Gia D Le (Danlambao) -
Khi đưa ra Lời tuyên ngôn bất hủ của mình, anh Nguyễn Đắc Kiên đã nói
rõ là làm theo mệnh lệnh của lương tâm. Nhưng anh vẫn khẳng định một cái
bóng đen lởn vởn trên đầu nhân dân trong mấy thập kỷ qua: TÔI SỢ. Tôi
tin anh nói chân thành và hoàn toàn không có yếu tố khiêm tốn rởm đời.
SỢ nhưng vẫn làm vì MỆNH LỆNH LƯƠNG TÂM cao hơn cả NỖI SỢ vậy.
Đọc
danh sách những người đã ký, thật tình nhiều khi tôi muốn khóc. Tôi cảm
động khi thấy có hai anh em: anh - sinh viên còn em – học sinh rủ nhau
cùng ký. Tôi xúc động khi thấy một Chủ tịch xã đang tại chức vẫn ký. Tôi
mơ hồ nhìn thấy nỗi sợ đằng sau từng nét bút ký hay từng cú nhấn phím
máy tính. Nhưng con mắt lương tri của họ vẫn chòng chọc như thấu vào tâm
can và cuối cùng mãnh lực của nó đã thắng nỗi sợ. Và họ đã ký! Không gì
lay chuyển nữa! Có lẽ chúng ta hãy cùng nhau khóc mừng cho những hành
động vượt ngưỡng thiêng liêng như vậy.
Tuy
nhiên, theo tôi, ngoài Lương tâm trong vai trò chủ đạo trong việc chiến
thắng nỗi sợ thì còn một phương pháp chiến thắng nỗi sợ nữa là định
lượng và định tính nỗi sợ để tìm ra cái ngưỡng đáng sợ. Trước đây, ta cứ
mơ hồ sợ, còn bây giờ ta phân tích cái ngưỡng nào thì ta mới sợ.
Những định đề
Đầu
tiên, chúng ta định nghĩa thế nào là ngưỡng của nỗi sợ. Ngưỡng của nỗi
sợ là ngưỡng hành động của một người sống trong một chế độ với những
điều kiện xã hội nhất định mà nỗi sợ làm cho người ta không dám vượt
qua.
Định đề 1: Ngưỡng của nỗi sợ càng về sau càng cao
Giai
đoạn đầu khi một chế độ độc tài hay thế lực có mang trong mình những
mầm mống của toàn trị, độc tài lên thay chính quyền cũ vì lực quán tính
của xã hội cũ vẫn còn và vì mị dân để chứng minh cho dân thấy chế độ
mình ưu việt hơn chế độ cũ nên tuy có đàn áp nhưng cũng nương tay và
những tập quán của dân ở chế độ cũ không thể một sớm một chiều mất đi vì
thế các đường zic zac có biên độ nhỏ nhưng về tổng thể là đi xuống.
Giai
đoạn hai là khi chế độ độc tài đã được thiết lập một cách vững chắc và
nhà cầm quyền đã thành công trong việc gieo rắc nỗi sợ lên người dân một
cách khủng bố. Nhưng ở giai đoạn này, kể cả khi nới lỏng lẫn khi đàn
áp, chính quyền độc tài vẫn không có một đường lối cụ thể nào rõ ràng và
minh bạch. Và vì bản chất con người là tự do, cộng thêm trí tuệ toàn
dân là trí tuệ hơn hẳn độc tài nên đôi khi nhân dân đã lợi dụng được
những khoảng nới để hành động vượt nỗi sợ hãi. Sau những lúc như thế,
độc tài lại đàn áp dữ dội. Chính vì thế, ở giai đoạn hai này biên độ dao
động rất lớn và đây là giai đoạn người dân dễ chiếm lại những tự do đã
bị tước đoạt và lập chính quyền mới.
Những
quốc gia xui xẻo trong đó có Việt Nam lại tiếp tục đi vào giai đoạn ba.
