Trương Nhân Tuấn
Một nhóm trí thức Việt Nam vừa lên tiếng ủng hộ Phi trong vấn đề
tranh chấp bãi cạn Scarbourough giữa nước này với Trung Quốc. Đây là một
nghĩa cử "đẹp", bởi vì trong quá khứ Phi đã từng chơi xấu Việt Nam, đâm sau lưng Việt Nam nhiều lần.
Gần đây nhất, 2011, khi tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp tàu
nghiên cứu khoa học của Việt Nam tại vùng biển chỉ cách bờ biển Việt Nam
khoảng 100 Km, chính phủ Phi đã không hề lên tiếng, giới học giả Phi
cũng nín lặng. Không như Việt Nam, về phương diện chính quyền và xã hội
dân sự, đã lên tiếng bênh vực Phi như đã thấy hôm nay.
Tháng giêng 2009, Quốc hội Phi thông qua "Luật về đường cơ sở SB 2699", tuyên bố các đảo thuộc Trường Sa mà họ chiếm của Việt Nam có hiệu lực "đảo theo qui định của Luật biển 1982".
Làm điều này Phi đã đâm sau lưng Việt Nam, vì các đảo của Phi thực ra
là của Việt Nam. Phi muốn lợi dụng hiệu lực các đảo này để dành thêm
vùng biển Trường Sa về cho họ. Trong khi phía Việt Nam, vì nhu cầu cần
đồng minh, đã nhượng bộ những yêu sách chủ quyền của Phi. Nhượng bộ của
Việt Nam đã không đem lại cho Phi cách đối xử hợp tình với Việt Nam.
Tháng 5 năm 2009, Việt Nam và Mã Lai, hai nước cùng đồng thuận nộp chung hồ sơ thềm lục địa của mình lên "Ủy ban thềm lục địa mở rộng"
thuộc Liên hiệp quốc. Không lâu sau đó, Phi và Trung quốc, là hai nước
đã phản đối hồ sơ nộp chung của Mã Lai và Việt Nam tại vùng biển phía
nam biển Đông. Phản đối của Trung Quốc thì người ta không ngạc nhiên
nhưng sự phản đối của Phi dĩ nhiên để lại nhiều ấn tượng không tốt đẹp
trong lòng nhiều người Việt Nam. Bởi vì Phi không có lý do để phản đối
Việt Nam, trong khi qua hồ sơ này, Việt Nam đã để lộ ý muốn rõ rệt
nhượng bộ cho Phi những yêu sách của họ ở các đảo Trường Sa (mà nước này
đã chiếm trái phép của Việt Nam).
Xa hơn, năm 2005, chính phủ Phi đã ký kết song phương với với Trung Quốc thỏa thuận "thăm dò chung – JMSU"
tại một vùng biển rộng lớn thuộc Trường Sa, trong đó một phần có chồng
lấn với vùng biển và các hải đảo của Việt Nam, đồng thời, quan trọng hơn
cả là vùng này bao gồm luôn Reed Bank (tức Bãi Cỏ Rong). Làm việc này
Phi đã thừa nhận sự hiện diện chính đáng của TQ tại vùng biển liên hệ,
biến một vùng biển "không có tranh chấp" thành vùng biển "có tranh chấp"
với Trung Quốc. Việc Trung Quốc có những hành vi đe dọa Phi tại khu vực
bãi Cỏ Rong hiện nay, làm cho an ninh cả khu vực bị đe dọa, đều do
nguyên nhân đến từ các hành động đơn phương của Phi năm 2005.
