Đoan Trang
Lại sắp tới ngày Báo chí (Cách mạng) Việt Nam 21/6 rồi. Năm nào
vào ngày này, sao tôi cũng thấy mệt, chán, bực bội đến thế? À, vâng, có
lẽ chỉ trừ mỗi lúc cầm phong bì tiền, gọi là “giỗ nghề”, là mặt hơi
giãn ra một chút, còn lại thì lúc nào cũng hầm hầm.
Buồn bã mở lại những dòng mình đã viết, thấy “một trời luyến tiếc”.
Ngày 21/6/20yy..: Ở Sài Gòn mấy ngày này, thấy không khí làm báo
nhộn nhịp ghê, bà con phóng viên náo nức chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm
“ngày giỗ của chúng mình”. Tự nhiên ngồi thần mặt: Hình như chưa bao giờ
có một ngày 21/6 nào làm tôi vui, chưa bao giờ.
Ngày 21/6/20zz: Anh biết không, bây giờ em không còn ríu rít nhảy
chân sáo nữa. Có những lúc em muốn buông tất cả, kệ xác tất cả. Thế
giới người ta đã nghĩ sang những vấn đề khác, như bảo vệ môi trường,
truy tìm nguồn gốc con người, sự sống ngoài vũ trụ v.v. mà sao Việt Nam
cứ loay hoay mãi với vấn đề ý thức hệ, mô hình phát triển vậy anh? Sao
em lại phải viết về những chuyện rất hiển nhiên này?
Tôi không hiểu nổi cảm giác của chính mình khi viết hoặc đọc những
bài được/bị đánh giá là “nhạy cảm”. Tôi chỉ luôn muốn tròn mắt: Thế mà
là nhạy cảm ư?
Chưa bao giờ đặt chân tới một nước phương Tây nào, từ tầm hiểu biết
hạn hẹp của mình, tôi nghĩ thế giới đã chuyển mối quan tâm sang những
lĩnh vực, những vấn đề khác Việt Nam từ rất lâu, như xử lý mối quan hệ
giữa con người và môi trường (chống ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài
nguyên), giữa khoa học và thần học, giữa toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân
tộc... Hoặc đi xa hơn nữa, truy tìm nguồn gốc loài người, tìm hiểu tương
lai nhân loại v.v. Báo chí của họ quan tâm đến những điều đã khác chúng
ta quá rồi. Có lẽ các độc giả phương Tây sẽ ngạc nhiên lắm nếu biết một
số nhà báo của chúng ta vẫn còn phải cố công đòi hỏi rằng cơ quan lập
pháp phải độc lập với cơ quan hành pháp, xã hội dân sự phải phát triển
để bớt gánh nặng cho khối Nhà nước; hay là hỉ hả khi tóm được một câu
nói hớ hênh hoặc ngu si của một vị quan chức nào đó (vốn đầy rẫy).
Chắc độc giả phương Tây sẽ sửng sốt khi biết ở một đất nước nhỏ bé
tại Đông Nam Á (đất nước này nhiều khi vẫn còn băn khoăn “mình nhỏ hay
không nhỏ” đấy), có những cuộc “bút chiến” rất gay gắt để khẳng định sự
nguy hại của diễn biến hòa bình (!).
Và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là những chủ đề ấy được/bị coi là
nhạy cảm.
Chuyện gì xảy ra vậy? Tại sao cái cơ thể không biết mình nhỏ hay
không nhỏ này lại có những bộ phận nhạy cảm kỳ lạ thế? Nếu tôi là một
nhà báo nước ngoài đột nhiên bị “thuyên chuyển công tác” tới Việt Nam để
viết bài cho báo Việt Nam, có lẽ sau một vài tháng – mà không, chỉ vài
ngày thôi – tôi sẽ rít lên thế này: “Hey, you. What the hell is going on
here? You make me confused”.
