Đào Tuấn
Nghe tin cụ rùa “hồi sắc xuân hoàn hảo” chỉ thấy lo. Lo vì nhỡ đâu lại có đứa thối mồm bảo bộ vó quắp gươm của cụ giá cả tỷ bạc.
Sự kiện thời sự nóng nhất tuần rồi chính là chuyện lâm tặc tay dao
tay súng hỗn chiến chém giết cướp gỗ sưa ở Quảng Bình. Những bản tin về
số phận 3 cây sưa, thực ra là số phận những con người xung quanh 3 cây
sưa, được đăng tải dày đặc trên báo. Nào là “Náo loạn đạp rừng băng suối
tìm sưa”. Nào là “Xông vào nhà cướp gỗ sưa giữa ban ngày”. Rồi thì “Giang hồ hỗn chiến giành sưa ngàn tỷ”. Và bây giờ là “Phát hiện súng và xác chết trong rừng”.
Thế này thì đúng là luật rừng thật rồi.
So với vài năm trước, lâm tặc giờ táo tợn và manh động hơn nhiều bởi
từ chuyện vác cưa đi trộm giờ đã là vác súng đi cướp. Từ chuyện buộc
cửa, dọa nạt người dân giờ lâm tặc ngang nhiên xông vào nhà dân dí dao
giữa ban ngày ban mặt. Đổ máu vì sưa. Mất mạng vì sưa. Nhưng nói thế thì
oan cho sưa bởi đến giờ cũng chẳng ai biết vì sao người ta lại mua gỗ
sưa với cái giá không ít người giật mình: Hàng chục tỷ đồng cho một m3.
Chuyện con người đối xử với nhau như những con thú đúng hơn phải là vì
tiền.
Nhưng bản tin người dân chờ mãi giờ mới mang máng có. Đó là tin “Lộ diện quan chức nghi liên quan vụ gỗ sưa trăm tỷ". Một hạt phó “được”
nghỉ phép ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Một hạt trưởng và một hạt
phó khác vẫn cho đi làm nhưng không được tham gia đánh án, cũng như các
cuộc họp mang tính chất bí mật liên quan vụ 3 cây sưa. Nói trắng ra là
những người này ít nhiều liên quan đến việc “ngủ quên” cho 8
xe, hơn 100 gùi hỗ sưa lọt trạm Trộ Mơợng mấy hôm trước. Thậm chí, ngay
cả khi cơ quan chức năng vào rừng kiểm tra, một ông phó được giao “chốt vòng ngoài”
đã để cho lâm tặc gùi sưa đi lọt. Những gì ông nhận lại không ai hay
biết. Cũng may còn sờ sờ ra đó một khúc gỗ sưa đường kính 20cm, dài
chừng 0,7m, nặng gần 15kg, với giá ước 200 triệu đồng. Sau này, bị truy
dồn quá thì ông chối: “Anh Tám gùi ra, thấy mình, anh chặt cho một khúc, đang định làm cái tượng bỏ trên xe cho vui”.
Ô hay, sao lại có thể có chuyện vui hay không vui với việc nhận lại một phần ăn cướp từ rừng!
Phong Nha là vựa gỗ sưa. Sau vụ 3 cây sưa, dư luận vỡ lẽ ra rất
nhiều điều. Chẳng hạn như từ hàng chục năm nay, liên tục, Quảng Bình có
hẳn nghề săn sưa. Hay từ Phong Nha, ra vào chỉ có vài con đường độc đạo,
đường nào cũng cắm chốt kiểm lâm 24/24. Nếu kiểm lâm không ngủ quên đảm
bảo chỉ có cánh gỗ mới có thể ra khỏi rừng.
Ấy thế mà ngay khi kiểm lâm bắt được vài mẩu gỗ, ông Chủ tịch Quảng Bình lập tức "thưởng nóng".
Không biết thưởng là vì những ngành kiểm lâm Quảng Bình đã có thành
tích biến cây sống thành cây chết? Hay là vì sự tưởng thưởng những người
này đã không mang nốt cả mấy mẩu "hài cốt" loại đe (gốc) "làm cái tượng bỏ xe cho vui"!
