Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Nhân viên công lực và tinh thần thượng tôn pháp luật

Nguyễn Văn Thạnh

Tâm thế người lính
Có câu chuyện tiểu lâm nói về tâm thế người lính:
Vị tướng TQ muốn khoe với vị tướng Mỹ về sự dũng cảm của người lính mình, bèn nói: Này anh lính, trước mặt anh là một đồn địch kiên cố, anh thể hiện lòng dũng cảm mình thế nào?
- Thưa chỉ huy, tôi sẽ liều chết xông chết, nhằm thẳng quân thù nhả đạn, tôi nguyện hi sinh cho tổ quốc.
Vị tướng Mỹ quay sang người lính mình hỏi: Này anh lính, anh thể hiện lòng dũng cảm của mình thế nào trong tình huống trên.
- Thưa ngài, tôi sẽ kiện ngài ra tòa án binh vì tội lạm dụng xương máu người lính.
Người tướng Mỹ quay sang nói với vị tướng TQ: Ngài thấy đấy, đây là một người lính dũng cảm thật sự. Người biết hành động theo lý trí và dám kiện cả cấp tướng của mình.

Đây có thể là câu chuyện tiểu lâm, tuy nhiên nó phản ánh tâm thế của người lính. Tuy là người thực hiện theo mệnh lệnh của chỉ huy nhưng không phải vô điều kiện. Anh ta là một con người phải biết suy nghĩ xem lệnh đó có đúng luật không? Anh ta phải được luật pháp bảo vệ để tránh bị lạm dụng biến thành một con robot, giật dây bởi cấp trên, gây nguy hiểm cho xã hội. Tên diệt chủng Polpot không thể có ba đầu sáu tay để tàn sát 2 triệu dân Camphuchia trong vài năm, hắn hoàn toàn nhờ vào đội quân robot này. Kẻ độc tài dù có uy quyền đến đâu nhưng không có tay chân vâng lệnh vô điều kiện thì không thể trở thành kẻ khát máu được.
Muốn vậy ngoài việc có một thống pháp luật qui định cụ thể chức năng và quyền hạn của anh ta thì anh ta phải là người am hiểu pháp luật và phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Anh ta thực thi mệnh lệnh là để chấp pháp chứ không phải vì quyền uy cấp trên. Anh phải biết từ chối thực hiện những mệnh lệnh sai trái.
Chúng ta sống hàng ngàn năm trong chế độ quân chủ chuyên chế, nơi mà người lính chỉ có một công việc duy nhất là làm theo lệnh quan tướng, sai đâu làm đó, sai giết dân, đàn áp dân cũng làm. Nếu có thể thì cũng chỉ qui trách nhiệm cho quan tướng còn lính thì vô can. Ngày nay chúng ta sống trong thời đại dân chủ, việc như vậy là không thể chấp nhận được. Nhân dân dân không thể chấp nhận việc phân bua của người lính là “hãy hiểu cho tôi, tôi chỉ là lính, là lính thì phải thực hiện lệnh của cấp trên, tôi còn mẹ già, con dại để nuôi”. Mọi người lính phải chịu trách nhiệm hành vi của mình trước quốc pháp. Pháp luật là công bằng cho mọi người. Đây là một nhận thức mới mà mỗi người chấp pháp nên có và người dân cũng nên biết.
Vấn đề của đất nước
Thời gian qua, nước ta nổi lên nhiều vấn đề về luật pháp và thực thi luật pháp. Nhiều vụ việc xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do của công dân, đẩy nhiều công dân vào oan khiên, tan nhà nát cửa. Họ khốn khổ đệ đơn kêu oan, đa số là nhắm vào cấp ra quyết định, mà cấp này thường là quan to nên khó khăn muôn phần. Ta thấy đến liên hợp quốc cũng không xử nổi bọn cầm đầu diệt chủng Polpot huống chi một thảo dân ở xứ này.
Một ví dụ nổi trội là bà Bùi Thị Minh Hằng, một công dân đang sống tại Vũng Tàu. Năm 2011 vì thực hiện quyền công dân trong việc nói lên tiếng nói phản kháng lân bang xâm phạm bờ cõi, ức hiếp ngư dân-xin nhắc lại biểu tình là một quyền chính đáng của công dân-bà bị chủ tịch HN ra quyết định cưỡng chế đi học tập cải tạo 6 tháng. Đây là một quyết định vi hiến vì hiến pháp đã ghi rõ “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (điều 72 HP 1992). Người thực thi quyết định cũng vi phạm nghiêm trọng qui định của luật tố tụng hình sự, họ bắt cóc bà, đưa lên máy bay, cho vào trại giam (dù có gọi là trại giáo dục thì bản chất nó không thay đổi), hành động như một băng đảng chứ không phải là nhân viên chấp pháp quốc gia.
Từ một người làm ăn thành đạt, hành động sai trái của nhân viên công lực đã đưa đến bà đến ngã rẽ oan nghiệt: danh tiếng bị hủy hoại, công ăn việc làm phá sản, gia đình tan nát. Hàng năm trời lênh đênh đi đòi công lý. Cánh cửa công đường luôn đóng chặt trong im lặng. Công dân điêu đứng, nhân viên chấp pháp vô can. Đây là một lỗ hổng lớn đưa đến bất công. Điều này là không thể chấp nhận được.
Kết luận
Để có cuộc sống bình yên, tinh thần thượng tôn pháp luật được tôn trọng, thực thi thì cần phải có chế tài tất cả những cá nhân có liên quan đến những hành động sai luật. Từ người ra quyết định, đến người thực thi. Tất cả đều phải có trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thưởng thỏa đáng cho thiệt hại do mình cùng gây ra. Đây cũng là một hình thức phân lập quyền lực để tránh lạm quyền.
Bà Bùi Hằng không chỉ kiện người đứng đầu ra quyết định mà cần phải kiện tất cả những người có liên quan đã tiếp tay xâm phạm, làm thiệt hại đến cuộc sống của bà. (Tương tự anh Vươn không chỉ kiện người ra quyết định cưỡng chế sai mà tất cả nhân viên công lực đi phá nhà anh cũng phải có trách nhiệm bồi thường). Hành động này của bà không chỉ đòi công lý cho mình mà còn góp phần trừ một hậu họa to lớn mà dân tộc có thể gặp phải trong tương lai. Đó là kịch bản đen tối: nhà cầm quyền ra lệnh xả súng vào dân, người lính thực thi mệnh lệnh với lý do là chấp hành mệnh lệnh cấp trên! (Thiên An Môn Trung Quốc là một bài học nhỡn tiền mà ta cần chiêm nghiệm).

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"