Sâu Róm
Trong khoảng 4 thập niên gần đây, anh em sâu tham nhũng chúng ta luôn
bị coi là mục tiêu chỉ trích trong văn kiện của tất cả các đại hội
Đảng, đặc biệt kể từ sau Đổi mới (1986), trong các Đại hội lần thứ VI
đến XI,[1] với nội dung thể hiện và mức độ đả kích ngày càng tăng. Tôi
dẫn chứng một tác giả: “Từ ngày thống nhất đất nước tới nay, Đảng đã qua
6 kỳ đại hội, kỳ nào cũng đề cập đến vấn nạn quan liêu, tham nhũng,
lãng phí…; nghị quyết đại hội sau bao giờ cũng phê phán gay gắt hơn đại
hội trước, tới mức liệt quan liêu, tham nhũng, lãng phí là quốc nạn, là
nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”.[2] Trong những phát biểu gần đây
nhất, các lãnh đạo cấp cao của Đảng tiếp tục nhấn mạnh tham nhũng là
“quốc nạn”, “giặc nội xâm”, là mối nguy cơ nghiêm trọng nhất với sự tồn
vong của chế độ.[3]
Liệu chúng ta có xứng đáng bị lên án bất công như thế hay không?
Chúng ta lấy công sản và tài nguyên của đất nước – những của ‘trời ơi’
không thuộc vào sở hữu cá nhân của người nào – để nuôi con cháu chúng ta
– những “con dòng, cháu giống”, “tinh hoa” của dân tộc Việt Nam – để
chúng “xứng danh với giới nhà giàu Tầu, Tây” về sự xa hoa, giàu có. Như
thế, chúng ta giàu là do chúng ta giỏi đục khoét đấy chứ, dân chúng đói
nghèo thì kệ họ thôi – không biết đục khoét thì đói nghèo là phải, còn
kêu ca cái gì. Ấy vậy mà Đảng gọi chúng ta là “suy thoái về tư tưởng và
đạo đức”, còn dân thì thậm chí gọi chúng ta là “ăn cắp”. Tôi kịch liệt
phản đối!
Để chống lại anh em sâu chúng ta, từ Đổi Mới đến nay, Đảng đã ra sức
chỉnh đốn nội bộ, trong đó tiêu biểu là việc thông qua và triển khai
thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khoá VIII năm 2003 (gọi tắt là Nghị quyết trung ương 6(2)).[4]
Nghị quyết này yêu cầu toàn bộ đảng viên, trong đó có chúng ta, phải
học, nắm vững các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tổ chức
kê khai tài sản; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai hóa chế độ,
tiêu chuẩn sử dụng xe, nhà đất… của cán bộ. Toàn những điều vô bổ, dài
dòng. Ấy vậy mà nó cũng gây ra một số thiệt hại, cụ thể như trong những
vụ Minh “nhớp” ở Hà Tĩnh, vụ Thủy cung Thăng Long ở Hà Nội, vụ Trương
Văn Cam, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ án xăng dầu Tiền Giang, vụ kho cảng Thị
Vải, vụ án đất đai Đồ Sơn, vụ quota dệt may tại Bộ Thương mại, vụ PMU18…
[5] Một số anh em sâu chúng ta đã phải vào tù rồi đấy. Rõ khổ cho họ!
Oan ức quá!
Mặc dù vậy, do Nghị quyết Trung ương 6(2), “... chưa ngấm xuống toàn
Đảng”[6], hay nói cách khác, chưa động đến lãnh đạo cấp cao, nên anh em
sâu chúng ta nhìn chung vẫn an toàn. Thượng vẫn bất chính thì hạ chúng
ta vẫn có thể tắc loạn.
Tuy nhiên, vào tháng 1/2012 vừa rồi, trong Hội nghị lần thứ 4, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (khóa XI) tiếp tục thông qua Nghị quyết
số 12-NQ/TW về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng.[7] So với Nghị
quyết Trung ương 6(2), nội dung của Nghị quyết mới này được một số
chuyên gia cho là mạch lạc, cô đọng, tập trung, rõ ràng hơn và bao gồm
các nhóm giải pháp khá cụ thể[8], do đó đã gây những áp lực khá lớn với
anh em sâu chúng ta. Thêm vào đó, ngay trước khi ra Nghị quyết 12, ngày
1-11-2011, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 47-QÐ/TU về
19 điều đảng viên không được làm, trong đó hơn một nửa (các điều từ
7-16) liên quan trực tiếp đến tham nhũng.[9] Những động thái này được
cho là “... thổi luồng sinh khí mới, hi vọng mới Đảng gột rửa, sửa chữa
những yếu kém trong cơ thể mình – việc đã làm trong nhiều khóa mà chưa
đạt kết quả mong muốn”,[10] và chứng tỏ Đảng CSVN một lần nữa quyết tâm
tiêu diệt “bầy sâu tham nhũng” là anh em ta (lời của Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang).
