Nguyễn Thanh Hà
Tám mươi ba năm có Đảng, 68 năm có nước, 38 năm thống nhất non sông, nhân dân ta đã trải qua nhiều cuộc vận động chính trị rộng lớn, nhưng chưa có cuộc vận động nào vừa rộng vừa sâu, vừa có nhiều ý kiến “trái chiều” nhau như cuộc vận động “Toàn dân góp ý vào Hiến pháp năm 1992 sửa đổi” để xây dựng Hiến pháp mới. Trước hết, đây có thể là một dấu ấn trong nhận thức về “độc lập tự chủ”, ý thức xây dựng luật pháp của nhân dân ta. Thứ hai, trình độ dân trí của các tầng lớp nhân dân đã được nâng cao. Thứ ba, nhân dân bước đầu nhận ra Hiến pháp và các Bộ luật khác có liên quan đến đời sống từng người, chứ không phải luật của các nhà làm luật. Thứ tư, đây cũng là trách nhiệm cao cả của các nhà làm luật ở nước ta. Riêng cá nhân tôi, một cựu phóng viên TTXVN, năm nay đã 79 tuổi, trí óc còn khá minh mẫn, hằng ngày vẫn truy cập In-tơ-nét và theo dõi các báo chí, nắm bắt mọi diễn biến thời sự trong nước và thế giới. Để làm gì ? Để vui tuổi già và để duy trì cái “bệnh nghề nghiệp” đã làm báo hơn 40 năm !
Cuộc vận động này, nổi lên những vấn đề gì?
Vấn đề “quốc gia, dân tộc”, nghĩa là vận mệnh của 64 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam thống nhất, là vận mệnh của gần 90 triệu dân sống trong nước và ở nước ngoài. Hiến pháp là ” Bộ luật cơ bản, bộ luật của các bộ luật” mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều phải có. Vì vậy, ngay sau khi lập nước, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã cho bầu quốc hội và xây dựng Hiến pháp. Hiến pháp đầu tiên ấy ra đời trong hoàn cảnh nước ta mới được thành lập, chính quyền non trẻ như “trứng để đầu đẳng”, không thiếu gì các thế lực thù địch muốn và sẵn sàng bóp chết chế độ “Dân chủ cộng hoà” của nhân dân ta. Nhưng rồi, chúng ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, kể cả gần 40 năm tiến hành cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, để Việt Nam, giang sơn gấm vóc Việt Nam được như ngày nay. Chúng ta không hổ thẹn với Vua Hùng, với các bậc minh quân, với các sĩ phu yêu nước, với hàng trệu hàng triệu người đã hi sinh. Núi xương sông máu của nhân dân đã làm nên lịch sử vĩ đại của dân tộc. Thế hệ ngày nay, đặc biệt là các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất đều không được phép quên những bài học lịch sử, không được phép
quên ơn nhân dân. Có Tổ quốc Việt Nam ngàn lần yêu quý, mới có Đảng, có chế độ Dân chủ cộng hoà, mới có đất nước thống nhất. Vậy thì:
1 – Đảng muốn duy trì và phát triển sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam giầu mạnh văn minh, hiện nay, không còn con đường nào khác là “phải tự lột xác”, tự dấn thân, dũng cảm nhận ra những sai lầm khuyết điểm cả về đường lối chủ trương, lẫn chính sách quản lý, điều hành, phát triển đất nước. Mà trong thời gian trước mắt, năm năm qua cái Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (là quốc nạn) chưa làm được gì nhiều, chưa hiệu quả thiết thực thì bây giờ, Ban chỉ đạo mới do “Tổng Tư lệnh Nguyễn Phú Trọng” và “Tổng rtham mưu trưởng Nguyễn Bá Thanh” chỉ đạo, chỉ huy, hãy làm tốt hơn việc giúp đảng tự lột xác”. Tôi nhân mạnh: “Tự lột xác” nghĩa là tự đổi mới, tự vận động, tự vươn lên nhằm mục tiêu “vì đất nước, vì nhân dân mà suy nghĩ và hành động”. Hãy noi gương Trần Hưng Đạo ba lần chiến thắng Nguyên Mông, nhưng không phải để “làm Vua”. Hãy học tập Trần Quốc Toản chỉ vì không được dự Hội nghị Diên Hồng mà bóp nát quả cam đang cầm trong tay. Hày noi gương Hội nghị Diên Hồng, hỏi ý kiến, lắng nghe dân, coi dân là người thày vĩ đại, để rồi có được hai chữ “Sát Thát” trên cánh tay mỗi người lính, biểu hiện hùng hồn cho ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.
