Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Tại sao truyền thông lại lệch chuẩn?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2012-05-21
Ngày 18 tháng 5 vụ côn đồ giả danh thương binh tấn công thư viện của Viện Hán Nôm chưa hết lời bàn tán của dư luận thì nổi lên bài báo trên Quân Đội Nhân Dân và Cựu Chiến Binh hâm nóng thêm sự kiện này dưới một ý nghĩa khác.
xd1.jpg
Ảnh: Blog Phạm Viết Đào
TS Nguyễn Xuân Diện (đứng ngoài cùng bên phải ảnh) cùng nhiều bạn bè tại phòng làm việc.
Vụ một nhóm côn đồ mượn danh thương binh xông vào thư viện Viện Hán Nôm hành hung nhân viên tại đây, đập phá vật dụng của Viện và tìm TS Nguyễn Xuận Diện với lời lẽ hăm dọa rất khiếm nhã đang là đề tài khiến dư luận nổi giận cực độ bởi trước hết nhìn bất cứ khía cạnh nào đi nữa, thì sự việc cho thấy nhiều góc khuất của chính quyền, công an cũng như các cơ quan chức năng khác của Hà Nội .

Căn cứ pháp lý

Không thể có một lập luận nào khác để biện minh cho hành động xem thường pháp luật đến tận cùng như vụ thương binh vào một cơ quan văn hóa quan trọng nhất Việt Nam để hăm dọa, hành hung bằng miệng, đánh nhân viên của viện và buộc TS Nguyễn Xuân Diện phải ngưng không được viết Blog, phải lột bỏ bức thư với chữ ký của nhiều trí thức gửi cho Nhật Bản yêu cầu ngưng việc cho vay xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cũng như đòi tịch thu máy tính của ông Diện.
Trước nhất, hành vi xâm nhập một cơ quan chính phủ dưới hình thức bạo lực được mặc định tại tất cả các quốc gia trên thế giới là hành động phạm pháp. Hành động này sẽ ngay lập tức bị khống chế bởi cơ quan công lực bất kể nhân thân của kẻ xâm phạm này là ai.
Hai nữa, nhóm côn đồ buộc một công dân phải thi hành ý định riêng của họ giữa chốn công quyền phải được xem là hành vi cố ý vi phạm thân thể, tài sản và tự do phát biểu của người khác mà hiến pháp đã quy định.
Trước nhất, hành vi xâm nhập một cơ quan chính phủ dưới hình thức bạo lực được mặc định tại tất cả các quốc gia trên thế giới là hành động phạm pháp. Hành động này sẽ ngay lập tức bị khống chế bởi cơ quan công lực bất kể nhân thân của kẻ xâm phạm này là ai.
Sau nữa, khi công dân bên ngoài cùng lúc với Viện Hán Nôm kêu cứu bằng cách nhiều lần gọi cho cảnh sát 113, công an phường, chính quyền Hà Nội nhưng tất cả đều không được nghe và can thiệp kịp thời nói lên sự tắc trách của các nơi nhận được lời kêu cứu đó. Những cơ quan này phải chịu trách nhiệm nếu TS Nguyễn Xuân Diện nộp đơn khiếu nại quyền công dân và sự an toàn thân thể của ông không được nhà nước bảo vệ hay cố tình không bảo vệ.

Tại sao cơ quan công vụ làm ngơ?

