Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Thư ông Lê Hiếu Đằng

TP Hồ Chí Minh, ngày 30-04-2012
Kính gởi: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
và Ban Biên tập trang mạng Bauxite Việt Nam
Trong những ngày này, tiếng súng, tiếng lựu đạn cay và khung cảnh khói lửa mù mịt trong cuộc đàn áp dã man của hàng ngàn công an, cảnh sát đối với đồng bào ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã ám ảnh tôi và biết bao người, làm tôi không ngủ được. Có cái gì cay đắng, chua chát làm nghẹn lòng ta. Cuộc đàn áp trên quy mô lớn lại xảy ra ở ngay “Miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, trước đây là một vùng đất hứa mà anh em chúng tôi trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn – GiaĐịnh và các thành thị Miền Nam trước năm 1975 nhìn về và hi vọng, là một trong những động lực thúc đẩy chúng tôi vượt qua lửa đạn, nhà tù, chết chóc…Nhưng chúng tôi biết rằng không phaỉ chỉ đồng bào ở Văn Giang, Hưng Yên mà còn có cả đồng bào ở ngoại thành Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ở miền Trung, Miền Nam… bị cướp mất đất, mất nhà lang thang, lếch thếch ra Trung ương, về TP Hồ Chí Minhkhiếu kiện dài ngày, trong đó có cả những gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ đã từng đổ xương máu, đã từng nuôi dưỡng, chứa chấp chúng tôi và những người hoạt động cách mạng, nhờ đómới có một Viêt Nam thống nhất ngày nay. Mỗi lần 30 tháng Tư đến, như cố Thũ tướng Võ Văn Kiệt nói,có một triệu người vui thì một triệu người buồn. Nhưng năm nay tôi tin rằng các sự kiện đau lòng xảy ra cho đồng bào ta ở mọi miền đất nước mà nổi bật là sự kiện Đoàn Văn Vươnở Tiên Lãng – Hải Phòng, sự kiện ở Văn Giang, Hưng Yên…làm cho nhiều người Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại buồn hơn là vui. Tôi trằn trọc không ngủ được và có gì thúc đẩy tôi bật dậy viết thư này cho Giáo sư và Ban Biên tập trang mạng Bauxite Việt Nam, trang mạng tiêu biểu cho tiếng nói trung thực, bất khuất hiện nay của nhân sĩ, trí thức và đồng bào Việt Nam để đề nghị Giáo sư và Ban Biên tậpcho đăng hai bài thơ nổi tiếng, là tiếng kêu xung trận của phong trào sinh viên học sinh và đồng bào các thành thị miềnnam hồi ấy (trước 1975). Một bài của Thiết Sử (Thư gởi các bạn sinh viên), một bài của Trần Quang Long (Thưa  Mẹ trái tim). Cả hai đều là bạn nối khố của tôi, đã từng lang thang trên các phố phường Đà Nẳng, Huế, Sài Gòn…để mơ mộng về một xã hội tốt đẹp, công bằng và tiến bộ sau ngày Việt Nam độc lập, thống nhất như nhạc sĩ Văn Cao đã vui mừng viết trong bài hát Mùa xuân đầu tiên sau 1975:
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từđây người biết yêu người
Hai bài thơ hồi ấy nhưng só phận hai tác giả khác nhau.
Thiết Sử tên thật là Phan Chánh Dinh, làm thơ lấy bút hiệu là Phan Duy Nhân, mà đã có một thời nhiều bạn trẻ và bản thân tôi mê thơ anh. Tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Miền Trung các năm 1964, 1965, 1966, 1967, bị đánh gãy chân và bị bắt đày đi Côn Đảo. Sau 1975 làmPhó Ban Dân vận tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, quyền Trưởng Ban Tôn giáo chính phủ với cái tên Nguyễn Chính. Còn Trần Quang Long, bút hiệu là Thảo Nguyên, tham gia phong trào đấu tranh của nhân dân Huế, Qui Nhơn, Sài Gòn cũng bị đánh gãy chân, bị bắt, bị giam ở Kontum. Sau đợt 1 Xuân Mậu Thân 1968, ra chiến khu tham gia Liên minh các lực lượng Dân tộc, dân chủvà hòa bình Việt Nam (thành lập ngày 20-4-1968) và đã hi sinh trong cuộc ném bom của F105 Mỹ tại căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ươngCục Miền Nam (B9)cùng nhà báo Trần Triệu Luật vào ngày 11-10-1968.