Tiền nhân đã dạy. Cụ Hồ Chí Minh đã dạy. Những chiến sĩ tiền bối của đảng và của nhân dân lần lượt lên máy chém của thực dân đế quốc đã dạy. Thế hệ nào cũng phải học. Học là phải hành. Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ rồi. Nay không phải còn thiếu nghị quyết mà thiếu sự hành động kiên quyết. Ai ký quyết định thành lập các tập đoàn kinh tế quốc doanh một cách vô lối để nhanh chóng sụp đổ, làm hại hàng triệu nghìn tỷ đồng, làm điêu đứng bao nhiêu nghìn người và hậuquả của nó sẽ còn gây ra nhiều gánh nặng cho quốc gia dân tộc. Những người chịu trách nhiệm chính các vụ này không thể mãi mãi nhơn nhơn coi như trách nhiệm của người khác. Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, nắm luật trong tay, đợi gì mà không vào cuộc ? Phải từ từ, từ từ đến bao giờ? Cái gì đã rõ cần làm ngay thì làm ngay. Bản thân các vị đứng đầu từ cấp cao đến cơ sở nếu để xảy ra và đã xảy ra tham nhũng, quan liêu, ăn cắp, ức hiếp dân, làm tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước thì, một là kiểm điểm phê bình và tự phê bình, không nhận ra khuyết điểm thì bằng mọi cách có thể buộc phải nhận khuyết điểm và nhận rồi, ai có cơ may sửa chữa và sửa chữa có hiệu quả thì cho riếp tục làm việc, tiếp tục thử thách, không toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc thì kiên quyết cho “về vườn”, thậm chí “tống vào nhà đá”, nhường chỗ cho người thanh liêm chính trực lên nắm quyền. Những người này không thiếu.
Tự lột xác là phải tinh giản bộ máy, dẹp ngay cái 30% cán bộ công chức “ngồi chơi xơi nước” vô tác dụng, lại lương cao. Lương cán bộ là tiền
thuế của dân, tiền mồ hôi nước mắt của dân, chứ không phải trên trời rơi xuống !
Thủ tường, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng Ban, Thứ trưởng, Cục Vụ trưởng, Cục phó, Vụ phó cho đến trưởng phó phòng cơ quan Bộ, Bí thư, Chủ tich, các phó chủ tịch tỉnh, thành, quận huyện, xã phường, thị trấn phải là những người có trình độ học vấn thực sự, có kiểm tra văn bằng và trình độ, không nể nang “con ông cháu cha” để rồi rơi vào cái tỷ lệ 30% tai hại kia. Đặc biệt, đã dính đến tham nhũng, giáo dục không được, dứt khoát cho thôi, nhường chỗ cho người có năng lực lên thay. Những người tích cực chống tham nhũng, bất kỳ là ai cũng cần được pháp luật bảo hộ, tức là Nhà nước bảo hộ. Tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm. Tổng Bí thư đảng là Tổng Tư lệnh, lẽ nào chúng ta còn nể nang nhau, còn chiếu cố này nọ để rồi dây dưa không làm. Hãy noi gương Cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với “Những việc cần làm ngay”. Có làm ngay mới không để muộn. Để muộn hậu quả sẽ khó lường !
Thảo luận góp ý vào Dự thảo Hiến pháp có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến và ý kiến cụ thể rất hay, rất thiết thực. Hãy lắng nghe chí ít là cho đến hết tháng 9-2013, chưa nên vội quy chụp, này nọ. Lắng nghe để chọn lọc tinh hoa. Trong lịch sử phát triển của dân tộc không mấy khi ta tổ chức được những Hội nghị Diên hồng” như vậy đâu. Các nhà lãnh đạo từ cấp cao đến cấp cơ sở, không nên và không bao giờ giội những gáo nước lạnh vào ý kiến của nhân dân, đặc biệt là ý kiến của những nhà trí thức. Chúng ta cứ nói học tập đạo đức Bác Hồ chứ trong thực tế, việc học ấy chưa được bao nhiêu. Ở hải ngoại về nước lãnh đạo cách mạng, Cụ Hồ đã khéo léo vận động, mời một loạt các nhà trí thức không phải được “chế độ xã hội chủ nghĩa” đào tạo mà hầu hết là các nhà trí thức “thời Tây” về nước, lên Việt bắc, lội suối ngủ rừng, ăn sắn, ngô để cống hiến tài năng cho cách mạng và nhiều người trong số họ đã trở thành anh hùng ! Không thể coi thường trí thức. Coi thường trí thức là “tàn hại nguyên khí quốc gia !” Quốc gia mà không còn nguyên khí thì là quốc gia sắp tàn.
