Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Tản mạn... Quốc hội!

Mạnh Quân
Từ hội trường Quốc Hội (QH) về, uể oải. Chợt nhớ NL - TBKTSG kỳ QH trước, hôm khai mạc lúc trở về trung tâm Báo chí có lẩm bẩm chửi là: "Chúng nó coi bọn mình như chó" nên tự cười, nghĩ: Mịa, có khi còn khổ hơn chó ấy chứ. Cái từ "chó", ngoài đời người ta hay dùng để ví với mấy người làm nghề gì mà có tính chất như giữ nhà và trung thành với chủ. Nó ko hợp để chỉ nhà báo. Cho dù gần đây, chỗ nọ, chỗ kia người ta hay dùng từ "ẳng" để nói việc nhà báo kêu chuyện nọ, chuyện kia như chuyện bị đánh... Nhà báo thì trung thành với ai? - với độc giả thôi.

Buổi sáng, biết là lần này, văn phòng QH đã ra mấy cái quy định khá là khe khắt khiến đám phóng viên khó phỏng vấn được đại biểu tại hội trường: ko cho phỏng vấn ở tầng 1: hành lang trái, phải, giữa... Nếu có nhu cầu dẫn lên tầng 2, có bố trí phòng (như thế không khác cấm tiệt vì chẳng đại biểu nào tự nhiên lại chịu leo lên tầng 2, mất thời gian, trong khi tầng 1 đang đầy thức ăn, đồ uống...), mình mời anh Trần Hoàng Ngân ra tít góc xa ở sân để phỏng vấn, cũng trót lọt được 1 bài. Vào trong, thấy anh em vẫn đang hớt hải, có 2-3 người đang tranh cãi, giải thích với một anh làm công tác an ninh. Nghe thấy anh lớn giọng đe: lần sau sẽ tịch thu thẻ. Ngán ngẩm. Quanh ra quanh vào, một lúc thấy các phóng viên tụ tập hơn 20 người, xôn xao, bàn tán, bực mình vì không được phỏng vấn. Bỗng đâu, Nguyễn Hạnh Phúc - chủ nhiệm VPQH - đi từ cửa ra, cả đám xông tới đòi hỏi chắc đòi hỏi giải thích. Thấy anh Phúc mặt nửa ra vẻ ngơ ngác, nửa như có vẻ thú vị vì biết trước chuyện này xảy ra... đi tiếp như chạy... Mình chán, chẳng muốn biết cái gì xảy ra tiếp theo. Đi về.
Đổi mới, dân chủ hóa... sinh hoạt Quốc hội. Câu này được nghe thường xuyên, kỳ nào cũng thế. Mấy khóa nay rồi nhưng nó thế đấy. Thời ông Nguyễn Văn An còn làm chủ tịch QH, nghe câu đó cũng có chút tin tin nhưng bây giờ, có lẽ, nó cũng không còn lòe được ngay cả một sinh viên báo chí mới ra trường, đi làm, may mắn được cho đi dự kỳ họp QH. Anh Nguyễn Sĩ Dũng, người trung thành với chức vụ phó chủ nhiệm VPQH qua nhiều khóa chắc có lẽ bây giờ cũng thấy nguợng khi nói ra cái từ "dân chủ hóa" ấy. Mặc dù, với những người mà anh từng làm phó như Trần Đình Đàn và nay là anh Nguyễn Hạnh Phúc, họ nói ra những cụm từ: đổi mới, dân chủ hóa... đó vẫn rất vô tư. Tất nhiên, trong đổi mới hay dân chủ hóa sinh hoạt QH thì báo chí cũng chỉ là một phần. Nhưng dân chủ mà không có báo chí, không mở cửa cho báo chí thì đó là thứ dân chủ gì?
