Tôi nghĩ chúng ta đang vô tình làm giảm đi ý nghĩa của nhiều từ
quan trọng bằng cách sử dụng tùy tiện khắp nơi, chẳng hạn như tình bạn,
tình yêu hoặc là dân chủ, tự do.
Này ông,
Tôi đã định không comment, nhưng chứng kiến góc nhìn hẹp trong cái note mới của ông được củng cố thêm bởi một dàn quạt lớn quạt nhỏ, tự nhiên tôi muốn nói vài lời.
Tôi "like" note của ông bởi vì tôi thấy khá rõ chỗ ông đứng, từ đó
ông nhìn ra và quan sát đám đông, và tôi cũng chia sẻ cảm giác khó chịu
của ông nữa. Ai có đầu óc tỉnh táo một chút vào FB của anh Kiên mấy hôm
nay mà không khỏi có cảm giác nhột nhạt, gai người vì sự tung hô nhiều
phần quá trớn trong đó. Tôi lại cũng hiểu được cái mà ông muốn nói đến
khi ông kể chuyện mắm tôm, vì chính ông kể tôi nghe chuyện này rồi.
Thế nhưng tôi nhìn thấy ngay là ông gom hết tất cả vào một rọ. Rằng
hơn ngàn rưỡi friends mới của anh Kiên trong ba ngày hôm nay đều rặt một
đám ếch ngồi xa lông ấy cả. Rằng nhiều người trong số họ đều toan toan
tính tính, không nhỏ thì lớn, không ít thì nhiều. Rằng đám đông thật nực
cười, thật đáng khinh bỉ, thật đáng nghi ngờ. Ông thử dừng lại nghĩ
xem, sẽ thế nào nếu đó không phải là sự thực, hoặc chỉ một phần nhỏ của
sự thực?
Tôi thấy ngay là ông không mấy thông cảm. Ông không thông cảm cho sự
tuyệt vọng, sự bất lực, sự thèm khát được có ai đó nói hộ mình điều mình
thực sự nghĩ, sự sung sướng vỡ òa vì tìm được người đó. Anh ta có thể
chưa khớp với tiêu chuẩn anh hùng của ông, nhưng lại khớp với tiêu chuẩn
của hàng ngàn người khác. Ông không thông cảm cho cái chỗ họ đứng, cho
cái cách họ cảm và họ nghĩ, cho phản xạ rất bản năng của họ. Tất cả
chúng ta đều hướng sáng, hướng thượng. Trên cánh đồng làng tối như hũ
nút này, một tia sáng dù nhỏ cũng đủ để hút nhiều triệu cánh côn trùng
rào rào đầy hy vọng. Có thể ông không thèm bay. Có thể ông là hoa hướng
dương đợi mặt trời lên mới thèm quay mặt. Nhưng nếu mặt trời chưa lên và
sẽ còn lâu nữa mới lên thì sao? Ông không thể ngồi đó dè bỉu châu chấu
cào cào mãi được. Việc đó không tạo ra bất cứ giá trị mẹ gì hết.
Tôi thấy ngay là ông quá cynical*, như lâu nay ông vẫn vậy.
(Tôi phải dùng tiếng Anh vì không có một từ hàm đủ tất các nghĩa mà tôi
muốn trong tiếng Việt). Cách ông chống lại và phê phán mọi thứ, nếu dừng
lại ở mức độ giễu nhại, như văn ông viết hoặc cách ông bình trên
lacai.org, thì rõ ràng rất thú vị và sắc bén. Nhưng nếu đi thêm một bước
nữa, để thắp lên một cái gì, mở ra một cái gì, xây nên một cái gì, thì
tôi chưa thấy. Nói như bạn gì vừa viết rì viu cho sách của ông, rằng “Người
viết bài này không đồng ý với GS Trần Hữu Dũng ở một điểm. GS cho rằng,
thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay khác Holden Caulfield ở chỗ “Nhưng họ vẫn
lạc quan… Ngay trong cái vẻ bất cần chua chát của thế hệ Phan An là sự
tin tưởng ở một tương lai rạng rỡ hơn”. Không đồng ý, bởi đơn giản người
viết không tìm thấy thứ ánh sáng mà ông nói trong cuốn sách này. Mở đầu
đầy giễu nhại chán chường, kết thúc vẫn vậy.”