Giai đoạn ba phải nói là giai đoạn đã định hình thế trận. Tức hai bên
Độc tài và Nhân Dân đã biết quá rõ về nhau: một bên bắt đầu sử dụng gian
kế, mưu xảo còn một bên thì lợi dụng khe hở để lách. Vì thế nên biên độ
dao động ở đây nhỏ và càng ngày càng nhỏ. Ngưỡng của sợ hãi càng ngày
càng tăng vì rất nhiều yếu tố:
-
Dân trí cao lên: đây là nguyên nhân chủ chốt nhất. Nói dân trí cao lên
là cả bên Nhân Dân lẫn bên Độc tài đều cao lên. Dân trí cao lên thì
trình độ lạng lách của nhà đối lập cao hơn, nhà đối lập am hiểu pháp
luật nhiều hơn để tìm cách chuyển tải thông tin hay hành động khôn ngoan
làm cho nhà độc tài khó có cớ để đàn áp. Trình độ bên độc tài cao lên
và thế hệ mới có học hơn lên nắm chính quyền thì sự đàn áp nếu có cũng
xảo quyệt hơn, chọn lựa hơn chứ không còn tràn lan như trước.
-
Có nhiều tấm gương dấn thân hơn: khi có nhiều tấm gương dấn thân trước
đó thì người sau làm những hành động trong hoặc trên ngưỡng một phần vì
lương tâm, một phần là để noi gương các đấng anh hùng đi trước.
-
Có nhiều điều kiện để dung hòa nỗi sợ hơn: Ví dụ, nếu nỗi sợ là sợ thân
danh bị ô uế thì nay không sợ nữa vì có rất nhiều người dân đã quá rõ
bản chất của độc tài nên họ dễ cảm thông với người dấn thân hơn hoặc
trước đây độc tài có thể kiểm soát hết đường phản biện của người bị bôi
nhọ nhưng bây giờ thì không thể. Một ví dụ rõ ràng là vụ đưa em Phương
Uyên lên nhận tội trên đài truyền hình. Em Uyên nhận tội nhưng thực tế
đó là bản cáo trạng dành cho chính quyền độc tài vì tất cả mọi người đều
biết rằng đây là vở diễn tồi. Đồng thời, nhân dân càng thấy cảm thông
với Phương Uyên hơn. Đã lâu từ khi Phương Uyên nhận tội nhưng bây giờ
vẫn không ngớt những bài viết ca ngợi em trên mạng. Tôi sẽ nói thêm về
các điều kiện dung hòa sợ hãi này khi phân tích định tính của sợ hãi.
-
Độc tài chuyển trục từ quyền sang tiền. Ở đây, tôi không cố gắng xóa đi
yếu tố quyền trong cơ cấu độc tài vì ai cũng biết quyền tiền thường
song hành với nhau. Tôi chỉ muốn nói là cán cân chuyển về phía tiền.
Trước đây khi các thành viên trong chính quyền độc tài quan tâm đến
quyền hơn thì nhóm được phân phối quyền lực rất ít và thường theo hàng
dọc, tức cha truyền con nối. Cha làm quan trong chính quyền thì rồi
chính quyền sẽ cơ cấu cho con làm quan. Tức trường ảnh hưởng của “lực
quyền” không lớn lắm. Bây giờ khi chuyển trục từ quyền sang tiền thì
giống như câu “một người làm quan cả họ được nhờ”, ngoài nhóm được phân
phối quyền lực còn một nhóm được phân phối tiền lực theo chiều dọc (cha
mẹ, con cái) lẫn chiều ngang (anh em, bằng hữu, người đối tác). Vì thế
mà trường ảnh hưởng lúc này tăng lên bội phần. Khác với những xã hội dân
chủ tiến bộ, nguồn lợi được phân phối từ quyền lực chứ không phải từ
khả năng nên dẫn đến sự không công bằng trong phân phối. Và vì trường
của lực tiền lớn nên những bất công này giữa các thành viên trong chính
quyền càng mau chóng được khoét sâu. Trước đây chỉ có mỗi lực quyền, nếu
có gì bất công thì chín bỏ làm mười còn bây giờ trường của lực tiền quá
lớn nên nếu có bất công tất vợ con, anh em, bạn bè đàm tiếu, tiếng ra
tiếng vào chửi bới người cũng là thành viên trong chính quyền giành giật
miếng lợi. Mâu thuẫn luôn luôn có cơ thoát khỏi những đoàn kết ý thức
hệ để bảo vệ chính quyền độc tài. Lúc đó sẽ có một số thành phần trong
chính quyền cổ vũ cho những đả kích, chỉ trích thành phần khác cũng
trong chính quyền. Ngoài ra, khi các quan đặt trọng về tiền thì tham
nhũng càng lên cao. Điều này thứ nhất gây nên một lực phản kháng trong
toàn thể nhân dân và lực này nâng cái ngưỡng của sợ hãi lên. Ví dụ, quan
A tham nhũng có đăng lên thông tin đại chúng, dân tình bắt đầu dấy lên
dư luận không đồng tình, nhưng sẽ có rất nhiều người đặt câu hỏi vì sao
lại có tham nhũng và họ trả lời vì độc tài không có ai kiểm soát cả…Như
vậy, dựa vào việc tham nhũng mà dân đã bắt đầu tấn công sang địa hạt
khác tức chỉ trích sự độc tài và toàn trị.
