1 tiếng đồng hồ, từ CA Phường, Quận cho đến 113 nhưng giờ chưa thấy.
Một người đứng ngoài hành lang thoáng thấy hai thương binh quen quen, bèn vẫy ra ngoài. Hai thương binh ra hành lang, chúng tôi hỏi: Có vấn đề gì ở trong đó mà các anh đến đây vậy? Một người trả lời chúng tôi: Nghe nói cái thằng này nó có cờ lốc và đề nghị Nhật không cho vay tiền làm nhà máy điện hạt nhân trong Ninh Thuận. Tôi hỏi: Anh đã đọc cái bài đề nghị đó chưa hay chỉ nghe? Anh ta bảo nghe anh em nói thế. Chúng tôi nói với anh ta: Việc Blog của cá nhân nếu có vi phạm đã có hệ thống pháp luật và nhà nước xử lý, còn các anh, lý do gì các anh đến đây? Anh ta bảo: Thì nghe anh em gọi thì đi thôi. Sau khi mọi người giải thích về cái dự án điện hạt nhân vừa qua ở Nhật gây bao nhiêu người chết sau khi nổ và hiện nay cả nước Nhật hơn năm chục nhà máy điện hạt nhân đã buộc ngừng hoạt động vì sự an nguy của dân chúng, trong khi ở ta lại muốn đưa về thì hai người hiểu ra, họ nói rằng bọn tôi có biết gì đâu, nghe anh em gọi thì đi thôi, rồi bỏ xuống tầng 1 ra ngoài đánh xe về.
Một số anh em tiếp tục kéo đến viện và đứng ngoài hành lang, cụ Lê Hiền Đức dùng điện thoại gọi ông Phạm Quý Ngọ nói về sự việc, nhận được câu trả lời là sẽ cho giải quyết, nhưng tận khi những người “thương binh” đi hết, chúng tôi ra về mới thấy hai ba người vào cửa Viện, dù rằng Công an Phường cách đó chỉ có khoảng 300m.
Trong phòng, phía các “thương binh” còn lại ba người, một người trông lành lặn khá lực lưỡng, có lẽ là người chỉ huy, một người chống gậy, nhìn béo tốt nặng nề và một người gầy hơn. Khi chúng tôi được vào phòng, thì người mặc áo màu lòng tôm đang diễn thuyết đại khái rằng: Đảng cho anh ăn học đến tiến sĩ giờ làm quan mà không biết rằng nhà máy điện hạt nhân là tiến lên, tiến bộ như phóng vệ tinh. Vũ trụ lên rồi xuống vẫn lên, cuộc sống phải đi lên. Những vấn đề như điện hạt nhân đã có đảng và nhà nước lo, có hàng bao nhiêu giáo sư tiến sĩ lo vấn đề đó, ông là tiến sĩ lại đi phản đối là không được. Ông làm thế rồi Việt Kiều lại có ý kiến phức tạp lắm… đại khái là nhiều vấn đề nhưng tựu trung lại là không được phản đối điện hạt nhân vì đã có đảng và nhà nước lo, còn chúng tôi là thương binh nặng nay bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ.
“Thương binh nặng” Hoàng Đức Đồng sáng nay tại phòng làm việc của TS Diện
“Thương binh nặng” Nguyễn Sĩ Duyên sáng nay tại phòng làm việc Ts Diện
Trong khi ông thuyết giảng, thỉnh thoảng ông lại lôi điện thoại trao đổi với ai đó về tiến trình đang làm việc như thế nào ở đây. Chúng tôi nghĩ rằng giải thích hoặc tranh cãi về pháp luật với những người này ở đây có lẽ không phù hợp. Chỉ vì khi họ đã ngang nhiên xông vào cơ quan người khác, không qua bất cứ bộ phận nào để vào áp chế Phó Giám đốc một cơ quan với cách này, thì hiển nhiên không phải là chuyện bình thường theo pháp luật và vấn đề vì sao các “thương binh” bức xúc đến làm việc này thì có người lại không hiểu nó là gì?
Một biên bản được lập Viện Hán Nôm lập ghi nhận sự việc và sau khi hai thương binh kia bỏ về thì ba người còn lại cũng đã rút lui khỏi Viện Hán Nôm. Đến khi đó, công an Phường mới xuất hiện.
Chuyện tranh cãi về vấn đề Nhà máy điện Hạt nhân, nên hay không, cần hay không cho đất nước, thiết nghĩ đã và sẽ có nhiều tiếng nói từ các nhà khoa học, các chuyên gia phân tích thiệt hơn. Chỉ có điều rằng là người dân, chúng ta thấy Nhật Bản đã đóng cửa 54 lò phản ứng hạt nhân của mình thì nhà nước VN lại đang khao khát nó.
Thực tế ở Việt Nam ta thấy Tập đoàn tàu thủy Vinashin đã đi mua hàng loạt tàu thủy về để làm… phế liệu. Các nhà máy chế biến mua các dây chuyền cũ, hỏng, lạc hậu nhập về Việt Nam. Cao hơn, cả hệ thống tư tưởng Mác – Lênin mà ngay nơi nó ra đời đã vứt vào sọt rác thì ở Việt Nam vẫn đang ngày được tô son, trát phấn để làm kim chỉ nam cho cả dân tộc? Phải chăng, đố cũng là truyền thống của người Việt Nam chúng ta chuyên đi xài những thứ thiên hạ đã thải ra bãi rác?
