Cộng đồng mạng đã xuất hiện phong trào ủng hộ nhà báo Nguyễn Đắc Kiên
Nhà báo tự do Trương Duy Nhất nói với BBC rằng ông ‘ủng hộ’
hành động của ông Nguyễn Đắc Kiên và cho biết trong nước ‘có
rất nhiều nhà báo’ cũng có cùng suy nghĩ như ông Kiên.
Trước đó, hôm 26/2, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã bị Ban biên
tập báo Gia đình và xã hội sa thải vì đã đăng tải bài viết
phản biện lại Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi người đứng
đầu Đảng lên án ý kiến đòi sửa đổi điều 4 Hiến pháp là ‘suy
thoái đạo đức’.
‘Tôi không dám viết’
“Thật tình khi đọc cái đó tôi bất ngờ lắm,” ông Nhất nói,
“Là một nhà báo đã từ bỏ thẻ nhà báo rồi tôi cũng không dám
viết những điều như anh Kiên viết huống hồ anh Kiên còn trong
biên chế nhà nước.”
Ông cũng nói ông ‘ủng hộ’ hành động của ông Kiên vì ‘xã hội
cần những con người như anh Kiên’ mà ông mô tả là ‘người không
sợ’.
“Anh Kiên thừa biết hậu quả xảy ra nên việc đó (bị đuổi
việc) đối với anh là nhẹ chứ chẳng có gì bất ngờ,” ông Nhất
nói, “Điều đó chứng tỏ rằng con người ta có những lúc khát
khao phải nói lớn hơn chuyện công việc. Tù tội cũng chẳng là
cái gì cả.”
Cũng theo ông Nhất thì những bạn bè nhà báo mà ông trao đổi ‘phần lớn đều ngả mũ kính phục anh Kiên’.
“Họ không dám nói ra thôi nhưng trong thâm tâm họ kính phục,” ông cho biết.
Khi được hỏi các nhà báo trong nước có những người có suy
nghĩ như ông Nguyễn Đắc Kiên hay không, ông Nhất nói là ‘có rất
nhiều’, trong đó có cả ‘lãnh đạo và đảng viên’.
“Không phải là người ta không biết nghĩ đâu nhưng họ có dám
vượt qua nỗi sợ hãi để viết những câu chữ như thế không lại
là chuyện khác,” ông nói.
“Cũng như tôi cũng nghĩ được nhưng để viết như ông Kiên mặc dù là nhà báo tự do tôi cũng không dám viết.”
‘Vai trò kích hoạt’
Nhà báo tự do Trương Duy Nhất
Ông Nhất cũng cho rằng với bài viết gây tiếng vang của mình,
ông Kiên sẽ ‘kích hoạt’ để cho những người làm báo ‘vượt qua
nỗi sợ hãi’.
“Tôi tin rằng sẽ có nhiều người,” ông nói, “Ông Kiên chỉ là
một giọt nước và tôi nghĩ sẽ có những giọt nước khác.”
“Từng giọt nước rót rồi dần dần sẽ đầy.”
Riêng về động thái kỷ luật buộc thôi việc ông Kiên của báo
Gia đình và xã hội, ông Nhất nói rằng ông không đồng ý với ông
Kiên rằng ‘trong tình thế đó thì Ban biên tập phải làm như
vậy.”
“Riêng điều đó tôi không nghĩ như anh Kiên. Nhiều nhà báo cũng
nói như anh Kiên phải thông cảm cho ông tổng biên tập thế này
thế nọ,” ông nói.
“Nếu nói như thế thì các ông tổng biên tập đã không vượt qua được nỗi sợ hãi như anh Kiên,” ông nói thêm.
Theo ông Nhất thì trong tình huống như thế, tổng biên tập nếu
đủ tâm, đủ ý chí và đủ tài năng thì vẫn thuyết phục được
cấp trên không kỷ luật ông Kiên vì ‘sẽ gây hại cho nhiều phía’.
“Động thái kỷ luật đó rất dở cho chính quyền và chỉ có tác động ngược,” ông Nhất nhận xét.