Ngày 21/6/20..: Cách đây hai tháng H. có gửi cho em một trang web
trên mạng, treo giải thưởng cho nhà báo ở các nước đang phát triển viết
về các đề tài dân chủ, nhân quyền, tự do. Em đọc và cười : Họ thật ngu
ngơ, họ tưởng nhà báo ở các nước như Việt Nam có thể viết về các đề tài
ấy hay sao mà trao giải? Và em lục lại thì thấy em không có một bài báo
nào viết về những thứ đó cả. Không hiểu em đang viết cái gì nữa... Em
thích gì việc “ném đá Quốc hội”. Em thích gì việc cổ vũ chủ nghĩa quốc
gia, tinh thần dân tộc. Em muốn hướng tới những giá trị lớn hơn chứ, phổ
quát hơn chứ... đâu phải chuyện hò hét đòi một việc đã quá hiển nhiên
là phải “tam quyền phân lập”, đại biểu Quốc hội phải có năng lực, Nhà
nước trong quan hệ quốc tế phải giữ vững độc lập và chủ quyền dân tộc
(!!!). Em tự thấy em lố bịch vô cùng.
Mỗi lần đọc những cuốn sách khoa học của Simon Singh (nhà báo Anh gốc
Ấn), hay sách kinh tế chính trị của Thomas Friedman (nhà báo Mỹ), tôi
lại thấy trong lòng trào lên một cảm giác hết sức tiểu nhân: ghen ghét.
Không phải những con người ấy viết cái gì cũng hay, không phải ở Việt
Nam không có lấy một học giả, ký giả nào viết nổi như thế. Vậy mà sách
của họ là best-seller, còn ở ta quả thực là không có lấy một tác phẩm
nào bán quá 50.000 bản. À quên, trừ “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” – xin lỗi
vong linh chị Trâm - và “Lê Vân yêu và sống” ra – chúc chị Vân hạnh
phúc!
Không ai viết được như Simon Singh, vâng, nhưng kể cả viết được, sách
có ra sạp được chăng, và kể cả ra được, sẽ có người mua chăng?
Đấy là nói chuyện “nhà báo viết sách”. Còn chuyện nhà báo viết báo
thì… chuyện dài và buồn lắm, thôi không nói đến nữa.
Sếp: Dạo này cô lười đọc báo lắm đấy nhá. Phóng viên gì mà không
chịu đọc báo gì cả.
PV: Vì em chán báo chí lắm. Trăm tờ như một, chán kinh anh ơi.
Sếp: Thôi… cố lên đi em. Cố chờ tới lúc trăm hoa đua nở…
PV: Vì em chán báo chí lắm. Trăm tờ như một, chán kinh anh ơi.
Sếp: Thôi… cố lên đi em. Cố chờ tới lúc trăm hoa đua nở…
Bao giờ mới tới lúc đó hả anh? :-)
Mà lúc đó thì sẽ như thế nào nhỉ?
Tôi vẫn nhớ câu chuyện kể về những nhà báo ở Liên Xô và khối Đông Âu
XHCN. Nhiều người trong số họ mang trái tim nồng nàn yêu nghề, yêu cuộc
sống, yêu nước, dạt dào tinh thần đấu tranh cho dân chủ, “dùng ngòi bút
làm đòn xoay chế độ”. Khi báo chí còn bị kiểm duyệt, họ là những vị “vua
lách”. Những tưởng khi những tấm màn kiểm duyệt sụp đổ, được tự do ngôn
luận, báo chí, họ sẽ thả sức viết, nhưng hóa ra không phải. Họ không
viết được nữa. Dường như khả năng sáng tạo của họ chỉ phát huy mạnh
trong hoàn cảnh bị kiềm chế, đè nén, còn khi được “cởi trói”, nó cạn
kiệt.
Vậy thì, một ngày nào đó khi “trăm hoa đua nở” ở đây, chúng tôi có
còn viết được nữa không? Chúng tôi có rơi vào tình trạng của những nhà
báo đó không?
Trong thâm tâm, tôi không tin chúng tôi sẽ chịu tấn bi kịch ấy. Và
thỉnh thoảng tôi vẫn tưởng tượng, rằng nếu ngày đó đến, nếu còn có ngày
mai, chúng tôi sẽ viết về cái gì nhỉ?