Đọc lại hai bài thơ này để nhắc nhở chúng tarằng cuộc kháng chiến trước năm 1975 không phải là cuộc đấu tranh cuối cùng mà cuộc đấu tranh ngày nay vẫn phải tiếp tục vì một nước Việt nam thật sự “Độc lập,Tự do, Hạnh phúc”, vì một xã hội mới dân chủ, công bằng và tiến bộ, hòa mình vào dòng chảy chung hiện nay trên thế giới.
Xin gởi đến Giáo sưvà Ban Biên tậplời chào doàn kết và trân trọng của những người “cùng đi một đường”.
Thân,
Lê Hiếu Đằng
Thiết Sử
Thư gởi các bạn sinh viên
Nỗi căm hờn sôi trong lòng tuổi trẻ
trong mắt anh, trong tiếng chị kêu gào
trong vỗ tay cười trước nỗi thương đau
ta bừng giận sóng xô trời biển dậy
ta đã khát trăm năm rồi cổ cháy
vì kêu la trên nỗi chết không rời
những anh hùng tuổi trẻ Việt Nam ơi
ba mươi triệu con người đang muốn nói
ta đã thức bảy ngàn đêm hủy hoại
bảy ngàn đêm người chẳng nhận ra người
bảy ngàn đêm mong đợi một ban ngày
đang đến, hoặc không bao giờ đến nữa
đồng bào ơi, biết bao giờ được thở
được cùng nhau vui xã hội công bằng
được nhìn nhau không hổ thẹn trong lòng
khi quê mẹ hết giày ai dẫm nát
con cái ra đời làm dân độc lập
đến con trâu cũng nghé ngọ yêu người
ta đứng lên thề chẳng đội chung trời
điểm từng mặt, vạch từng tên mỗi đứa
bán nước cầu vinh tiếng cười nghiêng ngửa
chúng muốn xô ta vào phận tôi đòi
xin hỏi anh em ba mươi mấy triệu người
ai chẳng biết vuốt nanh cùng bọn chúng
nước mắt con ơi mẹ gào lạc giọng
run tay em gái nhỏ mắt van nài
xin giữ cho em nguyên vẹn nụ cười
những sớm mai thơm trên đồng lúa rộng
vụt tay gầu cao hát Việt Nam ơi
những phố phường anh chị, xóm làng tôi
cùng tha thiết đua xây đời sống lại
ta vuốt mặt, trời ơi nhìn hiện tại
những thôn hiền dẫy dụa dưới mưa bom
đêm oan khiên ôi mẹ thét đen ngòm
máu vô tội sôi trào trên mặt đá
gió rét căm căm, trời tháng hạ
mẹ bốn mùa mưa nước mắt chan cơm
nghẹn nhục nhằn đã ngót một trăm năm
nghe tiếng đạn gầm trong tim nỗi hận
em gái phố phường son môi áo lượn
quán rượu cười nghiêng  ngả tối truy hoan
những mắt người đã vẩn đục lòng tham
những linh hồn tanh hôi mùi xác thịt
lớn lên rồi say nô mùi chém giết
mùi cao sang: ôi sữa cặn, bơ thừa.