Từ trước đến nay, nghe nhiều vụ việc, thậm chí đã chứng kiến nhiều lần cảnh “quần chúng tự phát” bao vậy nhà thờ, tu viện đòi giết người. Mới đây thôi ngày 3/11/2011, một đám người được huy động đến Nhà thờ Thái Hà xông vào nhà thờ với lực lượng an ninh đi kèm quay phim, chụp hình còn vòng ngoài là công an. Đám người đó đã hò hét đánh đập với những hành động rất côn đồ đối với linh mục, tu sĩ và giáo dân ở đây. Sau đó, báo chí Hà Nội cho rằng đó là do người dân bức xúc.
Gần đây trong xã hội chỉ một đám người nào đó có thể được phép thay mặt cả hệ thống pháp luật để hăm dọa, ra đòn, truy bức các công dân, các tổ chức tôn giáo một cách ngang nhiên chỉ nhân danh bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ là có quyền ngang nhiên xâm phạm tư gia, cơ quan, đe dọa tính mạng người khác. Như vậy cái gọi là hòa bình, ổn định chính trị và là điểm đến an toàn… sẽ được giải thích như thế nào ở thành phố Hà Nội vì hòa bình?
Giả sử sáng nay không phải là Viện Hán Nôm đang làm việc, mà là phòng họp của Bộ Chính Trị ĐCSVN, có những thương binh bức xúc cũng xông vào chỉ gậy vào mặt Tổng Bí thư đòi gỡ bài viết về Chủ nghĩa Xã hội ở Cuba thì sao? Họ là thương binh thì được miễn thực hiện các quy định pháp luật sao?
Trong các cuộc chiến vừa qua, đất nước Việt Na có hàng triệu gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ. Ngoài hàng triệu người đã bỏ mạng ở chiến trường, biên giới, hải đảo của Tổ Quốc, thì có một số người trở về với cơ thể không lành lặn. Họ đã cố gắng hết sức mình để sống, tồn tại và phát triển xây dựng xã hội tốt đẹp hơn xứng đáng với những hi sinh của mình khi ra đi chiến đấu vì lý tưởng bảo toàn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc. Riêng ở Hà Nội, một số thương binh đang có sức lao động đã phải bươn chải kiếm sống cho gia đình và vợ con. Những chiếc xe tự chế của thương binh đã được “ưu tiên” tồn tại khi nhà nước vài ba lần muốn dẹp nhưng không dẹp nổi.
Thế nhưng, không phải cứ thương binh nào, liệt sĩ nào của đất nước cũng đã được ưu tiên như vậy. Chúng ta còn nhớ, những liệt sĩ đã hi sinh vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc trong cuộc chiến 2/1979 đã bị lãng quên ít nhất là trên mặt trận truyền thông nhà nước. Mới đây, ngày kỷ niệm 64 chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma của Trường Sa đã không được ai nhắc đến.
Thực tế, nhiều thương binh trong đất nước này cũng đang là nạn nhân trong nhiều vụ việc và nhiều vấn đề của xã hội mà chính mắt tôi đã chứng kiến điều đó. Sau khi nhà cầm quyền Hà Nội huy động hơn 600 cảnh sát đập Thánh Giá Đồng Chiêm trên núi Thờ, hai thương binh đã là nạn nhân khi họ vào thăm Đồng Chiêm và khi trở ra đã bị đổ đất chặn đường, sau đó bị đánh và bắt lên xe. Khi tôi đến ghi lại những hình ảnh đó đã bị đám côn đồ mặc sắc phục công an đánh gần chết.
Đống đất đổ lên chặn hai xe của hai thương binh nặng vào Đồng Chiêm trở ra chiều 11/1/2010
Kết quả của tôi khi chụp những bức ảnh đó
Anh em bạn bè Ts Nguyễn Xuân Diện trước viện Hán Nôm sáng 18/5/2012
Sự việc hôm nay tại Viện Hán Nôm, cũng tương tự như những sự việc đã từng xảy ra nhiều nơi trên đất nước này với những người được nhà nước xếp vào danh sách thù địch vốn đã ngày càng dài. Chắc chắn rằng dù có hỏi đứa trẻ con, chúng cũng không bao giờ tin rằng chỉ vì bức xúc với bức thư kêu gọi ngừng dự án điện hạt nhân mà những người xưng là thương binh này đã xông vào cơ quan làm loạn như vậy. Ai cũng có thể nhận ra không khó rằng đằng sau những người mang danh thương binh này là ai. Điều này quá dễ dàng để nhận định nếu con người bình thường có chút trí khôn. Những người dám nói, dám lên tiếng có thể rất dễ dàng gặp phải những sự cố như thế, kể cả sự cố “hai bao cao su đã qua sử dụng”.
Điều đó, chỉ thể hiện sự hèn và bất lực, thiếu chính nghĩa và lương tri ở những người đạo diễn nhưng sẽ không thể dọa dẫm được những người công chính dám dấn thân.
Nhưng, khi phải dùng đến cách này, nghĩa là thế lực của bóng tối đã không còn một vở nào để công diễn cho sáng sủa hơn.
Phải chăng, đã hết mọi vở diễn?
Hà Nội, ngày 18/5/2012
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"