Bùi Văn Bồng
Mấy ngày qua, dư luận trong cả nước rất bức xúc về vụ hôm 18/05/2012 một nhóm người lạ mặt tự xưng là “thương binh” đã xông vào Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội, nơi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện làm việc, hăm dọa ông và một số nhân viên khác của Viện. Từ nhiều năm qua, trang blogger Nguyễn Xuân Diện cũng là một trong số những trang mạng nổi tiếng chống tiêu cực, bảo về công lý, phê phán những cái sai trong thực thi dân chủ… Những kẻ côn đồ càn quấy hung hăng và rất ngang nhiên đòi ông Nguyễn Xuân Diện gỡ bỏ các bài trên blog của ông, đặc biệt là thư ngỏ phản đối chính phủ Nhật viện trợ xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Trước hết, cần nhận rõ nơi bị bọn côn đồ ngang nhiên quậy phá là một cơ quan Nhà nước cấp Trung ương được thành lập theo quyết định của Chính phủ. Ngày 13-9-1979, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chính thức được thành lập trên cơ sở Ban Hán Nôm, theo quyết định số 326/CP của Hội đồng Chính phủ và được tái khẳng định thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia trong Nghị định số 23/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ.
Đây là một cơ quan duy nhất ở Việt Nam vừa là Trung tâm bảo tồn các nguyên bản chữ Hán và chữ Nôm, vừa là Trung tâm khai thác các tư liệu chữ Hán và chữ Nôm. Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm thư tịch cổ, năm 1970 Ban Hán Nôm thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập, quy tụ nhiều nhà hoạt động cách mạng lão thành, các nhà nghiên cứu Hán Nôm uyên bác. Viện nghiên cứu Hán Nôm có các nhiệm vụ chủ yêu như: Bảo tồn, nghiên cứu khai thác các tư liệu Hán Nôm và đào tạo cán bộ nghiên cứu Hán Nôm được xác định; bảo tồn và giám định các nguyên bản chữ Hán chữ Nôm, sao các bản gốc thành nhiều bản để sử dụng hoặc cung cấp cho các thư viện và các cơ quan có nhu cầu; Tiến hành điều tra, thu thập các văn bản Hán Nôm và các tư liệu liên quan ở Việt Nam và ở nước ngoài, nhằm thống nhất quản lý thư tịch và tài liệu Hán Nôm trong phạm vi cả nước…
Khi bị bọn côn đồ xâm nhập cơ quan, mặc dù tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và những người khác đã gọi công an, kể cả cảnh sát 113, tức là lực lượng cảnh sát “phản ứng nhanh”, nhưng không ai đến can thiệp. Nhưng lại nhận được câu trả lời là “bận họp”. Một lực lượng được coi là “phản ứng nhanh” mà còn vậy, thì an toàn tính mạng người dân và an toàn cho các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền còn biết dựa vào ai? Không hiểu sao cho đến khi nhóm côn đồ gọi là “thương binh” đó rút đi, công an mới đến.
Dư luận cũng đang yêu cầu ngành an ninh truy ra những kẻ chủ xướng vụ này. Đây là hành động rất coi thường kỷ ương luật pháp, ngang nhiên xâm phạm cả vào cơ quan Nhà nước thuộc ngành văn hóa, xâm phạm thân thể, nhà ở, nơi làm việc của công dân.
Trong khi đó, báo Cựu chiến binh Việt Nam lại đưa tin: “ Thời gian vừa qua trên trang blog cá nhân của ông Nguyễn Xuân Diện, Phó trưởng phòng quản lý thư viện Viện Hán Nôm đã đăng tải những bài viết kêu gọi người dân và các Việt kiều ký tên vào thư phản đối chính phủ Nhật Bản viện trợ xây nhà máy điện nguyên tử cho Việt Nam … Khi biết được vấn đề này, ngày 18-5-2012 một số thương binh nặng của TP Hà Nội gồm có ông Hoàng Đức Đồng, Nguyễn Sĩ Duyên, Nguyễn Tất Hùng, Chu Vinh Quang, Nguyễn Vinh Công và Quản Văn Khang đã cùng đến Viện Hán Nôm để yêu cầu ông Diện ngừng ngay những hoạt động đó lại…”.