Bà Lê Hiền Đức nhân chứng về những cuộc gọi cho công an phường Trung Liệt cho biết:
Tôi nghe thấy thông tin là TS Nguyễn Xuân Diện đang bị bọn giả danh thương binh đến Viện Hán Nôm hành hung thì việc đầu tiên là tôi nhấc máy gọi cho công an phường Trung Liệt. Tôi bảo ở 183 đường Đặng Tiến Đông có một vụ lộn xộn tôi đề nghị với chức năng của các anh phải đến ngay. Một cậu trực ban của công an phường Trung Liệt cho biết sẽ báo cáo. Tôi gọi xe taxi đi luôn, đang ngồi trên xe tôi sốt ruột lại gọi cho công an Trung Liệt thì anh trực ban bảo là công an đang trên đường đến Viện Hán Nôm rồi.
Tuy nhiên sự thật cho thấy từ lúc 9 giờ khi nhận được yêu cầu của bà Lê Hiền Đức mãi đến sau 11 giờ tức là hai tiếng sau khi vụ việc đã xong thì công an mới xuất hiện.
Một ngày sau khi sự việc xảy ra, nhà nước, hay ít ra là cơ quan truyền thông của nhà nước không nhìn vấn đề dưới khía cạnh pháp lý ấy mà đưa ra những bài viết gọi là “điều tra” để bóp méo sự thật.
Ngày 19 tháng 5 hai tờ Quân Đội Nhân Dân và Cựu Chiến Binh ghi lại câu chuyện với nội dung hoàn toàn khác. Trong bài viết “Ủng hộ chính sách của Nhà nước, một thương binh nặng bị hành hung” tác giả Hoàng Linh của tờ Cựu Chiến Binh đã đánh bóng nhân vật gây án khi xem họ là những thương binh có công rất lớn đối với đất nước do đó việc họ tới Thư viện Viện Hán nôm để buộc TS Nguyễn Xuân Diện bỏ những bài viết trên trang blog của ông là hành vi chính đáng. Tuy nhiên Giáo sư Ngô Đức Thọ người chứng kiến từ đầu tại hiện trường cho biết sự thật về nhân thân những côn đồ đội lốt này:
Mấy anh này được người ta thuê đến bởi bản thân họ không biết “bờ lốc bờ leo” là cái gì cả, còn nói nhầm là “cờ nốc” và như anh biết muốn xem được trang blog của Nguyễn Xuân Diện, Ba Sàm thì phải biết vượt tường lửa, anonym thì mới vào được. Bọn này là bọn được người ta thuê mà thuê rẻ mạt chứ không đắt đỏ gì đâu.
» GS. Ngô Đức Thọ
Mấy anh này được người ta thuê đến bởi bản thân họ không biết “bờ lốc bờ leo” là cái gì cả, còn nói nhầm là “cờ nốc” và như anh biết muốn xem được trang blog của Nguyễn Xuân Diện, Ba Sàm thì phải biết vượt tường lửa, anonym thì mới vào được. Bọn này là bọn được người ta thuê mà thuê rẻ mạt chứ không đắt đỏ gì đâu. Một hai trăm nghìn và vài chầu bia là xong.

Sự thật bị bóp méo

Báo Cựu Chiến Binh đã có dấu hiệu mớm những lời khai một chiều cho ông Chu Vinh Quang để hàm ý cho rằng TS Nguyễn Xuân Diện và cán bộ trong viện Hán Nôm cần phải được xem xét theo đúng pháp luật.
Một đoạn trong bài báo viết theo lời kể của đương sự “Tôi vừa đi ra ngoài thì có 2 người đàn ông giữ 2 tay tôi lại để một cô gái tát và đánh vào đầu tôi”, ông Quang nói. Vốn là một thương binh nặng, đã từng bị chấn thương sọ não nên sau khi bị hành hung ông Quang đã bị choáng và ngã lăn ra đất. Lúc này mọi người ở trong phòng mới chạy ra và ngăn không cho nhóm đối tượng kia tiếp tục hành hung ông Quang.”
Lời khai này có phù hợp với hơn ba mươi nhân chứng tại hiện trường lúc đó hay không? Qua tìm hiểu của chúng tôi người đến sớm nhất khi vụ việc xảy ra là Giáo sư Ngô Đức Thọ, ông cho biết:
Mọi người có mặt và chứng kiến mấy ông ấy đi ra thì mọi người đều im lìm không hề có một câu nói nào to cả chứ đừng nói đến chuyện xô xát vậy mà nói có một ông thương binh bị đánh, bị tát vào đầu vào mặt thì đó là hoàn toàn vu cáo một cách không thể tưởng tượng được, vượt ra ngoài chuyện bỉ ổi.
» Giáo sư Ngô Đức Thọ
Mọi người có mặt và chứng kiến mấy ông ấy đi ra thì mọi người đều im lìm không hề có một câu nói nào to cả chứ đừng nói đến chuyện xô xát vậy mà nói có một ông thương binh bị đánh, bị tát vào đầu vào mặt thì đó là hoàn toàn vu cáo một cách không thể tưởng tượng được, vượt ra ngoài chuyện bỉ ổi.
Báo Cựu Chiến Binh bịa ra vụ việc ấy. Xin nói lại một lần nữa tôi là người chứng kiến. Tất cả bạn bè đều không những chụp ảnh mà còn quay phim thì chuyện vu cáo đó trên báo Quân đội Nhân dân thì nay đã bị lấy xuống rồi, chỉ cón trên báo Cựu chiến binh tôi xin một lần nữa thưa với bà con khắp nơi đây là hoàn toàn vu cáo vì không có một sự việc nào xảy ra như vậy và đó là vu cáo hoàn toàn.
Người thứ hai là bà Lê Hiền Đức có cùng khẳng định:
Không hề! tôi khẳng định với anh 100% là không có. Toàn người lớn cả không ai đánh cả.