Như vậy, ở định đề này ta có thể thấy một định luật sau:
-
Ở giai đoạn 1, vì có lực quán tính của xã hội cũ và lực mị dân của độc
tài cản lại lực trấn áp các thế lực của xã hội cũ nên ngưỡng của sợ hãi
đi xuống nhưng biên độ nhỏ vì hành động nhà cầm quyền dễ đoán hơn.
-
Ở giai đoạn 2, lực quán tính không còn, ngưỡng của sợ hãi xuống tận đáy
bắt đầu chỉ còn Nhân Dân đối diện với Độc tài nhưng Độc tài lại không
biết hay không tỏ tường lắm trong việc phải làm gì. Vì thế, ngưỡng của
sợ hãi về tổng quan có đi lên nhưng biên độ giao động lớn. Giai đoạn này
có thể có lợi cho một cuộc cách mạng ngược lại để lập nên chính quyền
nhân dân nếu như nhân dân đủ khí lực và trí lực.
-
Ở giai đoạn 3, cuộc chiến bắt đầu rõ ràng hơn, minh bạch hơn và vì có
nhiều điều kiện dung hòa nỗi sợ nên càng ngày ngưỡng của nỗi sợ càng cao
với biên độ nhỏ. Giai đoạn này có lợi cho một cuộc đấu tranh bất bao
động ôn hòa để lấy lại chính quyền.
Lịch
sử Việt Nam ta những năm thế kỷ 19-20 cho thấy rõ điều đó. Nếu như nói
giặc Pháp là độc tài thực dân thì ta thấy mô hình đi đúng như thế và
cuối cùng là Pháp đã trao trả ôn hòa cho vua Bảo Đại và chính quyền Trần
Trọng Kim nhưng không may cho đất nước chúng ta là trong chính trường
lúc đó không phải chỉ mỗi vua Bảo Đại và Pháp mà còn một quyền lực đen
đúa lấp ló trong màn đêm.
Định đề 2: Ngưỡng của nỗi sợ càng cao khi càng đông người hành động trong hoặc trên ngưỡng đó.
Có
một nhận định khá hợp lý là thực ra biểu đồ ngưỡng của nỗi sợ với số
người cũng gần như biểu đồ với thời gian vì thời gian tồn tại của chế độ
độc tài càng dài thì số người phản kháng càng cao. Tuy thế, mặc dù gần
giống nhau nhưng không phải là một vì rằng có những tác nhân khác ngoài
thời gian tác động lên số đông. Ví dụ có một quyết sách gì đó của chính
phủ ảnh hưởng lớn đến người dân thì ngay lập tức sẽ có hàng triệu người
đứng lên chống đối và số người lên cao đến nỗi số lượng chống đối qua
những năm trước đó so với nó như muối bỏ bể.
Lý do ngưỡng của nỗi sợ tăng theo số người cũng rất dễ hiểu mà theo tôi có ba nguyên nhân chính:
-
Người đối kháng cảm thấy tiếng nói mình không lạc lõng. Vẫn có người
đồng hành với mình. Năng lượng phấn khích của đám đông cổ vũ từng người
trong họ.
-
Bất kỳ người đối kháng nào cũng muốn mình không phụ lòng những người
đồng hành. Bạn nên nhớ nếu họ đã đứng lên đối đầu với độc tài thì ít ra
họ là người dũng cảm và thường là trung thực và có tư cách. Vì thế việc
họ sẵn sàng dấn thân để không phụ lòng người khác là điều khá dễ hiểu.