Thì chúng tôi sẽ viết về các vấn đề môi trường. Làm thế nào để phát
triển nguồn năng lượng mới, hạn chế việc sử dụng những nguồn năng lượng
có thể gây ô nhiễm môi trường. Làm thế nào để phát triển kinh tế mà
không phải trả cái giá quá đắt về môi trường.
Thì chúng tôi sẽ viết về giáo dục. Tôi vẫn tin rằng nền giáo dục căn
bản của chúng ta đã hỏng rồi, và người Việt – ít nhất là thế hệ tôi –
không có kiến thức căn bản về tất cả các lĩnh vực. Một ngày nào đó, báo
chí sẽ phải đứng cùng với giáo dục trong việc trám lại những lỗ hổng vì
“mất căn bản” này. Bạn đừng nghĩ chúng tôi “vơ vào”, “nhà báo thì biết
cái gì mà đòi dạy thiên hạ”. Không, tôi nghĩ báo chí là lực lượng phù
hợp hơn cả để đơn giản hóa những kiến thức khó hiểu từ các chuyên gia,
giúp công chúng hấp thu một cách tốt nhất.
Thì chúng tôi sẽ viết về y tế, chăm sóc sức khỏe, di truyền học, công
nghệ sinh học...
Thì tôi sẽ viết về nghệ thuật hoặc cái gì đó liên quan tới nghệ
thuật. Tôi đã từng thích tuồng và mê chơi guitar lắm mà.
Ngày đó sẽ như thế nào nhỉ?
Tồi tệ nhất, thảm họa nhất thì ngày đó là khi những người từng viết
bài “chống bá quyền” bị treo bút, tống giam, truy tố về việc “phá hoại
tình hữu nghị quốc tế”, hay “chống chính quyền trung ương”. Nói cách
khác đó là khi Việt Nam và anh bạn láng giềng mà ai cũng biết là ai đấy
đã “hội nhập” tới mức tinh thần dân tộc, tinh thần quốc gia bị xem là
chủ nghĩa địa phương cục bộ, còn đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì là hành
động phạm pháp. Tuy nhiên tôi không tin vào cái kịch bản này. Ai lại
thế, hẹ hẹ. Càng toàn cầu hóa thì tinh thần dân tộc, chủ nghĩa quốc gia
càng mạnh chứ.
Đẹp đẽ nhất thì đó là ngày mà độc giả Việt Nam có thể mừng vui vì tàu
vũ trụ Thăng Long đã hoàn thành nhiệm vụ trên trạm không gian quốc tế,
hay ngày mà tin “cứu sống con sao la ở rừng Cúc Phương” lên tin nổi bật
của nhiều tờ báo.
Và nếu như đã toàn cầu hóa đến mức này rồi thì hay nhỉ? “Tối 21/6,
tại Nhà hát Broadway có vở… Tại rạp Hồng Hà có tuồng Tam Nữ đồ vương,
hiện giờ vé đã được bán hết”.
Nói chung, đúng là tưởng tượng không bị đánh thuế! Nhưng dù sao cũng
chẳng nên mơ màng quá kẻo lại rơi cái bịch xuống đất.
À, mà tôi nhớ ra rồi. Khi ngày đó tới, có khi tôi sẽ trở thành một
“phóng viên thần học”, “phóng viên tâm linh” gì đấy cũng nên. Vì câu hỏi
mà tôi đã băn khoăn suốt từ những năm còn bé xíu đến nay là: Có ma hay
không? (Nói một cách khoa học là: Có sự sống sau khi chết hay không?).
Chắc là tôi sẽ viết bài về vấn đề này, cố công tìm hiểu xem chuyện ma
quỷ, kiếp sau… là có thật hay không có thật. Bởi vì tôi ghét tất cả
những gì làm con người sợ hãi; giá có thể góp một phần nhỏ như hạt cát
vào việc giải đáp những câu hỏi không lời đáp ấy thì hay quá. Hơn nữa,
viết về các vấn đề ấy chẳng hay hơn là ra sức chứng minh Quốc hội phải
độc lập với Chính phủ sao?