Thực chât, về việc Nhật Bản dù đã lâu năm đầu tư rất tốn kém, thâm thủng cả vào ngân sách quốc gia để xây dựng điện hạt nhân, nhưng hiệu quả không bù nổi chi phí, lại chứa đụng những nguy có mất an toàn ở mức cao. Chính Nhật Bản, một nước KHKT tiên iến như thế, có kinh nghiệm sử dụng điện hạt nhân như thế mà buộc phải tuyên bố “từ giã hạt nhân”. Thế mà chẳng lẽ ta lại đi vào “vết xe đổ” ấy, lại nhờ Nhật xây dựng nhà máy loại này ở Ninh Thuận, nơi trên bản đồ hình chữ S ưỡn ra biển Đông nhiều nhất, nguy cơ bị sóng thần cao nhất, đang còn là tranh cãi của nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế-xã hội, là sự đòi hỏi xem kỹ của nhiều công dân Việt Nam, không riêng ông Diện. Và nếu như Nhật Bản mà giải tỏa được nhà máy điện hạt nhân, thứ mà họ đã quá ngán sợ, đang bỏ đi, nay lại nhập sang VN thu được ít vốn quả là quá ngon cho họ. Việt Nam ta hiện nay chưa đến mức thiếu điện. Và nếu lo xa cho sau này thì có nhiều cách làm ra điện rẻ hơn, tiện lợi và an toàn hơn điện hạt nhân (như điện mặt trời, sức gió, sóng biển, nhiệt điện-ta có lợi thế mỏ dầu mà, …), đâu phải chỉ có cách xây dựng nhà máy điện hạn nhân. Và việc lo cho dự án này sao lại phải giao cho những thương binh nặng?
Nếu như trang blog của Ts. Nguyễn Xuân Diện có bài đưa lên mạng sai với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì đây có phải là nhiệm vụ cần phải ra tay của các cựu chiến binh, của thương binh nặng hay không? Văn bản nào, điều nào quy định thương binh được quyền tham gia vào những việc như thế này? Chính quyền địa phương, rồi các ngành Thông tin-truyền thông, Tuyên giáo, Văn hóa và công an chuyên trách bảo vệ văn hóa, bảo vệ chíh trị ở đâu mà phải đi mượn tay những thương binh nặng? Làm vậy là vi phạm chính sách đối với thương binh của QĐND Việt Nam.
Và cũng trên báo CCB Việt Nam còn đưa tin: “Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an quận Đống Đa và Công an phường Trung Liệt khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc trên, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Báo CCB để nghị các cơ quan chức năng xem xét và làm rõ vấn đề này, trả lại sự công bằng cho những thương binh, những người đã cống hiến xương máu bảo vệ đất nước và nay lại tiếp tục nỗ lực bảo vệ hạnh phúc và lợi ích của nhân dân”.
Đúng đấy, làm sai chức năng nhiệm vụ, tự nhiên vào cơ quan nghiên cứu văn hóa cấp Trung ương quậy phá cần phải làm rõ để xử lý theo đứng pháp luật hiện hành của Nhà nước. Còn nếu như thương binh nào đó có bị đánh cũng là phản ứng tự vệ để bảo vệ cơ quan của cán bộ, nhân viên trong Viện mà thôi. Không hiểu sao báo CCB Việt Nam lai đặt vấn dề như vậy?
Côn đồ và bọn khủng bố (nói chung) là một dạng phá quấy xã hội. Đây cũng được coi là vụ rất cần cảnh tỉnh về sự xuất hiện nạn khủng bố ở Việt Nam. Cái mầm mống nguy hại và có biểu hiện ngang nhiên thách thức với pháp luật này cần phải làm cho rõ và nghiêm trị ngay, không thể để “cái sảy nảy cái ung”. Xã hội nào cũng không thể tồn tại nạn côn đồ, khủng bố. Với bản chất xã hội thường được ngợi ca tốt đep mang bản chất chủ nghĩa xã hội như ở nước ta càng không thể tồn tại cồn đồ, “xã hội đen”, bọn “đâm thuế chém mướn”, bọn khủng bố…
Bọn côn đồ, ‘xã hội đen”, nhóm hoặc phần tử khủng bố đều là biểu hiện của một xã hội mất an ninh, đe dọa đến an nguy tính mạng, tài sản của công dân, sự an toàn của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội. Vụ này không những trực tiếp liên quan, gây ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội mà còn báo động sự bất ổn của an ninh quốc gia, an ninh chính trị. Đó là những tội phạm xã hội. Không có một cơ quan hay tổ chức nào được phép tập hợp những phe nhóm gây rối trật tự xã hội kiểu này.
Côn đồ có khi là sự xuất hiện tự phát. Nhưng cũng có khi được coi là lực lượng “răn đe” kiểu dịch vụ, phi vụ, được một ai đó, hoặc nhóm nào đó thuê tiền. Cho nên, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bọn này phải tìm cho ra động cơ gây rối, hăm dọa, cưỡng bức, xâm phạm thân thể, nhà ở của công dân, tìm cho kỳ được kẻ chủ mưu nấp phía sau. Côn đò chỉ là một thứ tạm gọi là “công cụ thi hành”, kẻ trực tiếp hành động, còn kẻ nấp phía sau xúi giục, thuê mướn mới là thủ phạm chính. Nếu như truy dẹp côn đồ mà không truy tận ổ kẻ chủ mưu thì coi như chỉ là “hớt ngọn”.
