Nguyễn Huy Canh
Trong thời gian qua, đảng, nhà nước chủ trương sửa đổi HP1992;
đã có lời kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo được ban soạn
thảo đưa ra với một tư tưởng quán triệt từ đầu: không có vùng cấm đối
với các ý kiến, kể cả nội dung của điều 4. Ban soạn thảo, QH và đảng
lắng nghe và trân trọng tiếp thu các ý kiến xây dựng đó của nhân dân.
Hiện thực đất nước có quá nhiều biến đổi, HP92 không còn phù hợp nữa,
phải thay đổi nó. Đặc biệt những năm gần đây, đất nước như rơi vào
nhiều trạng thái khủng hoảng: tham nhũng tràn lan với nhiều cấp độ; quan
chức, và con cháu của họ cuộc sống thì xa hoa, phè phỡn, trong khi đó
nhiều bộ phận nhân dân thì đói khổ; nền kinh tế tụt dốc và chao đảo. Đi
tìm nguyên nhân và những giải pháp cho thực trạng đó nhằm cứu nguy cho
đảng, mở con đường đi tới cho dân tộc trở thành nhu cầu rất cấp bách của
lịch sử chúng ta. Tìm kiếm vận hội, cơ chế, con đường ra cho đất nước
không chỉ là công việc của các nhà lãnh đạo, các nhà lí luận của đảng mà
phải trở thành công việc của toàn dân, sự đóng góp của toàn dân, trong
đó đặc biệt là ý kiến đóng góp của các nhân sĩ, trí thức hàng đầu đất
nước.
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo phải được hiểu, và nên được hiểu là nhu cầu, là cơ hội kép đó.
Tư tưởng về không có vùng cấm trong các ý kiến đóng góp của nhân dân
thiết nghĩ là biểu hiện tập trung tư tưởng dân chủ của thời đại: cởi mở,
tôn trọng, biết lắng nghe và chung sống với tất cả các ý kiến, các quam
niệm khác biệt, chứ không phải là những thủ đoạn chính trị, những hình
thức được che đậy như vẫn diễn ra trong lịch sử đầy oan nghiệt trước đó.
Kiến nghị 72 cùng nhiều ý kiến khác ra đời trong bối cảnh và tư tưởng
dân chủ như đã trở thành dòng chủ đạo của lịch sử. Nó đã đề cập tới
những v/đ nền tảng của HP và của chế độ chính trị của chúng ta: bỏ điều
4, quyền lập hiến thuộc về nhân dân, tổ chức nhà nước theo cấu trúc tam
quyền, quân đội trung thành với tổ quốc…
Những vấn đề trên đây của thể chế kinh tế, chính trị theo hướng xóa
bỏ chuyên chế-tập quyền nhằm mong muốn đưa đất nước vào đường ray của
thế giới phát triển: đa nguyên, đa đảng đã được biết đến từ nhiều năm
qua, và giờ đây những ý kiến đó như một sự tổng kết, và được sự đồng
thuận của nhiều người.
Có thể phải khẳng định những ý kiến đó chưa phải tất cả đã là phù hợp
theo ý nghĩa phổ biến của đời sống thực tiễn nước nhà. Nhưng dù sao nó
cũng đã trở thành nguyện vọng, thành khát vọng của một bộ phận dân cư,
của một lát cắt của đời sống thực tiễn sống động không thể chối bỏ được
này.
Nguyên lí dân chủ trong đời sống hiện đại không cho phép có vị trí
độc tôn, độc quyền của một quan điểm, một hệ qui chiếu bởi tính bất
toàn, bất định của thế giới ngày nay; Mặt khác do bởi tính cởi mở và sự
tôn trọng của các giá trị khác biệt trong đời sống nhân sinh ngày càng
được thừa nhận rộng rãi. Điều này cũng chưa tính đến sự vượt qua những
lí thuyết đã lỗi thời, những lịch sử đã đi qua trong đó có chủ thuyết
Marx cũng như nhiều mô hình chủ nghĩa xã hội.
Trên tinh thần đó, bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng ngày 25/2
tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ về một bộ phận suy thoái về chính trị, tư tưởng,
đạo đức khi có ý kiến cho Dự thảo về những v/đ nền tảng của thể chế, và
HP cùng một số sự kiện khác như biểu tình, khiếu kiện đông người… cần
phải xử lí, đã gặp phải quá nhiều phản ứng gắy gắt và bức xúc chính đáng
của nhân dân là điều có thể hiểu được .
Nếu tôi là TBT, trên cương vị ấy tôi sẽ có lời cảm ơn về những ý kiến
đóng góp quí báu của các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt là ý kiến
của các nhân sĩ, trí thức cho những vấn đề nóng và nổi cộm của đất
nước. Những ý kiến đó, xin thay mặt BCHTW, tôi sẽ có ý kiến chỉ đạo ban
soạn thảo sửa đổi HP nghiên cứu kĩ, tiếp thu có chọn lọc. Ý kiến về đa
nguyên, đa đảng, về tam quyền… chúng ta vẫn biết nó là những tư tưởng
tiến bộ, là thành quả của nền văn minh nhân loại, của văn hóa chính trị…
Song để vận dụng nó vào hiện thực chính trị nước nhà, không cẩn thận,
không được cân nhắc nhiều chiều, thấu đáo có khi lại trở thành dập
khuôn, thành giáo điều, máy móc, và có thể dẫn tới sự rối loạn… Vậy xin
đồng bào cả nước cho bảo lưu những ý kiến loại này, do xét thấy chưa
thật chín muồi, còn nhiều ý khác biệt, cần phải được thảo luận thêm trên
tinh thần tôn trọng cái đa chiều. Thời gian trình dự thảo ra QH cũng
đang đến gần, rất mong nhận được thêm nhiều ý kiến tâm huyết của đồng
bào trong và ngoài nước, của các nhân sĩ -trí thức sao cho HP thực sự
trở thành ý chí,thành quyền lực và nguyện vọng của nhân dân ta.
Về những v/đ nóng hiện nay như biểu tình, khiếu kiện đông người…
chúng ta phải đứng trên quan điểm lợi ích của đất nước, của người nông
dân bị thu hồi đất, của chủ đầu tư để giải quyết tốt, hạn chế cao nhất
những bất bình đẳng xảy ra, hay lợi ích của nông dân bị thiệt thòi…
Chúng ta phải thuyết phục được người dân trên tinh thần phải ưu tiên đến
những lợi ích, nguyện vọng và đặc biệt phải biết đồng cảm với những nỗi
nhọc nhằn, khốn khó của người nông dân. Là người cán bộ của dân thì
phải trong sáng, tỉ mỉ, sâu sát và cụ thể… đó là cái gốc giải quyết cho
mọi vấn đề…
Tôi tin chắc rằng, với tư tưởng đó, TBT sẽ tránh không nhận phải
những lời trách móc nặng nề như là hồ đồ; Chắc cũng sẽ tránh không bị
phản ứng dữ dội về trường hợp cho đuổi việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên;
cũng như những tuyên bố ngửa bài trước đó của ông Phan Trung Lí không bị
coi là trò bỡn cợt cử tri…