Cuộc sống đã dạy: “Tự lột xác” bất kỳ kiểu nào cũng là một sự đau đớn. Nhưng vì lợi ích quốc gia dân tộc, đau cũng phải làm, ngại đau thì không làm được gì cả.
2 – Góp ý vào Hiến pháp là một dịp được “tự do tư tưởng”, phải để mọi người dân, chủ yếu là mọi trí thức, mọi người có học, mọi xu hướng, chính kiến được phát biểu nói lên ý tưởng, ý nghĩ của mình, của tổ chức mình. Ta còn có cả một Ban Dự thảo, tức là còn có cả Bộ Chính trị Ban Bí thư Trung ương đảng, có cả một bộ máy khổng lồ về quản lý tư tưởng, quản lý ý kiến đóng góp và có quyền cuối cùng ra cho ra những kết luận, mặc dù trong những kết luận cũng chưa phải đã thấu đáo mọi khía cạnh của vấn đề. Nhưng tai sao, cứ giữa chừng lại có nhiều ý kiến “bảo hoàng hơn vua” giội nước lạnh, phản bác, coi thường và đề nghị xử lý. Việc chống kẻ thù phá hoại là việc của toàn dân thật, nhưng cơ quan trọng yếu và lực lượng trọng yếu được phân công rồi, tại sao lúc nào cũng phải “nhắc nhở” cảnh giác với “các thế lực thù địch” ?
Chính vì chúng ta chưa thật “quang minh chính đại” chưa dám công khai, minh bạch mọi ý kiến, mọi vấn đề có liên quan đến xây dựng Hiến pháp nên lúc nào cũng “sợ” địch lợi dụng, phản tuyên truyền. Với phương tiện thông thin như hiện nay (khác xa với thời kỳ kháng chiến), ai đó muốn “bit” đi cũng không thể thực hiện. Vả lại đã đến lúc dân trí Việt nam được nâng cao, mọi thông tin diễn ra hằng ngày, vừa ý hay không vừa ý lãnh đạo thì vẫn cứ đến với người dân. đến với một người thì sẽ đến với mọi người. Nhân dân sẽ nhận ra đâu là đúng, đâu là sai, đâu là cái cần theo, đâu là cái bác bỏ và không theo, thậm chí chống lại.
Tôi còn nhớ, trước khi ra được Chỉ thị 100TƯ của Ban Bí thư trung ương đảng về thực hiện “cởi trói” trong nông nghiệp, tôi về công tác tại một tỉnh đồng bằng và có được mời dự họp Tỉnh uỷ bàn về vấn đề này. Ông Bí thư Tỉnh uỷ nói trong hội nghị : Trung ương có việc của Trung ương, chúng ta là cấp dưới phải chấp hành ý kiến cấp trên nhưng phải phù hợp với địa phương. Tôi đề nghị các đồng chí có trách nhiệm rào “quốc lộ 5″ lại, không cho “làn gió “Đằng Hải” ở Hải Phòng tràn vào tỉnh ta (tức là không cho khoán đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp như chỉ thị 100TƯ) vào tỉnh. Song thực chất, ngay trong tỉnh của đồng chí Bí thư nọ, nhiều HTX nông nghiệp đã “làm lậu” việc khoán đến nhóm và người lao động rồi. Và chính chỉ thị khoán đến nhóm và người lao động của Ban Bí thư đã nã những phát đại bác đầu tiên vào những cái óc bảo thủ, lý thuyết giáo điều, tháo gỡ cho nông nghiệp nước ta mở ra thời kỳ mới triển vọng và thực tế như ngày nay. Một nước sản xuất nông nghiệp là chính mà không đủ ăn do đâu ? Gỡ ra rồi, ta mới biết là do chính sách hợp tác hoá nông nghiệp, tập thể hoá toàn bộ ruộng đất và công cụ sản xuất của nông dân, nông dân bị lùa đi làm như một đàn cừu, hoặc sống như một trại lính. Một thời gian dài đến mấy chục năm thực hiện chế độ bao cấp, bế quan toả cảng, cấm chợ ngăn
sông, làm cho nhiều tầng lớp nhân dân điêu đứng. Nay phá bỏ cái đó cũng có nhiều người “tai to mặt lớn” không đồng tình và cảm thấy “đau”. Nhưng đau cũng phải làm và làm rồi mới biết dân ta được cởi trói. Bài học này còn nóng hổi chưa qua một thế hệ.