-
Chính quyền độc tài không có khả năng đàn áp hết tất cả. Sự đàn áp như
con dao hai lưỡi. Dùng nhiều tất nó sẽ quay lại phản chủ. Nếu chính
quyền dùng bạo lực để đàn áp vài người thì không tạo ra một tiếng xấu gì
cả. Nhưng nếu đàn áp một số lớn người thì tạo ra một khối lượng khổng
lồ bất mãn với chính quyền đó là con cái, vợ chồng, anh chị em hay bạn
hữu của họ (ví dụ, bắt anh Hà Vũ thì bây giờ vợ anh, em gái anh đã đứng
lên đấu tranh. Bắt chị Minh Hằng thì bây giờ con chị lại lao vào đấu
tranh. Bắt anh Điếu Cày thì vợ con anh lại xuống đường). Còn những người
khác cũng đặt lại nghi vấn tại sao chính quyền lại đàn áp một số lớn
người như thế. Có khuất tất gì đây chăng? Câu hỏi này nếu dấy lên một
lần thì chưa thiệt hại gì nhưng nếu đàn áp nhiều thì tần số của câu hỏi
này được nêu ra trong dân chúng càng lớn. Lúc đó dân chúng sẽ tìm ra câu
trả lời của mình.
Mô
hình Đổi Mới: Là mô hình biến chuyển khá tốt. Số người phản kháng chưa
đông nhưng tác động được đến thành phần trong chính quyền. Hoặc thành
phần chính quyền tự thân thấy được cần phải đổi mới và chính bản thân họ
ảnh hưởng lên nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo cấp tiến sẽ phát động phong
trào đổi mới và cho dân chúng tự do hơn. Tác nhân chủ yếu của thay đổi
là thành phần bên trong (bên trong chính quyền độc tài). Một ví dụ rõ
nhất cho mô hình này là Chính quyền Liên Xô thời Gorbachốp.
Mô
hình Thích Nghi: Là mô hình đặc trưng cho những chế độ độc tài của xã
hội lạc hậu, chậm tiến đi lên từ chế độ phong kiến. Với mô hình này, nhà
độc tài sẽ đàn áp ở một số nội dung, nhưng đồng thời nới ở một số nội
dung khác. Dần dần tùy vào số người đối lập mà chính quyền mở dần mức độ
tự do. Thành phần đối lập cũng nương theo sự nới này mà lớn dần đi theo
đà tiến của toàn xã hội. Như vậy ta dễ thấy tác nhân chính của mô hình
này cả thành phần bên trong chính quyền lẫn thành phần đối lập. Hai chế
độ độc tài rõ nét của mô hình này là chế độ Nam Hàn thời Pac Chung Hy và
chế độ Chi Lê thời Pinochet.
Mô
hình Cách Mạng: Là mô hình đặc trưng cho những chế độ độc tài vừa đi
lên từ xã hội lạc hậu, chậm tiến của chế độ phong kiến vừa mang sắc thái
tôn giáo hay tư tưởng gì đó có tác dụng mị dân rất mạnh. Nhà cầm quyền
rất tàn bạo, không chấp nhận bất cứ một tư tưởng đối kháng nào. Đàn áp
tất cả trong chừng mực và những phương tiện mình có thể. Hành động bất
chấp văn minh, bất chấp đạo đức.
Vì
nước Việt Nam ta có đầy đủ yếu tố của một mô hình Cách Mạng nên tôi
phân tích sâu thêm mô hình này. Ta thấy mô hình này có hai đường tiềm
cận, một ngang và một dọc. Đường tiệm cận ngang dài nhất (giai đoạn này
số người gần đồng nhất theo thời gian): đây là thời kỳ đen tối, chính
quyền độc tài điên cuồng đàn áp những người bất đồng chính kiến. Một
thời gian dài tiếng nói phản kháng yếu ớt không thành hình. Thời này thì
số lượng người phản kháng tăng nhưng ngưỡng của sợ hãi không tăng
nhiều. Đường tiệm cận dọc là giai đoạn Cách mạng. Số lượng người vừa đủ
để chiến thắng nỗi sợ, độc tài cũng yếu dần đi mất sự ủng hộ lớn trong
dân chúng. Ngưỡng của sợ hãi tăng rất nhanh và đột biến so với số người.