Tuy nhiên, anh em cũng đừng lo lắng quá, vì ngay từ đầu cũng đã có
nhiều ý kiến cho rằng việc chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết 12 chỉ là
“chuyện cũ chép lại”,[12] sẽ không tạo ra chuyển biến gì đáng kể đâu.
Còn Quy định số 47 thì “cũng thế thôi và không có gì thay đổi cả”, vì
“trước kia khi còn ở trong Đảng, quy định ra như thế nào thì Đảng viên
phải chấp hành như thế nhưng trong bụng họ làm khác và họ nghĩ
khác”.[13] Một số người thì cảnh báo về hậu quả của việc chỉnh đốn Đảng
bất thành, cho rằng việc này chỉ có thể thành công nếu Đảng tiến hành
“dân chủ hoá” thực sự, còn nếu không sẽ chỉ là việc làm của một vài
người và sẽ chỉ dẫn đến việc “chia phe, chia phái”. Tôi cho rằng ý kiến
đó đúng đấy. Hà hà. Lãnh đạo Đảng càng chia phe đánh nhau thì anh em sâu
chúng ta càng thuận lợi. Mà tiến tới dân chủ thì họ chưa dám đâu. Nếu
dân chủ thì con cháu, họ hàng hang hốc của họ phải cạnh tranh bình đẳng
với đám dân đen à?
Thực tế đã cho thấy sự lạc quan kể trên của tôi không phải không có
cơ sở. Mặc dù được đặt rất nhiều kỳ vọng là sẽ có sự đột phá trong việc
xử lý cán bộ tham nhũng, song Hội nghị trung ương 6 (họp tháng 10/2012)
đã không đi đến được quyết định kỷ luật đảng viên nào, với sự giải thích
của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “kỷ luật sinh ra thù oán”, và
“không phải kỷ luật nhiều mới là tốt, mới là đúng”.[15] Chính vì vậy,
cho đến nay, sau hơn một năm cuộc chỉnh đốn này được phát động, dù trong
Đảng có “một bộ phận không nhỏ suy thoái” (lời của Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng) nhưng vẫn chưa có đảng viên nào bị xử lý, nói cách khác là
chưa có ai trong họ hàng sâu chúng ta bị “sờ gáy”. Điều này cho thấy dấu
hiệu khá rõ ràng là cuộc chỉnh đốn nội bộ mới do Đảng phát động đang
rơi vào tình trạng ‘đánh trống buông dùi” như các lần trước, mặc dù để
xoa dịu sự bức xúc của đám dân chúng đói nghèo vì không biết đục khoét
nhưng lại đố kỵ với sự giàu có xa hoa của chúng ta, gần đây Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa đề cập đến Nghị quyết này (qua trả lời
phỏng vấn của TTXVN) rằng nó sẽ không dẫn đến “hoà cả làng”.[16] Tuy
nhiên, tôi nghĩ là Tổng Bí thư cũng thấy rõ việc này sẽ chẳng đi đến đâu
rồi, nên để “mở đường” biện bạch cho những kết quả nghèo nàn chắc chắn
tới đây, ông đồng thời lập luận: “Nghị quyết 4 về chỉnh đốn Đảng “chủ
yếu là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn”, “nếu ai không chịu
nhận khuyết điểm, không chịu sửa thì mới kỷ luật, xử lý”.
Thật tuyệt là sự việc đã diễn ra như trên. Nhưng còn tuyệt hơn nữa
là vào một ngày đẹp trời cuối tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư đã lớn tiếng
quy kết đám trí thức “rách việc” và số dân chúng đố kỵ với chúng ta mà
đã hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi bày tỏ ý
kiến góp ý về một số nội dung về thể chế chính trị của Dự thảo là “suy
thoái về tư tưởng và đạo đức”, đồng thời “nhẹ nhàng” (nhưng sắc lẻm) yêu
cầu “xử lý” họ. Hay quá. Tổng Bí thư thật tuyệt vời!
Một ngày sau thì Chủ tịch Quốc Hội “hoà cùng một giọng” với Tổng Bí
thư. Ý Đảng đã chuyển thành ý chí của chính quyền. Trên cả tuyệt vời!