Xa hơn nữa, năm 1974, lúc Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lăng
Hoàng Sa của Việt Nam, thái độ của Phi hoàn toàn không phải là thái độ
của một đồng minh đáng tin cậy. Năm 1988, lúc các đảo Trường Sa của Việt
Nam bị Trung quốc xâm lăng bằng vũ lực, tiếp theo là thái độ hung hăng
của nước này đối với Việt Nam tại các bãi Tư Chính, Vũng Mây... Phi chưa
bao giờ lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Chỉ đến khi chính bản thân Phi bị
Trung Quốc uy hiếp, bị Trung Quốc đánh chiếm đảo Vành Khăn, lúc đó Phi
mới ủng hộ cho Việt Nam vào ASEAN. Tức là Phi chỉ ủng hộ cho Việt Nam
chỉ khi nào họ cảm thấy bị đe dọa, hay khi có quyền lợi.
Đó là ta chưa kể đến việc Phi nhiều năm trước đã thừa cơ hội chiếm trái phép một số đảo của Việt Nam tại Trường Sa.
Bấy nhiêu đó sự việc trong tương quan ngoại giao giữa Việt Nam và Phi, người ta không thể không nhắc đến.
Đã nói ở trên, tuyên bố này là một nghĩa cử đẹp. Hy vọng trí thức Phi
sẽ có hành động đáp lại tương tự, sẽ sớm lên tiếng ủng hộ Việt Nam
trong vấn đề tranh chấp Hoàng Sa với Trung Quốc.
Vài ý kiến cá nhân về nội dung của bản tuyên bố, xin được viết ra đây:
Ở Điểm 1:
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền chủ
quyền và các hành động bảo vệ quyền chủ quyền của nước Cộng hòa
Philippines trong khu vực Panatag Shoal."
"Hoàn toàn ủng hộ quyền chủ quyền" của Phi tại bãi cạn Scarborough thì có thể tạm chấp nhận. "Tạm",
là vì chủ quyền của Phi tại đây, trên quan điểm quốc tế công pháp, thì
không thuyết phục. Phi chưa hề có động thái hợp pháp nào nhằm sát nhập
bãi cạn Scarbourough vào lãnh thổ nước mình.
Còn việc "hoàn toàn ủng hộ các hành động bảo vệ chủ quyền" ở đây có nghĩa là như thế nào? nếu Phi (hay Trung Quốc) sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp thì việc "ủng hộ hoàn toàn" sẽ được giải thích ra sao? Những người ký tên sẽ tình nguyện đi lính sang giúp Phi?
Điều lấy làm tiếc, bản tuyên bố ủng hộ đưa việc tranh chấp Phi -
Trung tại bãi cạn Scarborough vào thẩm quyền của ASEAN, hô hào nhân dân
và chính phủ các nước trong khối ủng hộ cho Phi, mà lại quên đưa tranh
chấp Hoàng Sa vào nội dung bản tuyên bố.
Bang giao các nước trên thế giới là bang giao dựa trên quyền lợi hỗ
tương, các bên cùng có lợi. Quyền lợi sinh ra nghĩa vụ. Các nước trên
thế giới, như Hoa Kỳ, Nhật, Ấn… có quyền lợi được tự do thông thuơng
trên biển Đông. Nghĩa vụ của các nước này là bảo vệ sự tự do đó. Bản
tuyên bố của các trí thức Việt Nam có nội dung khẳng định nghĩa vụ của
nhóm trí thức này đối với Phi trong tranh chấp Trung - Phi tại bãi cạn
Scarborough. Không có quyền lợi mà phải gánh vác nghĩa vụ là điều phi
lý. Tinh thần về "nghĩa vụ quốc tế" ở các trí thức Việt Nam đã cao hơn bình thường, ở mức độ bất bình thường.
Tranh chấp bãi cạn Scarborough hiện nay là "tiền" tranh chấp
Hoàng Sa 1974. Ủng hộ và kêu gọi mọi người ủng hộ Phi, trong khi vấn đề
của đất nước thì không thấy ai quan tâm. Không phải việc tìm cách đưa
tranh chấp Hoàng Sa vào tranh chấp biển Đông là mục tiêu của Việt Nam đó
hay sao?
Trương Nhân Tuấn