cả giống nòi ta rên siết từng giờ
đau ngút núi oán đầy sông chẳng hết
ta đứng dậy ở bên bờ cõi chết
cứu nhau thôi anh chị bạn bè ơi,
cám dỗ, gian nguy: tất cả hẹn nơi người
đang quật khởi mắt hoe dòng lệ máu
độc lập, hòa bình, công bằng, nhân đạo,
mắt em thơ hớn hở nụ cười tròn
mẹ đầu làng tóc đã trắng như bông
bay phất phơ vui theo làn gió đợi,
hết khổ đau rồi ân tình ấm lại
bảy ngàn đêm đã đứt, một ngày qua
ngày hội loài người ca ngợi dân ta
nòi giống Việt thương yêu đời sống Việt
triệu con người vươn lên từ cõi chết
yêu anh em, yêu xã hội công bằng
người yêu người xây dựng tới muôn năm
Trần Quang Long
Thưa Mẹ, trái tim
Thưa  Mẹ,
Năm nay con hai mươi lăm tuổi đầu
Công danh gì chẳng có
Cuộc sống lại cơ cầu
Bữa đói bữa no cậy nhờ bè bạn
Lây lất chẳng ra sao
Mai mốt trát đòi con vào Thủ Đức
Chắc gì  Mẹ gặp con đâu
Anh cả, anh Hai, chú Cường, chú Phúc
Người chết triền đồi, người chết lũng sâu
Chỉ còn tờ điện tín xanh lạnh lùng để lại
Bây giờ con sống đây bên những người đã chết
Bên những người đang chết
Cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen
Con mang máng thấy mình còn sống
Khi ngồi âm thầm đếm nhịp trái tim
Và con đếm nhịp trái tim
Trong cơn hấp hối
Những nhịp im lìm như móng chân rắn mối
Bước vào trong nỗi ăn năn
Những nhịp băn khoăn
Như những lá rơi tình đầu chờ đợi
Những nhịp giận dỗi
Thuở con thơ đòi mẹ bế bồng
Những nhịp ngoan hiền như gió thoảng bờ sông
Căn nhà mình, mẹ con cơm cá
Và con rùng mình những âm thanh lạ
Xoáy tròn trong mỗi thớ tim
Con nghe tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm
Quờ quạng xác con trong căn nhà gạch vụn
Oanh tạc vùng tình nghi
Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya
Từng tràng cười ré lên như địa ngục
Những tiếng cười xen vào tiếng nấc
Thằng bé con lượm mẩu bánh mỳ rơi
Con nghe tiếng cười quằn quại kêu la
Những tràng súng vô nhân giữa lòng đô thị
Bắn chết trẻ em, ông lão, bà già
Rồi “bồi thường xứng đáng”
Câu chuyện sẽ dần qua
Con nghe giữa phố phường
Lựu đạn cay và đá, chai độc thoại
Máu đổ rồi sẽ thấy mặt anh em.
Con đang nghe trái tim
Nổ tung từng mảnh vụn
Máu từng dòng im lìm
Máu từng dòng phẫn nộ
Trên bàn tay con đó
trên giải đất khô cằn
trên mặt mày khốn khổ
trên cuộc sống lầm than
Mẹ ơi, con của Mẹ
Chỉ còn có trái tim
Sẽ sống nhờ trái tim
Sẽ chết nhờ trái tim
Là tâm hồn con đó
Là vần thơ con đây
Bài học i tờ ngày xưa  Mẹ dạy
Con viết thành lời đắng cay
Dòng máu anh hùng cha con kháng Pháp
Con luyện thành lời hăng say
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước
Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai
Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện trọn đời
Dùng chính quả tim mình thành trái phá
Sống chết một lần thôi
Con sẽ chết như những người đã chết
Và những người đang chết.
Nhưng trái tim con
Sẽ đời đời bất diệt
Dầu đã nổ tan tành
Dầu đã khô máu hết
Vì Mẹ ơi, con biết
Trái tim con là thơ
Trái tim con là rừng, là núi
Là lúa ngô, là cam, là bưởi
Là quá khứ, là tương lai
Là khổ đau, là hạnh phúc
Là đấu tranh, là bất khuất
Trái tim là của con người
Viết lịch sử mình trên mặt đất
Bằng từng nét máu thắm tươi

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"