Tiếp đó, những ngày gần đây, một số lãnh đạo cấp cao khác của Đảng,
Nhà nước, cùng một số nhà ‘lý luận kiêm chức sắc’, trong đó nhiều người
rất quen thuộc hoặc là đồng đội, họ hàng của chúng ta, đã đăng đàn trên
truyền hình, phát thanh hoặc công bố, tuyên bố trên một số báo “lề phải”
đả kích, răn đe những đối tượng mà Tổng Bí thư cho là “”suy thoái về tư
tưởng và đạo đức”.
Xâu chuỗi những diễn biến kể trên, tôi khẳng định Đảng đã chuyển mục
tiêu rồi. Anh em sâu tham nhũng chúng ta hiện nay đã không còn trong
tầm ngắm, mà chính những kẻ đang lên tiếng hiến kế cho Đảng về một thể
chế có thể giúp tiêu diệt chúng ta đã vừa bị Đảng vừa đưa vào tầm ngắm.
Một sự hoán đổi mà chúng ta có nằm mơ cũng không thấy. Đây chắc chắn là
phúc đức ngàn đời của tổ tiên họ hàng sâu chúng ta để lại. Anh em hãy
thắp hương cúng tạ ơn tổ tiên đêm nay nhé. Ai chưa xây mộ cho ông bà,
cha mẹ đã khuất thì hãy xây thật to, như cung điện ấy.
Tóm lại, hỡi anh em sâu, đừng sợ nữa, cứ mạnh dạn đục khoét đi, Đảng
đã chuyển mục tiêu rồi! Hãy nhanh chóng cùng Đảng tiêu diệt những kẻ
thù của chúng ta – đám chỉ thức “rách việc” hay chỉ trích và bọn dân đen
bất tài đục khoét lại hay đố kỵ. Tụi này yếu, không có gì tự vệ, nhưng
rất nguy hiểm vì kiên quyết chống chúng ta, và chúng đang cố vận động
cho một thể chế không có đất sống cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải
tranh thủ thời cơ mượn tay Đảng tiêu diệt chúng để trừ hậu hoạ.
Sâu mọt ở mọi xó xỉnh trên đất Việt hãy liên hiệp lại!
Vùng lên, hỡi tất cả sâu mọt ở Việt Nam!
Vì con sâu (tức con của sâu) quên mình, vì con sâu hy sinh, anh em sâu ơi, vì con sâu quên mình!
Tác giả gửi Quê Choa
__________________________
1] Xem văn kiện các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam tại http://www.cpv.org.vn/cpv/index.html.
[2] ” Xem Trần Đình Huỳnh, Thư gửi Đại hội, Vietnamnet, 3/8/2011, tại http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/4754/thu-gui-dai-hoi.html
[3] Ví dụ, xem phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên
khai mạc Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày
7/5/2012, tại http://www.cpv.org.vn/cpv/index.html.
[4] Thông qua vào ngày 23/12/2003, với tiêu đề: “Về một số vấn đề cơ
bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Xem toàn văn
(bản tiếng Việt) tại http://www.cpv.org.vn/cpv/index.html.
[5] Xem loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lát cắt 13 năm, tài liệu đã dẫn.
[6]Tài liệu trên.
[7] Xem toàn văn (bản tiếng Việt) văn kiện này tại http://www.cpv.org.vn/cpv/index.html.
[8]Xem loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lát cắt 13 năm, tài liệu đã dẫn.
[9] Xem toàn văn Quy định tại http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/daihoixi/tintuc/quy-nh-v-nh-ng-i-u-ng-vien-khong-c-lam-1.336090, truy cập ngày 15/1/2013.
[10]Xem loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lát cắt 13 năm, tài liệu đã dẫn.
[11] Xem, ‘Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy’, VietnamNet, 7/5/2011, tại http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/19800/-mot-con-sau-da-nguy-hiem-huong-gi-mot-bay-.html
[12] Xem BBC Vietnamese, 28/2/2012, Chính đốn Đảng là “chuyện cũ chép lại”, tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/02/120228_tranlam_party.shtml, truy cập ngày 15/1/2013.
[13] Xem BBC Vietnamese, 29/2/2012, Nhấn mạnh lại 19 điều cấm đảng viên, tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/02/120229_cpv_members_regulation.shtml, truy cập ngày 15/1/2013.
[14] Xem BBC Vietnamese, 2/1/2012, Chỉnh đốn Đảng để tránh sụp đổ, tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120102_party_meeting_analysis.shtml, truy cập ngày 15/1/2013.
[15] Xem BBC Vietnamese, 2/12/2012, Ông Trọng: “Kỷ luật sinh ra thù oán”, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121202_trong_public_remarks.shtml,truy cập ngày 15/1/2013.
[16] Xem BBC Vietnamese, Nghị quyết 4 chủ yếu để răn đe,tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/01/130121_nguyenphutrong_inv.shtml, , truy cập ngày 25/1/2013.