Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

HỘ CHIẾU CỦA CÔNG LÝ

Thùy Linh

Cuồi tuần vừa qua có mấy việc dồn dập đến. Nhiều người đã không có được sự bình an vào ngày nghỉ cuối tuần mà đáng lẽ họ được hưởng. Hình như lâu rồi dân mình đã bị đánh cắp quyền có được những weekend ngọt ngào mà người ta hay chúc nhau vào ngày thứ sáu. Xã hội vẫn đang vận hành trong một trận tự nhất định, một trật tự dựa trên nỗi sợ hãi, lảng tránh, ẩn mình, ích kỷ…chứ không phải được xây dựng bằng hòa bình. Dường như hòa bình thực sự chưa bao giờ có trên xứ sở này?
Ngày thứ 6, 18/5, một tiến sỹ bị áp đáo ngay tại phòng làm việc, ở một viện nghiên cứu nổi tiếng bởi một nhóm nhân danh cựu binh đến yêu cầu nọ kia. Họ nhân danh những người đã có công với đất nước đến yêu cầu tiến sỹ bỏ cái này, thôi cái kia…Cứ cho đấy là quan niệm, ý kiến riêng của công dân nên được tôn trọng thì cái cách hành xử lại khiến người khác không thể tôn trọng họ. Dùng bạo lực, trấn áp, vu vạ, văng tục để “phát biểu ý kiến” và bảo vệ chủ trương của nhà nước thì đối tượng được họ “bảo vệ” (nhà nước) phải có nghĩa vụ (quyền lợi) lên tiếng nếu không muốn thừa nhận “phương pháp thực thi quyền công dân” của những kẻ như “lục lâm thảo khấu” đó? Nếu im lặng (bảo vệ và thừa nhận) như là một cách để công dân được quyền bày tỏ thái độ và quan điểm của họ thì sau này những công dân khác cũng có quyền hành xử như vậy mà chính quyền sẽ không được phép xử lý và đàn áp?
Cũng trong ngày 18/5, người ta mới biết ông Dương Chí Dũng (Cục trưởng Cục hàng hải – Bộ GTVT) đã bỏ trốn. Dưới thời ông ta, hàng mấy chục triệu đô đã tan biến trong đống phế thải sắt vụn vẫn đang phơi mặt trước thiên hạ. Và hãy nhớ Vinalines đang là nơi gánh nợ cho Vinashin sau khi Vinashin sụp đổ. Giờ thì ai gánh nợ cho Vinalines và cả Vinashin trước đây? Tại sao cứ phải Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì câu chuyện tham nhũng, lãng phí mới được phơi bày? Tại sao cứ phải có đèn xanh bật lên (từ chính quyền) thì người ta mới được vượt đèn đỏ sang bên kia đường dập đám cháy đang bốc ngùn ngụt? Người dân có quyền nghĩ, pháp lụât luôn chỉ được thực thi sau khi chính trị cho phép và cho giới hạn nhất định để hành động? Quá trình cơ quan điều tra làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật không hề ngắn, vậy mà đến khi có lệnh bắt là đối tượng lại bỏ trốn, giống như trường hợp Tổng GĐ tài chính của Vinashin Hồ Ngọc Tùng và Giang Kim Đạt, nguyên trưởng phòng kinh doanh công ty Vận tải viễn dương Vinashin? Mà những kẻ bỏ trốn đều nắm giữ những chứng cứ quan trọng để vụ án có thể minh bạch hơn những sai phạm của các quan chức?  
Hai sự kiện trong ngày thứ 6 tuần qua đã minh chứng quá nhiều cho việc thực thi công lý ở VN là thế nào?
Hãy lần giở chút ít những gì mà các nhà nghiên cứu viết về công lý để hiểu thêm hai chữ thiêng liêng này…
Trong truyền thống pháp luật tự nhiên, công lý được hiểu là đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc nhóm được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người. Đây là khái nhiệm mang tính tổng quát và tuyệt đối, các quy định luật pháp, các nguyên tắc, luật lệ, quy tắc chỉ là những cố gắng hệ thống, hiện thực và cụ thể hoá khái niệm này. Công lý chỉ có thể giành được thông qua chế độ pháp quyền chứ không phải qua sự cai trị của con người. Không có công lý thì sẽ không có những đạo luật khách quan và hệ quả là các cá nhân sẽ lệ thuộc vào kẻ cai trị. Chế độ pháp quyền ở đây được hiểu là là nước phải bị chế ước bởi những quy định đã được ấn định, có đoán định được trước và mọi người đều bị quản lý bởi cùng các đạo luật. 
“Ngày nay, công lý được coi là sự nhận thức đúng đắn và hành động đúng vì chân lí, vì công bằng và lẽ phải, phù hợp với lợi ích chung, với đạo lí của nhân dân, được xã hội và pháp luật thừa nhận
“Pháp luật không chỉ đơn thuần là sản phẩm “độc quyền” của nhà nước mà trước hết phải là sự kết tinh thiêng liêng những giá trị cao quý trong xã hội, dựa trên nền tảng dân chủ, nhân bản, lương tri và đạo lý mà không một ai bác bỏ được để trở thành lẽ phải đương nhiên như tự do, bình đẳng, công lý, công minh. Nhà nước phải thừa nhận và phục tùng lẽ phải và công lý, lấy đó làm thước đo để hướng tới sự phù hợp và hoàn thiện để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự công minh của mình.
“Luật pháp và công lý có mối quan hệ qua lại chặt chẽ. Luật pháp phục vụ công lý nếu nó giúp tạo dựng sự bình yên và bảo vệ các quyền cá nhân của con người bị vi phạm. Tuy nhiên luật pháp cũng có thể tự nó lạm dụng quyền lực để vi phạm các quyền con người hoặc nhằm vi phạm các quyền của bên thứ ba. Một đạo luật được coi là áp dụng một cách công bằng  nếu nó được áp dụng một cách công khai, minh bạch, không thiên vị và nhất quán. Bất công sẽ xảy ra nếu những trường hợp tương tự như nhau không được xử lý bằng một cách thức như nhau. Luật pháp cần xử lý các trường hợp như nhau với cách thức như nhau trừ khi có các tình tiết khác. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng luật pháp và công lý là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất, thậm chí, trong một số xã hội, luật pháp đôi khi đi chệch hướng hoặc đối nghịch với công lý...”*
Và cũng theo bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Tùng thì: “Từ góc độ lịch sử, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các phân đoạn phát triển của công lý trong lịch sử văn minh nhân loại. Theo đó, công lý trong giai đoạn thứ nhất của xã hội sơ khai được thể hiện khá rõ nét bằng sự trả thù cá nhân, bằng luật báo thù, dĩ oán báo oán”.
Xã hội VN mới đang ở thời kỳ sơ khai chăng? Hay chính xác hơn là chính quyền VN vẫn đang ở thời kỳ sơ khai?
Chỉ khi ở một xã hội pháp luật được thực thi theo nguyên tắc vô tư, không thiên vị, công bằng và tuyệt đối thì công lý mới xuất hiện.
Thế thì bao giờ Công lý được nhận hộ chiếu nhập cảnh vào Việt Nam? Hay như dân gian nói vui: “Công Lý là tên của diễn viên hài”…
 
-----------
(*) Tác giả Nguyễn Xuân Tùng: “Bàn về mối quan hệ giữa công lý và pháp luật” – Web Bộ Tư pháp.
 
-----------
(*) Tác giả Nguyễn Xuân Tùng: “Bàn về mối quan hệ giữa công lý và pháp luật” – Web Bộ Tư pháp.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"