Kẹp
ở giữa hai thời kỳ này là thời kỳ tranh chấp hay trạng thái tranh chấp.
Giống như một người khi mạnh nhất có thể bẻ 4 chiếc đũa, nhưng không
thể nào bẻ nỗi 5 chiếc. Khi số lượng tích tụ được tương đương với 5
chiếc đũa như ẩn dụ nói trên thì chính quyền độc tài hết phương bẻ gãy.
Nếu số lượng từ 1 đến 4 chiếc thì có thể bẻ gãy hoặc không (tùy vào sức
khỏe từng lúc). Vì vậy giai đoạn này là giai đoạn tranh chấp mãnh liệt
giữa lực lượng đối lập và chính quyền độc tài. Tác nhân chính cho mô
hình này chính là thành phần bên ngoài tức Nhân Dân bị áp bức. Ví dụ cho
mô hình Cách Mạng là cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập vừa rồi. Nếu không
có một động thái hay một biến động đột ngột nào thì chính ở giai đoạn
này thường xảy ra những triệu chứng lâm sàng của giãy chết và bất cứ một
cú hích nhỏ nào cũng có khả năng gây đến sụp đổ chế độ.
Theo
tôi, Việt Nam đang ở thời kỳ đầu của giai đoạn tranh chấp. Nếu biết tận
dụng thời cơ, kết hợp với truyền thông để tập hợp nhiều người trong
lòng đã có ý chán ghét chính quyền thì chúng ta có thể đẩy nhanh qua
giai đoạn cách mạng và chúng ta sẽ chiến thắng.
Định đề 3: Ngưỡng của nỗi sợ càng cao khi tập hợp những người hành động trong hoặc trên ngưỡng biết liên kết và hỗ trợ nhau.
-
Khi các nhà đối lập hỗ trợ lẫn nhau thì trường thông tin được mở rộng
ra. Nhờ trao đổi và thảo luận rộng rãi, các nhà đối lập sẽ biết nhiều
cách lách, nhiều cách lợi dụng kẻ hở của chính quyền độc tài để đấu
tranh. Nhờ có kinh nghiệm người đi trước mà nhà đối lập đã trang bị sẵn
nhiều kiến thức trong đó có kiến thức về pháp luật để tự tin hơn trong
lúc đối thoại với chính quyền độc tài.
-
Các nhà đối lập hỗ trợ nhau thì có những nỗi sợ hãi triệt tiêu được
ngay. Ví dụ, sợ mẹ già không ai chăm sóc nhưng lúc đó các bạn của họ bảo
cứ yên tâm đi chúng mình thay nhau chăm sóc cụ thì nỗi sợ này giảm đi
rất nhiều…Có những nỗi sợ hãi về tâm lý như bị chính quyền độc tài bôi
nhọ, bạn bè xa lánh, thân thuộc khổ tâm đều có thể mất đi hoặc giảm
thiểu nếu có liên kết vì lúc đó những người khác sẽ giải thích tường tận
cho mọi người biết và tất cả mọi người sẽ nhìn vào hành động của nhà
đối lập một cách thân thiện, cảm thông thậm chí là khích lệ, ủng hộ hơn.
-
Nếu biết liên kết và hỗ trợ nhau thì những yêu sách để cứu người cũng
làm cho nhà đối lập yên tâm hơn. Ngay gần đây, chúng ta đã có hai vụ rõ
ràng là vụ cứu hai bạn Hư Vô và Gió Lang Thang, cũng như vụ đám đông đấu
tranh áp lực để đòi chính quyền thả Lê Anh Hùng ra.