Người trong cuộc lên tiếng

Một nhân viên của Viện Hán Nôm trả lời với chúng tôi ngay trong lúc những côn đồ giả dạng thương binh la hét trong phòng TS Nguyễn Xuân Diện như sau:
Khoảng 8 giờ rưỡi hay 9 giờ kém 15, xe chở thương binh tới đổ ngổn ngang trước cổng Thư viện của Viện Hán Nôm. Thương binh đã xông vào đánh một cô bé đang làm việc trong Viện vì cô này bảo rằng đây là thư viện, không được vào...thế nọ thế kia… Cô ấy chỉ nói thế thôi chứ không có vấn đề gì cả thế là họ bảo cô ấy là láo, xông vào đánh cô ấy.
Lúc ấy em đi xuống nhà có người hỏi là TS Diện ở đâu. Em xuống nhà và thấy có mấy người nữa là thương binh xông thẳng vào, họ chửi ỏm tỏi lên là “phản đảng, phản đảng” Em có cảm giác là không bình thường thì em chạy lên. Lúc ấy thương binh họ xông thẳng lên tầng ba em nghe thấy trên ấy vẫn ầm ĩ tiếng bàn ghế. Em không dám lên vì lúc nãy bọn ấy còn xông vào đánh bọn em mà. Khoảng bảy tám người gì đấy hoặc hơn nữa, em không rõ lắm nhưng toàn là những người trông hùng hổ, sợ lắm, bọn em còn run mà.
Bọn em đã báo công an rồi nhưng không biết công an tới chưa, hình như là có rồi em không biết rõ lắm, em không dám ra vì lúc nãy họ đe tao trông thấy mặt mày thì lần sau tao tới tận nhà chúng mày.
Trong bài báo, tác giả Hoàng Linh đưa ra những hình ảnh ngụy tạo để người đọc thấy rằng chị Thư là người đã đánh ông Quang với cách viết như sau "Theo điều tra ban đầu của công an thì trong khi các thương binh đang làm việc với ông Diện trong phòng thì đã có một số người tụ tập ở cửa phòng. Người trực tiếp hành hung ông Quang là chị Thư, một cán bộ của Viện. Tuy nhiên ngay sau đó thì chị Thư đã bỏ trốn nên cơ quan công an vẫn chưa thể lấy lời khai của chị Thư.”
Chị Thư, người mà báo Cựu Chiến Binh cho rằng đập vào đầu ông Quang và đã bỏ trốn cho biết:
Tôi tuyệt đối không cầm vật gì đập vào đầu ông Quang hết. Ban đầu khi xung đột xảy ra thì ông Quang xông vào tát tôi và tôi có giơ tay lên đỡ lại nhưng sự va chạm nó rất nhỏ và mọi người đã chạy vào can thiệp và sau đó tôi bị đuổi ra. Từ đó chỉ có ông Quang đuổi tôi và ném đồ vật vào tôi chứ tôi không có đập ông ấy gì cả.