Chủ ý hạn chế báo chí tiếp cận, phỏng vấn đại biểu QH có thể không phải của anh Đàn và nay là anh Phúc, có thể ai đó, cấp trên của các anh, không hài lòng với việc trong kỳ họp, đám phóng viên có phần gây nhiễu khi QH đang họp, ra vào chụp ảnh lộn xộn; trong giờ giải lao thì quây kín trong ngoài một quan chức, cán bộ cấp cao nào đó để phỏng vấn, rất ngộp thở... rồi thì lại có những bài phỏng vấn đọc lên nghe rất khó chịu, như kỳ trước, BT Giáo dục Phạm Vũ Luận phải ê chề vì phát biểu "Tôi thấy hàng ngàn điểm không môn sử là... bình thường". Nhưng thay vì tìm một cách thức để báo chí tiếp cận, phỏng vấn các đại biểu có trật tự, văn minh hơn, có một buổi thảo luận, trao đổi cởi mở hơn với báo chí để tìm cách để phóng viên tác nghiệp tại QH hợp lý hơn... việc đặt ra quy định nghe có vẻ là tạo điều kiện cho phóng viên: có phòng phỏng vấn riêng... nhưng không phù hợp với thực tế như vậy, thực chất đã khiến quy định đó thành hàng rào xấu xí, ngăn chặn báo chí tác nghiệp tại QH từ kỳ này. Thực ra, từ kỳ truớc cũng đã đặt ra rồi nhưng cuối cùng cũng không thực hiện được. Không hiểu sao kỳ này, tự nhiên làm quyết liệt thế???
Nhưng dù thế nào, việc hạn chế PV tiếp cận ở khu vực hành lang ai cũng thấy là điều dở, trừ mấy ông ở VPQH hoặc là những đại biểu, có thể là những bộ trưởng ngại tiếp xúc với báo chí… cũng ủng hộ điều này. Còn nhiều ĐBQH khác, chắc chắn, có không ít nguời có nhu cầu tiếp xúc với báo chí để nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình, nhất là khi ở hội trường, khi thảo luận, khi chất vấn… đại biểu đó chưa nói được hết ý kiến, muốn qua phóng viên, báo chí nêu đẩy đủ hơn quan điểm, chính kiến của mình. Hoặc cũng có khi, có đại biểu cũng muốn lắng nghe ý kiến của phóng viên, qua câu hỏi của báo chí, họ cũng thấy có những vấn đề thực tế, nóng bỏng của đời sống ở đó: giá điện, chuyện biểu tình quanh bờ hồ… để đặt vấn đề trên nghị truờng. Mà tất cả những câu chuyện ấy, không phải lúc nào cũng buộc ĐBQH, phóng viên phải kéo nhau lên tầng trên, lên phòng kín…để làm thành bài hoàn chỉnh. Đôi khi, chỉ là một trao đổi ngắn gọn, thậm chí 1 câu hỏi và một câu trả lời. Tại sao cứ phải đăng ký rồi leo cầu thang lên phòng phỏng vấn “nhện chăng dây”??? Hôm nay, trao đổi với phóng viên về chuyện này, khối ĐBQH lấy làm ngạc nhiên: tôi chẳng lấy gì làm phiền về việc phóng viên phỏng vấn ở hành lang. Tôi có quyền trả lời hoặc không trả lời, tôi không thích thì tôi từ chối. Có gì đâu mà phiền?
VPQH thực ra hàng năm cũng có tổ chức hội thảo này, kia, có khi tận mấy chỗ resort, khách sạn... năm thì làm ở Tam Đảo, năm thì làm ở Hà Tây (cũ), Quảng Ninh... để anh em báo chí thảo luận, góp ý về công tác đưa tin, viết bài về QH. "Đổi mới, dân chủ hóa" sinh hoạt Quốc hội vì thế sau đó cũng được nhắc đến trong nhiều bài báo. Nhưng với tôi, tôi chỉ muốn, sinh hoạt QH trở lại giống như... ngày xưa, như khóa X, thời Quốc hội còn họp ở hội truờng Ba Đình cũ, không có rào cản nào cả. Hồi đó, ông Nguyễn Văn An là chủ tịch. Có nhiều quan chức Chính phủ khi đó cũng rất cởi mở. Như ông Nguyễn Sinh Hùng, hồi đó còn làm bộ trưởng Tài chính, giờ giải lao, ông thường ra căng tin, ngồi uống bia hơi, ăn lạc luộc. Phóng viên ai thích phỏng vấn, kê ghế ngồi quanh, ông trả lời cả, từng câu một. Ông Phạm Chuyên, Giám đốc công an Hà Nội và nhiều quan chức khác cũng thế…chưa nói gì đến đại biểu. ĐBQH cũng rất chủ động, họ tìm đến phóng viên để đề nghị làm phỏng vấn. Tôi nhớ có hôm, ông Nguyễn Lân Dũng đi công tác đâu về, đẩy cửa phòng phóng viên hỏi: tớ mới đi công tác về, có cậu nào hỏi tớ ko? Anh em khi ấy còn cuời ồ, có nguời nghĩ là ông háo danh. Giờ sinh hoạt QH thế này, mới nghĩ là, có ĐB mà chủ động tìm đến mình để nói tâm tư, ý kiến với cử tri, với Chính phủ… đó thật đáng quý. Ôi, bao giờ cho đuợc ngày xưa?