Nhớ hồi cuối năm ngoái, vụ lật xe nghiêm trọng khiến 10 “phu gỗ”
chết thảm ở Nghệ An đã phơi bày một sự thật: Chính các kiểm lâm vườn
quốc gia Pù Huống đóng vai trò lâm tặc khi ăn cắp gỗ từ khu bảo tồn
thiên nhiên mà họ được giao bảo vệ. Những nghiên cứu của Forest, một tổ
chức quốc tế phi lợi nhuận đã xác tín cho điều này: Có tới 23 cán bộ,
các loại, của đủ các “cơ quan chức năng” khác nhau tham gia vào
chuỗi đường đi của gỗ lậu. Với tỷ lệ ăn chia là 39% trên tổng giá trị
khai thác trái phép, buôn lậu. Con số 23 đang thể hiện một sự thật là ở
nhiều địa phương, từ chính quyền đến “cơ quan chức năng”, trong
đó có chính lực lượng kiểm lâm, thực ra cũng là một loại lâm tặc. Và đó
là lâm tặc có quyền, lâm tặc ăn lương nhà nước. Thế cho nên chuyện cây
sưa bỗng nhiên sừng sừng sống nhăn răng giữa rừng quốc gia mới đáng coi
là chuyện lạ.
Thế rút cục thì ai là người có nhiệm vệ bảo vệ rừng?
Đặt ra câu hỏi này, thật là không phải khi nhắc đến chuyện “bốc mả”
con tê giác một sừng. Tháng trước báo chí hân hoan đưa tin các nhà khoa
học của Viện Sinh học Tây nguyên đã phục dựng thành công bộ xương tê
giác Java một sừng. Thật tình cờ và thật bất ngờ, đây chính là bộ xương
của con tê giác cuối cùng đã bị tiệt chủng năm ngoái. Thứ ba ngày 25- 10
năm ngoái được coi là cái “mốc” đánh dấu một sự kiện bi thảm.
Sự tuyệt chủng loài tê giác Java một sừng. Hôm ấy, những nhân viên Quỹ
Quốc tế bảo tồn thiên nhiên đã mặc đồng phục in dòng chữ “Tê giác Java
tuyệt chủng ở Việt Nam năm 2010. Ra đi nhưng không bị quên lãng” khi
công bố thông tin Việt Nam đã mất con tê giác cuối cùng. Hôm đó, cũng
một câu hỏi đã được đặt ra, cần thiết nhưng cũ rích “Trách nhiệm thuộc về ai?”.
Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu đã từ chối trả lời câu hỏi. Cũng
không thấy nói Giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên Trần Văn Thành trả lời
sao. Đành tự an ủi rằng ông có thú vui tao nhã là chờ “những con thú cuối cùng” bị bắn chết để phục dựng bộ xương.
Còn trách nhiệm là cái gì đó không thuộc trách nhiệm của những người giữ rừng. Trách nhiệm có lẽ tại “lương tâm lâm tặc”, hoặc tại chính con tê giác ngu ngốc chót sinh nhầm ở Việt Nam!
Câu chuyện con tê giác cuối cùng năm ngoái cho thấy một khía cạnh mà
mãi đến tháng trước mới được thừa nhận trên bình diện quốc tế: Sự
chuyên nghiệp và trình độ thượng thừa tầm cỡ thế giới của lâm tặc người
Việt. Hẳn nhiều người tròn mắt khi đọc tin của hãng Bloomerg về việc
Chính phủ Nam Phi ra lệnh cấm người Việt Nam săn tê giác. Tại sao lại là
người Việt? Và có liên quan gì đến vụ Bộ Ngoại giao phải triệu hồi bà
Vũ Mộc Anh về nước khi chót bị truyền hình Nam Phi ghi hình đang giao
dịch sừng tê giác. Thật thú vị khi gần 60% số đơn xin săn tê giác ở Nam
Phi từ năm 2010 đến nay là của người Việt. Chưa kể đến tình trạng mà Bà
Bộ trưởng Bộ Các vấn đề môi trường và nguồn nước Nam Phi “ca ngợi”: “Phần lớn những người đi săn trái phép bị chúng tôi bắt giữ là đến từ Việt Nam”.
Chắc chắn là từ bây giờ trẻ con sẽ được dạy rằng: Ngày xưa có một
loại cây gọi là cây sưa. Và cũng rất khó để chúng hình dung về con tê
giác khi nhìn bộ xương, mà rất nhiều bộ phận đã mất được chế bằng
composit.
Bởi vậy, nghe tin cụ rùa “hồi sắc xuân hoàn hảo” vừa mừng lại vừa
lo. Mừng vì đến giờ con cháu vẫn còn được biết một cụ rùa không phải
tiêu bản. Lo vì nhỡ đâu lại có đứa thối mồm bảo bộ vó quắp gươm của cụ
giá cả tỷ bạc.