Hệ quả biết trước

Một dẫn chứng méo mó và ác ý như báo Cựu Chiến Binh đưa ra chỉ có thể hiểu là tờ báo này đang sử dụng chức năng truyền thông để tiếp tay che đậy hành vi phạm tội của những côn đồ có mặt tại hiện trường. Nguy hiểm hơn nữa việc này cho thấy những kẻ đứng phía sau vẫn cương quyết sử dụng những gì trong tay đang có nhằm kéo dư luận dễ dãi và thiếu thông tin về phía mình.
Ông Nguyễn Xuân Diện, nạn nhân chính trong vụ này nói về bài báo ấy:
Bài báo đó sẽ không có chỗ đứng vì bản thân những video clip và hình chụp được do những người bạn của tôi chụp được đã nói lên tất cả. Nếu mà làm báo như thế thì có thể lừa một số người nhẹ dạ cả tin nhưng trước thời đại thông tin ngày nay thì những việc làm đó sớm muộn gì cũng bị tẩy chay bởi vì báo chí đích thực phải nêu đúng sự thực rõ sự thực và khách quan.
Tôi nghĩ rằng đối với một cơ quan như Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, là một trung tâm lớn nhất cả nước và vần đề lưu trữ các tài liệu cổ liên quan đến văn hiến của dân tộc Việt Nam và đặc biệt nó có tài liệu cổ để khẳng định chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường sa mà có sự xâm hại như vậy thì rất đáng báo động.
» TS. Nguyễn Xuân Diện
Còn một hậu quả khác không kém nghiêm trọng nếu những hành động này không được khắc phục. TS Nguyễn Xuân Diện người phụ trách thư viện của Viện Hán Nôm, mang trọng trách nghiên cứu và bảo vệ những văn bản quan trọng trong đó có những tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa quan ngại rằng nếu những hồ sơ này bị hư hỏng hay bị cướp đoạt thì quyền lợi của đất nước sẽ ra sao?
Những người tự xưng là thương binh đi vào Viện Hán Nôm thẳng vào phòng làm việc của chúng tôi dùng những lời lẽ khiếm nhã đe dọa và uy hiếp như vậy là một việc làm rất bạo ngược và có thể nói vi phạm pháp luật Việt Nam. Chúng tôi cho rằng sự việc đã xảy ra như vậy thât là đáng tiếc.
Tôi nghĩ rằng đối với một cơ quan như Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, là một trung tâm lớn nhất cả nước và vần đề lưu trữ các tài liệu cổ liên quan đến văn hiến của dân tộc Việt Nam và đặc biệt nó có tài liệu cổ để khẳng định chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường sa mà có sự xâm hại như vậy thì rất đáng báo động.
GS Ngô Đức Thọ cho biết cảm tưởng của ông về những hiện tượng bạo động đối với trí thức nhất là giới blogger hiện nay:
Tôi muốn lưu ý như thế này. Bây giờ không phải những người làm tuyên huấn, làm tuyên giáo về vấn đế tư tưởng chính trị gì nữa cả mà họ sử dụng mảng xã hội đen để nói chuyện với các blogger. Giai đoạn như thế này thì phải nói đã đến mực độ tha hóa trầm trọng. Đây là cái bước phát triển cực kỳ xấu chứng tỏ rằng cái người điều hành những vần đề tiêng ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân như thế này thì sa đọa quá. Tới cái mức sử dụng xã hội đen thì không còn pháp luật gì nữa. Bây giờ họ cho rằng vì các blogger đã nói nào là nhân quyền nào là tự do điều 4 hiến pháp...họ dẹp không được thì họ dùng xã hội đen trừng trị.
Phải chăng không còn cách nào khác để đối thoại giữa nhà nước và nhân dân mà phải dùng đến hạ sách này? Rất nhiều người mong mỏi rằng sự thật không phải như vậy mà chỉ là do một vài cá nhân cực đoan nông nổi gây ra.
Nếu thật sự đang có một kịch bản dành cho các blogger những người có bài viết chống lại các hành vi hay chính sách sai trái của quan chức nhà nước thì kịch bản này sẽ khiến khuôn mặt của thủ đô Hà Nội mất hẳn cái văn hóa đáng yêu của xứ ngàn năm văn vật. Không khí Hà Nội sẽ không còn trong lành cho trí thức, blogger có tâm huyết với đất nước để sống và làm việc nhất là những việc được xem là nhạy cảm hiện nay.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"