-
Mức độ ảnh hưởng của liên kết cũng tăng dần theo chiều rộng và chiều
sâu của liên kết. Chiều rộng có nghĩa là ta mở rộng liên kết ra, không
phải chỉ trong nhóm chúng ta hay trong tập hợp những nhóm ta yêu thích
mà còn liên kết tất cả các nhóm lại với nhau. Nếu chỉ liên kết từng nhóm
một tuy có tăng nhưng không tăng mạnh như tất cả thành phần đối lập với
chính quyền độc tài đều liên kết và hỗ trợ nhau. Ví dụ như bài trước
tôi đã viết ba thành phần chủ chốt, hiện tại chúng ta đã có sự liên kết
khá bền giữa nhóm yêu nước chống giặc Tàu với nhóm dân oan. Nếu mọi
người sẵn sàng mở lòng ra với nhóm những ngươi đấu tranh cho dân chủ nữa
thì mức độ ảnh hưởng lên cao hơn nhiều. Chiều sâu có nghĩa là sự liên
kết trở nên mật thiết hơn đến độ các thành viên trong nhóm trở thành anh
em, ruột thịt với nhau. Phải nói nhóm biểu tình chống Trung Quốc xâm
lược đã chứng tỏ được sự liên kết mật thiết này. Như biểu đồ dưới chỉ rõ
chúng ta có cơ hội làm dịch giai đoạn tranh chấp vào trong và làm ngắn
nó lại.
Định đề 4: Ngưỡng của nỗi sợ càng cao khi dân trí hoặc khả năng truyền thông của dân chúng lên cao.
Dân
trí ở đây là nói chung cho cả quan lẫn dân. Trình độ của nhà đối lập
lên cao thì họ biết sử dụng những phương pháp nào hiệu quả nhất, họ sáng
tạo nhiều phương pháp hơn, họ đấu tranh bài bản hơn, biết kết hợp nhiều
thành tố liên quan với nhau như kinh tế chính trị, pháp luật và truyền
thông. Trình độ của quan lên cao thì vì giữ bộ mặt của mình các quan
cũng cố tỏ ra dân chủ ở một số lĩnh vực, thậm chí với bản chất độc tài
nên họ nghĩ cứ để cho dân làm việc này việc nọ thì không bao giờ dân có
thể qua mặt họ được. Chính sự không tiên liệu và khinh thường khả năng
của nhân dân đã dẫn đến diệt vong bao chế độ độc tài. Trình độ những
người thành phần thứ ba (coi như không liên quan trong cuộc đấu tranh
giữa độc tài và thành phần đối lập) lên cao thì họ không bị mị dân nữa,
sự bôi nhọ của chính quyền đối với nhà đối lập ít tác dụng hơn. Cha mẹ,
anh em, bạn hữu của nhà đối lập thay vì trước đây xa lánh, khinh rẻ nhà
độc lập thì bây giờ tự hào về họ. Nếu họ có mệnh hệ gì thì chính những
người này ít thì căm ghét chế độ hơn, nhiều thì xông xáo tiếp bước trên
con đường của nhà đối lập. Hoặc nhờ thế mà lúc chính quyền độc tài cấm
hoặc phong tỏa kinh tế nhà đối lập thì có những người thuộc thành phần
thứ ba sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
Một
trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ngưỡng của nỗi sợ là truyền
thông. Trước đây, người ta bịt miệng, trói tay chân bạn lại và mắng sa
sả bạn là đồ phản quốc, gián điệp mà bạn không có cách gì khác để đáp
lại; thì bây giờ khả năng truyền thông đã lên cao nên bạn có nhiều cách
đưa những phản biện của bạn đến nhân dân. Thậm chí không cần bạn làm
điều đó mà những người cùng chí hướng của bạn sẽ làm điều đó.
Khả
năng truyền thông cao cũng góp phần đưa dân trí và nhận thức của nhân
dân lên cao thì nhà cầm quyền khó lòng mà mị dân đồng thời điều này ngăn
ngừa không cho chính quyền độc tài đàn áp đối lập một cách ngang ngược,
thiếu sự tôn trọng nhân dân. Ví dụ vụ bắt em Nguyễn Phương Uyên vừa rồi
là cú tát mạnh vào bộ mặt vốn đã đen đúa của chế độ.
Định đề 5: Ngưỡng của nỗi sợ của cá nhân hoặc tổ chức càng cao nếu địa vị của họ trong xã hội càng cao.