Tôi cũng đã từng rất cynical khi tôi làm trang biếm họa
Toeloe, đó là lý do tôi dừng không làm nữa. Tôi nhận ra rằng cái cười mà
tôi đã tạo ra là những cái cười mếu máo chua chát, những cái cười cay
đắng khổ ải, những cái cười đi kèm với tiếng thở dài và vị đắng ngắt
trong lòng. Nhưng – đau khổ hơn và kinh hoàng hơn – tôi nhận ra rằng
không phải tôi tạo ra những tiếng cười đó mà chính chúng đã tạo ra tôi,
rằng tôi không thể tạo ra được cái gì ngoài chúng, và tôi không thể
thoát khỏi chúng. Điều đó đẩy tôi vào tình trạng hết sức khủng hoảng.
Tôi chỉ muốn im lặng, dù đôi khi, như một tên nghiện đang giảm dần liều,
tôi vẫn phải nguệch những cái cười cay đắng như thế.
Quay lại cái note của ông, điều làm tôi giật mình khi đọc comments là có người nhắc đến hai chữ nhà văn và human.
Họ nhắc đến, nhưng tôi không chắc họ hiểu cho thấu đáo tường tận. Tôi
không chắc có ai trong tất cả chúng ta ở đây hiểu cho hết được ý nghĩa
của human và sứ mệnh của nhà văn. Tôi nghĩ chúng ta đang vô tình làm
giảm đi ý nghĩa của nhiều từ quan trọng bằng cách sử dụng tùy tiện khắp
nơi, chẳng hạn như tình bạn, tình yêu hoặc là dân chủ, tự do. Tôi tin
rằng chúng ta mường tượng được chỗ chúng ta muốn đến, nhưng cũng tin
rằng để phát biểu, để khẳng định như thể chúng ta đã đến nơi rồi là một
sai lầm.
Lý do khiến tôi ngồi đây, bỏ ra hơn tiếng đồng hồ để viết mấy dòng
này, là vì lâu lắm rồi tôi không nói chuyện tử tế với ông. Tôi nhớ cuộc
nhậu trên tầng 5 chung cư Sơn Kỳ ba bốn năm về trước, khi ông bảo rằng
“tôi với ông kiểu gì ít nhất cũng có một thằng nổi tiếng”. Hài nhỉ. (Tự
nhiên tôi nhớ đến câu “bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm”). Dù đến
bây giờ vẫn chưa có thằng nào đủ nổi tiếng để cười vào mặt sự nổi tiếng,
hay để làm được những thứ quái quỷ gì mà ta muốn làm, nhưng rồi cái
ngày ấy sẽ đến, không sớm thì muộn. Vả lại, rốt cuộc nó đến hay không
cũng không quan trọng bằng việc ta sống những ngày trước mắt đủ hồn
nhiên, và còn bạn bè.
Thôi tôi lảm nhảm cũng đã dài. Đây tôi chép tặng ông đoạn này, trích từ tiểu luận về Faulkner trong cuốn “Con đường sáng tạo”:
“Chính trong thời gian đau ốm, chúng ta không được phép bi quan. Cũng vậy chính trong thời đại bi thảm, chúng ta phải chấm dứt mọi triết lý bi đát. Đó là sự đề kháng cần thiết. Đoạn văn dưới đây không phải chỉ là đoạn mở đầu tầm thường của một cuốn “dâm thư” bị lên án nhiều lần ở đầu thời đại chúng ta. Nó phải được coi là một phương châm.
“Thời đại chúng ta cốt yếu là một thời đại bi thảm, bởi thế chúng ta từ chối coi nó một cách bi thảm. Cuộc đại biến động đã xẩy ra, chúng ta đang ở giữa những đổ nát, chúng ta bắt đầu xây dựng những nơi cư trú nhỏ bé mới, có những hy vọng nhỏ bé mới. Đó là công việc khó nhọc nhằn: bây giờ không có một con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai: nhưng chúng ta đi vòng quanh hay bò qua những trở ngại. Chúng ta phải sống, thây kệ biết bao nhiêu bầu trời đã sụp.”
(Ours is essentially a tragic age, so we refuse to take it tragically. The cataclysm has happened, we are mong the ruins, we start to build up new little habitats, to have new little hopes. It is rather hard work: there is now no smooth road into the future; but we go round, of scramble over the obstacles. We’ve got to live, no matter how many skies have fallen.) - D.H. Lawrence, Lady Chatterley’s Lover, p.1.