Thế nên bây giờ, mỗi ngày VPQH chỉ phát có 20 thẻ sự kiện để phóng viên vào tác nghiệp tại hội trường -lấy lý do chật chội. Rồi lại thêm quy định, rào cản để làm khó anh em báo chí. Dân chủ hoá, đổi mới sinh hoạt QH mà như thế, để anh em báo chí kêu "khổ như chó" thì nói với nhau làm gì?
__________________________

Đào Tuấn - Cái hành lang và cái cầu

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng có lần hùng hồn khẳng định, đại ý: Nếu một dân tộc hàng triệu người mà thiếu đi truyền thông thì cũng chỉ có sức mạnh của một người.
Ông nói điều này trong một cuộc hội thảo với chủ đề “quan hệ với báo chí trong hoạt động Quốc hội”. Hôm đó, khi GS Nguyễn Minh Thuyết tổng kết thái độ, hành động của một dân biểu, trong quan hệ với báo chí- bằng 8 chữ T “thân thiện, thẳng thắn, tỉnh táo, tự tin”, các đại biểu thậm chí còn thân thiện góp thêm 4 chữ “trí tuệ, thực tế”. Thật là sung sướng khi báo chí được ca ngợi là “cái cầu” để cử tri có thể giám sát hoạt động các đại biểu họ đã bầu nên.
Sáng nay, sau phiên khai mạc của kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII, dường như không có mấy đại biểu xuất hiện trên báo. Dường như không phải họ đã quên “12 chữ T” mà do một quy định về tác nghiệp của báo chí tại QH.
Tuổi trẻ sáng nay đưa một tin “độc”: Phóng viên gặp khó khi tác nghiệp tại Quốc hội.
Theo đó, trong ngày khai mạc, Trung tâm báo chí kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII đã phát hành thông báo yêu cầu các phóng viên không được thực hiện phỏng vấn đại biểu Quốc hội tại các hành lang hai bên và hành lang sau của hội trường Bộ Quốc phòng (nơi Quốc hội làm việc). Muốn phỏng vấn, phóng viên phải mời đại biểu Quốc hội vào phòng phỏng vấn (phòng số 12) được đặt tại tầng hai của khu hội trường. Quy định trên đây khiến các phóng viên báo, đài gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp, bởi khu vực trả lời phỏng vấn cách các hành lang của hội trường và nơi giải lao của đại biểu bởi một cầu thang khá dài, trong khi thời gian nghỉ giải lao chỉ có 20 phút (đây là khoảng thời gian các đại biểu thường dành để trả lời báo chí trong nhiều kỳ họp trước).
Thực ra, Tuổi trẻ còn đưa thiếu 1 chi tiết: Khi các đại biểu phát biểu, các PV không được vào chụp ảnh mà chỉ có Ban Ảnh TTXVN được tác nghiệp và có trách nhiệm “cung cấp ảnh” cho các báo.
Nói “gặp nhiều khó khăn” còn là quá nhẹ nhàng. Bởi giờ “ngó mặt” cũng phải ngó qua…tivi, ít tệ hơn thì ngó qua…cái “hành lang dài”. Bởi cái nghề mà giới PV nghị trường hay nói đùa là “bu quanh mồm đại biểu” giờ đã mất nghiệp. Trong cái hội thảo mà TS Nguyễn Sĩ Dũng đã nói tới sức mạnh một người nếu không có báo chí đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Lê Như Tiến cũng cho rằng: Đã là đại biểu Quốc hội, là nghị sĩ thì cánh cửa phòng làm việc phải luôn mở rộng với báo chí. Khi phóng viên đề nghị phỏng vấn thì thì dù bận rộn đến mấy chỉ có thể hẹn chứ không được nói không.
Không ai nghi ngờ phát ngôn của ông Tiến. Không ai phủ nhận sự nhiệt tình, thân thiện của các vị đại biểu QH, nhưng giờ muốn gặp họ ở QH giờ khó quá. Nhà báo cần đại biểu có nghĩa là cử tri đang cần, công chúng đang cần, dư luận xã hội đang cần. Thôi thì đành phải nhờ sự khó nhọc của các vị đại biểu QH để “cái hành lang dài” không thay thế cho “cái cầu”: Đại biểu dân cử - Báo chí - Cử tri.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"