Vâng, thảo luận về Hiến pháp, tôn trọng và công khai mọi ý kiến trái chiều nhau. Như thế mới gọi là thảo luận, tranh luận và hội thảo, như thế mới gọi là “Hội nghị Diên Hồng” Thời cơ và thời điểm cho phép chúng ta, chúng ta phải tận dụng thời cơ. Nắm được thời cơ là nắm được thế có lợi cho cách mạng, nhân nó lên sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng. Năm 1961, ông Kim Ngọc Bí thư Tỉnh uỷ Vính Phúc đề ra khoán hộ, Trung ương “dập ngay” vì chưa phải là thời cơ. Giá như ngày ấy ta thực hiện được ý đồ của ông Kim Ngọc và Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc thì có lẽ nông nghiệp và tam nông nước ta tiến đến đâu rồi ấy chứ. Ngày nay, thảo luận về Hiến pháp mà cứ băn khoăn mãi về “vai trò lãnh đạo”, về “phi chính trị quân đội”, về “phòng, chống tham nhũng”, “về các quyền sở hữu đất đai”. Tất nhiên thảo luận góp ý là có ý kiến này nọ, nhưng mọi người hãy nhớ về lịch sử, nhớ về lý luận chống giáo điều, chống bệnh “ấu trĩ tả khuynh”, chống hữu khuynh” thì nhận ra nhiều vấn đề một cách không phức tạp lắm. Ví dụ “về vai trò lãnh đạo của Đảng” về “độc đảng” hay “đa đảng”, về “quân đội trung với ai”….Cũng đơn giản thôi. Quân đội được sinh ra là để bảo vệ Tổ quốc. Bản thân quân đội là một tổ chức chính trị, nói phi chính trị hay nói quân đội trung với một đảng cũng chưa hoàn toàn đúng. Quân đội chỉ có thể trung với nước hiếu với dân cũng giông như đảng tuyên bố là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam?” Trong nhân dân có đủ các thành phần, có cả tư sản và công nhân, có cả chủ điền và nông dân lao động, có cả trí thức và người ít học” vậy thì đảng của nhân dân thì là nhân dân loại gì? Đúng là nói để mà nói. Nếu Đảng là đội tiên phong của gia cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc thì sao gọi là “cộng sản”, sao không gọi là “Đảng Việt Nam” như Bác Hồ đã từng dạy ? Nay đến quân đội trung với ai cũng nhiều ý kiến. Quân đội chiến đấu hi sinh và đã từng chiến đấu hi sinh để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thì nhất thiết phải “trung với nước hiếu với dân” chứ không thể chỉ trung với Đảng, với một đảng được, mặc dù ở Việt Nam hiện nay chỉ có một đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, khác với “quân đội trung với Đảng”. Trong mấy chục năm tồn tai ba đảng, là Đảng Lao động, Đảng Dân chủ, và Đảng xã hội Việt nam, trong kháng chiến chống Mý, cứu nước ở miền Nam còn có Đảng Nhân dân cách mạng Miền Nam nữa, vậy thì quân đội nhân dân và quân giải phóng miền Nam Việt Nam trung với ai ?
3 – Còn những gần sáu tháng nữa mới hết hạn góp ý vào Hiến pháp. Theo tôi, “Hội nghị Diên Hồng” này có nhiều ý nghĩa quan trọng, xin các nhà “cầm cân nảy mực” đừng vội “quy chụp” làm cụt hứng, dù có vấp phải một số ý kiến trái chiều. Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo thay mặt trung ương “cởi trói” cho hệ thống báo chí và Việt Nam chỉ nên có một nền báo chí tự do, gồm báo của Đảng, của Nhà nước và của tư nhân, các loại hình gồm có báo in (còn gọi là báo viết), báo nói, báo hình và báo điện tử. Đặc biệt, báo điện tử ngày nay có nhiều người “đọc hơn” tất cả, được “trăm hoa đua nở”, “trăm nhà đua tiếng”, nhân dân, người đọc người xem, người nghe mới là người phán xét cuối cùng.
Hãy tranh thủ thời cơ vàng ngọc, hãy cùng toàn dân xây dựng một Hiến pháp mới hợp thời đại và hợp lòng dân, là động lực thúc đẩy tiến triển xã hội. Những rào cản, những ai đó cảm thấy mình có lối, thậm chí có tội với dân thì nên “rút khỏi” chính trường, nhường bước cho thế hệ sau. Còn những “thằng” tham nhúng, những người đứng đằng sau “tham nhũng” thì hãy xéo khõi vũ đài chính trị kinh tế và xã hội. Nước là của dân, không phải là của nhóm này nhóm kia !
Tác giả gửi Quê choa
…………………………………………. Nguyễn Thanh Hà, 79 tuổi, cựu phóng viên TTXVN, hưu trí tại xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng yên. ĐT 01668383020. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com
…………………………………………. Nguyễn Thanh Hà, 79 tuổi, cựu phóng viên TTXVN, hưu trí tại xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng yên. ĐT 01668383020. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com