Điều
này quá dễ hiểu. Khi địa vị cao thì tầm ảnh hưởng rộng. Chính quyền
cũng phải e ngại khi đàn áp vì thứ nhất gây bất mãn đến một số lượng lớn
dân chúng, thứ hai là không thể ém nhẹm. Đàn áp một Phật tử Phật giáo
Hòa Hảo thì không ai biết, xử quấy quá bậy bạ cũng không ai hay. Nhưng
đàn áp một trí thức như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến sỹ Nguyễn Quang A
thì hàng triệu người biết và ém nhẹm là việc làm không tưởng. Bởi thế,
người ta rất dễ bắt anh nông dân chỉ chửi anh chủ tịch xã cướp đất của
anh ta nhưng lại khó có thể bắt nhà trí thức chỉ trích Thủ tướng làm
việc kém gây thất thoát nghiêm trọng đến tài sản quốc gia.
Định đề 6: Khi đất nước tham dự vào càng nhiều các quy chế của thế giới thì ngưỡng của nỗi sợ càng cao.
Độc
tài thường hay bất chấp đạo đức, văn minh và lương tri. Họ thường hay
nhổ toẹt vào những điều họ đã cam kết, đã đặt bút ký. Tuy nhiên, với mục
đích lòe thiên hạ, lòe các thành phần ấu trĩ ngây thơ ở trong nước lẫn
thế giới thì khi ký kết vào một quy chế thế giới nào đó rồi, độc tài
cũng đành chấp nhận một số mục nào đó của quy chế. Vì vậy, ngưỡng của sợ
hãi cũng tăng lên.
Ngoài
ra, trên thực tế ngưỡng của sợ hãi đã lên cao hơn nhiều nhưng do dân
chúng không có thói quen hành xử một cách bài bản nên bị lấp lú bởi một
số sợ hãi ảo. Ví dụ, trên nguyên tắc những người bị chà đạp nhân phẩm có
thể kiện lên tòa quốc tế, tòa án nhân quyền Strassburg... nhưng rất ít
người dùng biện pháp này vì sợ nhiêu khê. Một thói quen sợ hãi không
đáng có. Ví dụ, chị Bùi Minh Hằng đã đủ điều kiện để kiện chính quyền
Việt Nam ra tòa thế giới vì chính quyền đã đưa chị vào trại phục hồi
nhân phẩm không lý do, anh Lê Anh Hùng cũng thế. Đặc biệt nhóm Công án
Bia Sơn nếu họ hoặc thân nhân họ cùng đứng đơn kiện chính quyền Việt Nam
thì xác suất thắng rất lớn vì có khía cạnh ăn cướp tài sản của chính
quyền.
Một
khi chính phủ đã tham dự vào những quy chế của quốc tế thì dù là chính
phủ sắt máu đến đâu (trừ những chính phủ ốc đảo như Bắc Triều) cũng phải
tôn trọng án tòa. Nếu không thì rất đơn giản tòa ra lệnh phong tỏa tài
sản, cấm các quan chức đi lại,…
Một
chiến thắng của một nhà đối lập trước chính quyền độc tài ở phiên tòa
quốc tế một mặt ép chính quyền hành động một cách trách nhiệm và văn
minh hơn; lúc đó chính quyền sẽ chùn tay hơn trong những quyết định đàn
áp khác. Mặt khác, cổ vũ cho phong trào đối lập vì họ được trang bị thêm
một vũ khí hữu hiệu để bắt chính quyền hành xử đúng mực.
Qua
phân tích các định đề và áp dụng cho thực tiễn Việt Nam có thể thấy
được Việt Nam đang nằm trong giai đoạn cuối của chế độ độc tài và đang ở
thế tranh chấp giữa Nhân dân yêu chuộng tự do dân chủ với chính quyền
Đảng trị độc tài. Đã xuất hiện một số triệu chứng giãy chết: như kêu án
quá nặng cho các nhà dân chủ, như bắt em Nguyễn Phương Uyên, đàn áp
những người yêu nước chống quân xâm lược Trung Quốc và gần đây nhất là
trò phát hành Phiếu lấy ý kiến đóng góp dự thảo Hiến Pháp... Ở trên, tôi
có viết “bất cứ một cú hích nhỏ nào cũng có khả năng gây đến sụp đổ chế
độ”. Chính vì không biết cú hích nào sẽ là cú hích chung cuộc nên hợp
lý nhất là các nhà đối lập phải tận dụng hết tất cả các cơ hội không nên
nản lòng, buông xuôi.