Người ta sử dụng bọn “đâm thuê, chém mướn” là để dùng biện pháp mượn tay vũ lực đe dọa người khác khi bản thân họ thấy bất lực, nhằm đạt mục đích mà không cần đến sự can thiệp của chính quyền địa phương (thấp nhất là tổ dân phố, tổ an ninh tự quản, tổ hòa giải cộng đồng), không cần đến pháp luật và cũng không cần đến công an.
Người ta thuê “xã hội đen”, côn đồ, nghịch tặc để đòi nợ, trả thù cá nhân, răn đe hăm dọa người khác vì nhiều mục đích khác nhau. Kẻ chủ mưu thuê mướn, kích động hung đồ gây sự mới là đáng ngại. Họ chỉ dùng đồng tiên hoặc uy quyền nào đó sai khiến. Cái vụ ông tiến sĩ Nguyến Xuân Diện bị bọn côn đồ tự xưng là “thương binh” phải chăng do phe nhóm nào đó có lợi ích trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thuê để răn đe, vì nếu như bỏ dự án đó thì họ bị mất khoản thu rất lớn? Hoặc một “thế lự thù địch” nào khác? Nếu không thì ai đụng đến chuyện “quốc gia đại sự” ấy làm gì?
Trong nhiều năm qua cũng xuất hiện nhiều bọn côn đồ hành hung kiểu như vậy, kể cả trong bóng đá. Nhóm này xưng là “thương binh” càng nguy hại. Trong chế độ Mỹ-ngụy ngày xưa, nhắc dến thương-phế binh ai cũng ngán. Vì những lính ngụy bị thương không còn trong quân ngũ đã nghiễm nhiên quậy phá, tung hoành không ngán ai, gây ra nhiều vụ đau lòng cũng không ai làm gì chúng nó. Còn trong xã hội ta mà xưng là “thương binh” đi làm chuyện càn quấy càng không nên. Thương binh tàn nhưng không phế, thương binh phải giữ phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”. Việc mấy tay côn đồ xưng là “thương bình” lại ngang nhiên hùng hổ đén quậy một cơ quan cấp Trung ương ngay giữa Hà Nội, lại rơi vào ngày 18-5, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự cố tình “bôi tro trá trấu” vào danh hiệu “bộ đội Cụ Hồ”, một bản chất truyền thống đã được nhân dân ca tụng lâu nay.
Làm rõ vụ này tất nhiên phải là ngành chức năng công an, nhưng không thể “khoán trắng” cho riêng công an, mà trước hết phải là trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội, của quận Đống Đa, và đây cũng là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (thanh tra ngành này cần làm rõ những “thương binh” đó là ai, ở đâu để có biện pháp xử lý, không thể “bình chân như vại”), rồi trách nhiệm của hội Cựu chiến binh, cũng nên có sự can thiệp cần thiết của Bộ tư lệnh Thủ đô, trực tiếp là ngành điều tra hình sự, thanh tra và ngành chính sách thuộc cơ quan chính trị Bộ tư lệnh Thủ đô và BCH quân sự quận Đống Đa.
Viện nghiên cứu Hán Nôm là là một tổ chức thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, hiện nay là nơi bảo quản, lưu trữ và nghiên cứu các di sản Hán Nôm gồm những thư tịch và liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Vậy trong đấu tranh chủ quyền biển –đảo hiện nay, bọn tự xưng là “thương binh” này có liên quan gì không, ai sai phái? Biết đâu đây là cú “thăm dò” để Viện nghiên cứu Hán Nôm, và những cơ quan chức năng, chuyên môn tương tự, còn phải chịu nhiều sự rình rập, nhòm ngó khác (Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đang giữ trọng trách quyền Giám đốc Thư viện Hán Nôm tại đây, vậy nơi đây có gìn giữ những Mộc bản về chủ quyền biển-đảo từ triều Nguyễn hay không?). Và do đó, vụ này không chỉ liên quan đến Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện mà còn là việc liên quan đến bảo vệ bí mật các tài liệu Nhà nước, liên quan trực tiếp đến vấn đề di sản văn hóa dân tộc.
Cho nên, rất nhiều cơ quan từ Trung ương đến Bộ, ngành phải nhanh chóng làm cho rõ vụ việc hệ trọng này. Không thể “để lâu cho trầu ra bã” rồi bị “chìm xuồng” như bao vụ việc nghiêm trọng khác.